Tam đế Hậu Ngô là những vị vua trị vì đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ Bắc thuộc sang thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam, dù có những sai lầm, nhưng cả ba vương đế đã cố gắng bảo vệ ngôi vương và thành quả của các bậc tiền nhân, xứng được thờ tôn kính, thờ phụng trong lòng dân tộc.
Ngô Xương Văn (chữ Hán: 吳昌文; 935[1] – 965) là một vị vua nhà Ngô
trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ 950 đến 965, trong đó khoảng từ 951 – 954
ông trị vì cùng với anh trai là Ngô Xương Ngập. Sử gọi chung đó là thời Hậu Ngô
Vương.
Giữa cậu và anh
Năm 944, Ngô Quyền mất, ủy thác con trưởng Ngô Xương Ngập
cho Dương Tam Kha - em trai (có sách viết là anh) Dương hậu. Dương Tam Kha cướp
ngôi, tự lập mình làm vua, xưng là Dương Bình vương. Ngô Xương Ngập chạy về Nam
Sách được một hào trưởng là Phạm Lệnh Công che chở. Dương Tam Kha ba lần sai
quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Ở đó Ngô Xương Ngập lấy vợ và sinh
con là Ngô Xương Xí.
Dương Bình vương lấy Ngô Xương Văn làm con nuôi. Một số
nghiên cứu gần đây cho rằng Ngô Xương Văn lấy con gái Bình vương là Dương Vân
Nga và chính ông là người chồng đầu tiên của bà, nhưng giả thuyết này không vững
chắc và có nhiều điểm mâu thuẫn (xem chi tiết bài Dương Vân Nga).
Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không
chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm
lẫn nhau. Năm Canh Tuất (950), Tam Kha sai Xương Văn cùng hai tướng Dương Cát Lợi
và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Ngô Xương
Văn đi đến nửa đường, dụ hai tướng quay lại lật đổ Dương Tam Kha.
Trích Đại Việt sử ký toàn thư:
Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn cùng hai tướng họ
Dương và họ Đỗ đem quân đi đánh hai làng là Đường và Nguyễn ở Thái Bình. Khi
quân đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn nói với hai tướng rằng:
- Đức lớn của Tiên Vương ta đã thấm vào tận lòng dân, cho
nên, chính lệnh ban ra, không ai là không thuận nghe theo. Nay, không may Tiên
Vương đã lìa bỏ quần thần, Bình Vương [chỉ Dương Tam Kha] làm việc bất nghĩa,
cướp ngôi của anh ta, tội thật không có gì lớn bằng. Giờ đây, Bình Vương lại
sai chúng ta đi đánh hai làng vô tội. Nếu may mà thắng được thì chẳng nói làm
gì, còn như họ không chịu hàng phục thì ta biết làm sao được?
Hai tướng cùng nói:
- Chúng tôi xin theo lệnh của ông.
Ngô Xương Văn lại nói:
- Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục
cơ nghiệp của Tiên Vương ta, như thế có nên chăng?
Hai tướng cùng cho là hay, bèn quay về đánh úp Dương Tam
Kha. Mọi người muốn giết Dương Tam Kha đi, nhưng Ngô Xương Văn nói:
- Bình Vương đối với ta có ơn [chỉ việc Dương Tam Kha đã nhận
Ngô Xương Văn làm con nuôi], tại sao lại nỡ giết?
Nói rồi, bèn giáng Dương Tam Kha làm Chương Dương Công, ban
cho đất làm thực ấp (nay là bến Chương Dương).
Ngô Xương Văn không giết Dương Tam Kha, giáng xuống làm
Chương Dương Công.
Nam Tấn vương
Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở
Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về. Được sự chuẩn tấu
của Dương thái hậu, Ngô Xương Ngập cũng lên làm vua, xưng là Thiên Sách Vương.
Khi đó cùng tồn tại hai vua.
