Nằm ở ngoại thành, cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 30 cây số về phía Tây, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có lịch sử hình thành từ nghìn năm nay. Đây là vùng đất cổ, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống khoa bảng, và cũng từ lâu nức tiếng với nghề điêu khắc tượng phật và làm đồ thờ cúng tâm linh.
Truyền thống văn hóa và khoa bảng
Theo sử liệu ghi chép lại, khởi điểm xa xưa của làng Sơn Đồng
bắt đầu là hai xóm Thượng Gạch, có từ thời nhị vua Hai Bà Trưng. Đến triều đại
nhà Đinh và nhà tiền Lê, vùng đất này có hai vị tướng từng tham gia đánh dẹp 12
sứ quân giúp vua thống nhất đất nước. Đó là tướng Vương Thanh Cao và Đào Trực.
Ngôi đình làng Sơn Đồng được xây dựng từ thời Lý - Trần thờ
tướng Vương Thanh Cao, đến nay đã được trên nghìn năm. Riêng ông Đào Trực trong
cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (năm 981) là Thượng tướng quân tiên phong.
Sau khi cùng Triều đình đánh tan cuộc xâm lược của nhà Tống phương Bắc, ông về
làng mở trường dạy học cho dân.
Đồng thời cho di dời một bộ phận người dân ở Đức Thượng (nơi
tiếp giáp thị trấn Phùng ngày nay) về thôn Thượng Gạch, lập nên làng mới mang
tên Sơn Đồng. Với ý nghĩa hình ảnh cây ngô đồng mọc trên đỉnh núi, như là một
biểu tượng của văn hóa. Sau khi ông Đào Trực mất, dân làng lập đền thờ trên
chính ngôi nhà của ông, sau này gọi là Đền Thượng Đức thánh làng.
Ở Sơn Đồng hiện nay vẫn còn chiếc cổng làng được xây dựng từ
thế kỷ 17. Chiếc cổng này đặc biệt ở chỗ trên nóc đắp hình chiếc mũ của ông
quan văn, có ghi ba chữ “quan miện lý” nghĩa là Làng đội mũ quan, và đôi câu đối
“Khanh Sỹ đa do Thử/ Tư dân trực vi hành”, dịch nghĩa là: các Khanh Sỹ từ đây
mà ra giúp nước/ người dân thì cứ thẳng đường mà tiến.
Cổng làng Sơn Đông
Mấy thế kỷ nay, chiếc
cổng làng như một chứng tích lịch sử, phản ánh tinh thần hiếu học, ý chí vươn
lên của các thế hệ người dân Sơn Đồng cả trong quá khứ và trong hiện tại.
Theo cuốn Danh nhân Đại khoa huyện Hoài Đức, do Nhà xuất bản
Hội nhà văn ấn hành, trong hơn 6 thế kỷ, từ năm 1246 (nhà Trần) đến năm 1889
(nhà Nguyễn) ở Sơn Đồng đã có 9 vị đỗ Tiến sĩ qua các kỳ thi, trong đó 8 người đỗ chính khoa, 1 người đỗ Ân
khoa. Nhiều người được bổ các chức sắc quan trọng, được phong tước cao trong
các triều đình phong kiến.
Đó là Thám hoa Vương Hữu Phùng năm Bính Ngọ (1246) đời vua
Trần Thái Tông. Tiến sĩ Hoàng Nhân Bản (1466) đời vua Lê Thánh Tông; Hoàng Giáp
Nguyễn Hữu Phu (1442) đời vua Lê Thái Tông; Tiến sĩ Nguyễn Văn Quảng (1640) đời
vua Lê Thần Tông; Hoàng Giáp đình nguyên Nguyễn Viết Thứ (con cụ Nguyễn Văn Quảng)
hai lần đỗ tiến sĩ các năm 1664 và 1676, đời vua Lê Huyền Tông; Tiến sĩ Nguyễn
Trí Cung (1703) đời vua Lê Huy Tông; Tiến sĩ Nguyễn Chí Vị (1712) đời vua Lê Dụ
Tông; Tiến sĩ Nguyễn Trung Khuyến (1889) đời vua Thành Thái nhà Nguyễn.
Nghệ nhân Sơn Đồng đang tạc tượng tại xưởng.
