Quán Huyền Thiên, tên chữ là Huyền Thiên cổ quán, sau khi vua Lý Thái Tổ xây Trấn Vũ quán ở Hồ Tây thì quán ở hồ Tay Ngai trở thành "cổ quán", ngày nay dân gian vẫn quen gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Thuộc địa phận khu phố cổ Hà Nội, quán Huyền Thiên nằm giữa phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân.
Thời Lê là đất thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc, huyện Thọ
Xương. Phố này trước đây là nơi tập trung bán các loại khoai. Tên phố thời Pháp
thuộc là “Rue des Tubercules” (phố Các Củ). Sau Cách mạng tháng Tám, gọi là phố
Hàng Khoai.
Tam quan chùa Quán Huyền Thiên năm 1936
Bên trong Huyền Thiên Cổ quán. Ảnh chụp năm 1936
Lịch sử di tích
Tương truyền quán Huyền Thiên được lập từ thời Lý và sớm nổi
tiếng là một trong “Thăng Long Tứ quán” của đạo Lão. Quán vốn là nơi thờ Huyền
Thiên Thượng Đế, vị thần trấn phương Bắc còn được thờ ở đền Quán Thánh và vài
nơi khác tại kinh đô. Trong quán có một pho tượng của Ngài bằng gỗ quý.
Câu đối ở Huyền Thiên cổ quán:
卓異至今聞黄龍夢叶赤絹騰空山聖碑銘皇越史
雄奇不世出昏玉祥徴青魚跡化福神祠列古梅洲
Trác dị chí kim, văn hoàng long mộng diệp xích quyên đằng
không, sơn thánh bi minh Hoàng Việt sử
Hùng kỳ bất thế, xuất hôn ngọc tường trưng thanh ngư tích
hóa, phúc thần từ liệt Cổ Mai châu.
Các sách “Thăng Long cổ tích khảo”, “Hà thành linh tích cổ lục”
đã từng nhắc đến bốn ngôi quán nổi tiếng của Thăng Long là Huyền Thiên cổ quán,
Trấn Vũ quán, Đế Thích quán, Đồng Thiên quán. Quán Huyền Thiên là nơi thờ Huyền
Thiên thượng đế, một trong những vị Thánh tiêu biểu của thần điện Lão giáo.
Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên là vị thần có nhiệm
vụ trấn giữ phương Bắc, người xưa cho rằng phía đông có thần Thanh Long biểu hiện
cho mùa xuân, phía nam có thần Chu Tước biểu hiện cho mùa hạ, phía tây có thần
Bạch Hổ biểu hiện cho mùa thu, biểu hiện cho mùa đông là thần Huyền Thiên ở
phía bắc.
Thần Huyền Thiên được thờ ở nhiều nơi, riêng Hà Nội đã có Trấn
Vũ quán ở Quán Thánh (Ba Đình), đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn (Gia Lâm), Huyền Thiên
đại quán ở Thụy Lâm (Đông Anh) và Huyền Thiên cổ quán ở phường Đồng Xuân...
Cũng theo sử sách đã ghi thì tục thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đã
xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Thần vốn là Thánh của Đạo giáo, lại là thần của
người Việt nên nơi thờ đúng là Huyền Thiên quán.
Cuối thời Lê sơ, đạo Lão suy, đạo Phật thịnh, dân trong thôn
đưa tượng Phật vào thờ chung. Rồi từ đó quán chuyển thành chùa, dân quen gọi là
chùa Quán Huyền Thiên. Văn bia "Trùng sáng Huyền Thiên bi minh" mang
niên hiệu Vĩnh Tộ 10 ghi rõ rằng vào hồi đó (năm 1628) nơi đây đã có 13 gian thờ
Phật, thờ Mẫu và thờ thần Huyền Thiên.
Tấm bia “Trùng sáng Huyền Thiên bi minh” niên hiệu Vĩnh Tộ
(1628 - 1669) có ghi “... Đây thuộc về phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, Phụng
Thiên... quán này là Huyền Thiên cổ quán... Phía đông gối vào sông Nhĩ Hà trắng
xoá, phía tây nhìn sang non Tản xanh lơ, phía nam có cầu Hà Kiều, phía bắc có
chùa Hồng Phúc, thật là thắng tích... Quán có từ thời Lê Thiệu Bình thứ 7
(1439)”. Bia cũng cho biết thời gian này quán đã có 13 gian với cung thờ Phật,
thờ tiên và pho tượng Huyền Thiên bằng gỗ trầm. Đây cũng là niên đại tu sửa
quán sớm nhất được biết đến. Quán Huyền Thiên đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần.
Tấm bia dựng năm Cảnh Trị 6 (1668) đời vua Lê Huyền Tông
ghi: quán được tô tượng, trùng tu tam quan, gác chuông, hành lang, thiêu hương,
thượng điện, tương Tự như kiểu các ngôi chùa lớn thời Trần-Lê. Lại được “đúc
chuông mới và san khắc sách Thánh đạo giáo kinh khoa, cả thảy 4 quyển lưu tại bản
quán”. Việc trùng tu với quy mô lớn lần này là do chính chúa Trịnh ban lệnh chỉ,
nên có các cung tần trong phủ chúa cùng quan lại trong triều đóng góp công đức.
