Có nhiều truyền thuyết về gốc tích của Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, nhất là qua các ngọc phả thần tích và các điển tích, các đền phủ của tín ngưỡng Tam-Tứ Phủ, đền thờ Ông cũng như qua các bản văn chầu.
Có một truyền thuyết tương đối phổ biến qua thần tích và ngọc
phả đền Đồng Bằng thờ Vua cha Bát Hải về gốc tích của Ông như sau:
Ông là người con trai thứ năm trong một gia đình người lái
đò trên dòng sông Vĩnh, phủ Ninh Giang (nay thuộc Hải Dương) thời Hùng triều thập
bát (Hùng Duệ vương). Tuy tuổi tác đã cao mà vợ chồng ông lái đò chưa có người
con trai nối dõi, trong một lần ông bà bắt được bào thai, bên trong có một ổ trứng
trắng liền mang về nhà. Trải 9 mùa trăng đi qua, vào một ngày trời đầy mưa
giông, bão táp, 9 quả trứng nứt vỏ và 9 con rắn ra đời, ngày tháng đi qua, lũ rắn
cũng lớn dần lên.
Năm ấy, đất nước có giặc ngoại xâm, vua Hùng phải lập đàn cầu
khẩn các vị Thần linh giúp sức, lại sai sứ giả đi chiêu tập hiền tài huấn luyện
binh sĩ. Nghe tiếng loa truyền, 9 con rắn hoá thành 9 chàng trai cao to, vạm vỡ,
cùng vào yết kiến nhà vua xin tham gia tiễu trừ quân giặc.
Chín anh em nhất hô, bách ứng kéo theo cả thuồng luồng, thuỷ
quái ra trận, chỉ một ngày đánh tan giặc, đất nước được trở lại thanh bình. Vua
Hùng truyền lệnh khen thưởng, phong cho 9 chàng trai đó là 9 ông Hoàng.
Ngày 22/8 năm Bính Dần, bỗng có một vầng hào quang chói loà,
9 chàng trai đều hóa trở lại thành 9 con
rắn trở rồi trở về với dòng sông Tam Kỳ. Từ đó dân làng tưởng nhớ, truy ơn nên
lập 9 ngôi đền thờ các dũng tướng đã giúp vua diệt giặc ở dọc hai bờ sông, từ bến
đò Tranh đến tận cửa biển Diêm Điền và đền Đồng Bằng cũng là nơi thờ người cha
chèo đò trên bến sông thuở ấy, với duệ hiệu Trấn Tây Tam Kỳ giang linh ứng,
Vĩnh Công đại vương, Bát Hải động đình gọi nôm là vua cha Bát Hải.
Một truyền thuyết khác thì kể rằng: Ông là người con trai thứ
năm của vua cha Bát hải Động đình.
Ông giáng dưới thời Hùng Duệ Vương (Hùng Triều Thập Bát), trong một gia đình ở phủ Ninh Giang (nay là Hải Dương). Ông là một vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh
thuỷ bộ, được vua Hùng Duệ Vương giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh, qua đó Ông
đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong Công hầu.
Ông có tình cảm với một người thiếu nữ xinh đẹp, nàng là vợ
lẽ của một viên quan, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh chồng chung nên nàng
cũng đáp lại tình cảm của Ông mà không hề nói cho Ông biết là nàng đã có chồng.
Ông vẫn đinh ninh đó là một mối tình đẹp, hẹn ngày rước nàng về làm vợ.
Đến khi viên quan kia biết chuyện, đã vu cho ông tội quyến
rũ vợ của mình. Ông bỗng nhiên mắc hàm oan và bị phạt đem đi đày lên chốn Kì
Cùng, Lạng Sơn, trong bản văn trầu có câu ca sau:
“…Ngày hai nhăm tháng năm bắt đày chốn sơn cùng thủy kiệt,
Oan vì tuyết nguyệt bởi lòng ái ân…”
Tại bến sông Kỳ Cùng, để chứng tỏ bản thân mình vô tội, ông
trầm mình xuống dòng sông Kỳ Cùng mong rửa oan. Hồn Ông trở lại quê nhà, hiện
thành đôi bạch xà và được một vợ chồng ông bà lão nông bắt được đem về nhà nuôi
nấng như thể con mình.
Khi viên quan phủ biết chuyện ông bà lão mua gà để nuôi đôi
bạch xà, liền bắt ông bà lão phải lên cửa công chịu tội và đòi giết đôi bạch
xà. Hai ông bà lão vông cùng thương xót, nên đã xin thả rắn xuống dòng sông
Tranh, kì lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà xuống thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy
dữ dội.
Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để
chống Nam Việt ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chính chỗ dòng xoáy đó, thuyền
bè không tài nào qua được, không những thế lại còn có cơn giông tố nổi lên giữa
dòng. Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo xin Ông thì lập tức sóng
yên biển lặng, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to.