Không chỉ có các bậc danh nhân đại khoa, ở Sơn Đồng còn có 4
vị quan võ tiếng tăm trong đó có quan tổng binh Nguyễn Thời Trung và quan tổng
binh Nguyễn Công Phái được phong tước Hầu. Các vị khoa bảng ở Sơn Đồng sau khi
đỗ đạt đều ra làm quan giúp nước, đều để
lại tiếng thơm cho hậu thế. Ngày nay về Sơn Đồng ta vẫn được nghe câu chuyện về
ngôi nhà “nhất dạ tất thành” làm trong một đêm. Đây là chuyện có thật, nói lên
lòng biết ơn, tình nghĩa của những con người thanh liêm dù ở chức cao vọng trọng.
Nức tiếng một làng nghề
Sơn Đồng từ lâu đã nổi tiếng là một làng bách nghề. Trong đó
có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển từ thời Hai Bà Trưng. Trải qua bao thăng
trầm của lịch sử, đến ngày nay nghề phát triển nổi tiếng nhất ở Sơn Đồng là
điêu khắc gỗ, làm tượng phật và các đồ thờ cúng. Sản phẩm sơn thếp vàng, thếp bạc,
tô tượng ở Sơn Đồng nổi tiếng khắp cả nước. Đồng bộ với điêu khắc, còn có lối vẽ
hoa văn cổ, tranh thờ… Đây cũng là nét riêng độc đáo ở Sơn Đồng.
Ông Nguyễn Viết Quý 77 tuổi, một nghệ nhân, người có am hiểu
về lịch sử văn hóa làng Sơn Đồng cho biết: ông tổ của làng nghề điêu khắc, tạc
tượng ở Sơn Đồng đến nay chưa xác định được. Nhưng từ khi cụ Đào Trực mất (sau
năm 981), dân làng đã tạc tượng cụ, bức tượng thờ vẫn còn cho đến ngày nay, chứng
tỏ khi đó trong làng đã có người biết tạc tượng. Nếu căn cứ vào đấy thì nghề tạc
tượng ở Sơn Đồng đã có ngót nghìn năm.
Xưởng sản xuất đồ thờ cúng tại hộ gia đình.
Trong quá trình phát triển, ở thời kỳ nào Sơn Đồng cũng có
những nghệ nhân tài giỏi. Có những nghệ nhân từng được các vua nhà Nguyễn ban
thưởng vì có công. Không chỉ người Việt mà đến cả người Pháp cũng nể phục. Điển
hình như các ông Nguyễn Viết Kim, Nguyễn Bá Đấu, Nguyễn Đức Dậu… Về Hội họa cổ
dân gian, vẽ tranh thờ ở Sơn Đồng có hai nghệ nhân là ông Trần Đình Nhung và
ông Nguyễn Viết Quý.
Riêng ông Nguyễn Viết Quý trong mấy chục năm qua đã vẽ hàng
nghìn bức họa ở các nơi thờ tự. Tiêu biểu nhất là các bức vẽ ở nơi thờ các Vua
Hùng (Đền Hùng, Phú Thọ), Đền thờ Bác Hồ ở đảo Cô Tô, vẽ ở đền thờ Hai Bà Trưng
ở Đồng Nhân (Hà Nội), vẽ đền thờ Chu Văn An ở Thanh Trì, vẽ Tứ trấn ở đền Voi
Phục. Tháng giêng năm 2019, dù đã ở tuổi 77 ông còn vẽ tranh thờ ở đình Hương
Canh, Vĩnh Phúc nơi thờ Ngô Quyền và con trai là Ngô Xương Ngập…
Theo ông Quý, cái khó của vẽ tranh cổ là phải dựa vào điển
tích, phong thủy, hà đồ lạc thư, chức tước của nhân vật để vẽ điểm nhấn. Như
nơi thờ vua thì dùng màu vàng, tể tướng là màu đỏ, tiến sĩ thì dùng màu xanh,
chứ không thể tùy tiện, lẫn lộn được.
Về Sơn Đồng bất cứ vào thời điểm nào, ta cũng cảm nhận được
nơi đây như một công xưởng lớn, tiếng cưa, tiếng đục đẽo vang khắp ngõ xóm. Dọc
theo các đường ngõ trong làng là san sát các cửa hàng trưng bày đồ mỹ nghệ, tượng
phật, đồ thờ cúng…
Theo khảo sát của Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, thì
hiện nay sản phẩm các loại đồ thờ cúng của làng đã có mặt ở tất cả các tỉnh,
thành trong cả nước. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ
tịch UBND xã Sơn Đồng, cho biết hiện cả xã có 2.500 hộ dân, thì có tới
65% số hộ theo nghề kinh doanh thủ công mỹ nghệ. Trong đó một nửa làm nghề điêu
khắc gỗ. Cả xã hiện có 300 xưởng sản xuất với 5.000 lao động lành nghề, trong
đó có nhiều nghệ nhân giỏi.