Ngô Xương Ngập (chữ Hán: 吳昌岌; ? - 954) là một vị vua nhà Ngô, trị vì
từ 951 đến 954 cùng với em trai là Ngô Xương Văn. Sử gọi chung đó là thời Hậu
Ngô Vương.
Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua,
là Thiên Sách Vương năm 951. Lúc đó tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách
Vương. Sử gọi là Hậu Ngô Vương.
Năm 951, Thiên Sách cùng Nam Tấn vương dấy binh đánh Đinh Bộ
Lĩnh ở Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng thất bại phải rút quân về.
Ngô Xương Ngập chuyên quyền, không cho Ngô Xương Văn tham
gia chính sự. Ngô Xương Ngập còn định trừ Ngô Xương Văn để một mình làm vua,
nhưng năm 954, Ngô Xương Ngập lâm bệnh qua đời, làm vua được 4 năm.
Năm 951, ông cùng Thiên Sách vương đi đánh Đinh Bộ Lĩnh ở
Hoa Lư (Ninh Bình) không thần phục triều đình nhưng không thắng phải quay trở về
(xem chi tiết các bài: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn).
Ngô Xương Ngập chuyên quyền, không cho Ngô Xương Văn tham
gia chính sự. Ngô Xương Ngập còn định trừ Ngô Xương Văn để một mình làm vua,
nhưng năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh chết. Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn một
mình trị nước.
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn chiếu từ
Ngũ đại sử (thiên Nam Hán thế gia), sau khi Xương Ngập chết, Xương Văn sai sứ đến
gặp vua Nam Hán là Lưu Thịnh (con Lưu Cung) xin "tiết việt". Lưu Thịnh
sai cấp sự trung là Lý Dư đem cờ tinh, cờ tiết sang để chiêu dụ. Lý Dư đi đến Bạch
Châu, Ngô Xương Văn sai người đến ngăn lại, bảo rằng: "Giặc biển làm loạn,
đường sá khó đi", thành thử Lý Dư không sang được tới nơi. Có lẽ Nam Tấn
vương đã ân hận trong việc "thần phục" kẻ địch từng thua bại dưới tay
ông ngoại và cha mình và thấy Nam Hán không đủ mạnh để thần phục nên tìm cách
không gặp sứ Nam Hán.
Trong nước có nhiều nơi làm loạn không thần phục triều đình,
Nam Tấn vương mang quân đi dẹp. Đầu tiên ông dẹp được giặc Chu Thái ở Thao
Giang (Phú Thọ), sau đó năm 965, Ngô Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn Đường
và Nguyễn ở Thái Bình (Sơn Tây).
Ông bị phục binh bắn nỏ trúng, tử trận. Thôn Đường, tức Đường
Lâm thuộc phạm vi chiếm đóng của sứ quân Ngô Nhật Khánh, còn thôn Nguyễn Gia
Loan thuộc căn cứ của sứ quân Nguyễn Thái Bình, tức Nguyễn Khoan.
Ngô Xương Văn làm vua được 15 năm. Thời kỳ trị vì của Ngô
Xương Văn và Ngô Xương Ngập được gọi chung là Hậu Ngô Vương.
Sau đó con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí lên ngôi,
nhưng thế lực suy yếu phải rút về giữ đất Bình Kiều. Từ 966 hình thành 12 sứ
quân, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Cho tới năm Mậu Thìn 968, đạo quân của Đinh Bộ
Lĩnh sau hàng loạt chiến thắng, thống nhất đất nước, mở ra nhà Đinh. Nhà Ngô kết
thúc.
Những diễn biến từ thời điểm Binh Vương Dương Tam Kha giành ngôi của cháu, cho đến thời điểm thái tử Ngô Xương Xí lên ngôi cho thấy những diễn biến đặc trưng trong mối quan hệ giữa Bình vương Dương Tam Kha, Thiên sách vương Ngô Xương Ngập và Nam tân vương Ngô Xương Văn.
