Đình Thạch Cầu, phường Long Biên thờ phụng Thành hoàng làng là 2 thần tướng của Thánh Tản Viên, Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương, hai anh em sinh đôi từ thời Hùng Vương thứ 18. Chùa Thạch Cầu thờ Phật.
Quần thể di tích Đình – Chùa Thạch Cầu, trước kia thuộc thôn
Thạch Cầu, xã Chí Minh, Tổng Gia Thuỵ, phủ Thuận an, trấn Kinh Bắc. Đến thời
Nguyễn là Tỉnh Bắc Ninh.
Cuối năm 1947, xã Cổ Linh đổi tên thành xã Phi Trường. Đầu
năm 1949, tỉnh Bắc Ninh sát nhập thôn Thạch Cầu và thôn Lâm Du xã Chí Minh vào
xã Phi trường và đổi tên thành xã Long Biên.
Di tích Đình Thạch Cầu tại tổ 1 Thạch Cầu, phường Long Biên,
nằm bên bờ sông Hồng, cách Trung tâm Hà Nội khoảng 2,5 km, qua cầu Chương Dương
khoảng 2 km theo đường Bát Khối (đê Long Biên – Bát Tràng), thấy một cửa khẩu
Đê là đầu ngõ Phố Thạch Cầu, đi khoảng 300m, rẽ ngõ 56 khoảng 350m là quần thể
di tích Đình Thạch Cầu, toạ hạ trên nền đất cao về hướng Nam.
Trước mắt một ngôi đình cổ được kết cấu theo kiểu chữ Tam gồm
Đại bái 5 gian, Trung Đình và Hậu cung 3 gian, được kết cấu theo kiểu thượng chồng
giường giá chiêng và hạ kẻ, phí trước là sân Đình, giếng đình, nghi môn; Bên
trái Đình là khu kho, bếp.
Đình Thạch Cầu có từ bao giờ ? hiện các tư liệu còn lưu giữ
tại Đình cũng không thể hiện được niên đại năm khởi dựng; Theo các cụ cao tuổi
trong làng cho biết thì Đình Thạch Cầu được khởi dựng vào đầu thời Nguyễn rất rộng
lớn, đến năm 1923 năm nước lớn Đình bi trôi dạt toàn bộ phần khung, kết cấu kiến
trúc chỉ để lại phần trân cột bằng đá có đường kính 0,5 – 0,6m. Đến năm 1987
nhân dân đã khôi phục và khởi dựng lại ngôi Đình khang trang như ngày nay.
Đình Thạch Cầu và các vị Thần, Thành Hoàng làng được phong
thờ 2 vị tướng phò Thánh Tản Viên là: Cao Sơn và Quý
Minh là hai anh em sinh đôi từ thời Hùng Vương thứ 18, trong một gia đình
thi lễ, học hành thông mẫn, võ nghệ kỳ tài khó ai sánh nổi. Khi hai ông 2 tuổi
thì cha mẹ đều mất cả.
Thời đó, vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu lệnh cho các châu, huyện,
đạo để tuyển chọn những người có tài năng đức độ ra làm quan lãnh binh đánh dẹp
giặc ngoại xâm. Hai ông thấy vậy bèn cùng xin về triều ứng tuyển.
Vua thấy hai ông có tài văn võ hơn người, liền tuyển và lệnh
cho hai ông giữ chức chỉ huy sứ. Tuy được đội ơn mưa móc của vua, nhưng hai ông
không quên cha mẹ - việc tang gia thờ cúng đều rất chu đáo tâm thành. Lại
nói: vua Hùng sinh được 4 người con (hai con trai và hai con gái). Nhưng sau đó
hai người con trai đều yểu mệnh mất sớm, còn hai người con gái khi đến tuổi trưởng
thành Hùng Duệ Vương gả một người cho Chử Đồng Tử, một người gả cho vị tướng họ
Nguyễn tên Tùng và truyền ngôi cho.
Cùng khi đó ở đất Ai Lao lại có người họ Thục tên Phán, vốn
là dòng dõi nhà Hùng, sau khi phân nhánh được sang trị vì đất này và đổi họ,
nghe tin Hùng Duệ Vương truyền ngôi cho con rể, Thục Phán đã sinh lòng ghen tức,
bèn đem quân sang xâm lược.