Được biết mặc dù đã có Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ, nhưng chủ
yếu vẫn tập trung sản xuất ở hộ gia đình. Từng hộ gia đình với truyền thống và
kinh nghiệm mà phát huy thế mạnh của mình, tự truyền nghề đào tạo thợ và làm đủ
các mặt hàng như ngai, ỷ, giá gương, các loại kiệu (bát cống, song hành, kiệu mẫu,
long đình), các loại hoành phi, câu đối, cuốn thư, ô sa, cửa võng, các loại đồ
thờ và tượng phật.
Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết thêm, nhờ làng nghề phát triển
mà thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40-50 triệu đồng/người/ năm. Thu hút
nhiều lao động, người dân có công ăn việc làm ổn định, đời sống văn hóa xã hội
phát triển, an ninh trật tự được giữ vững.
Các di tích tiêu biểu ở làng nghề Sơn Đồng
Làng Sơn Đồng có nhiều di tích cổ, đã được công nhận xếp hạng
cấp Quốc gia năm 1986, trong đó phải kể đến:
1 Đình Sơn Đồng
Xã Sơn Đồng có 2 thôn là thôn Nội và thôn Ngoại, cách nhau bởi
con đường chạy trước cổng đình. Hai thôn chung một đình và đến nay thì không
còn chia thôn nữa, người dân còn thường gọi đình là đền Hát. Đình được dựng
trên thế đất như trán của con rồng. Xưa kia đình nhỏ, ngày nay, qua quá trình
tu sửa đã khang trang, bề thế hơn.
Đình nhìn theo hướng Tây nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ
xum xuê. Cổng đình có treo biển đề chữ Hán “Thánh hậu vương từ” (Đền thờ Thánh
hậu vương). Cổng đình được làm theo kiểu có mái che, với ba gian, bộ vì khung gỗ,
trên các kèo có ván dong, kết cấu đơn giản song dấu vết về năm dựng còn được
ghi trên thượng lương vào năm Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 7 (1826).
Qua cổng là đến sân đình rồi Tiền tế, Đại bái, Hậu cung và Tả
hữu mạc.
Tả hữu mạc nằm ở hai bên sân đình, kiến trúc vì kèo đơn giản
nhưng được dựng vào năm Duy Tân Nhâm tý (1912-tả mạc) và Duy Tân Quý Sửu
(1913-hữu mạc), ghi rõ trên câu đầu.
Tiền tế cũng kết cấu đơn giản với 2 mái chảy lợp ngói ri, bộ
vì được làm theo kiểu vì kèo quá giang trốn cột.
Đại bái 5 gian được làm song song với Tiền tế, 2 mái chảy lợp
ngói ri, tường hồi có thêm mái vẩy giúp che mưa nắng. Đại bái được dựng năm
Minh Mệnh 7 (1826) và được ghi trên thượng lương.
Hậu cung được làm tách dời khỏi Đại bái, qua một khoảng sân
lọng nhỏ, được làm theo kiểu gian dọc, lấy hồi nhà phía trước làm mặt tiền. Hậu
cung là nơi thâm nghiêm đặt các đồ thờ tự chính như long ngai, bài vị thành
hoàng. Trên Thượng lương Hậu cung ghi dòng chữ “Gia Long Đinh Sửu tu tạo” tức
được tu tạo vào năm Gia Long Đinh sửu (1817).
Ở cột hiện lại có dòng chữ “Thiên trụ ngũ niên tuế thứ Ất tị
bản thôn tu tạo mộc bích”, cho biết trước kia Hậu cung vốn có tường là ván gỗ đố
lụa (mộc bích). Song lại có ván ghi “1993 tu sửa tường và bục gạch” như hiện trạng
ngày nay. Đặc biệt, trên xà ở cửa Hậu cung có ghi dòng chữ “Chính Hòa thập lục
niên tuế thứ Ất hợi tứ nguyệt nhị thập nhị nhật thụ trụ thượng lương cát nhật”,
nghĩa là: Ngày tốt 22 tháng 4 năm Ất hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 16 dựng cột
chồng nóc.
