Đức Dương Tam Kha tiếp nối sự nghiệp của Ngô Vương (Ngô Quyền 939-944) xưng là Dương Bình Vương, làm chủ nước ta trong khoảng thời gian 6 năm (945-950).
Đức Dương Tam Kha, còn có tên là Dương Chủ Tướng, là con của
Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, quê ở làng Dương Xá (tên nôm là Làng Giàng), huyện
Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Đức Dương Tam Kha tiếp nối sự nghiệp của Ngô Vương (Ngô
Quyền 939-944) xưng là Dương Bình Vương, làm chủ nước ta trong khoảng thời gian
6 năm (945-950).
Bình Vương Đức Dương Tam Kha là một danh nhân lịch sử, để lại
những dấu ấn đậm nét trên các phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội
vào nửa cuối thế kỷ X. Thế kỷ X là thế kỷ đánh dấu bước ngoặt lịch sử đấu tranh
dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là thời kỳ chấm dứt hơn 1000 năm Bắc
thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ, xây dựng một quốc gia Đại Việt hùng mạnh.
Đọc lịch sử Việt Nam ở thế kỷ X, chúng ta thấy Đức Dương Tam Kha có vai trò to
lớn, có những đóng góp rất quan trọng trong giai đoạn lịch sử này.
Ở đây, có một chi tiết cần lưu ý, Đại Việt sử ký toàn thư và
Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục đều chép “Đức Dương Tam Kha cướp ngôi”,
thì Việt sử lược chỉ chép là: “Chủ Tướng tự lập làm vương”.
Dù thế nào đi nữa, việc đánh giá lại công lao, sự nghiệp và
vị thế của Bình Vương Đức Dương Tam Kha trên cơ sở những tư liệu mới phát hiện
gần đây là điều cần thiết, không những giúp đáp ứng yêu cầu khách quan, công bằng
của ngành khoa học lịch sử mà còn gạt bỏ những nhận định thiếu công tâm đối với
bậc hiền nhân. Chúng tôi cho rằng có thể ghi nhận sự nghiệp và vị thế của Bình
Vương Đức Dương Tam Kha trên một số mặt dưới đây:
1. Trong trận Bạch Đằng năm 938, Đức Dương Tam Kha góp công
lớn bằng việc giết chết Hoằng Thao, chủ tướng giặc Nam Hán.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô quyền lãnh đạo, chấm dứt
1000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tư chủ của dân tộc Việt Nam, có
công lao lớn của Đức Dương Tam Kha.
Trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển do Kiếu Năng Tĩnh
(1835-?), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất than khoa Canh Thìn (1880), làm quan
tới chức Đốc học Hà Nội, thăng Quốc Tử giám Tế tửu, tuyển chọn, có nhiều bài
thơ liên quan tới Bình Vương Đức Dương Tam Kha như: Quá Bình Vương cựu trạch từ
của Tiến sĩ Lê Tung, đời Lê Thánh Tông; Đáo Dương chủ Tùng Khê ấp của Tiến sĩ Đặng
Phi Hiển (1567-1650) đời Lê Thần Tông; Quá Dương Công thực phong ấp của Tiến sĩ
Hà Tông Quyền (1798-1839) đời Minh Mệnh; Đáo Bình Vương cựu ấp của Tiến sĩ Phạm
Văn Nghị (1805-1880) triều Nguyễn… Trong số đó, chúng tôi chú ý hơn cả là bài Quá
Bình Vương cựu trạch từ (Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương) của Tiến sĩ Lê
Tung:
Dịch nghĩa:
Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương
Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ
Chém đầu Hoằng Thao nhà Hán sửa hận cho cha
Chia định xóm làng, khẩn thêm ruộng đất,
Nối tiếp người xưa giữ gìn nền tự chủ, tuy việc cũ mà đâu có
xa xôi.
Do vậy, trong bài thơ Quá Bình Vương cựu trạch từ nói trên,
sử gia Lê Tung cho rằng Dương Bình Vương (Đức Dương Tam Kha) là người đã “Trảm
Hán Hoằng Thao tuyết phụ cừu”, thì chắc chắn ông có đủ cứ liệu đáng tin cậy để
khẳng định điều ấy.
