Đức ngài Đào Liên Hoa (thế kỷ X) là danh tướng thời Đinh, được biết đến qua thần phả làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Ông có nhiều công lao phò tá vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và được phong làm Tây Vị Đại Vương.
Phú Thị (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng cổ nằm trong
địa bàn cư trú sớm của người Việt cổ thời Hùng Vương, trên trục đường lớn từ
Thăng Long về Luy Lâu, trung tâm đất nước thời thuộc Hán, trung tâm Phật giáo lớn
của nước ta trong những thế kỷ đầu công nguyên.
Phú Thị cũng là nơi sinh hoạt văn hoá đã được mở mang từ
hàng nghìn năm, đã trở thành đất học, đất khoa bảng. Người làng Sủi vẫn truyền
nhau câu nói “Nhất môn tam tiến sĩ/ Đồng triều tứ thượng thư” để cùng khuyến học,
noi theo. Người làng Sủi còn tự hào với cụm di tích chùa, đình, đền
nổi tiếng - một danh thắng ý nghĩa đất Thăng Long.
Theo thần phả đình Phú Thị, Đào Liên Hoa quê ở xứ Hà Trung,
phủ Thiết Trung, tỉnh Thanh Hoá. Thân phụ ngày danh tính Đào Lam. Thân mẫu họ
Nguyễn Thị Huệ. Vì hiếm muộn, hai ông bà đã đến tận đền trên núi ở cửa Thần Phù
cầu tự, sinh được ngài đặt tên là Liên Hoa với mong muốn con sẽ để lại tiếng
thơm đến muôn đời sau.
Lúc còn nhỏ Đào Liên Hoa tỏ ra rất hiếu học, thức khuya dậy
sớm, nổi tiếng là thần đồng xứ Thanh. Phu nhân Nguyễn Thị Huệ mất ớm. Cụ Đào
Lam cảnh gà trống nuôi con. Đến năm con trai 15 tuổi, cụ lấy vợ kế, với mong ước
có kế phụ, kế mẫu giúp nuôi dạy con trai. Nhưng Đào Liên Hoa từ bé đã vốn cứng
cỏi, xin cha cho đi tìm thầy học.
Ngài đã đến thôn Hội Phụ, quận Vũ Ninh, phủ Từ Sơn, đạo Bắc
Ninh xin học và làm con nuôi Nguyễn Tiên Sinh. Khi được biết ở động Hoa Lư có
(vua) Đinh Bộ Lĩnh khởi nghiệp nêu cao việc lớn dẹp cát cứ 12 sứ quân, gây ra nạn
huynh đệ tương tàn, làm suy yếu hồn nước, đức ông Đào Liên Hoa đến xin đầu
quân. Vua Đinh Bộ Lĩnh thấy Liên Hoa tướng mạo hiên ngang, phúc hậu, cho thử
cung, kiếm, quyền cước, binh thư đều giỏi, văn sử thông thạo như nước chảy thì
rất nể trọng, giao cho làm tướng.
Do có công lao đánh dẹp, khi vua Đinh Bộ Lĩnh thống nhất
giang sơn, lên ngôi đế liền phong cho bốn vị sau:
Đinh Điền làm Nam vị Đại vương
Nguyễn Bặc làm Đông vị Đại vương
Đào Liên Hoa làm Tây vị Đại vương
Lưu Văn Đức làm Bắc vị Đại vương
Vua Đinh Tiên Hoàng đã cử ngài làm chánh sứ, Lưu Văn Đức làm
phó sứ sang Trung Quốc. Đào Liên Hoa làm bài thơ dâng lên, vua Tống khen
"Nước Nam lắm kẻ anh tài" và thưởng rất hậu.
Khi quận Vũ Ninh huyện Đông Ngàn có giặc nổi lên quấy phá,
Đào Liên Hoa vân mệnh vua đem quân tiểu trừ. Ngài dựng đài đóng quân ở Trang Thổ
Lỗi (nay là làng Sủi).
Dẹp yên giặc, Đại vương Đào Liên Hoa dạy dân cày cấy, trồng,
xây nhà cửa, gọi dân lưu tán về lập làng, mở mang đất hoang, nối liền các trang
ấp, dựng vợ, gả chồng, dân lành được sống yên vui.
