Kiều Công Hãn (chữ Hán: 矯公罕; ?-967), danh tướng thời vua Ngô Quyền, thứ sử Phong Châu cuối thời Ngô, sau đó ông chiếm giữ thêm 2 châu lân cận là Hào Châu, Thái Châu; tự xưng là Kiều Tam Chế và trở thành một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam.
Dâng kế phục diệt quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi biết tin Nam Hán kéo
quân sang, Vua Ngô Quyền đã nói với tướng sĩ rằng: “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại,
đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe tin Kiều Công Tiễn đã chết,
không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch
với quân mỏi mệt, tất phá được”.
Điểm mạnh lớn nhất của quân Nam Hán lúc bấy giờ chính là chiến
thuyền. Tương truyền, người được cho là nghĩ ra kế cắm cọc xuống đáy sông giúp
Ngô Vương là Đức ông Kiều Công Hãn. Ông là vị tướng tài, xuất thân từ gia đình
có thế lực nhiều đời làm hào trưởng tại vùng Phong Châu (Phú Thọ).
Ông là con của Kiều Công Chuẩn, anh trai sứ quân Kiều Thuận
và là cháu nội của Kiều Công Tiễn. Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ
để chiếm quyền, Đức ông Kiều Công Hãn không theo ông nội mà mang quân vào châu
Ái theo Vua Ngô Quyền.
Vốn là tướng tài, Đức ông Kiều Công Hãn đã có cái nhìn và nhận
định chuẩn xác khi khuyên Vua Ngô Quyền rằng: “Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên
hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam, dựng
thành nước, quân mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường
biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay
khi mới vào cửa sông Bạch Đằng”.
Vua Ngô Quyền khen kế đó hay, liền sai Dương Tam Kha chỉ huy
quân lính chặt ba nghìn cây gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông
trên một quãng dài 3 dặm.
Sau khi chiến địa được dựng xong, nhiệm vụ đặt ra là dụ địch
vào bãi cọc theo ý đồ đã định sẵn. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để có thể
giành chiến thắng. Danh tướng Nguyễn Tất Tố được giao nhiệm vụ khó khăn này.
Nguyễn Tất Tố sinh ra ở vùng sông nước ở làng Gia Viên (Hải
Phòng), rất giỏi bơi lội. Ngoài ra, ông cũng là người am hiểu tường tận sông nước
Bạch Đằng.
Sử sách ghi chép lời ông rằng: “Vùng sông nước này tôi
rất quen thuộc, biết được lúc nước lên xuống. Nay muốn giặc mắc bẫy, chỉ có
cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thích hợp thì giả thua
bỏ chạy”.
Ông được Vua Ngô Quyền giao cho một đội quân nhỏ, có nhiệm vụ
ra khiêu chiến. Đúng như dự đoán, khi binh thuyền Nguyễn Tất Tố bỏ chạy, Hoằng
Tháo lập tức thúc quân đuổi theo.
Khi quân địch đi qua bãi cọc Bạch Đằng, chúng bất ngờ bị
quân ta từ các hướng xông ra tấn công dồn dập, thua chạy ra biển. Nhưng khi
chúng rút ra tới cửa sông, lúc này, thủy triều đã rút mạnh, bãi cọc Bạch Đằng
nhô lên, khiến thuyền địch mắc lại và vỡ tan tành. Quân Nam Hán phần bị giết,
phần chết đuối, phần phải đầu hàng hoặc bị bắt sống. Lưu Hoàng Tháo bỏ mạng tại
trận.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp
ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận,
Nghiễm kinh hoàng, đành thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui, từ đó bỏ
hẳn mộng xâm lược nước ta”.
Tranh giành ngôi vương
Ông là một sứ quân thuộc thế lực họ Kiều, từng tranh chấp
ngôi Vua khi Ngô Xương Văn mất và cuối cùng bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh đánh
dẹp trong quá trình thống nhất Đại Cồ Việt.
Đền Gin xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nơi phụng thờ danh tướng, sứ quân Kiều Công Hãn
Theo Đại Việt sử ký tiền biên, khi Ngô Xương Văn mất vào năm
965, các tướng dưới quyền là Tham tán Lã Xử Bình và Thứ sử Phong Châu Đức ông
Kiều Công Hãn tranh giành ngôi báu... Năm 966, Tham tán Ngô Xử Bình, Thứ sử Đức
ông Kiều Công Hãn, Thứ sử châu Vũ Ninh là Dương Huy, Nha tướng là Đỗ Cảnh Thạc
lại kéo về Cổ Loa đấu tranh chiếm ngôi vua. Trong nước khắp nơi dấy loạn, các
thủ lĩnh quần long vô thủ chiếm cứ quận ấp, mưu thôn tính lẫn nhau.
Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục ghi "các đại
thần họ Kiều, họ Dương làm loạn" phần nào cho thấy tham vọng của Đức ông
Kiều Công Hãn trong cuộc chiến ngôi báu này.
Ông và Dương Huy là hai thứ sử địa phương kéo quân về triều
đình Cổ Loa tranh chấp ngôi vua cùng với hai đại thần triều đình Lã Xử Bình và
Đỗ Cảnh Thạc. Trong tình huống đấu tranh quyết liệt, hậu duệ nhà Ngô là Ngô
Xương Xí phải lui về Bình Kiều, Thanh Hóa và trở thành một sứ quân.
Trở thành sứ quân
Làm thứ sử Phong Châu, Đức ông Kiều Công Hãn cho xây thành
Tam Giang rồi thành Phù Lập (đều ở phía nam Phú Thọ). Khi nhà Ngô mất lực lượng
của ông trở thành một sứ quân trong thời loạn 12 sứ quân. Từ vị thế thủ lĩnh
Phong Châu, Đức ông Kiều Công Hãn chiếm 2 châu lân cận là Hào Châu và Thái Châu
để mở rộng địa bàn, Đức ông Kiều Công Hãn xưng là Kiều Tam Chế. Ngay từ những
ngày đâu gây dựng, Đức ông Kiều Công Hãn liên tục mở rộng địa bàn chiếm đóng
sang khu vực tả ngạn sông Lô bằng những cuộc chiến với sứ quân Nguyễn Khoan tại
khu vực thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ngày nay.
Tượng thờ phụng danh tướng, sứ quân Kiều Công Hãn tại đền Gin
Thần phả miếu Ba Thôn - chùa Hưng Quốc ở Thái Bình cho biết
tướng Nguyễn Quảng Lại trong một lần cùng vua Đinh Tiên Hoàng truy đuổi tàn
quân của Đức ông Kiều Công Hãn ở Phong Châu, khi tới sông Việt Trì, để giữ bí mật
của trận đánh, Nguyễn Quảng Lại đã cho quân chặt cây, hạ thuỷ để vượt sông. Khi
ra tới giữa dòng, trời nổi cơn dông lớn, Quảng Lại mất tích, xác trôi về cửa Bố
Hải Khẩu rồi được người dân làng chài trang Quang Lang chôn cất và thờ cúng.
Năm 967 căn cứ Phong Châu liên tục bị quân Hoa Lư của Đinh Bộ
Lĩnh tấn công. Cuối cùng, lực lượng của sứ quân Kiều Công Hãn bị Đinh Bộ Lĩnh
đánh dẹp. Ông chạy về phía Nam để cầu cứu Ngô Xương Xí thì bị hào trưởng Nguyễn
Tấn chặn đón ở Nam Định chém chết.
Theo thần tích làng Tề Lễ (Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ) thì Đức
ông Kiều Công Hãn có một thuộc tướng là Hoàng Định, sau đã rời đất Phong Châu của
sứ quân Đức ông Kiều Công Hãn mà tìm về Hoa Lư cùng Nguyễn Bặc theo Đinh Bộ
Lĩnh. Sau khi dẹp xong 12 sứ quân, triều Đinh khai quốc Đại Cồ Việt phong cho
Hoàng Định chức Tề Lễ Đường Thượng Quan và cai quản ngay trước thành cũ của Đức
ông Kiều Công Hãn.
Thành Tam Giang của Đức ông Kiều Công Hãn nằm ở vùng ngã ba
sông Bạch Hạc, ngày nay thuộc phường Bạch Hạc, Việt Trì, là vùng giáp gianh giữa
ba tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Thần tích đền Tam Giang cho biết khi xây
thành ở đây Đức ông Kiều Công Hãn cũng cho tu sửa đền và chùa Đại Bi.
Sách "Viêm giao trung cổ ký" (Ghi chép sưu tập di
tích cổ nước Nam) của Cao Xuân Dục, trang 147 có chép: Phế thành Kiều Sứ quân ở
xã Phù Lập, huyện Bạch Hạc, thành do sứ quân Đức ông Kiều Công Hãn đắp lên, tục
vẫn gọi là thành Nội, thành ngoại, đó chính là thành này.