Ông là người có công lớn đánh thắng giặc Đường, lại hết lòng
phò giúp Phùng An theo uỷ thác của tiên đế. Do vậy ông được vua ban sắc phong:
“Thái Vương Trương Nữu Đại tướng quân”, tôn thần để phụng thờ ở Miếu
Đoài.
Miếu Đoài, nơi thờ phụng danh tướng Trương Nữu
Từ chiến công này, tinh thần dân tộc phát huy dưới triều Ngô
Vương Quyền năm 938 làm nên mốc son lịch sử kết thúc hơn nghìn năm Bắc thuộc.
Ngày nay, Miếu Đoài còn lưu giữ hơn 40 hiện vật có giá trị lịch sử như hoành
phi, câu đối, kiệu long đình…
Trương Nữu (737-791) người trang Du Lễ (nay thuộc xã Du Lễ,
huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là tướng khởi nghĩa có công trong cuộc nổi
dậy của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống lại ách đô hộ hà khắc của nhà Đường
dưới thời Bắc thuộc.
Tiểu sử và sự nghiệp
Trương Nữu sinh ra và lớn lên trên một vùng đất có truyền thống
sản sinh nhiều võ tướng tài giỏi trong lịch sử Việt Nam dưới thời phong kiến.
Sau Trương Nữu còn có những vị tướng như Vũ Hải, Mạc Đăng Dung, Vũ Hộ tên tuổi
cũng được ghi nhận trong sử sách các triều đại.
Tương truyền, thuở nhỏ ông đã có sức khoẻ hơn người, lại được
cha truyền dạy cả văn lẫn võ. Lớn lên thấy cảnh đất nước lầm than dưới ách đô hộ
của nhà Đường, ông nuôi chí đánh đuổi quân cai trị phương Bắc khỏi bờ cõi. Đúng
lúc đó Phùng Hưng ở làng Đường Lâm dấy cờ khởi nghĩa kêu gọi mọi người đánh giặc
cứu nước.
Biết tiếng Trương Nữu, Phùng Hưng đã tìm về trang Du Lễ (nay
là xã Du Lễ thuộc huyện Kiến Thuỵ - Hải Phòng) kết nghĩa huynh đệ đồng lòng
đánh giặc. Khi khởi nghĩa giành thắng lợi ông được phong làm Đại tướng quân và
sau nhiều lần đánh thắng quân Đường ông được phong làm Đại tư mã uy trung.
Sau khi Phùng Hưng mất, Trương Nữu được ủy thác sứ mệnh phò
tá Phùng An tiếp tục đương đầu với quân xâm lược nhà Đường kéo sang báo thù.
Trước thế giặc quá mạnh, quân của Phùng An thất trận còn Trương Nữu đem một
cánh quân lên núi Vũ Ninh hòng tìm kế gây dựng lực lượng chống địch lâu dài
nhưng ông lâm bệnh và qua đời tại đó.
Đời sau tưởng nhớ
Các đời vua sau này có chỉ dụ phong ông là Thái Vương Trương
Nữu đại tướng quân để ghi nhận lòng yêu nước và trung nghĩa của ông. Trương Nữu
và Vũ Hải được nhân dân trang Du Lễ (xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải
Phòng ngày nay) xem là hai người con anh hùng của quê hương.
Bởi vậy để ghi nhớ công lao của hai ông, người dân đã lập
hai ngôi miếu để thờ hai vị tướng và gọi tên là miếu Đông và miếu Đoài, trong
đó miếu Đoài là nơi thờ phụng danh tướng Trương Nữu.
Trương Nữu cũng được hậu thế tôn vinh tại di tích nhà thờ họ
Trương Việt Nam thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đền Trương
là nơi thờ những người họ Trương đã khuất tại ban thờ công đồng, trong hậu cung
có tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (Trương Hữu Nhân) và 14 danh nhân họ Trương
tiêu biểu nhất thời phong kiến ở 3 miền Việt Nam gồm: Ban văn thờ Thái phó
Trương Hán Siêu, Trạng nguyên Trương Hanh, Trạng nguyên Trương Xán, Thượng thư
Trương Công Giai, Thái sư Trương Đăng Quế, Đông các học sĩ Trương Quốc Dụng,
Thượng thư Trương Công Hy. Ban võ thờ Tướng Trương Hống, Tướng Trương Hát, Tướng
Trương Nữu, Tăng lục võ sư Trương Ma Ni, Tướng Trương Chiến, Đại tướng quân
Trương Minh Giảng và Anh hùng Trương Công Định.