Hùng Duệ Vương lấy
làm lo lắng, liền cho vời Sơn Thánh vào chầu, Cao Sơn-Quý Minh đến lĩnh mệnh và
được phong làm tả-hữu tướng quân, tiên phong lên đường dẹp giặc Thục ở miền
Đông Bắc. Hai ông Cao Sơn và Quý Minh vâng mệnh lên đường, trống dong cờ mở rợp
trời.
Khi tới miền Đông Bắc, lộ Bắc Giang thì trời đã xẩm tối, nên
hai ông đã hạ trại đóng quân tại đây. Thấy vùng đất này có nhiều lợi thế cho việc
quân cơ, hai ông truyền lệnh cho quân dân thiết lập luỹ đồn để đánh giặc. Một
hôm đang ngủ trong bản doanh, hai ông đều mộng thấy có thần dân ở trang khu tới
xin trợ giúp cho các ngài.
Sáng ra hai ông làm lễ bái yết và cho khao thưởng quân sỹ.
Dân thôn thấy vậy nô nức hưởng ứng giúp đỡ. Cao Sơn và Quý Minh nói với phụ lão
trang khu rằng: Ta vâng mệnh thiên tử giúp nước an dân, đem quân tới đây lập đồn
luỹ bố phòng đánh giặc, lại được nhân dân giúp đỡ, thổ thần phù trợ, vậy ta cho
vàng bạc để nhân dân trang khu lập miếu từ thờ phụng mãi mãi về sau.
Quả vậy, sau đó hai ông đã dẹp tan giặc Thục, thiên hạ từ đó
được thanh bình, quốc gia vô sự. Sơn Thánh dâng biểu tâu với vua rằng: Nay Thục
đã bình xong, vua cho mời hai danh tướng Cao Sơn và Quý Minh và các tướng sỹ
khác về triều để mở yến tiệc khao thưởng, phong tặng những người có công lao to
lớn.
Hai ông tuân lệnh hồi
triều và cũng tâu với vua rằng: Chúng tôi vâng mệnh bệ hạ cầm quân lên miền
Đông Bắc, đạo Bắc Giang trấn giữ đồn luỹ để dẹp giặc, được thần phù trợ và nhân
dân trong vùng hưởng ứng, nên đã giành được thắng lợi trở về, nay xin báo đáp.
Vua nghe xong bèn cho y chuẩn. Hai ông bái tạ rồi trở về nơi đóng quân lập đồn
luỹ khi trước.
Tới đây, hai ông được các cụ và thôn trang đến chúc mừng,
các bô lão tâu rằng: Từ khi hai ông đóng quân ở đây, dân thôn được yên nghiệp
làm ăn, ngày một thịnh vượng, anh khang. Nhân dân xin trên mảnh đất này - trước
làm nơi đồn trú, sau làm đền từ thờ cúng tưởng nhớ.
Hai ông ưng thuận và bảo với các cụ trong thôn rằng: Dân
trang khu có lòng trọng ta để truyền tới muôn đời, nhưng khi xây lập miếu từ thờ
phụng thì hãy cho linh thần sở tại phối hưởng. Hai ông ban cho dân trang khu
vàng, bạc để về sau mở rộng đền từ, ao ruộng giúp cho việc thờ cúng.
Cùng lúc đó có hai đám mây vàng phóng xuống chỗ hai ông, đây
cũng là chính là hóa của hai ông vào ngày 15 tháng 3 âm lịch. Dân trang
khu làm đơn tâu trình lên vua.
Triều đình liền lệnh cho dân trang khu làm lễ tế cúng hai
ông, đồng thời phong tước cho hai vị: Phong cho đức Cao Sơn và Quý
Minh – Thượng Đẳng phúc thần. Đình Thạch Cầu và một số Đình tại vùng Đông Bắc
được phong thờ.
Lễ hội Đình Thạch Cầu và các trò chơi dân gian: Lễ hội
Đình Thạch Cầu thường được tổ chức vào 2 ngày mùng 9 – 10/2 âm lịch hàng năm. Đến
với Lễ hội truyền thống Đình Thạch Cầu ngoài việc thực hiện các nghi thức của
phần tế lễ quan viên, dâng lễ diễn ra trong đình, chúng ta còn được thưởng thức
những làn điệu dân ca, quan họ của các đàn anh, đàn chị, những câu hát ví, hát
xoan của các bà, các cô trong nghi thức đón và dâng lễ của các tập thể, dòng họ,
quý khách, thập phương dâng lễ thờ vào Đình; các hoạt động thể thao và các trò
chơi dân gian đặc sắc được khôi phục như chọi gà, cờ tướng, kéo co...