Đền thờ phụng
Đào Liên Hoa tạ thế ngày 25 tháng 12 âm lịch. Ông được triều
đình hạ chiếu cho các hạt thuộc ngài cai quản, có nhiều công đức lập đền miếu
thờ. Các trang Hội Phụ, trang Thiết Trung, trang Thổ Lỗi đều thờ ngài làm thành
hoàng.
Đình làng Phú Thị (tức làng Sủi hay Thổ Lỗi Trang) thờ Tây Vị
Đại Vương Tướng quân Đào Liên Hoa làm thành hoàng. Theo thần phả đình thì Tây Vị
Đại Vương là một trong bốn vị chủ chốt thời vua khai sáng Đinh Tiên Hoàng. Trải
qua 1000 năm Bắc thuộc nước Văn Lang - Âu Lạc thành châu quận của phương Bắc, đến
thế kỷ thứ X mới có Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ làm Tiết độ sứ.
Chỉ đến thời Đinh Tiên Hoàng Đế mới đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt
xưng đế ngang hàng với phương Bắc. Tướng quân Đào Liên Hoa là một trong bốn trụ
cột quan trọng nhất của nhà Đinh. Các triều đại sau này sắc phong ngài làm Thượng đẳng Phúc thần,
Anh linh Tây vị đại vương, chuẩn y cho Thổ Lỗi trang phụng tự nghìn thu hưởng lộc.
Trước cả đình Sủi có bức hoành phi đắp bốn chữ lớn:
Duy Nhạc giáng thần
Trong đình còn hai câu đối cổ ghi nhận công lao Ngài:
1. Bắc sơn ngũ khi hợp chiều Nguyên
Thổ Lỗi cử Nhiên vương tướng
Nam quốc vạn niên khai chính thống
Hoa Lư hữu thử công thần
2. Mạo Việt lẫm uy thanh trường kỳ
Hoa Lư chân tướng lược
Cung đài long phượng, tự tương truyền, Thổ Lỗi cựu quân
Đình có nguyên gốc là một ngôi đền cổ thờ anh hùng lịch sử
Đào Hoa Liên – danh tướng phò tá Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Phú Thị đã từng
là nơi lập trại bản doanh của Đào Hoa Liên khi ông đi dẹp loạn ở Vũ Minh, dân
làng Sủi đã lập đền thờ ngay sau khi vua ban chiếu chỉ.
Sau này ngôi đền đã trở thành đình và vị thần Đào tướng quân
được tôn làm Thành hoàng. Đình Phú Thị phía trước xây tường thẳng và những cửa
cuốn mở tiếp nhau chạy suốt năm gian, trên đắp nổi hai rồng chầu mặt trời lửa,
dưới đắp hình hổ phù.
Đại đình gồm năm gian, xây kiểu bít đốc, trang trí rồng thời
Nguyễn. Trong hậu cung xây bệ cao đặt long ngai, bài vị Thành hoàng làng.
Sát với đình là ngôi đền thờ Lý Thái Hậu đệ tam Hoàng Đế
(nguyên phi Ỷ Lan), được suy tôn là mẫu nghi thiên hạ, Phật bà Quan âm.
Đền gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung. Mặt trước nhà
xây tường thẳng đứng, gian giữa của đền xây hai tầng, tám mái, qua hiên là nhà
tiền tế làm kiểu bán mái.
Trên các cốn mê chạm lộng rồng lá. Khu cung cấm gồm ba gian
ngoài và hậu cung. Trong có bức hoành phi lớn “Mẫu nghi thiên hạ”.
Hiện trong đền còn hai mũ Hoàng đế, một to, một nhỏ bằng đồng
là kỷ vật quý hiếm.
Chùa Sủi có tên là Đại Dương Sùng Phúc tự là một ngôi chùa cổ,
có từ trước thời Lý. Tương truyền, thời Lý - Trần, các vua thường qua đây ngủ
đêm để ngóng mộng, chờ thông điệp của thần linh.