Điều này cho biết, đình vốn được dựng vào ngày 22 tháng 4
năm Chính Hòa thứ 16 (1695). Bàn tay tài hoa của người thợ Sơn Đồng xưa được thể
hiện qua việc chạm khắc trên cốn gian ngoài Hậu cung với nhiều hình tượng đặc sắc
như rồng ổ, thạch sùng, tiên nữ đang múa, các cốn mê ở vách hai bên cũng chạm
hình thượng tiên nữ cưỡi rồng với kỹ thuật chạm bong kênh, chạm nổi, các cửa chạm
hoa dây và tứ linh. Khám thờ trong Hậu cung là nơi thâm nghiêm đặt long ngai,
bài vị, được phủ vải nhiễu.
Về vị thần được thờ tại đình Sơn Đồng, hiện còn có những
tranh luận. Theo các cụ cao niên, đình làng Sơn Đồng có ít nhất từ thời Hai Bà
Trưng (năm 30 – 40 sau Công nguyên). Trong ngọc phả đền Thượng và chùa Diên
Phúc của làng ghi: "Sau chiến thắng quân Minh Lê Lợi qua đất Sơn Đồng thấy
có đền và miếu, mới gọi cố lão bản trang để hỏi.
Mọi người tâu rằng, làng chúng tôi thờ hai vị. Vị thứ nhất
là Đương Cảnh Thành hoàng tự Hùng triều, vị thứ hai là Thái phó thời Tiền Lê. Cả
hai vị này có cách đây cũng phải hàng nghìn năm. Nghe xong Lê Lợi đã cho dân
làng hai hũ vàng để sửa chữa, tôn tạo đền chùa”.
Trước đây, trong dịp sửa chữa đình dân làng đào được một tấm
bia ghi rõ: “Năm Duy Tân thứ 7 (1913) hai thôn quyết định tu sửa mả rồng, long
mạch chạy dài về đình, không ai được làm thương tổn, đứt đoạn. Từ nay về sau cấm
đào bới, ai không tuân theo sẽ bị thần linh tru diệt''. Trên trán bia có hàng
chữ Thánh Hậu Vương Từ.
Cũng có nhiều giả thiết cho rằng, làng Sơn Đồng có nhánh
sông Hát chảy qua. Có thể cuộc chiến đấu với quân Mã Viện thất bại, Hai Bà
Trưng đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Dân làng lập đình thờ tôn Hai Bà Trưng làm
Thành hoàng làng. Trong đình hiện nay còn có tấm yếm, áo đào. Hai bên thanh
phong có hai con phượng. Một bên có bông lúa tượng trưng cho lương thực, một bên
là cây gậy tượng trưng cho binh khí. Đình làng có 7 sắc phong, trong đó sắc
phong thời vua Quang Trung thứ 6 có nói về nữ tướng. Cho dù vị thần được thờ tại
đây là ai thì từ xư đến nay, dân làng Sơn Đồng vẫn một lòng thành kính, khói
hương không dứt.
Hàng năm, đến ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, người dân nơi đây
lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng đã âm phù dương trợ
cho cuộc sống được ấm no. Trong lễ hội này có một tục lệ độc đáo là giằng cây
bông với quan niệm ai giật được cây bông trong lễ hội sẽ sinh được con trai.
Lễ hội giằng bông cũng vô cùng đặc biệt, cây bông được làm bằng
một đoạn của cây tre đực tươi bánh tẻ (không già, không non), dài gần một mét,
được chuốt thành bông xù lên, nhuộm ngũ sắc, các đốt tre được trang trí giấy
xanh đỏ rất đẹp. Linh vật này được đưa vào dâng lên thánh ở trong đình, trở
thành vật thiêng. Có người cho rằng, cây bông đó tượng trưng cho sinh thực khí
dương. Người vót bông cũng được chọn lựa rất kỹ, không thể lấy tùy tiện, thường
thì chọn những người đàn ông 50 tuổi, khỏe mạnh, gia đình yên ấm.
Khi vót bông xong, các cụ già và dân làng làm lễ rước cây
bông từ nhà người được vót về đình, sau đó rước vào cửa thánh, tế lễ. Sau khi tế
lễ xong khoảng 12h trưa, cụ cao niên nhất trong làng sẽ xin Thành hoàng làng,
mang cây bông tung giữa sân để mọi người giằng nhau.