Trị vì 6 năm, Bình vương Dương Tam Kha rất dễ dàng truy sát thái tử Ngô Xương Ngập, chứ không phải 3 lần hạ chỉ cho tướng Đỗ Cảnh Thạc, vốn là thân tướng của Tiền Ngô vương Ngô Quyền đi truy bắt, dường như ông không muốn hại cháu mình, nhưng lại không muốn cho thái tử Ngô Xương Ngập lên ngôi vì phẩm cách của vị thái tử này.
Đặc điểm thứ 2 là việc giao binh quyền cho hoàng tử Ngô Xương Văn, thực sự rất giống như tạo một lý lẽ hợp pháp cho hoàng tử giành lại ngôi vua để ngăn không cho thái tử Ngô Xương Ngập trị vì.
Việc Nam tấn vương Ngô Xương Văn không giết Bình vương Dương Tam Kha mà chỉ giáng làm Chương Dương công có thể được cho rằng, Bình vương Dương Tam Kha đã hoàn thành sứ mệnh gìn giữ độc lập của đất nước và trao trả lại quyền trị vì cho hoàng tử Ngô Xương Văn.
Điểm duy nhất khiến đất nước xảy ra loạn 12 xứ quân dường như chính là việc thái tử Ngô Xương Ngập lên ngôi Thiên Sách vương, gây áp lực với Nam Tấn vương Ngô Xương Văn, Nam Tấn vương không đủ cứng rắn để thống trị ngôi báu, nên đến thời kỳ hoàng tử Ngô Xương Xí, đất nước loạn 12 sứ quân.
Đình Hương Canh, nơi thờ phụng Tam vị vua Hậu Ngô
Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lê Văn Hưu viết:
"Nam Tấn Vương nhà Ngô trước bị gia thần là Tam Kha
giam giữ, sau bị anh là Xương Ngập áp chế, một sớm đắc chí, không biết cẩn thận
giữ mình, cho nên hưởng nước ngắn ngủi, không có chính tích gì, đáng tiếc thay!
Nhưng, cứ xem việc tha tội cho Bình Vương, há không phải là nhân ư? Chịu nhịn
cho Xương Ngập kiêu xấc, há không phải là cung ư? Đã nhân lại cung, cũng có thể
thấy vương là người ra sao rồi."
Ngô Sĩ Liên có lời bàn trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:
Nam Tấn nhà Ngô dùng chính nghĩa trừ kẻ tàn bạo, lấy lại được
cơ nghiệp cũ. Công việc ấy cũng đã yên ủi vong linh tiên tổ mình, làm nguôi
lòng bực tức của quỷ thần, của nhân dân. Thế mà, chỉ vì hiền lành nhù nhờ, đã
không trừng trị Tam Kha về tội cướp nước, lại còn gây ra chiến tranh bẩn thỉu ở
Thái Bình, cuối cùng tự rước lấy tai nạn, thật đáng tiếc!
Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án cũng có lời bàn về Ngô
Xương Văn như sau:
Hậu Ngô Vương ở chỗ thâm cung, nên tặc thần không ngờ đến, ở
giữa đường quay về, mà chư tướng không dám trái ý, truất phục được kẻ gian tà dễ
như thay bàn cờ, 15 năm giữ cơ nghiệp, đáng gọi là lương chúa, đẻ con như thế
Ngô Quyền cũng như là không chết. Đến như Thiên Sách chuyên quyền mà mình không
được dự chính quyền, Tam Kha giành ngôi vua mà không nỡ gia hình, luận giả cho
Xương Văn là cô tức, nhưng xét bản tâm của Xương Văn thì chỉ biết cung kính
anh, để kính nhường dòng con trưởng, không giết cậu, để mẹ được yên lòng, cũng
là người có tư chất tốt, không thế, thì nếu không giết anh là Xương Ngập, cũng
không để Tam Kha được sống. Duy chỉ có lỗi là để lộ cơ mưu, đến nỗi bị mũi tên
lạc, chí khí hăng hái của thiếu niên chưa bỏ đi được, là đáng tiếc đó thôi.
