Đình Biển Động, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương và Hiệp Trung Đại tướng Đô đốc Đồng tri là những vị nhân thần có nhiều công lao to lớn trong việc giúp dân làng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập.
Đình, đền, chùa Biển Động, xã Biển Động là một quần thể di
tích quan trọng, có giá trị cao về mặt lịch sử, nghệ thuật. Quần thể di tích tọa
lạc trên đất Rừng Nghè của thôn Biển Dưới, xã Biển Động. Ba di tích được đặt ở
vị trí song song.
Phía trước mặt di tích là khu chợ Biển Động, các mặt còn lại
đều là đường liên thôn và nhà dân bao bọc.
Khu di tích của Biển Động gồm các hạng mục: Đình, đền, chùa
đều nằm trên một khu đất. Sau một thời gian dài, chiến tranh và thời gian tàn
phá tất cả đình, chùa đều bị đổ nát,
hoang tàn. Hoà bình lập lại, nơi đây chỉ còn lại một ngôi đền cổ (là hậu cung của
ngôi đình hiện nay).
Năm 1999, nhân dân trong vùng đã xây dựng lại ngôi đình cũ
trong quần thể di tích đình, đền, chùa Biển Động. Đình trước đây là một ngôi
đình cổ. Theo các cụ cao niên trong thôn truyền lại, ngôi đình cũ to đẹp, bề thế,
có các đao cong mái lượn. Trên nóc đình có rồng chầu mặt nguyệt.
Đình gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung được xây dựng với
kiến trúc theo lối con chồng, trụ, giá chiêng. Trải qua thời gian, cùng với chiến
tranh và thời tiết khắc nghiệt, di tích đã chỉ còn lại đống đổ nát hoang tàn.
Năm 1999, 2002 sau khi xây dựng lại đình, đền chùa nhân dân
trong thôn, trong xã đã tiếp tục nhiều lần hưng công tạo dựng lại khu di tích
này, những lần tu bổ lớn gần đây nhất là năm 2018, địa phương tu bổ tổng thể hạng
mục tòa Tiền tế đình để tạo sự cân đối với tòa Hậu Cung theo sự chấp thuận, chỉ
đạo tại Công văn số 1171/SVHTTDL-QLDSVH ngày 24/9/2018 của Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tỉnh về việc thỏa thuận tu bổ di tích đình Biển Động, xã Biển Động,
huyện Lục Ngạn; Năm 2022 địa phương tiếp tục tu bổ chùa theo văn bản chấp thuận,
chỉ đạo số 1019/SVHTTDL - QLDSVH ngày 25/7/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch về việc thỏa thuận Dự án; Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích
chùa Biển Động, xã Biển Động, huyện Lục Ngạn.
Công trình tu bổ chùa Biển Động đến nay, đang trong giai đoạn
hoàn thiện phần móng, dự kiến sẽ hoàn thiện, khánh thành di tích vào trước
tháng 01/2023 lịch Âm.
Theo các tài liệu, hiện vật, hồ sơ xếp hạng di tích cho biết:
Đình Biển Động thờ Cao Sơn, Quý Minh đại vương và Hiệp trung đại tướng đô đốc đồng
tri là những người có nhiều công lao to lớn trong việc giúp dân làng chống giặc
ngoại xâm, bảo vệ độc lập.
Trong một thời gian dài, với hàng trăm năm loạn lạc, nhân
dân phải đi phiêu bạt khắp nơi để bảo toàn tính mệnh, ngôi đình không có người
trông nom nên đã đổ nát. Các tài liệu hiện vật quý hiếm cũng bị thất thoát. Bản
thần tích của các vị thành hoàng được nhân dân tôn thờ nhưng không còn giữ được.
Tuy vậy, căn cứ vào các tài liệu mà nhiều nơi đã thờ các vị này thì sự tích của
Cao Sơn- Quý Minh được ghi lại như sau:
Vào đời Vua Hùng Vương thứ 18 ở tại Nghệ An có một đôi vợ chồng
là dòng dõi thi lễ, nhiều đời làm công khanh. Ông bà chuyên tâm tích đức làm điều
nhân nghĩa, ghét bỏ tà ác. Thế nhưng đã ngoại tứ tuần mà ông bà vẫn chưa có một
mụn con nào. Ông bà thường đi đến những nơi đình chùa, đền miếu linh thiêng đế
làm lễ cầu tự. Nghe tin ở Thanh Hoá có một ngôi đền linh ứng lắm ông bà liền sắm
sửa nghi lễ đầy đủ, chu tất để đến đó cầu cúng.
Tới ngày 15 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, bà sinh ra được hai người
con trai diện mạo khác thường. Ông đặt tên cho người con lớn là Cao Sơn người
con thứ là Quý Minh. Đến năm hai ông được 12 tuổi, thiên tư đã tỏ ra rất thông
minh, võ nghệ hơn người, ít ai địch nổi. Khi hai ông 18 tuổi thì cha mẹ đều quy
tiên. Hai ông bèn tìm nơi đắc địa để an táng và chịu tang cha mẹ tròn ba năm
chu tất.
Thời gian đó, Hùng Duệ
Vương hạ chiếu lệnh cho các châu, huyện, đạo tuyển chọn những người có tài năng
đức độ lên làm quan. Hai ông thấy vậy bèn xin về triều ứng tuyển. Vua thấy hai
ông có tài văn, võ hơn người liền lệnh truyền và cho giữ chức chỉ huy sứ.
Tuy được đội ơn săn sóc của Vua nhưng hai ông không quên
công cha nghĩa mẹ, vẫn thường xuyên đèn nhang sớm tối. Khi ấy ở đất Tượng Quận
lại có người họ Thục tên Phán vốn dòng dõi nhà Hùng khi phân chi nhánh được
sang trị vì tại vùng đất này nên đã đổi họ.
Nghe tin Hùng Duệ Vương truyền ngôi báu cho con rể, Thục
Phán sinh lòng ghen tức bèn đem quân sang quấy rối. Hùng Duệ Vương lấy làm lo lắng
bèn cho vời Phò mã Sơn Thánh đến tấu trình và hiến kế. Ngay sau đó, Sơn Thánh đến
tấu trình và lĩnh mệnh vua cha. Nhà vua bèn phong cho Cao sơn, Quý Minh làm tả
hữu tướng quân tiên phong lên đường dẹp quân Thục Phán ở miên Đông Bắc.
Hai tướng Cao Sơn và Quý Minh cùng quân sỹ vâng mệnh lên đường
trống dong cờ mở. Khi tới lộ Bắc Giang thì trời sẩm tối nên hai ông liền hạ trại
đóng quân tại đó. Thấy vùng đất này có nhiều lợi thế cho việc quân cơ, hai ông
truyền lệnh cho quân sỹ và nhân dân trong thôn xây dựng, thiết lập đồn luỹ để
chống quân phản tặc. Đêm ấy hai ông đều mộng thấy nhân thần tự xưng là thần
linh trong vùng đến trợ giúp dẹp loạn.
Sáng hôm sau, hai ông làm lễ bái yết và cho khao thưởng quân
sĩ cùng dân thôn. Dân trang khu vô cùng hưởng ứng hai vị Cao Sơn và Quý Minh.
Hai vị Cao Sơn và Quý Minh lại nói với các bô lão ở trang khu rằng: Ta vâng mệnh
thiên tử, giúp nước an dân, đem quân đến đây lập đồn luỹ bố phòng quân giặc. Thấy
được có nhân thần báo mộng trợ giúp, lại được dân trang khu hết lòng hưởng ứng,
vậy ta cho 500 nén bạc để dân trang khu lập miếu từ làm nơi thờ phụng mãi mãi.
Sau đó hai ông đã dẹp xong nghịch tặc Thục Phán, thiên hạ
thái bình, quốc gia vô sự. Vua cho mời hai danh tướng Cao Sơn và Quý Minh cùng
các tướng sỹ khác về triều để mở yến tiệc khao thưởng và phong tặng những người
có công.
Hai ông vâng mệnh hồi triều và tấu trình với Vua rằng: Chúng
thần vâng mệnh bệ hạ mang quân tới miền Đông Bắc, lộ Bắc Giang xây đồn đắp luỹ,
trấn giữ trang khu ngăn cản bước tiến của quân Thục, lại được nhân thần phù trợ
nên đã giành được thắng lợi rực rỡ, nay xin báo đáp bệ hạ. Vua nghe xong liền
cho y chuẩn.
Hai ông bái tạ nhà vua rồi trở về đóng đồn binh nơi trang
khu. Tới nơi hai ông được các vị bô lão và nhân dân trang khu tấp nập đến chúc
mừng. Các cụ tấu rằng: Từ khi hai ông đóng quân ở đây, dân thôn ở đây được yên
nghiệp làm ăn sinh sống ngày một thịnh vượng, khang trang.
Nhân đây, trên mảnh đất này, xưa làm nơi đồn trú, nay lập đền
từ thờ cúng tưởng niệm. Hai ông ưng thuận và chuẩn cho các cụ rằng. Dân trang
khu có lòng ngưỡng vọng và kính trọng ta để truyền tới muôn đời, nhưng khi thiết
lập miếu từ để thờ phụng, tưởng niệm thì xin hãy cho linh thần cùng phối hưởng.
Hai ông ban cho dân trong khu 1000 nén bạc tu bổ đền từ và
hương hoa cho nghi lễ. Cùng lúc ấy, tự nhiên trời đất tối sầm. Có hai đám mây
vàng từ trên trời hạ xuống trước mặt hai ông rồi đưa hai ông đi. Hôm đó là ngày
15 tháng 8 âm lịch. Lúc ấy dân trang khu không biết là hai ông đã hoá về trời
nên rất lấy làm kinh sợ.
Mọi người làm sớ tấu trình lên Vua. Vua lệnh cho dân trong
khu tổ chức thờ cúng, tế lễ hai ông theo đúng nghi thức. Nhân đó, Vua ban sắc
cho các ông, phong cho đức Cao Sơn là: Thông minh đại vương, tặng phong: Tế thế
hộ quốc an dân, phù vận dương vũ dực thánh bảo cảnh, hiển hựu tôn thần. Nguyên
tặng hiệu linh đôn tĩnh, hùng lược trác vỹ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
Phong cho đức Quý Minh là: Hiểu ứng Đại Vương. Tặng phong phụ
uý uy dũng hộ quốc an dân, phù hiếu chiêu cảm, trật ưu tôn thần. Tặng: Thanh
lãng cao diệu, địch cát cát tĩnh, dịch bảo trung hưng thượng đẳng thần. Chuẩn
cho dân làng trang khu phụng thờ.
Từ đó về sau hai vị đại vương được rất nhiều đời vua các triều
đại phong kiến về sau ban cho sắc phong và mỹ tự. Lễ thành phụng sự các ngài: sắc
phục màu vàng, xanh, đỏ, tía. Trong khi hành sơ hiến lễ nhất thiết phải cấm tên
huý của các ngài Cao Sơn Quý Minh không được phạm đến.
Ngày sinh của thánh 15 tháng 3
Lễ dùng cỗ chay một bàn, lợn, gà, xôi, rượu, xướng ca một tuần
Ngày hoá của thánh: ngày 15 tháng 8
Lễ dùng : Cỗ chay như trên, xướng ca rước tế.
Cùng với đình, chùa Biển Động. Đền Biển Động nằm song song với
đình, chùa trong khu di tích, đền thờ Mẫu, mới được xây dựng lại năm 2002 và tu
bổ nhỏ nhiều lần, có hiện trạng khang trang tố hảo.
Tại quần thể di tích còn lưu giữ được nhiều tài liệu hiện vật
quý hiếm như: Trong đình còn 3 đạo sắc phong của các đời vua Đồng Khánh thứ 2
(1887), Duy Tân thứ 3 (1910) và Khải Định thứ 2 (1918); ngài thờ kích thước
0,62m x l,40m x 0,45m; kiệu: đài 4,1m , rộng 2,3m, cao l,lm; Hậu bành: Kích thước
0,80m x lm x lm; kiệu được trang trí mặt hổ phù và các hình rồng phượng, hoa lá
chim muôm; bộ chấp kích gồm 6 bát biểu, 1 qủa chuỳ, 2 đại đao; hòm sắc: kích
thước l,81x 0,62 X 0,03m có trang trí chạm khắc các chữ phúc, lộc thọ, hai đầu
là hai chữ song kỷ và chạm nổi các hình đầu rồng, mặt hổ phù. Ngoài ra trong
đình còn có mâm đồng, ống hương, cây nến bằng gỗ đẹp, niên đại thời Nguyễn.
Hàng năm vào ngày 08, 09 tháng 1 Âm lịch, nhân dân địa
phương tổ chức lễ hội truyền thống với phần lễ tôn nghiêm, trang trọng và phần
hội nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, văn nghệ phong phú đặc sắc.
Lễ hội đình, đền, chùa Biển Động là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng được mỗi người
dân địa phương gìn giữ, phát huy, Dù có bộn bề công việc mưu sinh, học hành...
Nhưng cứ đến ngày Lễ hội truyền thống của di tích là những người con quê hương
xa, gần lại về bên gia đình, người thân để cùng nhau chiêm bái, tham gia những
hoạt động truyền thống trong lễ hội.
Trong những năm qua, di tích đình, đền chùa Biển Động luôn
được Chính quyền và nhân địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị, bởi vậy
hiện trạng di tích ngày một khang trang tố hảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn
hóa, tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng cao của nhân dân địa phương. Đây là sự nỗ lực
rất to lớn của nhân dân địa phương cùng sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ- UBND,
các ban ngành, đoàn thể xã Biển Động. Với những giá trị về lịch sử văn hoá tâm
linh, tín ngưỡng, tôn giáo nêu trên, năm 2004 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ra
quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá theo Quyết định số: 86/QĐ-UBND
ngày 30/01/2004.
Đình, đền, chùa Biển Động là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng
của nhân dân địa phương, cũng là điều kiện thuận lợi để địa phương tiếp tục gìn
giữ, tôn tạo, tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh, xây dựng đời sống văn hoá
tinh thần ngày càng phong phú, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
văn minh, góp phần tạo khối đoàn kết trong nhân dân.