Mọi người sẽ tranh nhau giằng co, cướp bông. Đây cũng là trò
được đông người tham gia, nhất là nam nữ thanh niên. Họ tin rằng, ai cướp được
thì sẽ sinh được con trai. Sau khi giằng bông, người đó phải ra lễ thánh sau đó
mới được rước bông về nhà treo. thời xa xưa, người dân giằng bông suốt đêm, người
ta còn dìm nhau xuống ao, suốt đêm cũng không thể lấy được bông.
Bây giờ tục giằng bông cũng không còn được nguyên vẹn như
ngày trước. Người dân giành bông tuy có đông và rất quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo
an ninh trật tự của lễ hội.
Có thể việc giằng được bông và sinh con trai chỉ là sự trùng
hợp. Song có một điều vô cùng lạ là, năm nào cũng vậy, ai giằng được bông thì
sau đó sẽ sinh được con trai. Điều này càng tạo nên sức hút cho lễ hội tại đây.
2. Chùa Diên Phúc
Theo truyền thuyết thì vào khoảng thế kỉ XV, chùa được chuyển
từ xóm Rảnh về trước đền Thượng nằm trên khu đất rộng hình cánh dơi. Chùa nhìn
về hướng Nam, có chung cửa ngoài với đền Thượng. Công trình kiến trúc lịch sử
văn hóa này gồm có Tam quan, điện Mẫu, nhà Tổ, phòng tăng, nhà khách và Tam bảo.
Tam quan kiêm gác chuông nằm liền kề với đường tỉnh lộ, kiến
trúc theo kiểu chồng diêm 2 tầng 4 mái, khung gỗ. Tầng dưới trổ ba cửa xây cuốn
vòm, tầng trên treo quả chuông Diên Phúc tự chung đúc vào năm Thành Thái 3
(1891) và chiếc khánh Diên Phúc tự khánh đúc năm Minh Mạng 7 (1826).
Phía sau Tam quan là vườn chùa với nhiều cây cổ thụ xanh
mát, tiếp đó là các hạng mục công trình như sân vườn, Tam bảo hình chữ công (gồm
ba nhà Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện), nhà Tổ, nhà khách, phòng tăng, điện
Mẫu.
Tiền đường gồm 7 gian xây dạng tường hối bít đốc, 5 hàng
chân cột. Hạng mục này không rõ có từ bao giờ, song trên thượng lương còn lưu
dòng chữ Hán về năm tu sửa là năm Bảo Đại thứ 17 (1942). Theo các cụ cao niên
thì lần tu sửa này được nhân dân mua lại bộ khung gỗ của một ngôi đình cũ ở Đan
Phượng về tận dụng lắp ghép vào. Do đó, trên hệ khung gỗ của Tiền đường chùa
Sơn Đồng hiện nay, ta bắt gặp những mảng chạm ở các kẻ, ván dong ngoài hiên có
các mảng chạm khắc hình rồng, hoa lá, mây có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII,
XVIII. Đặc biệt có tấm ván dong trên kẻ giáp hồi phải Tiền đường chạm khắc hình
tượng gia đình hổ đang vui vầy. Đây là hình tượng rất hiếm thấy trong các di
tích.
Từ gian giữa Tiền đường về sau là Thiêu hương và Thượng điện
với hệ khung vì được làm vào thời kỳ nhà Nguyễn muộn. Tuy nhiên, trên vỉ ruồi của
Thượng điện còn giữ được những mảng chạm hình hổ phù, mây lửa mang phong cách
nghệ thuật thời Lê đầu thế kỷ XVIII.
Chùa Sơn Đồng hiện giữ
được rất nhiều pho tượng cổ được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các pho tượng này được
sắp xếp và bài trí như sau:
+ Nhà Tiền đường có bộ Hộ Pháp, Đức Ông, Thánh Tăng.
+ Trong Phật điện (từ gian giữa nhà Thiêu hương trở vào
trong Thượng điện) sắp đặt theo qui tắc từ cao xuống thấp, từ xa đến gần: hàng
trên cùng có bộ Tam Thế uy nghi, tiếp xuống là bộ A Di Đà Tâm Tôn, rồi đến
Thích Ca Thành đạo, Di Lặc tay cầm quả đào. Phía trước có hai hàng tượng Cửu
Long, Phạm Thiên, Đế Thích, hai bên có Đại Diệu Tường và Pháp Hoa Lâm. Dọc hồi
hai bên Thượng điện là bộ Thập Điện Diêm Vương, Cuối hai gian bên là tượng Quan
Âm Thiên Thủ Nhỡn và Quan Âm Tống Tử. Hầu hết những pho tượng này mang phong
cách nghệ thuật thời Nguyễn, giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Riêng
pho tượng Quan âm chuẩn đề có niên đại sớm hơn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu
thế kỷ XIX với dáng tượng thanh thoát, đầu đội mũ có những bông sen nổi cao, cổ
đeo chuỗi vòng anh lạc, tóc mai rủ mềm mại.