Để tưởng nhớ công đức, vua Thục giải oan cho Ông và phong là
Giảo Long Hầu. Sau này Ông còn nhiều lần hiển thánh linh ứng, có phép nhà trời,
cai quản âm binh, giúp dân trừ tà sát quỷ, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.
Câu chuyện truyền thuyết về: “ Truyện ông Dài, ông Cụt”
Xưa kia, có hai vợ chồng già làm ruộng, một hôm đi ra ngoài
đồng, thấy hai quả trứng lạ liền nhặt đem về nhà. Được ít lâu thì hai quả trứng
nở ra hai con rắn rất khôn lanh, hai vợ chồng đi tới đâu chúng nó thường bò
theo đó. Hai người không con nên cứ nuôi chúng xem như là con, thường ngày chăm
bẵm, cho ăn uống tử tế.
Một hôm, người chồng đang cuốc vườn thi vô ý cuốc đứt một
khúc đuôi của một con. Sau đó, vợ chồng mới đặt tên hai con rắn là con Dài, con
Cụt. Khi hai con rắn lớn lên, chúng ăn rất tợn, nhà nghèo không đủ nuôi, chúng
thường đi bắt trộm gà, chó của hàng xóm mà ăn. Hai vợ chồng lo lắng không nuôi
nổi, nên đã đem thả xuống sông Tranh, bây giờ thuộc Hải Dương.
Hai anh em rắn Dài và Cụt được Thủy Vương nhận làm thuộc hạ
và giao cho cai quản cả một vùng sông rộng. Rắn Cụt tính khí dữ tợn hơn rắn
Dài, chúng hoành hành khắp vùng, làm cho dân chúng phải khiếp sợ nên gọi tên là
ông Dài và ông Cụt. Lắm khi chúng bắt cả người, cướp súc vật là chuyện thường
hay xảy ra, các ghe thuyền qua lại trên khúc sông thường bị ông Cụt nổi lên
đánh sóng dữ tợn làm cho đắm.
Cha mẹ nuôi của ông Dài, ông Cụt thỉnh thoảng lại phải ra bờ
sông van lơn xin hai con đừng làm hại người, chúng cũng nghe theo được ít lâu rồi
đâu vẫn hoàn đấy.
Có lần hai vợ chồng họ Trịnh đi thuyền qua đó, ông Cụt thấy
người vợ là Dương Thị nhan sắc xinh đẹp, muốn bắt về làm vợ, liên cho sai hai
người con gái bưng lễ vật đến hỏi cưới. Nghe vậy hai vợ chồng hoảng sợ bỏ thuyền
chạy lên bờ trốn tránh, nhưng rồi ông Cụt vẫn cho thuộc hạ theo dõi.
Thừa lúc trong một đêm mưa gió, ông Cụt đã bắt được Dương Thị
đem về dưới Thủy Phủ. Sáng ngày hôm sau, người chồng phát hiện ra, chạy theo dấu
ra đến bờ sông thì chỉ còn thấy quần áo của vợ trút bỏ lại đó.
Người chồng không biết làm thế nào, đành ôm hận đi tìm người
dạy phép tắc thần thông để trừ diệt ông Cụt. Một hôm, họ Trịnh gặp một ông già
ngồi bói ở chợ, lân la hỏi mới biết ông chính là Bạch Long Hầu, tức là Thần Mưa
ở dưới Thủy Cung. Bạch Long Thần rẽ nước mời người đàn ông họ Trịnh về nhà mình
chơi ở dưới biển, giúp bàn việc kiện ông Cụt với Long Vương.
Họ Trịnh đưa cái thoa của vợ nhờ người nhà Bạch Long Hầu làm
của tin để có thể dò tìm Dương Thị nơi ở dưới Thủy Phủ.
Khi đã bắt liên lạc được với Dương Thị rồi, họ Trịnh bèn nhờ
cậy Bạch Long Hầu đưa chàng đến Long Vương để tố cáo tình địch đã cướp vợ mình.
Long Vương cho đòi ông Cụt tới, ban đầu ông Cụt còn chối cãi, toan làm dữ với họ
Trịnh, nhưng đến khi Dương Thị ra kể lại sự tình bị ông Cụt bắt cóc, ép duyên,
thì họ Trịnh liền kiện được thắng.
Long Vương xử cho nàng Dương Thị được trở về mặt đất với chồng,
con của nàng sinh với ông Cụt thì giao lại cho ông Cụt nuôi. Sau đó, Ông Cụt bị
lưu đày đến ở sông Kỳ Cùng, nay thuộc về Lạng Sơn.