Đây cũng là nơi nguyên phi Ỷ Lan đời vua Lý Thánh Tông về cầu
tự, sinh được thái tử Càn Đức – sau là vua Lý Nhân Tông. Thỏa nguyện, bà cho
xây dựng lại chùa và hoàn thành vào năm 1115.
Hiện trước tam bảo chùa còn đôi câu đối cổ, viết theo kiểu
chữ Triện, ca ngợi việc nguyên phi Ỷ Lan xây chùa.
Chùa được xây dựng theo hướng phía trước có hình chim Chu Tước,
có đường thiên lý thẳng xuống phía nam, phía sau có hình chim huyền vũ, bên
trái có hình rồng xanh hướng về, bên ngoài có hình hổ cuồn cuộn chầu tới.
Chùa xây theo kiểu chữ đinh, gồm bảy gian tiền đường, ba
gian hậu cung và hai dãy hành lang, đầu hai hành lang giáp với tiền đường là
hai lầu tám mái treo chuông đồng, khánh đá.
Chùa Sủi còn lưu giữ được một số lượng lớn tượng cổ, co thể
khẳng định đây là bộ sưu tập cổ vật quý hiếm, những tư liệu quý để tìm hiểu lịch
sử mỹ thuât nước nhà và Phật giáo Việt Nam.
Hệ thống tượng trong chùa có niên đại tạo tác từ thế kỷ 17,
18 và 19. Trong số 73 pho tượng cổ có nhiều tượng có giá trị thẩm mỹ cao, tiêu
biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lê, Nguyễn.
Phong cách tạc tượng mang nhiều nét dân gian, có vẻ đẹp dung
dị của nền nghệ thuật dân gian cực thịnh vào thế kỷ 17, 18. Chùa có khánh đá lớn
từ thời Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725), chuông đồng lớn treo trên lầu tám mái phía
tây mang niên hiệu Cảnh Thịnh bát niên (1800) thời Tây Sơn, do tri huyện Nguyễn
Huy Quynh, người làng, tổ chức đúc.
Trang trí trên chuông khá độc đáo, khắc nhiều bài ký bằng chữ
Hán, miêu tả cảnh đẹp của chùa và ý nghĩa của việc đúc chuông cùng những tấm
lòng công đức.
Chùa Sủi, tự bản thân đã là một danh lam chứa đựng nhiều yếu
tố lịch sử, nghệ thuật lại nằm liền với ngôi đình và đền cổ kính, tạo thành một
khu di tích liên hoàn hiếm có.
Đình, đền, chùa Phú Thị được xây dựng trên một khu đất cao,
rộng rãi và bằng phẳng. Chúng được liên kết với nhau bằng các ngách nhỏ bên
trong. Kiến trúc được bắt đầu bằng hai trụ biểu làm lối vào, qua cổng là sân chạy
suốt mười gian của đình và đền.
Trong quần thể cụm di tích còn dựng một nhà văn bia để tôn
vinh những người con ưu tú khác của quê hương như nhà thơ xuất chúng Cao Bá
Quát, mười vị tiến sĩ Nho học qua các đời, 4 vị là Thượng thư và một vị là thầy
học của quan đại thần Nguyễn Nghiễm - thân phụ thi hào dân tộc Nguyễn Du, rồi
các nhà thơ tài danh Nguyễn Huy Lượng và Cao Bá Nhạ, các liệt sĩ...
Trước cách mạng tháng 8/1945 cũng như trong hai cuộc kháng
chiến, khu di tích này từng là nơi tụ họp của các cán bộ cách mạng.
Khu di tích Phú Thị đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá
cấp quốc gia từ năm 1989. Năm 2005, cụm di tích đã được tiến hành đại trùng tu
với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng, trong đó phục chế mới toàn bộ chùa và nhà nội tự,
coi đây là một trong những công trình tu bổ di tích văn hoá của Thủ đô, nằm
trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Hàng năm cứ đến ngày 25 tháng Chạp dân làng Sủi làm lễ huý
nhật Ngài.
Năm 1989, đình Sủi được nhà nước công nhận di tích lịch sử
văn hoá.