Sứ quân Phạm Bạch Hổ (chữ Hán: 范白虎; 910 - 972), xưng hiệu Phạm Phòng Át (范防遏), là võ tướng các triều nhà Ngô, nhà Đinh và là một sứ quân trong loạn 12 sứ quân cuối thời nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Ông là người gốc Nam Sách, Hải Dương nhưng sinh ra và lớn
lên ở Đằng Châu, Hưng Yên. Ngày nay, ông được thờ phụng ở nhiều nơi thuộc vùng châu
thổ sông Hồng.
Sứ quân Phạm Bạch Hổ từng tham gia trận Bạch Đằng, 938 chống
quân Nam Hán. Ngô Quyền mất, ông chiếm giữ đất Đằng Châu và trở thành một tướng
trong loạn 12 sứ quân (966 - 968). Sau theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân
khác.
Thế lực họ Phạm
Theo Đại Nam nhất thống chí, Sứ quân Phạm Bạch Hổ sinh ngày
10 tháng 1 năm Canh Ngọ (tức 21 tháng 2 năm 910), cha là Phạm Lệnh Công người lộ
Nam Sách Giang (nay là Nam Sách- Hải Dương) là một công thần dưới triều Ngô
vương.
Lệnh Công có tiệm buôn ở Đằng Châu, tại đây ông có vợ và
sinh ra Sứ quân Phạm Bạch Hổ. Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ
trắng mà có mang nên đặt tên ông là Bạch Hổ. Lớn lên Bạch Hổ có thân hình vạm vỡ,
mạnh mẽ như hổ, thông minh hơn người, văn võ song toàn.
Sinh thành từ giấc mơ hổ trắng
Trang Ngọc Đường, phủ Khoái Châu có một hiền nữ, tên gọi Doanh
Nương. Nàng sinh trưởng từ một gia đình đã bao đời tu nhân tích đức. Sắc đẹp tựa
ngọc, mặt hoa da phấn của nàng như người ở cung nga. Doanh Nương thường hay du
ngoạn khắp chốn Đông - Đoài.
Năm 24 tuổi, sau khi lấy Phạm Lệnh Công người lộ Nam Sách Giang, bà
nhẹ gót hồng qua đất Đằng Châu, phủ Kim Động, trời đất bỗng nổi cơn phong ba
bão táp, sấm chớp giật liên hồi. Doanh Nương sợ hãi chạy vào một ngôi miếu cổ thờ
Sơn Thần trú chân. Bỗng từ thượng điện, một con hổ trắng to lớn nhảy xuống phủ
kín người, nàng bàng hoàng ngất lịm.
Tỉnh dậy, thấy người nhẹ nhõm, bước chân về nhà như có gió đẩy,
mây đưa. Sau đó, Doanh Nương có thai rồi sinh một người con trai khôi ngôi, tuấn
tú đặt tên là Phạm Bạch Hổ, tự là Phạm Phòng Át.
Phạm Bạch Hổ thông minh khác lạ. Mới bảy tuổi đã thông thạo
văn chương. Năm mười sáu tuổi văn, võ song toàn, tài cao trí lớn. Đến năm mười
tám tuổi, chàng thoả chí vẫy vùng thì người mẹ lâm bệnh quy tiên.
Ông sinh trong một dòng họ giàu truyền thống võ nghệ, đời đời
làm hào trưởng vùng Trà Hương. Ông nội là Phạm Chí Dũng vốn là Hồng châu tướng
quân. Anh trai ông Phạm Man là Tham chính đô đốc đời Nam Tấn vương Ngô Xương
Văn.
Các cháu ông như Phạm Hạp và Phạm Cự Lạng đều là các tướng
giỏi thời Đinh được người đời sau ca tụng là "Giao Châu thất hùng".
Con gái ông, Phạm Thị Ngọc Dung là vợ của Ngô Xương Ngập và sinh ra Ngô Xương
Xí, sau trở thành Sứ quân thứ nhất trong 12 sứ quân.
Sự nghiệp
Đánh bại quân Nam Hán
Sứ quân Phạm Bạch Hổ từng làm hào trưởng đất Đằng Châu, theo
giúp Dương Đình Nghệ.
