BGĐT- Đình Đông Lâm thờ thành hoàng là Linh Quang Hiển ứng đại vương, Đô Giang Linh ứng đại vương và Diên Nương công chúa dưới thời Nhị vua Hai Bà Trưng đã có công dẹp quân Hán xâm lược.
Vùng đất Bắc Giang thời Đông Hán thuộc quận Giao Chỉ.
Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, những vị tướng giỏi người Bắc Giang cả
nam và nữ đều tham gia cầm quân giết giặc. Ghi nhận công ơn, sau khi mất, các vị
tướng được triều đình đời sau ban tặng sắc phong, nhân dân xây dựng đình, nghè
thờ tự.
Những tấm gương oanh liệt đó không chỉ được ghi chép trong
ngọc phả, thần tích, thần sắc, bia ký... mà còn biểu hiện thông qua hệ thống di
tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong tỉnh như: Cụm di tích đình, nghè
Lý Cốt, xã Phúc Sơn (Tân Yên), thờ công chúa Giã đại Thần; đền Ngọc Lâm, xã Tân
Mỹ (TP Bắc Giang) thờ Thánh Thiên công chúa; đình Đông Lâm thuộc xã Hương Lâm
(Hiệp Hòa)...
Đình Đông Lâm thờ thành hoàng là Linh Quang Hiển ứng đại
vương, Đô Giang Linh ứng đại vương và Diên Nương công chúa dưới thời Nhị vua Hai
Bà Trưng đã có công dẹp quân Hán xâm lược. Theo bản thần tích đình Đông Lâm, ở
đất Hiệp Hoà có ông Đặng Công Tiến vợ là Tạ Thị Đức muộn con bèn nuôi người
cháu gái là Diên Nương.
Đến gần 50 tuổi ông bà nằm mộng mà có thai, năm Quý Tỵ bà
sinh ra một bọc có hai người con diện mạo giống nhau, thiên chất sáng ngời. Ông
bèn đặt tên người anh là Quang, em là Đô. Ngay từ nhỏ hai anh em đã biết lễ
nghĩa, 13 tuổi tinh thông võ nghệ được nhiều sĩ tử tôn xưng là Thần đồng xuất
thế. Sau khi cha mẹ mất hai ông cùng Diên Nương đến trại Đông Lâm (Hiệp Hoà)
truyền dạy văn tự cho nhân dân trong vùng. Vừa được một năm thì quan quân Tô Định
mang quân đến áp bức bóc lột người dân dã man.
Sử sách ghi lại, tháng Hai năm Canh Tý (năm 40), vương bà
Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị dấy cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát (thuộc địa
phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay) chống lại ách thống trị của nhà Đông Hán.
Dưới sự lãnh đạo của Nhị vua Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa ở nhiều địa
phương thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn.
Hai đức ông Quang, Đô và em gái là Diên Nương đứng lên kết nạp
hào kiệt được 2.000 người tiến về đồn Trưng Nữ xin đi giết giặc. Hai ông được
phong làm Đô uý, Diên Nương làm tiền tướng quân hiệu Nhật gian tiến binh kết
thành đội ngũ phá giặc Tô Định.
Hai Bà Trưng chiếm lại 65 thành khôi phục toàn cõi Nam Bang
lên ngôi lấy hiệu là Trưng Vương. Tại vị được 3 năm, Mã Viện trở lại xâm chiếm
nước ta, Trưng Vương giao cho hai ông (Linh Quang, Đô Giang) đem tướng binh giữ
cửa ải chặn quân Hán. Thế giặc mạnh, hai ông phải dẫn quân lui về trại Đông Lâm
và bị bao vây. Diên Nương cũng xông phá vòng vây giặc. Thế giặc mạnh, ba anh em
đến gần bến sông ngửa mặt lên trời mà kêu rằng: Bề tôi phụng sự quân vương một
lòng sống chết, nào ngờ cơ đồ cho ta chỉ đến đây thôi. Sau đó cùng lao xuống tự
vẫn để khỏi rơi vào tay giặc.
Ghi nhớ công lao, trại Đông Lâm tu sửa miếu điện phụng thờ
Linh Quang, Đô Giang và Diên Nương. Đến các đời vua sau phong hai ông là Đương
cảnh thành hoàng linh trật chi Thần.
Đình Đông Lâm được xây dựng từ lâu đời. Đến thế kỷ XVII vào
năm 1637 làng Hương Lâm đã được ban tặng sắc phong cho các vị Thần được thờ ở
đình.
Bình đồ kiến trúc ngôi đình kiểu chữ đinh gồm toà đại đình
có 3 gian, 2 chái với 4 mái đao cong nối toà hậu cung. Lòng đình rộng, liên kết
khung vì mái với 6 hàng chân cột gỗ lim chắc khoẻ được gắn kết với nhau bởi hệ
thống hoành, xà tạo vì mái. Hệ thống các vì mái được liên kết theo kiểu thượng
con chồng, hạ kẻ, cốn, vì kèo cột ván. Trong đình còn bảo lưu được nhiều mảng
chạm khắc đẹp có giá trị nghệ thuật của thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-
XVIII).
Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Đông Lâm còn bảo
lưu được nhiều tài liệu, hiện vật giá trị như ngai thờ, bài vị, bộ kiệu song
hành, bản ngọc phả, sắc phong cổ, ngựa thờ, bát hương, một số cổ vật có liên quan
đến di chỉ khảo cổ học Đông Lâm như lọ gốm thời Hán, mũi tên đồng, lưỡi rìu đồng,
thời Bắc thuộc, tiền đồng, mảnh vỡ đầu rồng đất nung thời Lê (thế kỷ XVII)…
Đình Đông Lâm là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi
tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hằng năm tổ chức
ngày 3 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch. Theo bản văn tế thần lưu giữ tại đình
làng, các ngày sự lệ cùng nghi thức cúng tế ở địa phương được ghi khá chi tiết
và đầy đủ. Theo đó ngày 3 tháng Giêng, ngày sinh Thánh, làm lễ tế tại đền mộ Tổ.
Ngày 5 tháng Giêng lễ đại lệ kỳ phúc. Ngày 12 tháng 8 - ngày
hoá Thánh làm lễ tế tại đình. Ngày 10 tháng 9, lễ tướng quân xuất trận và tảo lễ
Thánh phụ, Thánh Mẫu. Với giá trị tiêu biểu trên, đình Đông Lâm đã được xếp hạng
là di tích Kiến trúc - nghệ thuật cấp tỉnh từ năm 2003.