Sự kiện Đức Dương Tam Kha chém đầu tướng giặc Nam Hán Lưu
Hoàng Thao, còn được Thần tích đền Cổ Lễ có đoạn viết: “… Tam Kha công khiển
Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi phạt mộc tam thiên châu tháp nhập lưu trung, lịch
cận tam lý trường, đãi thủy tướng, tướng quân khiêu chiến dẫn tặc việt quá xung
trận, thủy thoái Ngô Quyền công suất chư tướng tự giang khẩu lực công. Tam Kha
xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoằng Thao,
Hán quân đại bại”. (Nghĩa là: … Ông Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi
chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm (hơn 1,5km).
Đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến khiến giặc vượt qua
bãi cọc, khi nước xuống Ngô Quyền đem chư tướng từ cửa sông hết sức đánh tập hậu.
Ông Tam Kha cho quân bản bộ dùng mũi tên dài ở hai bờ bắn xả vào quân giặc,
chém Hoằng Thao, làm cho quân Hán đại bại…).
Ngày nay, tại đền thờ Bình Vương Đức Dương Tam Kha ở thị trấn
Cổ Lễ, còn đôi câu đối:
Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc
Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong
Nghĩa là:
Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách
Chém giết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.
2. Tiếp nối sự nghiệp của Ngô Quyền, làm chủ và củng cố đất
Việt trong 6 năm từ năm 945 đến năm 950
Ngày nay, dưới cách nhìn mới và đứng trên lập trường dân tộc,
các nhà sử học đã đánh giá và nhận định về Đức Dương Tam Kha có phần khác so với
các sử thần phong kiến trước đây. Họ không coi sự kiện Đức Dương Tam Kha tự lập
làm vua, sau khi Ngô Quyền mất (944) là việc “cướp ngôi”, là hành động “bất
nghĩa”.
Trong bộ Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Trần Quốc Vượng
và Hà Văn Tấn viết: “ Năm 944, Ngô Quyền mất, con là Ngô Xương Ngập nối ngôi.
Em vợ Ngô Quyền là Dương Chủ Tướng (Đức Dương Tam Kha), tuy được Ngô Quyền căn
dặn giúp Xương Ngập, nhưng đã tự lập làm Vương, tức là Bình Vương… Sau khi
giành được độc lập, trong một thời gian dài, giai cấp phong kiến Việt Nam đã
phát triển thế lực kinh tế và chính trị ở các địa phương, phát triển khuynh hướng
cát cứ.
Tuy nhiên, những năm đầu tiên sau khi Ngô Quyền chết, nhà nước
trung ương không phải hoàn toàn tan rã. Mặc dù suy yếu, nó vẫn tồn tại trong chừng
mực nào đó. Chủ Tướng vẫn xưng Vương cho tới năm 950…”.
Trong bối cảnh chính trị, xã hội nửa đầu thế kỷ X, khi thổ
hào ở các địa phương và nhiều cựu thần nhà Ngô nhân tình trạng rối ren của nhà
nước trung ương tập quyền đã liên tiếp nổi dậy cát cứ ở nhiều nơi, đất nước khi
đó rơi vào tình trạng hỗn chiến phong kiến trong và sau đó sử cũ gọi chung là
thời kỳ Thập nhị sứ quân (12 sứ quân) và nó cũng phản ánh thế sự non yếu của yếu
tố thống nhất kinh tế.
Do vậy, việc một người có tài năng, có uy tín là con trai Tiết
độ sứ Dương Đình Nghệ như Đức Dương Tam Kha gạt bỏ Ngô Xương Ngập gánh vác sự
nghiệp làm chủ đất nước là một việc làm bình thường dễ hiểu.
Vào thời kỳ ấy, khi Nho giáo chưa nắm giữ vị trí độc tôn
trong đời sống tư tưởng của tầng lớp lãnh đạo đất nước, cũng như nhân dân thì
người ta ít chú ý tới cái gọi “Chế độ tông pháp”, tức là “cha truyền con nối”
thì việc một người có tài năng, có uy tín là con trai Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ
như Đức Dương Tam Kha gạt bỏ Ngô Xương Ngập gánh vác sự nghiệp làm chủ đất nước
là một việc làm bình thường dễ hiểu.