Ngoài ra chùa còn có nhiều đồ thờ, hoành phi, câu đối và 5 tấm
bia đá thời Nguyễn.
Chùa Diên Phúc đã được nhà nước xếp hạng di tich lịch sử văn
hóa cấp quốc gia năm 1986.
3. Nhà thờ họ Nguyễn Viết
Nhân dân làng Sơn Đồng vẫn lưu truyền một câu chuyện đẹp về
tình bạn giữa hai vị quan địa phương là Thượng thư Nguyễn Viết Thứ và Đô đốc
Nguyễn Công Triều. Để trả ơn cứu mạng, đô đốc Nguyễn Công Triều đã dựng ngôi
nhà chỉ trong một đêm tặng cho bậc thân sinh của bạn mình là Thượng thư Nguyễn
Viết Thứ. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà vẫn giữ được kiến
trúc cổ kính.
Câu chuyện về ngôi nhà "một đêm" hoàn toàn không
được ghi chép trong chính sử nhưng đã nhiều đời nay, người dân làng Sơn Đồng vẫn
truyền miệng cho nhau nghe. Câu chuyện về ngôi nhà này được ghi lại trong gia
phả của dòng họ. Chuyện rằng:
Đô đốc Nguyễn Công Triều (1614 - 1690) vốn là con một gia
đình nông dân nghèo, sau khi cha mẹ qua đời, ông phải nương nhờ chùa Đại Bi.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Công Triều ra kinh đô Thăng Long, làm lính dạy voi, rồi làm
hoạn quan. Từ một người lính huấn luyện voi chiến, có tài dùng tượng binh, ông
trở thành một vị tướng lập được nhiều công trong việc đánh giặc ở phương Bắc, dẹp
các cuộc nổi loạn ở Tuyên Quang, được cử giữ chức Đô đốc, Thiếu bảo, tước Kiên
quận công.
Năm 1675, dưới đời vua Lê Hy Tông (Thế kỷ 17), Đô đốc Nguyễn
Công Triều mượn voi của triều đình để kéo nguyên vật liệu, phục vụ việc xây dựng
đình chùa, miếu mạo, đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, phủ Hoài Đức (nay là
thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức) nhưng không may có một chú voi kiệt
sức mà chết.
Người được giao
xét xử vụ án là Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ, là người bạn ở
làng kế bên. Thượng thư đau lòng nên tìm mọi cách để cứu Đô đốc.
Theo luật triều đình bấy giờ, muốn thoát tội thì phải đền, bằng
cách làm con voi bằng tre to đúng bằng con voi thật, đổ đầy tiền vàng vào đấy nộp
cho triều đình thì thoát tội, bằng không thì bị xử rất nặng.
Thực tế toàn bộ gia sản của ông Nguyễn Công Triều bấy giờ có
đổ vào cũng không đủ cho bốn cái chân voi. Bí quá ông Nguyễn Công Triều tìm đến
Tể tướng Nguyễn Viết Thứ cầu cứu. Cụ Nguyễn Viết Thứ rất ái ngại, vì nể tình
ông Nguyễn Công Triều về tuổi tác, lại là đồng hương nên nhận lời tìm cách giúp
đỡ.
Cụ Thứ vốn gần gũi với Chúa Trịnh Căn, rảnh rỗi Chúa lại mời
cụ đánh cờ. Một lần hai người chơi cờ, cụ Thứ giả thua liền ba ván. Thấy vậy
chúa Trịnh Căn hỏi: “Sao khanh hôm nay lại đánh cờ như vậy?”. Cụ Thứ nói: “Thần
đang có một việc khó xử”. Chúa hỏi: “Chuyện gì thì cứ nói ra”.