Năm Tân Mão 931, ông giúp chủ tướng đánh đuổi Lý Tiến, thứ sử
Giao Châu của nước Nam Hán và sau đó đánh bại Trần Bảo do Lưu Nghiễm cử sang cứu
viện. Dương Đình Nghệ xưng tiết độ sứ, dùng ông làm nha tướng.
Phò Ngô
Khi Kiều Công Tiễn giết chết chủ tướng Dương Đình Nghệ, đoạt
chức rồi cầu cứu quân Nam Hán sang xâm lược. Sứ quân Phạm Bạch Hổ đã phối hợp với
Ngô Quyền đem quân tiêu diệt Kiều Công Tiễn và đánh tan quân Nam Hán trên sông
Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938).
Nhà Ngô phong ông chức Phòng Át tướng công, trấn giữ toàn
cõi Hải Đông (khu vực nam Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay).
Khi Ngô Quyền mất (944), Dương Tam Kha cướp ngôi vua của Ngô
Xương Ngập. Vùng núi Hun Sơn của cha con ông là nơi che chở cho Ngô Xương Ngập
2 lần trốn thoát khỏi truy lùng của họ Dương. Sau khi Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát
Lợi giúp Ngô Xương Văn lật đổ Dương Tam Kha, Sứ quân Phạm Bạch Hổ tham gia giúp
Hậu Ngô Vương.
Sứ quân trấn Hải Đông
Năm 965, Hậu Ngô Vương mất, các hào kiệt trong nước nổi lên
cát cứ từng vùng. Sứ quân Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu[4] và là một trong
mười hai sứ quân thời đó.
Những dấu tích ở Côn Sơn, Đông Triều cho thấy khu vực chiếm
đóng của Sứ quân Phạm Bạch Hổ còn lan ra cả vùng đông bắc, tức khu vực Hải
Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay và khu vực núi Hun Sơn nơi mà Phạm Lệnh
Công cha ông từng giấu Ngô Xương Ngập cũng là một căn cứ quân sự của ông, từng
diễn ra nhiều trận đánh với tướng Nguyễn Bặc của Đinh Bộ Lĩnh.
Tên núi Hun Sơn gắn với sự kiện tướng quân Hoa Lư là Nguyễn
Bặc, dùng kế hỏa công, lợi dụng gió thổi đốt lửa hun khói vào doanh trại của Sứ
quân Phạm Bạch Hổ.
Ngoài việc chiếm đóng Hải Đông, Phạm Phòng Át còn mở rộng
lãnh địa bằng các cuộc tấn công về phía nam thuộc lãnh địa Kỳ Bố Hải Khẩu của sứ
quân Trần Lãm và về phía bên kia sông Hồng tại các vùng Hà Nam, Nam Định ngày
nay.
Thần tích làng Ngâu Khê và miếu Lộc Thọ ở Thái Bình cho biết
các tướng Phạm Công Thanh, Phạm Công Hoài, Phạm Công Đinh, Phạm Thành là những
người cũng Đinh Bộ Lĩnh theo về với sứ quân Trần Lãm và trực tiếp tham gia chiến
tranh với sứ quân Sứ quân Phạm Bạch Hổ.
Qua khảo sát thực địa tại cánh đồng Nội Phủ ở Thái Bình, nơi
Trần Lãm cho Đinh Bộ Lĩnh cùng các tướng đắp thành, đất để ngăn chặn sứ quân Phạm
Phòng Át và Lã Đường từ Hưng Yên sang đánh hiện còn sót lại phế tích của bức tường
thành bằng đất (dân ở đây quen gọi là đường đất dài – vì tường thành cũ rất
dài) có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 700 - 800m, rộng khoảng 500 - 600m.
Theo thần phả, thần tích các làng thờ Lê Hoàn ở làng Đô Kỳ
(Đông Đô), làng Bái (xã Minh Tân) cũng ở Thái Bình thì Lê Hoàn đã từng đánh
nhau với quân của Sứ quân Phạm Bạch Hổ tại vùng đất nói trên.
