Quán Lương Sơn, xã Đông Sơn, Chương Mỹ. Hà Nội, thờ phụng ba vị nam tướng thời Hai Bà Trưng là Đặng Cả, Đặng Hai, Đặng Ba. Các ông là Tả Hữu tiền lộ tướng quân. Ngôi mộ của các ông vẫn được trông nom thờ phụng ở phía tây của làng.
Xã Đông Sơn thuộc huyện Chương Mỹ, diện tích là 7,48 km²,
dân số năm 1999 có 8.276 người, mật độ dân số đạt 1.106 người/km². Giao thông
thuỷ bộ thuận tiện với sông Tích và đường quốc lộ QL6, lại có 2
tuyến xe bus 72 và 116 đi qua. Xã hiện nay bao gồm 9 thôn: Lương Sơn, An
Sơn, Gốt Thượng, Đông Cựu, Thanh Trì, Yên Kiện, Thôn Gốt, Thôn Đông, Quyết Hạ.
Từ nội thành Hà Nội, du khách đi về BĐX Yên Nghĩa - Hà Đông
để lên xe bus số 72, đến Ngã 3 Yên Kiện - Quốc Lộ 6 thì chuyển sang xe bus số
116 rồi xuống ở trạm dừng “Trước Ngã 3 Thôn An Sơn 50m”. Sau khi đi tiếp 750m
theo hướng đông, du khách sẽ nhìn thấy cổng quán cạnh nhà Văn hoá thôn Lương
Sơn.
Lược sử
Quán Lương Sơn có từ thời Hậu Lê. Theo cuốn ngọc phả
do quan Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hông Phúc nguyên niên
(1572) và sau được chép lại năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì trong
quán có thờ tam vị thành hoàng gồm 3 anh em ruột làm tướng của Hai Bà
Trưng.
Ngọc phả ghi rằng xưa kia có vợ chồng ông Đặng Long
và bà Phạm Thị Phương dời đất Đường Lâm đến sống tại trang Khang
Kiện gần Lương Sơn. Ông làm thầy đồ dậy học, ban đầu bà chỉ có một
cô con gái.
Về sau nhờ tích đức nên dù tuổi cao vẫn sinh được 3
con trai, đặt tên là Đặng Cả, Đặng Hai, Đặng Ba. Lớn lên 3 anh em học
giỏi và tập hợp trai tráng luyện võ tại Đồng Lang, Đồng Núi. Khi Hai
Bà Trưng khởi nghĩa, họ kéo nhau về Hát Môn hưởng ứng, được phong
tướng và lập nhiều chiến công.
Năm 43 quân Hán lại sang xâm lược. Ba ông thua trận
chạy về núi Thiên Quyết rồi lập đồn phòng ngự ở Đồng Lang, Đồng
Núi, án ngữ sông Tích. Ngày 10 tháng Một âl. họ cùng hoá. Sau này
nhân dân đã lập miếu phụng thờ và ngôi mộ hiện vấn được trông nom
cẩn thận ở phía tây thôn Lương Sơn.
Kiến trúc
Công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng rãi có
nhiều cổ thụ. Cổng quán xây kiểu nghi môn với tứ trụ đắp câu đối
chữ Hán. Sau cổng là một sân lớn, tiếc rằng cái ao ở đây đã không
còn. Tiếp theo là toà tiền tế 3 gian 2 chái, mặt trong mở vào một
sân nhỏ có nhà hữu vu và cửa ngách.
Rồi đến toà đại bái cũng chia làm 3 gian 2 chái, rộng
18,9m vả sâu 4,33m, bốn mái chảy lợp ngói ri, các đầu đao cong mềm
mại, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Các bộ vì làm
theo kiểu giá chiêng, dựa trên 3 hàng chân cột gỗ và 1 hàng chân cột
đá. Phía sau là toà hậu cung kết nối với gian giữa toà đại bái
thành hình chuôi vồ. Nhìn chung quán Lương Sơn mang dáng dấp kiến trúc
và phong cách trang trí của các đình đền thời Nguyễn.
Năm 1991, quán đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp
hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Tuy nhiên qua thời gian
dài, đến nay di tích đã bị xuống cấp nặng và đang chờ đợi ngày
được trùng tu.