Ngày ông Cụt bị Long Vương cho giáng chức đi đày, các loài
thủy tộc đi theo tiễn chân ông đầy cả một khúc sông. Được biết hiện nay gần cầu
Kỳ Lừa trên bờ sông Kỳ Cùng có ngôi đền thờ tên là “ Thần sông nước bị đuổi” từ
huyện Vĩnh Lại đất Hồng Châu lên, được nhiều du khách đến chiêm bái và cầu tài
cầu lộc.
Đền thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh
Điện thờ phụng quan Đệ Ngũ Tuần Tranh
Các đền thờ Quan Ông bao gồm các đền sau: Đền Tuần Tranh, Hải
Dương và Đền Kỳ Cùng Lạng Sơn
Quan Lớn Tuần Tranh cũng được thờ ở rất nhiều nơi nhưng phải
kể đến hai nơi nổi tiếng bậc nhất thì phải là Đền Ninh Giang và đền Kỳ Cùng.
Ninh Giang là đất anh hào
Linh thiêng dũng mãnh ai nào sánh hơn
Đời đời non nước ghi ơn
Quan tuần bảo vệ non sơn nước nhà
Thanh niên cho tới người già
Thành tâm bái yết ông trục tà cho
Đời đời sẽ được ấm no
Quan tuần lẫm liệt ông cho thái hoà
Bóng ông lịch sự nhất toà
Cứu nhân độ thế trung hoà nước non
Đền Ninh Giang được lập bên bến sông Tranh thuộc xã Tranh
Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn nay thuộc thị trấn Ninh
Giang, tỉnh Hải Dương (là nơi quê nhà của Ông, nơi Ông trấn giữ duyên hải sông
Tranh và cũng là nơi Ông đã hiển tích) và đền Kỳ Cùng được lập bên bến sông Kỳ
Cùng ở xã Vĩnh Trại – Châu Thoát Lãng, nay thuộc TP Lạng Sơn (cầu Kì Lừa là nơi
ông bị đi lưu đày). Đền Tranh hay còn có tên gọi khác là đền Quan lớn Tuần
Tranh.
Ngày tiệc chính của Quan Ông là ngày 25/5 âm lịch hàng năm
(là ngày ông bị lưu đày và dặn nhân dân quê Ông làm giỗ vào ngày này), ngoài ra
vào ngày 14/2 âm lịch, các đền thờ Ông cũng mở tiệc đón ngày đản sinh của Quan.
Lễ hội tại đền Tranh
Đền Tranh một năm tổ chức ba mùa lễ hội: Hội tháng 2, từ
ngày 10 đến 20 tháng 2, trọng hội vào ngày14 là ngày sinh của Quan Lớn Tuần
Tranh, đây là hội chính được hàng năm. Hội vào tháng 5, từ ngày 20 đến 26 tháng
5, trọng hội vào ngày 25 là ngày hoá của Đức thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô
rộng lớn, thu hút được nhiều du khách các tỉnh phía Bắc và là một trong những hội
lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các
thành phố, bởi thế khách thập phương về đây rất đông. Không chỉ trong những
ngày hội (thường kéo dài tới 7 ngày) mà những ngày thường cũng không ít du
khách thập phương đến lễ và không thể thiếu những tiết mục hát chầu văn.
Đền Kỳ Cùng Lạng Sơn
Nửa thế kỷ trôi qua, trải qua những thăng trầm qua hai cuộc
chiến tranh, đền Tranh được tôn dựng lại trên địa phận thôn Tranh Xuyên xã Đồng
Tâm. Không những thế, đền còn được mở rộng rất nhiều, bên cạnh còn có chùa
Tranh mới được xây dựng thêm. Vì thế nên không chỉ ngày hội mà ngày thường
khách đến lễ cũng rất đông.
Tượng thờ Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh tại đền Kỳ Cùng
Đền hiện nay có 11 ban thờ bao gồm:
1- Ban thờ Phật
2- Ban thờ Thánh mẫu
3- Ban thờ Ngọc hoàng Thượng đế
4- Ban thờ Ngũ vị tôn ông
5- Ban thờ Tứ phủ chầu bà (Thiên phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ, Nhạc
phủ)
6- Ban thờ Quan lớn Tuần Tranh
7- Ban thờ Sơn trang.
8- Ban thờ Động chúa sơn lâm
9- Ban thờ Thành hoàng: Quý Minh và Vũ Đô Mạnh
10- Ban thờ Mẫu địa
11- Ban thờ Đức thánh Trần
Phần hội ở đây được tổ chức rất giản dị nhưng vô cùng phong
phú và hấp dẫn. Những lời văn khấn ở đây hầu hết được viết thành thơ và được thể
hiện bằng điệu chầu văn rất mượt mà và tinh tế. Vì thế nên có thể nói, lễ hội đền
Tranh là lễ hội hát chầu văn.