Quán Sông, làng Vân Côn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây là ngôi quán thờ Thành Hoàng làng cùng như ở đình là nữ danh tướng Ả Lã Nàng Đê thời Nhị vua Hai Bà Trưng. Tương truyền khi tuẫn tiết thi thể bà đã dừng ở đây, khi rước hội cũng rước ở đây.
Thần tích của nữ danh tướng Ả Lã Nàng Đê tương đồng với thần
tích của Nhị vua Hai Bà Trưng. Quán thờ tên hiệu Thánh Bà Trấn Quốc Uy Linh Quốc
Vương Thiên Tử, cũng có em trai là quốc công, cùng vua Trưng Trắc đánh giặc hy
sinh và trôi về Vân Côn rồi Phú Hạng.
Vân Côn là một ngôi làng cổ nằm ở ngoại thành Hà Nội với những
nét đặc trưng rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên, cơn bão đô thị hóa đã vùi lấp những
nét cổ xưa ấy đi và thay vào đó là nhiều nhà tầng khang trang, đường làng đổ bê
tông và nườm nượp xe máy. Nếu không có ngôi đình, gốc đa, ao cá và giếng nước
giữa làng thì chắc hẳn mọi người sẽ không thể tin rằng ở đây còn lưu giữ được một
truyền thống cổ xưa đến thế.
Dù kinh tế đã phát triển, nhiều giá trị truyền thống xưa bị
mai một. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, hỏi bất cứ ai ở hai làng này, từ già đến
trẻ về tục lệ kết nghĩa anh em, trai gái không được lấy nhau có từ lâu đời giữa
làng Vân Côn và làng Phú Hạng thì ai cũng đều vanh vách kể lại được.
Tương truyền rằng, khi xưa trước khi cuộc khởi nghĩa của Hai
Bà Trưng diễn ra, từ tướng đến quân đều đến dòng sông Hát Môn mà thề rằng: “Một
xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”… Nhị vua Hai Bà
Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) đã nhận được sự ủng hộ của toàn dân cùng sự giúp
sức của các nữ tướng kiệt xuất như: Thánh Thiên, Lê Chân, Thiều Hoa, Ả Đã, Ả
Túc, Ả Lã Nàng Đê, Bát Nàn…
Mọi người đều thề một lòng theo hai nữ tướng đến cùng. Để giữ
trọn lời thề, khi cuộc khởi nghĩa thất bại, các tướng quân đã cùng Hai Bà Trưng
trẫm mình xuống dòng Hát Môn.
Trong số những tướng của Hai Bà Trưng trẫm mình xuống sông
thời đó, có nữ tướng Ả Lã Nàng Đê. Thi thể của bà đã trôi từ dòng Hát Môn xuống
Hát Giang (tức sông Đáy ngày nay), đến đoạn Vân Côn thì ở lại đó. Thời ấy vì lo
chạy giặc, mặt khác lo sợ bị liên lụy, người dân không ai dám bén mảng đến xác
của bà. Về sau xác của bà trôi xuống đến thôn Phú Hạng, người dân nơi đây cũng
lo lắng, sợ hãi không kém.
Nhưng, cảm phục trước tinh thần yêu nước của vị nữ tướng
này, nhân dân hai làng đã bất chấp nguy hiểm vớt xác bà lên để an táng. Tuy
nhiên, vì hai làng khác nhau, nên mỗi làng có một miếu thờ riêng, ở Vân Côn lấy
tên là Quán Sông, còn Phú Hạng đặt tên Quán Ngọ. Và cũng từ đó, hai làng tôn bà
là Mẫu rồi kết nghĩa anh em, sống hòa thuận với nhau cho đến tận bây giờ.
Quán Sông, đền thờ phụng danh tướng Ả Lã Nàng Đê
Đến thời Lê, đình làng Vân Côn được xây dựng và nữ tướng Ả
Lã Nàng Đê được đưa vào đình thờ cùng 3 vị thánh, còn Quán Sông vẫn còn, nhưng
chỉ mang tính chất tượng trưng.
Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, cả hai làng đều mở hội
tưng bừng nhằm tưởng nhớ đến công ơn của nữ tướng Ả Lã Nàng Đê. Theo đó, ở Phú
Hạng cứ vào ngày mồng 6, tháng Giêng, ở Vân Côn vào ngày 12/2 (âm lịch) lại tổ
chức rước kiệu.
Cho đến tận bây giờ, sau hàng trăm năm làng Vân Côn và làng
Phú Hạng vẫn giữ nguyên lời thề: Trai gái hai làng tuyệt đối không được cưới
nhau.
Cho đến tận bây giờ, sau hàng trăm năm làng Vân Côn (xã Vân
Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và làng Phú Hạng (xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội)
vẫn giữ nguyên lời thề: Trai gái hai làng tuyệt đối không được cưới nhau.
Nhiều khách lạ đến làng nghe chuyện tưởng đó là kết quả của
một mối thâm thù truyền kiếp, đời đời ngăn sông cách chợ, hoặc chí ít nó cũng
liên quan đến lời nguyền độc địa nào đó. Tuy nhiên, họ đều sai cả. Việc “kiềng”
mặt, trai gái không lấy nhau của hai làng lại là một nét văn hóa dị biệt “có một
không hai”. Và chính điều này đã làm cho hai làng trở thành một “đại gia đình”.
Lời thề làng cổ
Hỏi chuyện những cụ già nhất làng, cũng không ai có thể nhớ
rõ tập tục này có từ bao giờ, lịch sử và nguồn gốc không còn văn bản nào ghi lại.
Thế nhưng, người ta vẫn răm rắp làm theo phong tục ấy bằng một thái độ nghiêm cẩn
và coi đó là một quy định thiêng liêng. Đây chính là tục kết chạ, nghĩa là kết
nghĩa anh em giữa hai làng.
Không ngoa khi khẳng định làng Vân Côn và Phú Hạng là một đại
gia đình lớn nhất Việt Nam. Vân Côn có 2.453 nhân khẩu và Phú Hạng có 2.732
nhân khẩu. Mọi khó khăn, ngọt bùi đều được hai làng chia sẻ cho nhau. Mọi người
đều tôn trọng lẫn nhau, hai làng đều dành cho nhau những tình cảm tôn trọng, đến
nỗi dù là người già thế nào, nhưng khi gặp bất cứ ai dù già hay trẻ, dù trai
hay gái ở làng kia cũng đều tôn kính nhún mình lễ phép chào… anh cả.
Nhờ sự truyền dạy tỉ mỉ của đời trước cho đời sau, nên tình
nghĩa giữa hai làng ngày càng bền chặt, từ các cụ già người còn, người mất, đến
lớp trẻ dù ở nhà hay đi xa, mọi người vẫn đều có ý thức cùng gìn giữ truyền thống
tốt đẹp có một không hai này…