Khi đề cập tới Xương Văn có tư chất tốt, không thế, thì nếu
không giết anh là Xương Ngập, cũng không để Tam Kha được sống, Ngô Thì Sĩ có lẽ
muốn so sánh chuyện nhà Ngô với những cảnh "huynh đệ tương tàn", thói
ích kỷ, vô nhân của một số quân vương trong lịch sử Trung Quốc, như Lý Thế Dân
giết anh em cùng mẹ và 10 cháu ruột, bức cha thoái vị; Tống Cao Tông Triệu Cấu
không muốn xin nhà Kim thả cha (Huy Tông) và anh (Khâm Tông) đang làm tù binh
trong tay giặc được về mà chỉ xin tha cho mẹ, rồi tìm cách vu tội giết Nhạc Phi
vì danh tướng này muốn đánh vào kinh đô nhà Kim để rước 2 vua cũ về nam; hay
Minh Anh Tông được em là Cảnh đế cứu thoát từ tay người Mông sau 7 năm làm tù
binh đã tìm cách sát hại em để đoạt lại ngôi.
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên có phần chưa thỏa đáng. Việc gọi anh
về cùng làm vua và tha cho Dương Tam Kha là lòng nhân nghĩa, khiêm nhường của
Xương Văn, không thể nói là ông nhu nhược. Dẹp được giặc Chu Thái, có thể nói
là ông đủ cứng cỏi để cầm quyền. So với Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu và Ngô Thì Sĩ
có lời bàn hợp lý hơn.
Ngô Xương Xí (chữ Hán: 吳昌 熾), còn gọi là Ngô Sứ quân (吳 使君), được
chính sử ghi là một trong những thủ lĩnh thời 12 sứ quân thế kỷ X. Nhiều tài liệu
cho ông biết là con trai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, tức là cháu nội của
Ngô Tiên chúa Ngô Quyền. Sử dụng không rõ năm sinh và năm mất của Ngô Xương Xí,
nhưng căn cứ vào trạng thái của Ngô Xương Ngập thì ông sinh khoảng từ năm 944 đến
trước năm 950.
Năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mất, chỉ còn Ngô Xương Văn.
Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường (thuộc căn cứ Đường Lâm) và thôn Nguyễn
Gia Loan (thuộc phạm vi kiểm soát của sứ quân Nguyễn Thái Bình) thì bị phục
binh bắn nỏ tử trận. Tại Cổ Loa các tướng Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ Cảnh Thạc,
Dương Huy tranh nhau làm vua.
Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thì một viên tướng
người họ Ngô là Ngô Xương Xí tụ tập quân giữ Bình Kiều. Tuy nhiên lời chua sách
này ghi Ngô Xương Xí: con Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập. Đại Việt sử lược thì
chép sứ quân Nguyễn Du Dịch tên Xương Xí. Các cuốn sử trên cùng với Đại Việt sử
ký toàn thư đều không chép việc Xương Xí nối ngôi vua.
Khi Nam Tấn Vương mất, Ngô Xương Xí chưa tới 20 tuổi, theo lẽ
thường sẽ trở thành Vua. Nhưng vì thế lực ngày càng yếu nên Ngô Xương Xí phải
lui về giữ đất Bình Kiều. Vùng đất nay được xác định thuộc Triệu Sơn, Thanh
Hóa.
Từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không
phục đã nổi lên. Cho tới thời của Ngô Xương Xí thì hình thành 12 đạo quân lớn
hơn cả, trấn giữ các địa phương, sử sách gọi là loạn 12 sứ quân. Ngô Xương Xí
cũng nằm trong số đó, tức Ngô Sứ quân (吳使君).