Thần tích đình Mai Động ở Hà Nam cho biết hai anh em Phạm
Hán và Phạm Phổ gặp thời loạn 12 sứ quân, bèn kết giao hào kiệt bốn phương, chiêu
mộ trai tráng thiết lập đồn lũy trên đất Mai Khu và đánh nhau với sứ quân Phạm
Phòng Át và Ngô Nam vài chục trận; hai ông giữ phần thắng.
Căn cứ vào tư liệu còn lưu giữ tại chùa Đô Quan (Yên Khang,
Ý Yên, Nam Định) cùng truyền thuyết ở địa phương thì từ thế kỷ thứ 10, sứ quân
Phạm Phòng Át về đây lập nên phường Quán Đổ.
Thần phả làng Nhuệ Khê, thần tích đình Cát Đằng và Phủ Bà ở
Nam Định đều cho biết các tướng Đinh Đức Đạt, Đinh Đức Thông, Hoàng Thị Đậu,
Nguyễn Đức Long là những người theo Đinh Bộ Lĩnh và trực tiếp tham gia chiến
tranh với sứ quân Sứ quân Phạm Bạch Hổ.
Hàng phục nhà Đinh
Đinh Bộ Lĩnh được sứ quân Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền,
mang quân đánh dẹp Loạn 12 sứ quân. Đầu năm 966, sau ít nhất 3 lần giao tranh tại
Hải Dương, Thái Bình và Nam Định, Sứ quân Phạm Bạch Hổ đã mang quân về Hoa Lư
theo hàng Đinh Bộ Lĩnh, được phong là thân vệ Đại tướng quân.
So với 2 tướng cũ nhà Ngô khác là Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh
Thạc vẫn kiên quyết chống cự ngay cả khi các hậu duệ nhà Ngô đã hàng phục và về
với nhà Đinh, có thể Sứ quân Phạm Bạch Hổ là người ít có tham vọng bá vương hơn
nhưng có con mắt tinh đời, biết nhìn nhận thời thế nên thoát khỏi cảnh binh
đao, chết chóc.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lập ra nhà
nước Đại Cồ Việt, lên ngôi ở kinh đô Hoa Lư, tức là Vua Đinh Tiên Hoàng. Sứ
quân Phạm Bạch Hổ trở thành tướng nhà Đinh, được vua Ðinh phong chức Thân vệ Đại
tướng quân.
Ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Thân (tức 24 tháng 12 năm 972), Sứ
quân Phạm Bạch Hổ mất tại quê nhà, thọ 62 tuổi. Đinh Tiên Hoàng đã sắc cho nhân
dân lập đền thờ, các triều đại đều phong tặng ông là: "Khai thiên hộ quốc
tối linh thần".
Tuy nhiên một số nguồn tin khác cho biết ông còn tham gia
đánh giặc Tống trên sông Bạch Đằng lần thứ 2 và sống đến tận khi Lê Hoàn lên
ngôi hoàng đế thay nhà Đinh, tức năm 983, thọ 73 tuổi.
Tôn vinh và thờ phụng
Sứ quân Phạm Bạch Hổ được nhân dân nhiều nơi như: Hưng Yên,
Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình,... tôn thờ. Hầu hết các nơi thờ này
thuộc khu vực đạo Hải Đông xưa, tức vùng Đông Bắc Việt Nam ngày nay vốn gắn bó
nhiều với cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Có thể coi đền chính thờ Phạm Phòng Át là di tích đền Mây
thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Nhắc đến
Hưng Yên, không thể không kể đến đền Mây, bởi từ lâu ngôi đền này đã nổi tiếng
với câu ca: "Trăm cảnh nghìn cảnh, không bằng bến Lảnh, đò Mây".
Trong đền có bức đại tự ghi: “Thái Bình Vương phủ”, nhân dân
coi Sứ quân Phạm Bạch Hổ là vị vua của xứ Thái Bình xưa. Đền Mây được xây dựng
vào thời Đinh – Tiền Lê và được trùng tu vào thời Nguyễn.