Tượng thần Huyền Thiên. Photo ©NCCông 2023
Thời tiếp theo cũng có nhiều danh sĩ đến chùa này vịnh cảnh,
trong đó có tiến sĩ Trần Bá Lãm (1775-1858) với bài thơ được dịch như sau:
“Xe hạc năm nao nay đã khuất
Nam du vết cũ mọc rêu phong
Thôn hoa ẩn hiệu trang còn đó
Luyện thạch gò xưa nắng rọi hồng”
Thời Tây Sơn chùa được trùng tu và đúc chuông vào năm Cảnh
Thịnh 1 (1793). Đến thời Nguyễn, nhà chùa lại cho cất thêm 7 gian nhà hậu vào
năm Tự Đức 21 (1868). Đầu thế kỷ XX thực dân Pháp đã cho lấp hồ, mở rộng phố
xá, quán Huyền Thiên cũng bị thu hẹp.
Năm Bảo Đại thứ 5 (1930) quán Huyền Thiên được mở rộng như
hiện nay, phần lớn các hạng mục được xây dựng lại. Trong những ngày đầu kháng
chiến chống Pháp, quán Huyền Thiên cũng bị tàn phá nặng nề. Pho tượng Thần bằng
gỗ trầm bị cháy. Năm 1948 nhân dân trong thôn cùng khách thập phương quyên góp,
quán được xây dựng lại. Đầu thế kỷ XXI, di tích lại được trùng tu tôn tạo lớn.
Huyền Thiên cổ quán có bố cục kiểu “Nội công ngoại quốc”,
các dấu tích kiến trúc, mỹ thuật hiện còn, đều mang dấu ấn của những lần tu sửa
năm 1930, 1948. Nghi môn - gác chuông 2 tầng là một kiến trúc gạch nổi bật nhất
trong toàn bộ các công trình của quán, mang đậm nét của lối kết cấu cổ truyền.
Sau nghi môn là sân quán với hai nhà bia lớn và hai giếng
(tương truyền là hai giếng cổ thiên tạo). Tiếp theo là phần nội công vẫn còn
nguyên vẹn với nhà bái đường 7 gian, có kiến trúc theo kiểu vọng lâu hai tầng,
tám mái, đây cũng là nơi đặt pho tượng thần Huyền Thiên. Thiêu hương là một toà
nhà chạy dọc mang tính chất như thượng điện nối với 2 gian nhà ngang phía sau,
áp hai tường hồi quán là dãy hành lang, nay dùng làm nhà khách.
Cổ vật lịch sử
Hai bên sân trước nhà bái đường có 2 bia đá lớn được đặt
trong nhà bia. Tấm bia cổ mang niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668) bị vỡ nứt, nhiều chữ
không còn. May rằng bản rập đã được Học viện Viễn đông Bác cổ cho in trước năm
1945, hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia cho biết quy mô kiến trúc của
ngôi chùa quán thời đó cùng nhiều thông tin khác. Ngoài ra còn có 40 tấm bia to
nhỏ khác nhau khắc chữ Hán Nôm được ốp lên tường dọc theo hai bên tòa bái đường
và chính điện.
Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều tượng Phật giáo, tượng
Thánh, tượng Mẫu, tượng đạo Lão cùng các đồ tế khí và trang trí đẹp đẽ. Điện Phật
ở sau bái đường được thiết đặt trang nghiêm với nhiều pho tượng gỗ có giá trị
nghệ thuật như tượng hai vị Hộ pháp cao 3m và tượng các vị Bồ tát: Quán Thế Âm,
Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, v.v... Điện Mẫu ở trong hậu cung cũng được bài
trí đầy đủ các tượng.
Tam quan chùa Quán Huyền Thiên. Photo ©NCCông 2015
Một quả chuông nặng 500kg, cao 1m60, đúc năm Cảnh Thịnh 1
(1793) và treo ở gác chuông sau cổng. Cũng như các minh văn thời Tây Sơn khác,
dòng niên đại Cảnh Thịnh ở đây bị đục bỏ vào thời Nguyễn. Lại có mấy chục văn
bia quốc ngữ, chủ yếu khắc sau năm 1954.
Câu đối cổ trong Huyền Thiên Cổ quán
Hàng năm, tại quán Huyền Thiên có hai ngày lễ lớn ngày 3
tháng ba và ngày 9 tháng chín âm lịch...
Với tính chất của một ngôi quán thờ Thánh (theo quan niệm
Lão giáo) lại vừa là một ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu (theo tín ngưỡng
dân gian), sự kết hợp hài hoà trong kiến trúc và tôn giáo đã làm Huyền Thiên cổ
quán trở thành một điểm văn hoá cảnh quan độc đáo trong quần thể các di tích nổi
tiếng của khu phố cổ và thủ đô Hà Nội.
Quán Huyền Thiên đã
được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm
2007./.