Nằm cách đền Đô chừng 1km là khu lăng mộ triều Lý hay còn gọi là Sơn lăng cấm địa, nằm ở khu Ao Sen, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây, là quần thể lăng mộ của các vị vua của vương triều nhà Lý cùng với nữ hoàng, hoàng thái hậu, hoàng hậu, vương phi đã đi vào lịch sử.
Nếu như lăng tẩm triều Nguyễn ở kinh đô Huế mang màu sắc
vương giả, tráng lệ thì trái lại khu lăng tẩm hay còn gọi là Thái miếu nhà Lý lại
vô cùng dân dã. Cả quần thể này nằm vỏn vẹn trong khu Ao Sen, trước đây là đầm
sen, dân cư thưa thớt, cò vạc nhiều, chim chóc bay lượn hót véo von suốt đêm
ngày.
Lăng mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngà
Cạnh đầm sen là rừng cây cổ thụ, cây cối um tùm rậm rạp,
càng mang đến cho khu thái miếu một sự tĩnh lặng, kì bí. Cứ vào mỗi dịp hè là
hoa sen thơm ngát cả hồ nước rộng mênh mông, xa xa nhấp nhô những ngôi mộ cổ được
đắp đất nằm rải rác trong khu đầm, không bia đá, không biển hiệu.
Hơn nghìn năm nay, khu thái miếu này vẫn giản dị hòa vào
thiên nhiên và đất trời cây cỏ cho đến cách đây vừa tròn 12 năm, năm 2010, tất
cả ngôi mộ mới được xây dựng lại bằng gạch và xi măng, trên ngôi mộ gắn bia đá
tên của từng vị vua, năm lên ngôi, năm sinh và năm mất, ngày giỗ.
Nếu đi đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, khu thái miếu nằm ở
bên tay trái. Trái với sự ồn ào của phố xá của xe cộ nườm nượp ngoài kia, những
ngôi mộ nằm rải rác trên cánh đầm sen, trải qua thời gian, đầm sen ngày nào giờ
không còn mà thay vào đó là cánh đồng lúa, và những vườn cây xanh và trồng hoa
thơm mát.
Lăng đầu tiên là mộ phần của Hoàng đế Lý Anh Tông, cạnh lăng
có ngôi miếu nhỏ, trong miếu có tôn tượng của ngài được làm bằng gỗ, thần thái
uy nghiêm, thân hình sơn son thiếp vàng, trên điện thờ có ghi: "Lý triều đệ
lục đế" nghĩa: "Vua thứ sáu của triều Lý".
Trải qua thời gian, ngôi miếu nhỏ nhuốm màu cổ kính rêu
phong. Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý được xếp hạng "Di tích
quốc gia đặc biệt" theo quyết định số 2408/QĐ-TTG ngày 31/12/2014 của Thủ
tướng Chính phủ. Đây là nơi tôn nghiêm thờ các vị vua triều Lý, những người có
công khai sáng ra nền văn minh Đại Việt, mở ra đất kinh kì Thăng Long đô hội.
Triều đại nhà Lý kéo dài suốt 216 năm (1009 - 1225) qua 9 đời
vua: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý
Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng. Lăng mộ này nằm trên đồng
Cao Lâm - Ao Sen giữa rừng báng khi xưa gọi là đất hương Cổ Pháp này là phường
Đình Bảng.
Sử sách ghi lại rằng: tháng 2 năm Canh Tuất (1010), vua Lý
Thái Tổ về thăm quê, nhìn ngắm cảnh sắc nơi đây phong cảnh hữu tình, đồi núi uốn
quanh, có mạch nguồn khe nước, ngoài ra có tám đường cao và tám đường dọc nước
trông tựa như những đầu rồng đang phun nước nên gọi vùng đất đây là đất thiêng:
"Bát long, bát thủ" đã chọn là lăng sơn cấm địa. Sau này, những vị
vua sau khi băng hà đều làm nghi thức chôn cất tại khu rừng báng giữa đầm
sen.
Ban Quản lý di tích Lịch sử, cụm di tích lăng mộ triều Lý
cho biết: "Trước đây khi chưa dựng bia đá, có nhiều nhà báo về viết bài
kêu than là mộ phần của các vị vua triều Lý chỉ là một mô đất nhô cao cỏ mọc
xanh tốt rậm rạp, không ai đoái hoài chăm sóc nên tỏ ra rất thương cảm.
Nhưng, sự thật thì theo lời di huấn của vua Lý Thái Tổ trước
khi băng hà có dặn lại triều đình không được xây lăng bằng gạch đá để khỏi hao
tốn của công mà chỉ đắp bằng đất sẽ có ba điều lợi: Một là thời bình quân lính
cũng phải làm, phải ăn, để tiền của công sức cho việc cấy cày đồng áng, không
xây dựng cho đỡ tốn kém sức người, tiền của.
Nếu có thương nhớ nhà vua thì gánh đất đắp lên, mộ phần cao
bao nhiêu thì quý bấy nhiêu. Hai là khi lăng cao cỏ mọc um tùm xanh tốt, trâu
bò kéo đến ăn, nước ta là nước nông nghiệp lúa nước, con trâu là đầu cơ nghiệp,
trâu béo tốt thì tăng gia sản xuất, tóc lúa đầy bồ, người dân ấm no. Ba là trẻ
mục đồng đi chăn trâu sẽ đến lăng vua, biết đến lịch sử sẽ biết ơn tiền
nhân".