Đền Mây là ngôi đền có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc còn lưu
giữ đến tận ngày nay với 27 pho tượng cổ mang phong cách thời Hậu Lê được thờ
trong đền. Lễ hội đền Mây là một trong những lễ hội hội tụ nhiều nét văn hóa
truyền thống của người dân Hưng Yên. Hàng năm, đền Mây thường tổ chức lễ hội
vào ba dịp là: Từ 8 - 16 tháng Giêng, từ 12 - 18 tháng 11 và từ 16 - 24 tháng 6
âm lịch.
Tại Hưng Yên, ông còn được thờ ở 2 di tích khác là đình Xích
Đằng, phường Nam Sơn và đền Hàng Cá, phường Minh Khai đều thuộc thành phố Hưng
Yên.
Có một đền Vua Mây khác thuộc thôn Đại Đê, xã Đại An, Vụ Bản,
Nam Định cũng là nơi thờ danh tướng Sứ quân Phạm Bạch Hổ. Ông cũng được thờ ở
đình, chùa các làng thuộc xã Đại Thắng, Vụ Bản.
Tại thung Thắm thuộc quần thể danh thắng Tràng An (Ninh
Bình) còn nhiều dấu tích liên quan đến cống hiến của ông đối với triều đại nhà
Đinh.
Sứ quân Phạm Bạch Hổ cũng được tôn thờ là Thành hoàng làng
Phương Mạc - Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội và đình Thanh Mạc, xã Thanh Đa,
Phúc Thọ, Hà Nội .
Phạm Phòng Át cũng được thờ ở làng Đông Hải, xã Đông Vinh,
Đông Hưng, Thái Bình (xưa đây là làng Văn Ông, tổng Đồng Hải, huyện Thanh
Quan).
Ở thành phố Hưng Yên, có một con đường trục chính mang tên
đường Sứ quân Phạm Bạch Hổ.
Ðền Mây còn gọi là đền Đằng Châu là một di tích quốc gia thuộc
quần thể di tích Phố Hiến đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đền nằm
bên sông Hồng, cạnh bến đò Mây xưa thuộc xã Ðằng Châu, nay là phường Lam Sơn,
thành phố Hưng Yên, nơi đã được dân gian ca ngợi "Trăm cảnh nghìn cảnh
không bằng Bến Lảnh, Ðò Mây".
Ðền Mây cũng như chùa Chuông ở phố Hiến là hai di tích nổi
tiếng vì còn lưu giữ được phong cách kiến trúc thuần Việt. Đền Mây là nơi thờ
tướng quân Phạm Bạch Hổ thời 12 sứ quân (tức danh tướng Phạm Phòng Át), một vị
tướng để lại nhiều dấu ấn qua các thời kì: nhà Ngô, loạn 12 sứ quân và nhà
Đinh.
Đằng Châu
Địa danh Đằng Châu có từ thời Bắc Thuộc. Năm 1005, Nhà Tiền
Lê đổi Đằng Châu thành phủ Thái Bình. Vùng đất thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay.
Đằng Châu vốn là một căn cứ quân sự, nơi đóng quân của tướng
Sứ quân Phạm Bạch Hổ thời 12 sứ quân
Hiện nay chỉ còn địa danh làng Đằng Châu, phường Lam Sơn,
thành phố Hưng Yên.
Các ghi chép để lại đều cho rằng đền Mây được xây dựng từ thời
nhà Đinh. Tương truyền đền thần rất linh thiêng. Cuốn “Việt điện u linh” khi nói
đến thần thổ địa ở Đằng Châu - Hưng Yên có chép: xưa Vua Lê Long Đĩnh khi chưa
lên ngôi, có thực ấp ở Đằng Châu, thường bơi thuyền dạo chơi.
Một hôm thuyền đang trên sông bỗng mây kéo đến tối sầm, gió
thổi rất mạnh, mưa to sắp đổ xuống, Long Đĩnh tìm nơi trú ẩn, thấy trên bờ sông
có đền, mới hỏi người làng: “Đền thờ thần gì”, người làng thưa: “đây là đền thờ
thần thổ địa”, Vương hỏi “có thiêng không?” thưa rằng “đây là chỗ dựa của một
châu, lễ cầu mưa, cầu tạnh đều rất ứng”.
Vương bèn nói to lên rằng: "Nếu thần khiến được mưa gió
thì nay thử khiến cho bên này sông tạnh, bên kia sông mưa. Thế mới thật là
thiêng!”.
