Thời Hùng vương, giặc Bắc quốc xâm lược đất nước ta. Thạch Linh thần tướng, sinh ra từ đá đã cưỡi voi đá, dẫn đầu đại quân đánh bại giắc man, giữ yên bờ cõi nước nhà. Ông được thờ phụng tại đền Ao Miếu.
Ngôi đền Thượng thờ Thạch Tướng Đại vương nằm trong quần thể
chùa Bổ Đà - ngôi chùa cổ kính nhất vùng kinh Bắc. Ngôi đền được xây dựng vào
thời Lê (thế kỷ XVIII).
Vào một đêm mưa to gió lớn, sấm chớp bão bùng kinh thiên động
địa thì một khối đá nhám màu nâu có kích thước khổng lồ nổi giữa Ao Miếu mênh
mông của làng Tiên Lát Hạ vỡ ra làm ba mảnh xuất hiện trên đó có bé trai khôi
ngô tuấn tú. Sáng sớm hôm sau (mồng 10 tháng Giêng) khi trời quang mây tạnh, Có
hai vợ chồng tên là Nguyễn Hòa và Cao Thị Huyền gia cảnh khó khăn, lấy nhau nhiều
năm mà chẳng có mụn con.
Tình cờ lần đi mò cua, bắt ốc, ông bà chợt thấy cậu bé khôi
ngô, bụ bẫm, trắng trẻo nằm trên hòn đá. Họ liền bồng về nuôi dưỡng. Dù nghèo
khó, ăn chẳng đủ no, nhưng lạ thay, cậu bé lớn như thổi. Người cao 10 thước, sức
khỏe phi thường. Nhưng ngặt một nỗi, đến 7 tuổi mà cậu bé chẳng biết nói năng
gì. Hai vợ chồng lấy làm buồn phiền, tự an ủi nhau: “Đây là con của đá, của đất
trời nên khác người cũng chẳng lấy làm lạ”.
Thời Hùng Tạo Vương (không rõ thứ mấy), một lực lương xâm lược
hùng hậu Bắc quốc với 50 vạn quân sang xâm lược đất Việt. Chúng đánh chiếm nhiều
nơi như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa. Đi đến đâu, kẻ thù đốt phá làng bản,
tàn sát dân lành man rợ. Quan binh không chống trả nổi do sức địch quá mạnh.
Nhà vua lòng dạ rối bời, ngày đêm mất ngủ lo lắng cho an nguy đất Việt. Nhìn
quanh, các quan tướng đều không đủ tài trí đánh đuổi quân thù.
Nhà vua bèn xây đàn để tế trời đất cầu mong tìm được Thánh
tài cứu nước. Đàn tế kéo dài ròng rã suốt 7 ngày, 7 đêm. bỗng từ trên trời bay
xuống sân điện lá cờ đỏ đề chữ vàng "Trên trời Thượng đế báo nhà vua, đánh
giặc tan tành tựa gió mưa, tìm đến Bắc Hà, Yên Việt xứ, chuyển Hùng Thạch Tướng
đánh không thua ". Trời đất linh thiêng cứu giúp, nhà vua quỳ xuống, bái tạ.
Vua xuống chiếu sai một cận thần làm sứ giả cùng đội binh 12
người cầm cờ Thiên hoàng tìm đến đất Yên Việt... Nguyễn Hoà thấy lá cờ lệnh có
tên Thạch Tướng thì về bảo với con nuôi. “Bây giờ mệnh nước đang suy, có sứ giả
đến tìm mà không giúp nước, sao trả nghĩa ân tình?”. Câu bé bỗng chuyển mình đứng
dạy thốt ra tiếng sấm: “Thạch Tướng yêu cầu về cấp báo với vua làm một con voi
đá cao 10 trượng và trao cho lá cờ Thiên đế!”. Sứ giả y lời. .
Vài ngày sau, đích thân vua cùng quan quân mang voi đá và lá
cờ đến trang Tiên Lạt. Vua làm lễ đón mừng Thạch Tướng. Ngày 13 tháng 8, nhân
dân Tiên Lát thiết lập cung đình để vua ngự, nay vẫn gọi là đình Ngự...
Nhìn thấy Thạch Tướng dung mạo khác thường, nhà vua lấy làm
ngạc nhiên. Vua lệnh các quan quỳ xuống bái lạy và phán rằng: “Thạch Tướng giúp
nước trừ tà, biết lấy gì để báo đáp công đức sâu nặng cho xứng với tình đây”?