Đặc biệt tổ chức trò chơi vây bắt ông mãnh Hổ, thường hàng
năm Ban tổ chức lễ hội lựa chọn trong thôn có gia đình chăn nuôi giỏi để lựa chọn
một con lợn to khoẻ để mang ra hội tổ chức vây bắt, người trong dòng họ quật ngã
ông mãnh Hổ thì sau khi thịt được hưởng một phần thị lợn và phần Thủ được dâng
lễ vào Đình, đây là một hình thức mang tính đoàn kết và sức mạnh của quân, dân
ta, cũng như diễn lại những trận vây đánh của 2 vị tướng phó tá Thánh Tản viên
giúp Vua Hùng Duệ Vương bảo vệ đất nước, phù trợ cho Quốc thái, dân an.
Chùa Thạch Cầu dõi có tên gọi "Thiên Quang Tự" này
thuộc tổ 2 Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Thiên Quang
theo thuật ngữ hán cổ được hiểu là ánh sáng của Phật pháp trên trời soi xuống,
là một ngôi chùa cổ thờ các Đức Phật kết hợp với thờ Mẫu (Tín ngưỡng của người
Việt xưa).
Chùa Thiên Quang được toạ trên nền đất cao bên bờ sông Hồng,
theo hướng nam chếch Tây, sự hiện diện của ngôi Chùa với sự hình thành và phát
triển văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Thạch Cầu, Long Biên ngày
nay.
Chùa Thiên Quang được khởi dựng vào cuối thời Lê và được tu
bổ xây dựng vào đầu thời nguyễn năm Tự Đức thứ 7 (tức năm 1856) thuộc xã Chí
Minh, Tổng Gia Thuỵ, Tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Long Biên. Năm 2000 chùa được
nhân dân tu bổ lại với kết cấu Chữ Đinh, gồm tam bảo 5 gian 2 dĩ, xây bít đốc,
chồng rường – hạ kẻ, các hoa văn thời Nguyễn; phần thược điện gồm 3 gian thờ
các Đức Phật được thống nhất ban thờ liền mạch, từ Tam thế đến các thần linh thấp
hơn. Phía sau là Nhà tổ gồm 5 gian, bên trái là Nhà Mầu gồm 3 gian thờ Tam toà
Thánh Mẫu...; phía trước là ao chùa, bên phải là Cổng chùa.
Dưới thời Pháp thuộc nơi đây còn là cơ sở hội họp, công tác
chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 23 tháng 8 năm 1945 của
nhân dân Thạch Cầu từ tay lý trưởng, bá hộ về tay nhân dân; sau tháng 12 năm
1946 chùa Thiên Quang còn là nơi hoạt động bắt liên lạc của Du kích Long Biên với
vùng giải phóng và Hà Nội, là nơi cơ sở cách mạng, đào hầm nuôi dấu cán bộ Việt
Minh, hoạt động của Nhà sư Thích Thanh Thành.
Cuối năm 1949 và đầu năm 1950 nơi đây cũng chịu nhiều trận
lùng, càn quét của bọn thực dân Pháp và tay sai bắn giết, bắt nhà sư cộng sản
Thích Thanh Thành, chúng giam dữ và tra tấn rất dã man, đốt phá Đình, Chùa nhằm
phá bỏ cơ sở giao liên.
Tháng 3 năm 1954 cùng với nhân dân Gia Lâm, Long Biên, nơi
đây còn là điểm tập kết quân chủ lực C26 của Mặt trận hà Nội với du kích Long
Biên, Bồ Đề, Gia Thuỵ mở các mũi tên tấn công vào ngày mùng 3 rạng ngày mùng 4
tháng 3 năm 1954, đánh vào sân bay Gia Lâm phá huỷ 18 máy bay địch, tiêu diệt 1
tiểu đội địch, cắt chi viện cáng hàng không sân bay Gia Lâm tiếp tế quân lương
lên tập đoàn cứ điểm Điện Biên, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng
lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của Quân và dân ta.
Với những dấu tích một thời anh dũng của Cán bộ, Du kích và
Nhân dân Long Biên nói chung, nhân dân Thạch Cầu nói riêng. Để phát huy truyền
thống đơn vị phường Long Biên anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống
Pháp.
Năm 2012, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 5593/QĐ
– UBND ngày 04 tháng 12 năm 2012 về việc gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện
cách mạng kháng chiến tại Chùa Thạch cầu dõi, phường Long Biên.
Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Phường Long Biên