Sử sách chép không thật rõ ràng về thời kỳ loạn lạc này, nhất
là kể từ cái chết của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Theo Khâm định Việt sử Thông
giám cương mục, một trong những bộ chính sử Việt Nam, đã xảy ra việc
"tranh chấp ngôi vua" giữa các đại thần Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Đỗ
Cảnh Thạc và Dương Huy tại kinh thành Cổ Loa. Trong cuộc tranh chấp đó, Ngô
Xương Xí đã phải chạy khỏi kinh thành.
Thành Bình Kiều
Thành Bình Kiều là một tòa thành do chính Sứ quân Ngô Xương
Xí xây dựng trên vùng đất mới chọn sau khi phải dời khỏi triều đình Cổ Loa.
Thành nằm lọt vào giữa vùng đất cách thành phố Thanh Hóa 25 km về phía Đông, cạnh
dãy Cửu Noãn Sơn, liền kề phía Bắc núi Nưa thuộc huyện Như Thanh. Vùng đất này
ngày nay thuộc về các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh
Thanh Hóa. Bình Kiều có nghĩa là cầu bằng (tức cầu không cong), nguyên là tên một
cây cầu bắc qua sông Mau Giếng.
Theo tài liệu của Giáo sư Phan Đại Doãn công bố vào năm 1971
và kết quả khảo sát thực địa tiến hành vào năm 1981 thì tòa thành này đắp bằng
đất, được xây dựng trên một khu đất vuông vắn, thành có hình vuông, mỗi bề gần
1.800 m. Nay đã trở thành bờ vùng, bờ thửa và lũy tre.
Chung quanh thành có vết hào bao bọc, thành cao khoảng 2 m,
chân thành rộng từ 3 – 4 m, mặt thành rộng khoảng 2 m. Thành có 4 cửa và bồn
góc thành có 4 cồn đất cao. Tòa thành nằm cạnh con sông Mau Giếng, một nhánh của
sông Nhơm – thượng nguồn của sông Cầu Quan, đổ vào sông Yên để ra biển qua cửa
Ghép. Tên gọi Bình Kiều xuất phát từ một chiếc cầu: cầu Bừng bắc qua sông Mau
Giếng ở gần phía Bắc tòa thành.
Hàng phục nhà Đinh
Theo các tài liệu nghiên cứu, việc bình định Ngô Xương Xí của
Đinh Bộ Lĩnh diễn ra một cách hòa bình. Ngô Xương Xí quy hàng Đinh Bộ Lĩnh.
Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép rằng: "...Ðến khi nhà Ngô
mất, Ðinh Bộ Lĩnh dụ hàng được các sứ quân Ngô Xương Xí, phá được Ðỗ Ðộng của Đỗ
Cảnh Thạc..." Có tài liệu nói rằng sở dĩ ông hàng Bộ Lĩnh vì có sự tác động
của cuộc hôn nhân giữa Đinh Bộ Lĩnh và Dương Vân Nga, con gái Dương Tam Kha, rồi
ông ngoại ông là Sứ quân Phạm Bạch Hổ hay Ngô Nhật Khánh đều là những người có
quan hệ thân thích với ông cùng quy thuận Đinh Bộ Lĩnh.
Bổ sung từ nguồn truyền thuyết kết hợp với di tích sưu tầm
được ở Thanh Hóa cho biết, khi Đinh Bộ Lĩnh tiến hành thu phục Bình Kiều của Sứ
quân Ngô Xương Xí, ông hành quân vào Ái Châu, đóng quân tại sườn Cửu Noãn Sơn,
có thần nhân (mưu sĩ?) mách bảo: không cần đánh, chỉ cần mở tiệc khao quân,
Xương Xí hoảng sợ tất phải xin hàng. Nay ở xã Thọ Tân có đền thờ Vua Đinh Tiên
Hoàng.
