Đền Quán Thánh hay còn được biết với cái tên Đền Trấn Vũ là một trong bốn Thăng Long Tứ Trấn xưa kia. Đền được xây dựng vào thời nhà Lý, trong đền có tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ một trong bốn vị thần được lập đền thờ trong tứ trấn kinh thành Thăng Long xưa.
Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ nằm trong đền Quán
Thánh được đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời Lê Hy
Tông. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, tọa trên tảng đá cẩm thạch cao
1,2m.
Tượng Thần đế Huyền Thiên Trấn Vũ
Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản
hiền hậu, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi
trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực
bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm
giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa, rắn
và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ.
Trấn Vũ là tên gọi tại Việt Nam của thần Chân Vũ, người Việt
còn gọi là Trấn Võ, Húy danh Chấp Minh (執 明) là một trong những vị thần được phổ
biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. This thần tượng trưng cho sao cực Bắc,
và là một vị thần lớn của Đạo giáo trị phương Bắc, quản lý các loài thủy tộc
nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần.
Theo hầu Chân Vũ là hai tướng Quy, Xà, tượng trưng cho trường
tồn tại và sức mạnh, và Ngũ long thần tướng. Chân thân Huyền Vũ trong Tứ Tượng,
theo Sơn Hải Kinh Huyền Vũ đứng cuối cùng làm chủ Phương Bắc, thần thú cổ.
Theo thuật chiêm tinh Trung Quốc, khi quan sát trên trời tất
cả vì sao đều di chuyển vị trí, riêng sao Bắc Cực là bất động, do đó
được xem là ngôi sao tôn quý nhất.
Các nhà chiêm tinh học thần thánh hóa ngôi sao này với chức
vị "Bắc Đẩu Tinh quân", do một vị thần "Huyền Thiên Thượng Đế"
trấn giữ. Tên thật của ông là Chấp Minh, là vị thượng thần trấn giữ Phương Bắc
Sơn Hải Giới, được biết với nhiều danh hiệu như Bắc Đế Chân Vũ Đế Quân, Chân Võ
Đại Đế, Hắc Đế, Đãng Ma Thiên Tôn, Huyền Thiên Trấn Vũ,...
Truyền thuyết về thần Huyền Vũ xuất hiện vào khoảng đời nhà
Tuỳ ở Trung Quốc, tương ứng với khi Đạo giáo phát triển hệ
thống thần điện của mình. Đến khoảng năm Nguyên Phong đời Tống thì đổi
thành Chân Vũ, và tên này được giữ nguyên tại Trung Quốc, Đài Loan cho
đến nay.
Truyền thuyết đầu tiên cổ đại nhất ghi chép lại nói về Huyền
Vũ, Huyền Vũ mới đầu là một thánh thú sinh ra ở Sơn Hải Giới vào thời đại viễn
cổ khai thiên lập địa, Sơn Hải Giới được biết đó một thế giới của Thần Ma nơi
có rất nhiều dị thú, thần thú và những vị Thần Tiên lớn cũng được sinh ra ở nơi
này.
Sơ khai Huyền Vũ là một sinh vật mang giống như Rùa cổ đại,
Rắn cuốn quanh... Về sau, thần thú hóa thành hình người rồi trở thành một vị Thần
lỗi lạc trong chư Thần, thuộc về chòm sao Tứ Tượng (Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước,
Huyền Vũ). Đứng đầu mạnh nhất là Thanh Long, cuối cùng là Huyền Vũ. Trở thành một
đấng Đế vương trị vì một vùng trời Phương Bắc.
Nhưng lại có một vài dị bản truyền thuyết truyền khẩu trong
dân gian khác lại kể rằng Ngọc Hoàng Thượng đế trên thiên đình, vì muốn giúp trần
thế, đã tách một thể phách của mình xuống trần, đầu thai vào nhà Tịnh Lạc quốc
vương và Thiện Thắng hoàng hậu.
Sách Nguyên thủy Thiên Tôn thuyết Bắc phương Chân Vũ diệu
kinh kể, Chân Vũ Thần Quân (tức Huyền Vũ) vốn là thái tử nước Tịnh Lạc, giỏi
giang mà dũng mãnh, nguyện tận diệt yêu ma trong thiên hạ, không nắm ngôi vua. Đây
là thể phách thứ 28 của Thái Thượng Lão Quân đầu thai. Vị Thái tử khi sinh ra
đã không muốn nối nghiệp làm vua, mà quyết tâm đi tu.
Được Diệu Lạc thiên tôn dạy dỗ, Thái tử vào núi Vũ Đương tu
hành, khi đạt được thần thông thì rạch bụng vứt bỏ gan và ruột rồi đi vân du về
phương Bắc trừ yêu ma quỷ quái giúp dân. Không ngờ gan và ruột của thần biến
thành yêu quái Rùa và Rắn làm hại dân quanh núi.
Thần quay về thu phục hai yêu quái, trở thành hai vị tướng
dưới trướng. Ngoài ra thần còn có năm vị tướng là năm con rồng đi theo. Thần được
Ngọc Hoàng Thượng đế giao cho trấn giữ phương Bắc.
Một truyền thuyết khác cho rằng, sau được tiên truyền cho
phép màu vô cực, thái tử vào núi Thái Hòa để tu đến công thành đức mãn, được Ngọc
Hoàng phong cho trấn giữ phương Bắc. Đời Tống Chân Tông, ông được chiếu chỉ sắc
phong là Chân Vũ Linh Ứng Chân Quân. Năm Đại Đức thứ 7 (năm 1303) nhà Nguyên
gia phong là Nguyên Thánh Nhân Uy Huyền Thiên Thượng Đế, trở thành vị thần tối
cao của phương Bắc.
Đến đầu đời Minh, Kiến Văn Đế bị chú là Yên vương Chu Đệ cướp
ngôi. Tương truyền, Đế nhiều lần được Chân Vũ hiện về giúp đỡ nên sau khi xưng
đế, Chu Đệ đã đặc cách gia phong Chân Vũ là Bắc Cực Trấn Thiên Chân Vũ Huyền
Thiên Thượng Đế. Nhờ bậc đế vương khởi xướng nên việc tôn thờ Chân Vũ đạt đến mức
cực thịnh vào đời Minh. Đền thờ Chân Vũ được xây dựng từ trong triều đình cho đến
ngoài dân chúng.
Truyền thuyết cũng cho rằng, Trấn Vũ là hóa thân của Nguyên
Thủy Thiên Tôn linh khí của Ngọc Hoàng. Trong đạo kinh chép Trấn Vũ Đại Đế để
tóc dài, mặc áo đen, áo được dát vàng, lưng đeo đai ngọc, chân đạp trên rùa và
rắn, trên đỉnh có vầng hào quang, tướng mạo uy mãnh.
Nhận sắc lệnh của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Trấn Vũ Đại Đế thống
lĩnh các thần hạ phàm trừ yêu diệt quỷ, tế thế hộ nhân, có quyền lực xem xét hạ
giới. Hạ tướng là thần rắn và thần rùa vốn là hai quỷ (Thủy quỷ và Hỏa quỷ) được
Trấn Vũ thu phục mà biến thành. Ngoài ra còn có 36 thiên tướng, 500 linh quan,
kim đồng, ngọc nữ thị vệ, dân gian thường gọi là Chu Công và Đào Hoa Nữ.
Chu Công giỏi xem bốc quái (dự đoán theo Bát Quái). Đào Hoa
Nữ giỏi việc giải quẻ. Dân gian gọi Chu Công là tổ sư của thuật toán mệnh, Đào
Hoa nương nương là tổ sư của pháp thuật trú thắng, nên nơi nào có đền miếu hoặc
hình tượng của Trấn Vũ Đại Đế, khu đó tránh được tai ương và long mạch hưng thịnh,
tà khí không thể đến gần.
Trấn Vũ cũng là vị thần bảo trợ cho núi Vũ Đang ở tỉnh Hồ
Bắc, Trung Quốc. Trấn Vũ cũng là thần bảo trợ của những người nói tiếng
Mân Nam, đặc biệt những người nguyên quán Phúc Kiến.