Thạch Linh tâu với vua: "Quyền hành chốn nhạc phủ, tước
mệnh nơi thiên đình, trời sai xuống giúp bệ hạ trừ Man khấu, đâu dám phiền bệ hạ
hậu bào...chỉ xin được gìn giữ “Hòn đá Mẹ” làm nơi cấm kỵ và lập miếu thờ ta”.
Nói dứt lời, Thạch Tướng vươn vai ba lần, trở thành tráng sĩ
oai hùng, nhảy lên lưng voi, tay cầm lá cờ, dẫn đầu đoàn đại binh đánh giặc.
Thiên binh vạn tướng của Thạch Tướng đi tới đâu, giặc chết như ngả rạ tới đó.
Thạch Tướng chiến đấu dũng mãnh khiến giặc khiếp sợ. Chỉ trong thời gian ngắn,
Thạch Tướng đánh thẳng tới Cao Bằng, Tuyên Quang, Hương Hóa, quét sạch đồn
giặc.
Ngày 12 tháng 9, khải hoàn về quê hương Thạch Tướng cưỡi voi
về thẳng nơi sinh ra mình ở trang Tiên Lạt. Ông thả voi dưới chân núi (đến nay
vẫn còn hình đá voi đá). Một mình, Thạch Tướng trèo lên núi đá Phượng Hoàng chỗ
đỉnh cao nhất, trút bỏ giáp trụ binh phục, mũ áo rồi hóa về trời. Người dân chứng
kiến làm sớ dâng lên triều đình báo tin.
Nghe tin đó, vua bèn truyền trăm quan đến nơi “hóa” của Thạch
Linh thần tướng ở Tiên Lát thượng, lên núi cao làm lễ tế long trọng. Vua còn cấp
ruộng hương hoả để thờ và gia phong mỹ tự cho Thạch Linh thần tướng. Vua phong
Thạch Tướng là “Chuyên hùng Thạch Tướng đại vương” và trang Tiên Lạt làm nơi
trung nghĩa, quanh năm thờ cúng hành lễ. Nhà vua còn triệu vợ chồng người có
công nuôi Thạch Tướng về kinh thành nuôi dưỡng.
Đền được dựng ngay nơi Thạch Tướng đại vương hóa. Ngôi đền rộng
khoảng gần 100m2. Bên tả, bên hữu sân đền có 2 chú voi đá đứng chầu. Gian giữa
đền thờ Thạch Tướng đại vương. Hai bên cạnh thờ vợ chồng người có công nuôi Thạch
Tướng. Mỗi năm, đền đón hàng vạn lượt người đến cúng lễ, chiêm bái.
Ao Miếu hay dân gian còn gọi là Đền Hạ thờ Thần Đá: Thạch
Linh Thần Tướng (Thạch Tướng Quân ) và Mẫu Đá. Khu di tích Ao Miếu hiện nay bao
gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, đền Thạch Linh, ao Thạch Long (Thánh
Trì) và Nhà Mẫu.
Đền thờ Thạch Linh thần tướng
Miếu thờ Thạch Linh thần tướng trên phiến đá phía sau tòa đại đền (trong ao Thánh)
Cổng đền mới được trùng tu, xây đơn giản. Sân lát gạch
vuông, trong đặt một Ông Voi tạc bằng đá xanh, hình dáng giống kiểu voi chiến
được miêu tả trong Thần tích về Thạch Linh. Xung quanh sân được xây tường bao
khép kín.
Phía trước có hồ thủy đình- nơi tụ thủy, mang lại cảnh quan
sinh thái và là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian trong ngày lễ hội... Khuôn
viên di tích trồng nhiều cây xanh tỏa bóng mát.
Đền Hạ bình đồ kiến trúc hình chữ Nhất mới được trùng tu,
tôn tạo năm 1993. Tòa Tiền tế được tạo bởi 1 gian 2 chái. Kiến trúc mái theo kiểu
chồng diêm 2 tầng 8 mái đao cong, bờ nóc, bờ dải xây gạch phủ vữa.
Đỉnh bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật. Hai đầu kìm bờ
nóc và khúc nguỷnh đắp nổi hoa văn thủy ba (sóng nước). Bốn đầu đao được tạo
cách điệu hình đầu rồng. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật còn tạo sự thanh thoát,
mang yếu tố đối đãi âm dương.