Cho tới năm Mậu Thìn 968, đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh sau hàng
loạt chiến thắng, thống nhất đất nước, mở ra nhà Đinh. Đinh Tiên Hoàng có mời
Ngô Xương Xí tham gia triều chính nhưng ông từ chối và lánh về ẩn cư ở vùng thượng
du châu Ái (tức Thanh Hoá). Nhà Ngô kết thúc.
Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, ông có một người anh, là con cả
của Ngô Xương Ngập tên là Ngô Xương Tỷ (933-1011), theo nghiệp tu hành, đổi tên
là Ngô Chân Lưu và sau được Đinh Tiên Hoàng phong làm Khuông Việt đại sư.
Đền thờ
Ở Quang Đàm, An Hải (huyện cũ), Hải Phòng có một đền thờ Ngô
Xương Ngập.
Đền Kê Lạc (còn gọi là đền Vương, thuộc xã Dị Chế, huyện
Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày nay) và truyền tụng trong vùng thì khu vực đền là
nơi an táng thi hài vua Ngô Quyền, Hoàng hậu Dương Thị Ngọc Thư (tức Dương Thị
Như Ngọc) và nhị hậu Ngô vương (tức Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương).
Cả ba đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh cùng thờ chung
6 vị thành hoàng, gồm: Ngô Xương Ngập (con cả của Ngô Quyền, vua nhà
Ngô, trị vì từ năm 951- 954) được phong là Thiên Sách Hoàng đế (thờ tại Chính vị);
vua Ngô Xương Văn (con thứ của Ngô Quyền, vua nhà Ngô, trị vì từ năm 950-965),
được phong là Quốc Vương Thiên tử (thờ tại Tả vị); Đổ Cảnh Thạc (912- 967, tướng
của Ngô Quyền, sau này là một trong thủ lĩnh thời 12 sứ quân), được phong là
Đông Nhạc Đại thần (thờ tại Hữu vị);
Ngô Xương Xí được thờ tại đền Khai Long sứ quân, thuộc xã
Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tương truyền đây là nơi Ngô Xương Xí
chiêu dân lập căn cứ thời 12 sứ quân. Nơi đây cách căn cứ Bình Kiều khoảng 140
km về phía Nam. Sự xuất hiện của ngôi đền thờ ở đất Hoan Châu khẳng định vai
trò quân sự của Ngô Xương Xí với một vùng ảnh hưởng rộng lớn khắp châu Ái, châu
Hoan, tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay.
Đền Khai Long là 1 ngôi đền thiêng được xây dựng cách đây
trên 1.000 năm. Trước đây đền có 3 tòa gồm: thượng điện, trung điện và hạ điện.
Đền Khai Long thờ một vị tướng trong Thập nhị Sứ quân là Ngô Xương Xí, được
phong tặng Thượng thượng Đẳng - Tối linh Đại vương. Gần xã Tân Sơn là xã Trung
Sơn cũng có ngôi đền Khai Long cổ kính là nơi thờ tướng quân Ngô Xương Xí.
Ngô Xương Xí được thờ làm Thành hoàng làng Phú Duy, xã
An Tiến, huyện Mỹ Đức, phía nam Hà Nội. Theo truyền thuyết ở Phú Duy, Thành
hoàng làng là tướng Ngô Xương Xí - một trong những thủ lĩnh của 12 sứ quân từng
đóng quân tại đây.
Bãi tập trận của nghĩa quân xưa kia chính là những bãi trên
núi quanh đầm Cửa Hương. Tương truyền, đầm Cửa Hương chính là nơi cung cấp nguồn
nước sinh hoạt cho nghĩa quân. Vào khoảng trước năm 2010, những người đi tìm
nguồn sắt đã bắt gặp rất nhiều dấu tích của vũ khí của nghĩa quân được chôn giấu
sâu dưới lòng núi.
Ngô Xương Xí cũng được thờ tại Đình làng Phí Trạch, xã
Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội.