Nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh (SN 1934) hiện ở Đông Cao (Phổ Yên, Thái Nguyên), có trên 30 năm dạy học môn lịch sử. Quê hương Lý Nam Đế ở đâu luôn làm ông trăn trở, day dứt.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Lý Bí (Đức ngài Lý Bôn) và sự thành lập nước Vạn Xuân (542 - 602) có một vị thế hết sức quan trọng. Khởi nghĩa Lý Bí (Đức ngài Lý Bôn) (542 - 544) thắng lợi, là sự kế tục và phát huy truyền thống đấu tranh giành lại quyền độc lập dân tộc mà cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) đã phất cờ đầu tiên trong thời kỳ chống Bắc thuộc.
Lý Bí (Đức ngài Lý Bôn) là vị vua Việt Nam đầu tiên tự xưng Hoàng đế. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên bãi bỏ chính sóc (lịch) của Trung Quốc và tự đặt niên hiệu riêng cho triều đại của mình là Thiên Đức. Xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng, lấy Nam đế để đối chọi với Bắc đế, đã chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức độc lập dân tộc. Tuy nhiên, nhiều vấn đề thuộc giai đoạn lịch sử thế kỷ VI này vẫn chưa được làm sáng tỏ và nhất là quê hương gốc của Đức vua Lý Nam Đế ở nơi nào thì lịch sử vẫn còn bỏ ngỏ…
Đức tin của ông giáo làng
Nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh (SN 1934) hiện ở Đông Cao (Phổ Yên, Thái Nguyên), có trên 30 năm dạy học môn lịch sử. Quê hương Lý Nam Đế ở đâu luôn làm ông trăn trở, day dứt. Nghỉ hưu năm 1989, điều băn khoăn ấy càng thôi thúc ông dày công nghiên cứu.
Qua nhiều lần khảo sát, tìm hiểu ông thấy trên mảnh đất Phổ Yên có nhiều di tích, địa danh, nhiều sử liệu truyền ngôn liên quan đến Lý Bí (Đức ngài Lý Bôn) như: Chùa Hương Ấp (Cổ Pháp, Tiên Phong), tương truyền là nơi xa xưa “chú tiểu” Lý Bí (Đức ngài Lý Bôn) sinh sống học tập; đền Mục thờ Lý Nam Đế, thôn Thái Bình (xã Đồng Tiến) có ngôi đình thờ Lý Thành Hoàng; cánh đồng Tráng nơi Lý Nam Đế chiêu mộ thanh niên trai tráng để tuyển quân chuẩn bị cho khởi nghĩa; gò Đống, gò Nghiên, “bãi Quần Ngựa” là nơi Lý Nam Đế luyện binh; đồi Cao Vương (Khao Vương) tương truyền là nơi Lý Nam Đế khao quân khi đánh giặc trở về…
Từ những cứ liệu đó, ông cho rằng: Quê hương của Lý Nam Đế thuộc làng Thái Bình, châu Dã Năng, thuộc xứ Kinh Bắc ngày xưa là đúng. Nhưng để biết được làng Thái Bình, châu Dã Năng cách đây 15 thế kỷ, thuộc địa danh nào ngày nay, một câu trả lời không hề dễ, không khác gì mò kim đáy biển.
Đền Mục đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Khi tra cứu tài liệu về sông Công chảy qua huyện Phổ Yên ngày nay là sông Dã ngày xưa, ông đã liên tưởng đến châu Dã Năng. Tìm hiểu thêm về mảnh đất Phổ Yên và một số địa phương giáp Phổ Yên có nhiều địa danh mang tên Dã và tên Năng như: Dã Thù, Dã Phú, Dã Trung (thuộc xã Tiên Phong), ở xã Phúc Thuận có Trung Năng Thượng, Trung Năng Hạ, Tổng Thượng Dã nay thuộc xã Thuận Thành. Huyện Phú Bình (tiếp giáp huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) có Bắc Năng. Tổng Hạ Dã nay là thôn Hạ Dã, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội... Từ những căn cứ trên ông nhận định: Phổ Yên ngày nay và một số địa danh giáp huyện Phổ Yên nói trên thuộc châu Dã Năng ngày xưa.
Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong Hoàng Công Lộc (người bên trái)
và Đại đức Thích Minh Tâm tại cổng chùa Hương Ấp
Về làng Thái Bình,
qua nghiên cứu ông biết chữ Hương là chữ Làng. Trước năm 1954, Phổ Yên có nhiều
ấp có chữ “Bình”: Ấp Thái Bình, ấp An Bình, ấp Thanh Bình (xã Đồng Tiến), Bình
Tiến (xã Tiên Phong)… Sau 1954 các ấp mới đổi tên là thôn.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, ông cho rằng những địa
danh trên có làng Thái Bình ngày xưa. Cùng thời gian nghiên cứu với ông, một số
nhà sử học thuộc Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng:
Làng Thái Bình thuộc châu Dã Năng ngày xưa là quê hương của Lý Nam Đế. Điều đó
càng động viên ông tiếp tục trên con đường vô cùng gian khó của mình.
Bài báo đầu tiên ông nghiên cứu về quê hương Lý Nam Đế là
“Tìm hiểu thêm về châu Dã Năng và ấp Thái Bình thời Lý Bí” được ông công bố
trên tạp chí Nghiên cứu của Viện Sử học (số VI-1997). Tiếp sau đó ông cho công
bố các bài: “Ấp Thái Bình thời Lý Bí trên đất Phổ Yên”; “Lý Bí và ấp Thái Bình,
chùa Hương Ấp”…
Cho đến năm 2012 ông đã công bố 8 bài nghiên cứu về quê
hương Lý Bí. Các bài viết đều có những cứ liệu cụ thể, chứng minh quê hương của
Lý Bí thuộc đất Phổ Yên ngày nay. Khi
ông công bố những bài viết, có nhiều ý kiến đồng thuận với ông, nhưng cũng có
những ý kiến phản bác. Ông gửi một số bài viết cho những giáo sư, nhà nghiên cứu
thuộc Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và đã nhận được sự ủng hộ tích
cực. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đã về trực tiếp nghiên cứu các di tích liên
quan đến Lý Bí trên đất Phổ Yên đều thống nhất ý kiến của ông.
Năm 2012, kỷ niệm 1.470 năm nổ ra cuộc khởi nghĩa Lý Bí (542
- 2012), tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối
hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên; Huyện ủy, UBND huyện Phổ Yên (Thái
Nguyên) và Cty CP Đầu tư phát triển Yên Bình tổ chức hội thảo khoa học nhằm làm sáng tỏ thêm một bước về quê hương,
dòng họ, gia thế của vua Lý Nam Đế và vị thế của Vương triều Tiền Lý đối với lịch
sử dân tộc.
Một trong những lý do khiến quê hương vua Lý Nam Đế còn chưa
rõ ràng là các sách sử của Trung Quốc và Việt Nam đều không khẳng định chính
xác hoặc đề cập chung chung như “Thái Bình nhân”. Từ điều này có người cho rằng
Lý Nam Đế quê ở Thái Bình ngày nay. Có nhà nghiên cứu lại cho rằng đó phải là
Thái Bình dưới thời thuộc Đường rồi khoanh vùng chứng minh nó phải thuộc Hà Tây
(nay là Hà Nội). Ý kiến thứ ba cho rằng Thái Bình là tên ấp thuộc châu Dã Năng
xưa, thuộc Thái Nguyên ngày nay.