Đền Kê Thượng thuộc thôn Côn Lăng Thượng, Ninh Vân, Hoa Lư thờ vọng Hùng Vương Quốc Tổ và Đức Tản Viên Sơn Thánh. Đền Kê Hạ thuộc thôn Côn Lăng Hạ thờ Nguyệt Nga Công Chúa, con gái vua Hùng. Đền Miễu Sơn dưới chân núi Miễu (Núi Đồng Đọ) thuộc làng Phú Lăng, thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại Vương, danh tướng của vua Hùng.
Xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư nổi tiếng với nghề truyền thống đá
mỹ nghệ có lịch sử hàng trăm năm. Tại đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa
truyền thống, nổi bật là các đình, đền, chùa, miếu cổ, có giá trị văn hóa lịch
sử cao, đặc biệt là quần thể đền Tam Thôn: Kê Thượng, Kê Hạ và Miễu Sơn.
Đền Kê Thượng toạ lạc dưới chân núi Kim Kê (núi Gà Vàng) thuộc
thôn Côn Lăng Thượng, thờ vọng Hùng Vương Quốc Tổ và Đức Tản Viên Sơn Thánh. Đền
Kê Hạ từ toạ lạc dưới chân núi Rậm, thuộc thôn Côn Lăng Hạ (thôn Hệ), thờ Nguyệt
Nga Công Chúa tương truyền là con gái vua Hùng. Đền Miễu Sơn toạ lạc dưới chân
núi Miễu (Núi Đồng Đọ) thuộc làng Phú Lăng, thờ Tam vị Đức Ông (Tản Viên, Cao
Sơn, Quý Minh) là những vị tướng của vua Hùng.
Tuy không có bia ký, sách vở ghi chép lại thời gian xây dựng,
nhưng căn cứ vào đạo sắc phong sớm nhất có niên hiệu Hoằng Định thứ hai thời
vua Lê Kính Tông (1602) thì quần thể này đã được xây dựng cách đây trên 400
năm.
Mặt trước đền Kê Hạ.
Quần thể Đền Tam Thôn có ba quả núi độc lập. Hai quả núi có
hình như hai con gà khổng lồ, nhân dân địa phương gọi là Kim Kê (Gà vàng). Một
quả ở làng Côn Lăng Thượng gọi là Kê Thượng. Một quả ở làng Côn Lăng Hạ gọi là
Kê Hạ. Còn Miễu Sơn thuộc làng Phú Lăng có hình một con sư tử lớn. Dưới chân ba
quả núi có ba ngôi đền gọi là đền Kê Thượng, Kê Hạ và Miễu Sơn.
Đây là một cụm kiến
trúc bằng đá, lộ thiên không có mái. Cả ba ngôi đền đều tựa lưng vào núi. Phía
trước đền có một giếng nước lớn là nơi tụ thủy. Bên cạnh giếng của đền Kê Hạ
còn có “vết chân thần” in vào một phiến đá, nhân dân địa phương cho là thần đã
giáng trần.
Cổng đền được tạo bởi bốn cột đồng trụ bằng đá. Hai bên tường
đá, có hai bàn đá để sửa lễ ở giữa có một nhang án đá được chạm trổ Tứ linh, Tứ
quý. Cụm kiến trúc Kê Thượng, Kê Hạ, Miễu Sơn gắn liến với nghề chạm khắc đá ở
thôn Côn Lăng, thể hiện tài năng của nghệ nhân xưa, từ cổng, tường, cột trụ,
bàn thờ, bát hương cuốn thư, con rồng, con hổ ... đều bằng đá.
Cổng đền Kê Thượng
Không gian thờ tự tại đền Kê Thượng
Đền Miễu Sơn
Không gian thờ tự tại đền Miễu Sơn
Hội đền Kê Thượng, Kê Hạ, Miễu Sơn có tục “cấm trống”, “động
trống” và tục lệ cỗ chay vào đầu xuân của làng Côn Lăng. Tương truyền, một lần
Tản Viên Sơn Thánh và Quý Minh cầm quân đi đánh giặc, bị quân Thục vây kín. Hai
ông cho người vào chùa Kim Kê để lễ Phật, cầu mưu.
Đêm đó, Tản Viên Sơn Thánh được Phật bảo cho mưu cao. Ông cho
quân sĩ ăn Tết, từ mùng 3 tết Nguyên đán, tất cả đều im bặt tiếng trống, ngả cờ,
đóng chặt cửa thành, không ra vào nữa.
Quân Thục cho là quân của Sơn Thánh ăn Tết, rồi nhớ nhà sinh
ra chán nản, trễ nải việc quân. Từ đó, quân Thục cũng chủ quan. Bỗng nhiên,
đúng 12 giờ đêm ngày 10 tháng giêng, Tản Viên cho quân trống rong cờ mở, nhất tề
xông ra. Quân Thục không kịp trở tay, bị đánh tan tành. Tản Viên hội quân, khao
thưởng.
Từ đó, ở đền thờ Tản Viên có tục “cấm trống” từ mồng 3 đến mồng
10 tháng giêng và lễ “động trống” vào giữa đêm mồng 10. Mỗi kỳ lễ hội hàng năm,
bao giờ cũng có một lễ chay để cúng Phật tại chùa Kim Kê và ngày mồng 10 tháng
giêng, mỗi khi ở đền nổi 3 hồi trống mở đầu lễ hội, thì ở chùa cũng nổi 3 hồi
trống.
Hội đền Kê Thượng, Kê Hạ, Miễu Sơn diễn ra vào ngày 10 tháng
3 hàng năm tưởng nhớ các vị tướng thời Hùng Vương, một hình thức nhớ về cội nguồn
dân tộc.
Nhang án đá – di tích đền Kê Hạ
Sự linh thiêng của ba ngôi đền này cũng được nhân dân thường
truyền tụng. Hiện nay, cả ba ngôi đền Thượng Kê, Hạ Kê, Miễu Sơn còn lưu giữ 42
đạo sắc phong của các triều đại
Rồng đá thời Lê, di tích đền Kê Thượn.
Với giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, đền Kê Thượng, Kê Hạ và Miễu Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia
năm 1997.