Nói xong quả nhiên nửa sông bên kia mưa rất to, nửa sông bên
này chỉ có gió mát. Long Đĩnh không bị ướt, lấy làm lạ mới sai tu bổ đền thờ.
Thời vua Lý Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành lần thứ 2,
qua đền Đằng Châu mới dừng nghỉ ngơi và cho người sắm sửa lễ vật mang vào cầu
thần phù giúp thắng trận. Đêm đó, thần báo mộng cho vua hãy tiến quân.
Tuy nhiên, lúc đó quân nhà Lý dùng thuyền xuôi phương Nam
nhưng gặp gió thổi ngược. Thần liền hóa thành con chim đậu trên cột buồm. Trời
đang gió Nam chuyển thành gió Bắc. Đại quân chiến thuyền thuận gió nên tiến rất
nhanh đến cửa Tư Dung. Khi đó, quân Chiêm Thành đã bày trận sẵn sàng giáp chiến.
Tình thế bất lợi cho quân nhà Lý vì phải có thời gian lên bờ.
Bỗng trên mặt nước xuất hiện từng đàn cá nổi lên tạo thành con đường cho quân
lính đổ bộ. Quân Chiêm xông đến, chưa kịp giao tranh thì một cơn giông nổi lên,
cát bụi cuốn vào trận địa. Quân Chiêm hoảng hồn, rối loạn, quân Lý nhân thế phá
trận đánh bại quân Chiêm Thành. Sau vua Lý Thái Tông đã cho ghi vào điển tích
chuyện vua Mây và ban tám chữ: “Điểu tích truyền binh/Ngư đầu hộ độ”.
Trải qua thời gian, Đền Mây đã được trùng tu, tu sửa nhiều lần.
Ngày nay, kiến trúc ngôi đền vẫn mang đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thời Hậu
Lê và thời Nguyễn.
Kiến trúc ngôi đền
Đền Mây được xây dựng kiểu chữ Tam gồm: tiền tế, trung từ và
hậu cung. Văn bia ở đền cho biết: Ðền được xây dựng vào thời nhà Ðinh, tu sửa
vào thời Lê. Ðến Thiệu Trị năm thứ 4 (1884) nhân dân dựa theo quy mô cũ mà sửa
lại... Ðến năm 1898 dân đồng tâm hiệp lực tu bổ lại ngôi đền, mùa xuân năm sau
hoàn thành. Ngôi đền linh thiêng nổi tiếng xứ Sơn Nam, chiến tích xa rồi nhưng
sự linh ứng và tiếng thơm vẫn lưu truyền mãi.
Nghi môn đền Mây, Phố Hiến, Hưng yên
Ban thờ bên trong Chính điện đền Mây
Hậu cung đền Mây thờ 3 pho tượng: Phạm Bạch Hổ (bên phải), Phu nhân (bên trái) và Thánh mẫu (ở giữa)
Cung đại bái Đền Mây với hệ thống câu đối và bức Trâm thư của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh Ảnh: Đức Hùng
Bia và bảng ghi công đức của sứ quân, danh tướng Phạm Bạch Hổ
Bia xác nhận cây đa cổ thụ ở đền Mây
Tiền tế
Toà tiền tế với 3 gian được làm kiểu tường hồi bít đốc, mái
lợp ngói mũi. Chính giữa toà tiền tế treo bức đại tự khảm trai có ghi hàng chữ
“Thái Bình vương Phủ”. Dân gian coi Vua Mây là Vua của khu vực Thái Bình xưa.
Các gian bên treo các bức hoành phi có ghi: “Phúc dẫn Đằng lưu” (Sông Đằng dẫn
phúc); “Anh phi Châu quận” (Bậc anh tài ở quận Châu) và "Bán giang lĩnh
tích” (Nửa dòng sông còn in dấu tích).
Nhà tiền tế còn bức chạm khảm trai lưu bút tích của Tiến sĩ
Chu Mạnh Trinh, làm án sát xứ Hưng Yên, viết năm Mậu Tuất (1898) (dịch nghĩa):
"Ngoảnh đầu
nhìn lại, nghìn năm đất nước đã thay đổi nhiều.