Chứng cứ là Ngô Quyền (trước Đức Dương Tam Kha) cũng xưng
vương vào năm 939 sau khi giết chết Kiều Công Tiễn. Lẽ ra, theo đúng đạo “Tam
cương” thì Ngô Quyền phải trả lại ngôi vua cho dòng họ của Dương Đình Nghệ, vừa
là chủ tướng, vừa là nhạc phụ của ông.
Sau này, vào năm 979, vua Đinh Tiền Hoàng bị Đỗ Thích giết chết,
thì Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đình Điền cùng Thập đạo tướng quân Lê
Hoàn cùng phù Vệ vương Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi vua. Nhưng trước nguy cơ nhà Tống
chuẩn bị xâm lược nước ta, Lê Hoàn không giữ chữ “ Trung” như thường tình mà “
rời Đinh Toàn ra nhà khác, cấm giữ cả họ Đinh, lên thay thống lĩnh”.
Hành động đúng đắn được lịch sử ca ngợi trên đây cũng bị các
sứ thần phong kiến lúc đó phê phán tựa như phê phán đối với Đức Dương Tam Kha
trước đó.
Thực ra, nếu Đức Dương Tam Kha có điều gì đáng trách, thì
chính là trách ông quá nặng về tình, sơ hở về chính trị và tin vào người con
nuôi, cháu gọi ông bằng cậu là Ngô Xương Văn, để cho Xương Văn giành lại ngôi
vua từ tay mình.
Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn là những người như thế nào?
Các hoàng tử tuy là con của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, nhưng chỉ là những
người thiếu kinh nghiệm chính trị, kém bản lĩnh và thiếu dũng khí.
Chứng cứ là sau khi giành lại quyền binh từ tay Đức Dương
Tam Kha, chỉ trong thời gian ngắn, hai anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập
và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn đã xảy ra hiềm khích, mâu thuẫn nặng nề. Thiên
Sách vương Ngô Xương Ngập chuyên quyền thâu tóm mọi quyền hành, đẩy Nam Tấm
vương Xương Văn vào thế không được tham gia chính trị gì nữa.
Đến năm 954, Ngô Xương Ngập mất, Xương Văn nắm chính quyền.
Thấy lực lượng của mình yếu ớt, Ngô Xương Văn hèn nhát cúi đầu xin thần phục
nhà Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Thạnh, phong cho Ngô Xương Văn làm Tĩnh Hải
quân Tiết độ sứ kiêm đô hộ.
Năm 965, trong một cuộc tấn công hai thôn Đường, Nguyễn ở
Thái Bình (miền Quốc Oai- Sơn Tây), Xương Văn bị tên nỏ của quân mai phục bắn
chết. Từ bấy giờ cục diện cát cứ, hỗn chiến phong kiến lại càng kịch liệt và bắt
đầu loạn 12 sứ quân.
3. Có công lớn trong việc khai khẩn và tạo lập vùng đất
Chương Dương (Hà Nội) và Cổ Lễ (Nam Định).
Như trên đã nói, sau khi xưng là vương, Đức Dương Tam Kha
không có hành động truy sát họ Ngô, ông đã làm chủ và củng cố đất nước trong thời
gian 6 năm (944-950).
Năm 950, Ngô Xương Văn giành lại ngôi vua từ Đức Dương Tam
Kha. Ngô Xương Văn thấy Đức Dương Tam Kha có công nuôi nấng mình và có lẽ vì
phe cánh của Tam Kha cũng lớn nên không dám giết, chỉ giáng làm Trương Dương
công và cho ăn lộc ở ấp Chương Dương. Nay là xã Chương Dương, huyện Thường Tín,
tỉnh Hà Tây.