Hai bên tường hồi xây trụ biểu cạnh hình tứ diện, đỉnh trụ
biểu đắp tứ phượng chung thân. Phần dưới tai trụ biểu tạo dáng đèn lồng, đắp nổi
hình tứ linh: Long, Ly, Quy, phượng. Hai cạnh tường hồi đắp tượng vũ sĩ trong
tư thế đứng gác cửa.
Sau đền là ao Thạch Long và ngôi Miếu nhỏ lưu lại dấu tích của
Mẹ Đá khi sinh ra Thạch Linh Thần Tướng và cũng là nơi chứa đựng nhiều giá trị
nhất trong toàn bộ quần thể khu di tích Ao Miếu.
“Đá Mẹ” sinh ra Thạch Tướng trong khuôn viên Ao Miếu
Trong Ao Thạch Long hiện vẫn còn tảng đá tách ra làm
ba, người dân vẫn gọi tảng đá ấy là “Đá mẹ”, vì họ tin rằng Thạch Tướng Quân do
hòn đá đó nứt mà sinh ra, dân làng Tiên Lát gọi ao có tảng đá ấy là Ao Miếu vì
có một miếu thờ tảng đá mẹ trong ao; hay người dân còn gọi ao ấy là Thánh Trì
(Ao Thánh) vì xuất phát từ sự tích đức thánh Thạch Tướng Quân đã sinh ra ở
trong ao đó.
Trong ao có mấy phiến đá tách rời nhau, một phiến đá lớn có
dựng một ngôi miếu thờ ở trên, còn hai phiến đá nhỏ nằm ngay cạnh phiến đá lớn ấy.
Đó đều là các khối đá nhám, màu nâu, nằm thành từng tảng ở một ao nước trong
mát và khá rộng.
Tương truyền, trên bề mặt tảng đá mẹ trong ao còn có dấu vết
của thánh khi sinh ra, đó là dấu vết nơi Thạch Tướng Quân đã ngồi trên đá, hay
dấu vết bàn tay năm ngón bám vào phiến đá, bàn chân đạp trên phiến đá. Chính những
dấu vết đó là cơ sở để người dân thể hiện niềm tin vào vị thần mình đang thờ
cúng.
Ban thờ đặt ngai và di ảnh của Thạch Linh thần tướng
Khu Nhà Mẫu mới được xây dựng vào năm 2009- nơi thờ Cha Mẹ
nuôi của Thạch Tướng Quân.
Cùng với các di vật đá thiêng, liên quan đến nhân vật Thạch
Tướng Quân còn có một số địa danh, điểm thờ của người dân Tiên Lát nhằm tôn
kính vị thần Thạch Tướng Quân của mình.
Đặc biệt, ngọn núi Phượng Hoàng còn có hai ngôi đền thờ Thạch
Tướng Quân, thứ nhất là đền trung nằm ở lưng chừng núi, thứ hai là đền thượng nằm
trên đỉnh ngọn núi. Theo truyền thuyết, sau khi Thạch Tướng Quân phá tan quân
giặc đã trở về trang Tiên Lát từ biệt cha mẹ nuôi rồi lên đỉnh ngọn núi Phượng
Hoàng bay về trời. Nhà vua cho xây đền tưởng nhớ chiến công của thần để người dân
Tiên Lát đời đời thờ cúng.
Ngoài ra, còn có đình Ngự nằm trên ngọn núi Lều mà tương
truyền rằng, trước khi Thạch Tướng Quân ra trận giết giặc, vua Hùng Tạo Vương
đã về trang Tiên Lát ngự lãm tại ngọn núi Lều để trao voi đá, cờ đá, vũ khí đá
và tấn phong cho Thạch Tướng Quân ra trận giết giặc.
Ngoài ra, theo lời kể của người dân Tiên Lát thì trên các ngọn
núi như: núi Bộ Trê, núi Bộ Ngạnh, núi Bộ Thông, núi Bộ Nứa... đều là những địa
danh mà các bộ tướng của Thạch Tướng Quân tụ binh đánh giặc.
Tại thôn Thượng Lát (Lát lớn) còn có một ngôi đền thờ Bà
Chúa Kho, sự tích về bà được kể rằng, khi nhà vua đến vùng Tiên Lát mời Thạch
Tướng Quân ra trận giết giặc, vua đã phái một nàng công chúa có húy danh là
Thanh Bình đi cùng và giao cho việc trông coi lương thực tại trại Cung (tên một
ngọn núi ngày nay). Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ trên núi, gọi là đền
thờ Bà Chúa Kho.