Sự ngưỡng vọng tế
lễ còn ở bảy mươi đền miếu."
Trung từ
Trung từ là nơi thờ 4 vị quan văn võ của vua Mây - sứ quân
Phạm Bạch Hổ. Trung từ gồm 5 gian, nằm nối với tiền tế nhưng nền nhà cao hơn.
Trung từ có kết cấu kiểu vì giá chiêng, với hệ thống cột gỗ lim vững chắc kê
trên chân tảng đá lớn hình quả bồng để nâng đỡ mái. Hai bên cột treo đôi câu đối
ca ngợi công lao của tướng quân.
"Bá chủ hùng
đồ thập nhị sơn hà dư cổ luỹ
Thần cao linh khí
bán phân tinh vũ thử tiền giang".
Tạm dịch:
"Anh hùng bá
chủ một vùng, non nước phân chia 12 sứ quân
Linh thiêng hiển
hiện của thần, khúc sông này nửa phân mưa nắng".
Hậu cung
Hậu cung đền Mây gồm 3 gian, kết cấu vì chồng rường đơn giản,
không chạm trổ hoa văn. Trong đền còn lưu giữ 27 pho tượng, hầu hết được tạo
tác từ thời Lê, hai cỗ kiệu bát cống và một lư hương đồng rất quý.
Hậu cung đền Mây có tượng tướng quân Phạm Phòng Át, thân mẫu
và phu nhân tướng quân và con trai ông với vai trò là hoàng tử. Các tượng được
tạc rất sống động. Thời 12 sứ quân, Sứ quân Phạm Bạch Hổ được coi như vị Vua
cai quản vùng xứ Đông rộng lớn gồm cả Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng ngày nay.
Tượng ông được tạc với tư thế oai phong, gian trung từ có tượng
bốn vị văn võ đã cùng Phạm Phòng Át khai phá, xây dựng cơ nghiệp, kích thước bằng
người thật, thể hiện sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ
XVIII qua bàn tay vàng của nghệ nhân dân gian.
Đền Mây còn lưu giữ các bức đại tự, khảm trai, kiệu bát cống,
bia đá và 23 bản sắc phong của các vua triều Lê - Nguyễn. Trong sáu tấm bia đá,
giá trị nhất là bia khắc bài "Ðặng Châu từ phụng ký" của Tuần phủ
Hưng Yên Phạm Văn Toán làm năm thứ 11 (1899) triều vua Thành Thái, đã từng cùng
Thống chế Hoàng Kế Viêm đánh Pháp ở trận Cầu Giấy, giết tướng giặc F.Garnie
(1873), được triều đình trọng dụng, phong chức Trung phụng đại phu Tham tri Bộ
binh, Phó đô ngự sử Viện Ðô sát. Nhân dịp Ðền Mây được trùng tu, ông đã dâng
bài văn bia ca ngợi công đức của Phạm Phòng Át.
Lễ hội đền Mây
Lễ hội đền Mây được tổ chức hàng năm ở hai thời điểm khác
nhau: Tháng Giêng từ ngày mồng 8 đến ngày 16 (âm lịch) là lễ hội kỷ niệm ngày
sinh; từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 11 (âm lịch) là lễ hội kỷ niệm ngày hoá của
tướng quân Sứ quân Phạm Bạch Hổ. Ngoài ra, Từ 16 đến 24 tháng Sáu là ngày kỵ
thân mẫu Sứ quân Phạm Bạch Hổ.
Trong lễ hội ngoài tế lễ còn diễn ra phần hội với nhiều trò
chơi truyền thống mang đậm nét văn hoá của cư dân Bắc Bộ như: đấu vật, múa lân,
hát trống quân, múa rối nước, đánh cờ…
Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn theo phong cách mới.
Năm 1992, Bộ VHTT đã công nhận Đền Mây là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Để hoà nhập với sự phát triển của Phố Hiến - Hưng Yên, Đền Mây được quy hoạch,
trùng tu, tôn tạo để bảo đảm phục vụ khách thập phương và nhân dân trong vùng
trong các ngày lễ hội.