Quan Trấn Vũ của người Việt
Theo nhiều sử sách để lại, Trấn Vũ là tên gọi tại Việt Nam của
thần Chân Vũ, người Việt còn gọi là Trấn Võ, là một trong những vị thần được thờ
phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. Vị thần này tượng trưng cho
sao Bắc cực, và là một vị thần lớn của Đạo Giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản
lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần. Theo hầu Chân
Vũ là hai tướng Quy, Xà (tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh) và Ngũ long
thần tướng.
Theo tài liệu của Ban Quản lý đền Quán Thánh, tương
truyền Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thiên thần trấn cửa Bắc môn thiên phủ vào thời
nhà Tùy (năm 589-600) giáng sinh đầu thai làm con vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc).
Lớn lên, Huyền Thiên bỏ ngôi hoàng tử, vào tu ở núi Vũ Dương (Trung Quốc). Sau
42 năm tu luyện, Huyền Thiên đắc đạo, sang du ngoạn nước ta, đến sông Nhị Hà,
làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) vào tu đạo tại một ngôi đền bên Hồ Tây, dùng đạo
pháp khử trừ các loại yêu quái để cứu dân rồi hóa. Do đó, người dân nhớ ơn nên
lập đền thờ tại phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương gọi là Huyền Thiên Quan.
Cũng có sách cho rằng, vào đời nhà Đường, mở đầu triều đại
đã tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế là thủy tổ của mình. Có thể
thấy Huyền Nguyên và Huyền Thiên chỉ là một. Huyền Thiên Trấn Vũ của Thăng Long
cũng chính là Lão Tử, là tên xưng khi nhà Đường tôn lập vị tổ sư này của Đạo
Giáo. Do đó, Huyền Thiên Trấn Vũ không phải là vị thần “ngoại quốc” chen chân
vào truyền thuyết Việt mà ông chính là người Việt.
Truyền thuyết về Huyền Thiên tại làng Ngọc Trì – Gia Lâm kể
rằng: “Ngài giáng sinh vào vương quốc Tĩnh Lạc, Hoàng hậu đặt tên là Huyền
Nguyên, năm 14 tuổi vào núi Vũ Đương tu hành, tới năm 42 tuổi thì đắc đạo”. Như
vậy, truyền thuyết này cũng có nét tương đồng với câu chuyện về Huyền Vũ ở nước
Trung Hoa.
Một nhà sử học phân tích, ở truyền thuyết này, gọi rõ tên thần
là Huyền Nguyên, là tên nhà Đường tôn cho Lão Tử. Vương quốc Tĩnh Lạc theo sách
Tử Quang Kính “là nơi tiên ở, nằm giữa biển phía Tây nước Nguyệt Chí…”. Thời Đường,
vương quốc ở phía Tây biển thì chỉ có… đất Tĩnh Hải Lạc Việt mà thôi. Lại một lần
nữa cho thấy Huyền Thiên – Lão Tử là người Lạc Việt.
Trấn Vũ và những công trạng với nước Việt
Theo truyền thuyết Việt Nam, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái
(nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma
quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh 9 đuôi
lẩn quất ở núi đá bên cạnh Hồ Tây. Truyền thuyết xưa cũng kể rằng: Huyền Thiên
Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành
tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; diệt hồ ly tinh trên sông
Hồng đời Vua Lý Thánh Tông...
Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền, còn một truyền thuyết
nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo tài liệu này, vào đời Hùng Vương, tại
rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần
Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống
thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành
Thăng Long cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía tây bắc thành để trấn yêu quái.
Ngoài ra, câu chuyện tương truyền về việc Vua An Dương Vương
xây thành cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ vì yêu ma Bạch Kê Tinh (Tinh Gà Trắng) phá
hoại đã không còn xa lạ với mỗi người Việt chúng ta. Trong câu chuyện này, sử
sách chép rằng: “Ngày Tinh Gà Trắng trú ẩn ở núi Thất Diệu, đêm lại xuất hiện.
Vua không có cách nào trừ khử bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền
Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế giết Bạch
Kê Tinh nên thành ốc mới xây xong”. Tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên, Vua đã
cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Đây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu
luyện và cũng được gọi là Vũ Đương Sơn.
Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu
Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn,
Nhà Vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía bắc kinh
thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Đền Quán Thánh được
coi như trấn Bắc Thăng Long từ đó.
Theo Nhật Thu/Pháp luật Việt Nam