Khi bị đưa về Chương Dương, khi ấy thế lực của Đức Dương Tam
Kha vẫn còn rất mạnh và uy tín của Ông còn rất cao. Nếu khi đó Đức Dương Tam
Kha dấy binh, kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại anh em Ngô Xương Ngập thì
tình hình đất nước đã khác.
Nhưng Đức Dương Tam Kha, với tấm lòng vì dân, vì nước cụ đã
về Chương Dương dạy dân trồng trọt, chăn nuôi. Một lần nữa người ta thấy Đức
Dương Tam Kha biết hy sinh quyền lợi cá nhân mình để cho đất nước yên bình.
Vào giữa thế kỷ X, vùng đất Chương Dương vẫn là một vùng
hoang vắng, dân cư thưa thớt. Vùng đất ấy còn mang tên “Chân Giang”, có nghĩa
là vùng đất nằm kề bên sông, khi nước lên thì ngập lụt, và khi mùa thu đến thì
nước rút, lộ ra bãi bồi màu mỡ để cày cấy, trồng trọt.
Trong một thời gian ngắn, Đức Dương Tam Kha đã dày công cải
tạo vùng đất hoang hóa thành vùng quê khá sầm uất. Nhân dân nơi đây đã lặp đền
thờ suy tôn ông là Thành hoàng làng. Trong đền thờ còn lưu giữ một cuốn thần phả-
Chương Dương thần kỳ ký– và 28 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.
Bản Chương Dương thần từ ký có thể được biên soạn sau đời
vua Khải Định (1916-1925), ghi chép về tiểu sử tôn thần và sự gia phong mỹ hiệu
của cả triều đại, kể từ vua Lê Kính Tông (1600-1619) triều Lê Trung Hưng đến đời
vua Khải Định triều Nguyễn (1802-1945).
Vị phúc thần của 4 xã – tức 4 làng (Chương Dương, Kỳ Dương,
Thư Dương, Chương Lộc) của tổng Chương Dương xưa là Bột Hải Hoàng đế, có tên thật
là Đức Dương Tam Kha.
Trong đền Chương Dương còn 3 bức hoành phi có 6 đôi câu đối,
nội dung đều ca tụng công đức của Đức Dương Tam Kha, thí dụ như câu đối dưới
đây:
Lục tải xưng vương truyền nội sử
Thiên thu thực ấp hiển dư linh
Dịch nghĩa:
Sáu năm xưng vương ngời sử sách
Nghìn thu thực ấp rạng uy linh.
Nhiều nhà khoa bảng đã về thăm thực ấp Chương Dương của Đức
Dương Tam Kha, trước “dư linh” của ông, họ đã làm thơ bày tỏ niềm khâm phục sự
nghiệp của vị Trương Dương công này. Trong tập Sơn Nam phong vật chí, Tiến sĩ
Hà Trong Quyền ( 1798-1839) có bài Quá Dương công thực phong ấp (Quá thực ấp của
Dương công). Trong đó, qua 2 câu thực của bài, ta thấy tác giả rất khâm phục
tài cao, đức lớn của Đức Dương Tam Kha:
“Nhân” vô trọng vị, xưng điền lão
“Trí” bảo hoàng đồ hoạch địa lô
Tạm dịch:
“Nhân” không tham ngôi lớn, mà chỉ nguyện làm ông già với đồng
ruộng.
“Trí” để giữ gìn cơ nghiệp hoàng gia, nên vạch kế phân định
đất đai.
Rõ ràng, đó là cái nhìn của một nhà Nho minh triết và công
tâm!
Tuy vậy, Đức Dương Tam Kha không ở lại ấp Chương Dương mà đến
năm 953, ông đã đưa người nhà rời về phía Nam, để tiếp tục khai khẩn vùng đất mới.
Đức Dương Tam Kha dừng chân ở Giao Thủy, một vùng đất đai màu mỡ, dân thuần
nông, tục hậu.
Theo Gia phả họ Dương, thì tại đây, ông đổi tên là Dương
Tùng Khê, chiêu tập nhân dân cải tạo các bãi đất hoang hóa, sình lầy, lau lác
um tùm thành những cánh đồng trù phú. Đức Dương Tam Kha còn dạy dân làm thủy lợi,
khơi sông ngòi, đắp đê phòng lụt, nhờ vậy mùa màng liên tiếp bội thu, xóm làng
ngày càng sầm uất, đông vui.