Bấy giờ cụ Thứ mới bảo: “Có anh nông dân đi cày thuê, hôm dắt
con trâu của chủ đi cày không may bị gió, trâu chết, nhà chủ lại bắt đền con
trâu, thấy tội quá”. Chúa nghe thì bảo: “Nó nghèo thế thì lấy gì mà đền, thôi cứ
giải hòa, không phải đền”. Lúc đó cụ Thứ liền quay sang hỏi Chúa: “Dạ, thế việc
của Nguyễn Công Triều, ý Chúa thế nào ạ?”. Chúa nghe rồi cười, bảo: “Thôi không
bắt đền nữa”. Thế là Nguyễn Công Triều thoát tội.
Nghe tin nhờ cụ Thứ nói đỡ mà mình thoát tội, một lần biết cụ
Thứ về quê, ông Nguyễn Công Triều mang
theo vàng bạc đến xin gặp để trả ơn. Lúc ông Nguyễn Công Triều đến thì trời vừa
chập tối, cụ Thứ đón tiếp niềm nở nhưng nhất quyết không nhận những thứ ông Triều
mang đến.
Ơn cứu mạng khiến Đô đốc Nguyễn Công Triều luôn nghĩ đến việc
đáp đền nhưng hễ Đô đốc nhắc đến việc này là Thượng thư tìm cách chối từ. Trong
khi đó, Thượng thư cũng là quan liêm khiết nên nhà nghèo. Cha mẹ ông vẫn phải sống
trong một ngôi nhà dột nát.
Đô đốc Nguyễn Công Triều xin được dựng một ngôi nhà khang
trang ở Sơn Đồng để đền đáp. Không muốn nhận quà nhưng cách nói của Đô đốc khiến
Thượng thư khó từ chối nên ông đành nói: Tấm lòng của đại nhân tôi không dám
không nhận. Nếu quan lớn làm ngôi nhà trong một đêm thì tôi xin vâng. Thực chất,
đó là một câu từ chối khéo.
Quan Thượng thư chắc mẩm bạn mình không thể làm được như thế
vì xưa nay chưa có ai có khả năng dựng nhà trong một đêm. Không ngờ, Đô đốc
Nguyễn Công Triều vốn đang dựng một ngôi nhà gần xong với ý định làm nơi thờ tự.
Vậy là ông cho dỡ ngay ngôi nhà xuống, sẵn có quân lính và trâu ngựa, ông cho
đưa thẳng tới làng Sơn Đồng, xin phép các cụ thân sinh ra Thượng thư được dựng
ngôi nhà mới. Công việc diễn ra trong một đêm, đuốc sáng rực trời, mái nhà
tranh bé tẹo teo đã được thay thế bằng ngôi nhà mới 5 gian khang trang.
Theo những hậu duệ của dòng họ Nguyễn tại đây cho biết: Ngôi
nhà trên tuy được Đô đốc Nguyễn Công Triều xây tặng nhưng sau này Thượng thư
Nguyễn Viết Thứ đã cho một người cháu ở và dựng một ngôi nhà khác làm nơi thờ tự.
Ngôi nhà trải qua khá nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được phần khung chính.
Ban đầu, nhà được thưng bằng các ván gỗ bao xung quanh, các
lần tu sửa sau này đã thay bằng tường gạch. Vào những năm cải cách ruộng đất,
ngôi nhà được trưng dụng làm nơi hội họp và dạy bình dân học vụ. Sau này, dòng
họ Nguyễn Viết đã xin lại và lưu giữ cho đến ngày nay.
Ngôi nhà xưa kia không được lát nền và thấp hơn những khu vực
xung quanh. Vật liệu của ngôi nhà chủ yếu là gỗ, trên lợp ngói âm dương. Vào thập
kỷ 90 của thế kỷ XX, ngôi nhà từng xuống cấp nên đã được sửa sang lại vào năm
1995. Trải qua chiến tranh, trong làng có nhiều công trình bị phá hỏng nhưng
ngôi nhà này vẫn còn tồn tại.
Đến Sơn Đồng, thăm ngôi nhà cổ, ai cũng say mê khi nghe lại
câu chuyện kỳ thú của người xưa - một nét đẹp về đối nhân xử thế cần được nhân
lên khi văn hoá xứ Đoài hoà vào mạch chảy văn hoá Thăng Long. Gian chính giữa,
bức hoành phi ba chữ 'Đức dã viễn' (Giữ Đức lâu dài) vẫn ánh màu vàng son, như
nhắc nhở các thế hệ sau về tâm - đức tiền nhân.
Hà Văn Thể