Trải qua thời gian, khu Thọ lăng đã qua nhiều thăng trầm của
lịch sử và qua nhiều sự chỉnh trang. Sách Hồng Kỳ, do Chủ bút quan Tiến sĩ Thị
Lang công hầu Đào Duy Thành dưới triều vua Minh Mạng viết: "Đầu Thọ lăng ở
Đông Nam làng Đình Bảng, áp quốc lộ Kinh Bắc. Trước cửa rồng có hồ bán nguyệt,
ngoài hồ là sông Tiêu Tương thuộc tổng Thiên Đức. Đi bằng xe ngựa theo đường Một
đi Kinh Bắc đến ngay cửa thành ngoại, đi thuyền đến bến vào ngay cửa rồng. Trước
đền 800 mét là khu rừng cấm gọi là rừng Thọ lăng".
Sách "Đại Nam nhất thống chí" có biên chép:
"Khu đất rộng chừng trăm mẫu, cổ thụ um tùm, là cấm địa và là thang mộc ấp
của nhà Lý. Ruộng Sơn lăng được coi là ruộng công vĩnh viễn, giao cho dân sở tại
chia nhau cấy, nộp một phần hoa lợi để chi phí vào việc thờ phụng các vua nhà
Lý, sửa sang và bảo vệ lăng tẩm. Dân Đình Bảng cho đến thời Lê vẫn được coi là
dân thủ lệ chuyên các việc thờ phụng các vị vua nhà Lý, được miễn đi lính và
lao dịch".
Năm 1996, thiết thực chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,
cùng với việc bảo tồn cụm di tích lịch sử trên quê hương phát tích nhà Lý, Ban
quản lý di tích lịch sử văn hoá phường Đình Bảng đã có quy hoạch, tu bổ hệ thống
di tích Sơn lăng cấm địa nhưng sau này mãi mới có kinh phí thì mới thực hiện dần
dần được. Làm đường vào từng lăng, xây tường bao bảo vệ lăng, trồng lại cây
báng, tạc dựng bia đá tưởng niệm.
Thọ lăng của hoàng đế Lý Công Uẩn vị vua sáng lập ra vương
triều nhà Lý nằm hơi xa các lăng khác, phía trên mộ phần có mái ngói vòng cung
hai tầng đắp nổi bề thế, nhìn xa như chiếc thuyền rồng. Bên cạnh mộ phần của
ông là ngôi đền thiêng, mặt trước đền là hồ bán nguyệt nước xanh trong.
Du khách thập phương về đến đất Kinh Bắc chủ yếu là sang đền
Đô để thắp hương chứ ít ai biết đến khu Thọ lăng bên này, thực chất đi từ đền
Đô sang đây giờ hơn cây số nhưng khu này mới chính là nơi chôn cất các vị vua
triều đại nhà Lý. So với các lăng tẩm của các vị vua khác thì lăng của hoàng đế
Thái Tổ Lý Công Uẩn bề thế rộng đẹp hơn rất nhiều. Ở xung quanh hồ bán nguyệt
còn có ghế đá, và những cây cổ thụ xanh bóng mát là nơi khách dừng chân chiêm
bái và tưởng nhớ đến tiền nhân. Tuy Thọ lăng được xây dựng công phu đẹp là vậy
nhưng vẫn rất ít người đến chiêm bái vì đa phần mọi người không biết đến nơi
này. Vào ngày mồng 1 và ngày rằm còn có người dâng hương chứ ngày thường thì vắng
không một bóng người qua lại".
Lăng của hai cha con vua Lý Thái Tông và vua Lý Thánh Tông nằm
trên hai quả đồi cạnh nhau, phía trước mặt có hồ nước xanh. Những bậc xi măng dẫn
lên lăng mộ rêu mốc bởi trầm tích của thời gian, không gian xung quanh bốn bề
yên ắng, lắng tai có thể nghe thấy tiếng gió đu đưa dưới tán liễu xào xạc. Phía
sau 2 lăng là 2 ngôi miếu nhỏ. Cổng miếu khoá cửa im lìm như thiếu vắng hơi người
dương thế. Giữa trưa, ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua từng lớp lá của cây cổ thụ
già hắt nắng xuống nền gạch cũ nhuốm màu thời gian.
Ngôi miếu thờ vua Lý Thần Tông nằm giữa cánh đồng.
Tượng Hoàng đế Lý Anh Tông trong ngôi miếu thờ.
Vị vua bà cuối cùng triều Lý - Lý Chiêu Hoàng, nguyên phi Ỷ
Lan (vợ vua Lý Thánh Tông), bà Phạm Thị (mẹ vua Lý Công Uẩn). Khu lăng mộ nằm rải
rác trong khu đất rộng giữa cánh đồng xanh mát, bên cạnh là những rặng tre rì
rào đón nắng, gọi gió mang cảm giác bình yên đến lạ kì. Ở gần tấm bia mộ đều có
gắn biển: "Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt".
Lăng mộ nữ vương Lý Chiêu Hoàng
Trần Mỹ Hiền