Ta có thể thấy rằng, trong ký ức dân gian, nhân vật Thạch Tướng
Quân được tôn thờ ở các khía cạnh khác nhau: Thứ nhất là vị tướng có tài năng
và sức mạnh đặc biệt; thứ hai là vị tướng lập chiến công kỳ vỹ giúp nhà vua
đánh thắng giặc Man; thứ ba là vị thần bảo hộ cho dân làng Tiên Lát.
Chính những khía cạnh được tôn vinh này đã làm cho hình tượng
nhân vật Thạch Tướng Quân in khắc vào trí tưởng tượng của nhân dân và có một sức
sống lâu bền trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân.
“Từ xa xưa, đền nổi tiếng linh thiêng. Theo sử sách
ghi lại, thời Lý Thánh Tông, voi, ngựa, binh sĩ của Vua ngang qua đền thờ Thạch
Tướng ở trang Tiên Lạt. Bỗng voi ngựa tự dưng hý vang và phủ phục không
bước đi tiếp.
Vua lấy làm ngạc nhiên, bèn xuống kiệu tìm cho ra lẽ. Vua thấy
ngôi đền trước mặt liền cầu khấn Thạch Tướng phù hộ giúp nước. Dứt lời khấn,
voi ngựa lại lên đường đi đánh giặc, dẹp yên bờ cõi. Vua Lý Thánh Tông bèn truy
phong dòng chữ “Hiển ứng linh thông Bảo Phong tự hương thờ để đất nước mãi mãi
thanh bình, thịnh vượng”.
Những năm đầu thế kỷ thứ 20, có một đám quan quân hò ngựa
phi qua trang Tiên Lạt. Có một cao niên trong làng chạy ra bẩm quan đi qua đền
Thạch Tướng phải xuống ngựa và ngả mũ chào. Đây là lệ từ hàng trăm năm để lại.
Vị quan này vốn hống hách, ngạo mạn, nghe vậy trừng mắt: “Ta là quan mà phải xuống
ngựa sao?”.
Vừa nói, quan thúc giục đoàn người tiếp tục phi ngựa chạy rầm
rập ngang qua đền. Đi được khoảng vài trăm mét, đoàn ngựa tự dưng lăn
đùng ra đất. Đám quan, quân bất ngờ ngã nhào xuống đường. Đám quân bị què chân,
gãy tay. Còn quan đầu đập xuống đất, tắc thở từ lúc nào.
Có thể coi khu vực giếng Thánh - ao Thần và đá thiêng ở Tiên
Lát Hạ là một biểu tượng sáng, một đài kỷ niệm về sự khai mở - tạo lập Vũ trụ.
Đền Ao Miếu với 3 mảnh đá thiêng ở đầm nước không ngoài mục đích thờ Tam
Tài (Thiên- địa- nhân).
Thạch Linh thần tướng là con đẻ của Vũ trụ (từ mẹ đá vỡ ra 3
mảnh) sau khi cứu nhân độ thế làm cho quốc thái dân an rồi lại hoà đồng vào Vũ
trụ. Hành động thăng hoá của Thạch Linh thần tướng tại ngọn núi cao Tiên Lát
Thượng chính là cuộc trở về cội nguồn bản thể thiên nhiên của Con người.
Thăm quần thể di tích ở Tiên Lát, du khách có cảm tưởng người
Việt sớm am tường nghệ thuật phối cảnh kiến trúc trên bình diện hoành tráng.
Ngọn núi có đền thờ Thạch Linh có thể ví như một “ đài sen”
nổi bật giữa vùng chiêm trũng kề bên dòng sông Cầu thơ mộng. Phải chăng
đây là một dạng Mạn - Đà - La nguyên thủy theo tín ngưỡng dân gian bản địa
và còn là một cách chơi Non Bộ độc đáo siêu phàm? Không phải ngẫu nhiên thời Lý
– Trần, nhân dân đã dựng chùa Bổ Đà – một cổ tự lừng danh ở nơi địa linh này.
Đã thành tục lệ, hàng
năm chính quyền và nhân dân xã Tiên Sơn tưng bừng mở lễ hội lớn ở đền Ao Miếu
và chùa Bổ Đà vào 3 ngày (từ 16 - 18 tháng 2 âm lịch).