Cùng với việc quan tâm phát triển sản xuát, ông còn chú trọng
xây dựng thuần phong mỹ tục tại nơi làng quê mới. Tương truyền, Đức Dương Tam
Kha đã đặt tên làng mới là ấp Tùng Khê, gồm 5 trại: Tùng Khê, Trúc Khê, Lệ Khê,
Lộ Khê và Nga Khê.
Công lao khai khẩn tạo lập vùng đất Cổ Lễ của Bình Vương Đức
Dương Tam Kha đã được các nhà khoa bảng, sĩ phu của các triều đại sau này ghi
nhận và ngợi ca. Trong số đó, có bài Dương Công Tùng Khê ấp của Dương Đức Kỳ,
Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) đời vua Lê Hiến Tông.
Bốn câu đầu của bài này như sau:
Văn đạo Tùng Khê hữu ngũ trang
Khẩn khai sơ khởi tự Bình Vương
Khê phân cư thổ kim do biện
Tùng ký trung gian cổ vị tường…
Dịch nghĩa:
Nghe nói ấp Tùng Khê chi thành năm trang trại
Mở mang ban đầu là do Bình Vương
Khe nước chia theo dân cư, nay vẫn có thể nhận
Tùng trồng chỉ chốn trung tâm khi xưa, không còn thấy nữa…
Gia phả họ Dương cho biết, sau gần 30 năm xây dựng phát triển
kinh tế, mở mang văn hóa, duy trì thuần phong mỹ tục vùng đất Cổ Lễ, năm Canh
Thìn (980), Đức Dương Tam Kha trở lại quê cũ Làng Giàng (Thiệu Dương, Thanh
Hóa). Ông đã mất tại đây vào ngày mùng 10 tháng 8 năm Canh Thìn.
Đức Dương Tam Kha có 3 người vợ, sinh được 10 con trai và 9
con gái. Ông để 5 con trai ở lại tiếp tục sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp
ở Tùng Khê và đưa 5 người con trở về quê Thanh Hóa.
Đứng đầu chi họ Dương tại Làng Giang là người con trưởng
Dương Đại Thiên, còn đứng đầu chi họ Dương ở Tùng Khi là con trai thứ hai Dương
Tiên Du.
Qua một vài nét về thân thế và sự nghiệp của Bình Vương Đức
Dương Tam Kha trình bày trên đây, chúng ta cần có một vài suy nghĩ như sau:
1. Cần ghi nhận công lao, sự nghiệp và vị thế của Đức Dương
Tam Kha trong lịch sử dân tộc; là một vị vua giữ gìn và củng cố nền độc lập, tự
chủ của đất nước mới giàng được sau 1000 năm Bắc thuộc vào giữa thế kỷ X như bất
kỳ một vị nguyên thủ quốc gia nào thời bấy giờ như Khúc Thừa.
2. Cần bổ sung thêm sự kiện Đức Dương Tam Kha tham gia tích
cực vào chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo, nhất là việc ông
là người trực tiếp chém chết tướng giặc Lưu Hoằng Thao, đuổi quân Nam Hán rút
chạy về nước.
3. Bình Vương Dương Tam Kha sau khi bị truất ngôi Vua, khi
đó Đức Dương Tam Kha thừa khả năng tập hợp lực lương lật đổ Ngô Xương Văn,
nhưng Ông về Chương Dương, Cổ Lễ (Giao Thuỷ-Nam Định) an cư, lạc nghiệp mà
không quan tâm đến việc triều đình.
Hành động của Ông được các nhà sử học ngày nay đánh giá rất
cao, đấy là sự hy sinh quyền lợi của mình cho nền độc lập tự chủ còn quá non trẻ
mới giành được sau 1000 năm Bắc thuộc.
Đền Cổ Lễ, nơi thờ phùng phúc thần, thành hoàng làng, Bình vương Dương Tam Kha
Hội đồng Họ Dương Việt Nam