Thần Cao Sơn và Quý Minh là vị tướng có tài thao lược, văn võ song toàn do có công giúp vua Hùng Duệ Vương cùng với Tản Viên Sơn Thánh có công dẹp giặc Thục nên đã được Vua Hùng tặng thưởng công lớn. Sau khi các vị này qua đời, nhà vua ra lệnh cho nhiều nơi trong nước trong đó có xã Khôi Kỳ (Đại Từ) ngài đóng quân và đi qua đều được lập đền thờ.
Thần tích và nơi thờ phụng Cao Sơn đại
vương, Quý Minh đại vương
Đình Hạ Bì Trung, Xuân Lộc, Thanh Thủy Phú Thọ, nơi thờ phụng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh
Theo "Sự tích Quý Minh Đại Vương ở xã Đồng Du"
(Bình Lục, Hà Nam), Ngài tên là Tuấn, tên chữ là Quý Minh, là em thần Tản Viên.
Ngài tự cửa bể Thần Phù về đến Long Đỗ (nay là Hà Nội) bến Đông Hải, nghỉ ngơi
rồi hiển thánh ở đó. Phố ấy lập miếu phụng sự, đời sau sắc phong Thượng Đẳng Thần.
Còn thần tích Quý Minh Đại Vương lưu ở đền thờ Thần Cao Sơn
thôn Lỗi Sơn, xã Gia Phong và đền Trung ở thôn Sinh Dược, Gia Sinh (xã Gia Viễn,
Ninh Bình) cũng ghi rõ: "Cao Sơn và Quý Minh là anh em cùng Tản Viên Sơn
Thánh, đã về lập hành doanh ở vùng này để chống nhau với Thục Phán sau khi Thục
Phán tiến hành xâm lược nước Văn Lang của Hùng Vương thứ 18".
Quý Minh được phong thần, gọi là Hiển Công tả thiên thần Quý
Minh. Tại Diên Sí Sơn (Núi Cánh Diều) ở cố đô Hoa Lư cũng thờ Quý Minh Đại
Vương, trấn giữ phía đông thành Hoa Lư.
Tại Yên Bái, Quý Minh Đại Vương được thờ chung (Tam vị - ba
anh em) ở một số đình, đền (đình Mường A, đình cả Quy Mông, Đại Đồng Vũ Miếu).
Hiện tại đình Phúc Hoà, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái còn lưu giữ được
ngọc phả về Đài Vàng Quý Minh Đại Vương và các vị thần được tôn thờ bằng văn bản
Hán Nôm.
Cao Sơn đại vương thuộc Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, ngài có tên là Hiển. Vị
thần được thờ ở rất nhiều nơi, trong các vùng Ba Vì (Sơn Tây),
vùng sông Tích Giang và các vùng Mường cổ, cũng như nhiều
đình làng, thần tích ở nhiều vùng đồng bằng Bắc Bộ khác.
Thần tướng Cao Sơn trong các thần tích đa phần đều có đặc điểm
chung là: có tên là Hiển, sống ở thời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), cùng
với Quý Minh là em họ của Tản Viên, có công giúp vua Hùng đánh
thắng quân Thục. Vị thần này sau này ngự ở ngọn núi bên trái của dãy Ba Vì (Tản
Viên đứng giữa, bên phải là Quý Minh).
Đền Mẫu Đợi thờ Thần Cao Sơn (Quý Minh đại vương) ở làng Dụ
Đại xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình để
tưởng nhớ công ơn của ngài.
Đền Dĩnh Kế (còn gọi là Nghè Kế, Nghè Cả), thuộc xã Dĩnh Kế,
thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, thờ Đức Thánh Cả là Đức
thánh Cao Sơn, Quý Minh, theo truyền thuyết là 2 vị tướng của Vua
Hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho đất nước,
khi thác đi luôn phù hộ cho dân làng xã tắc được ấm no. Hàng năm vào dịp rằm
tháng Ba âm lịch, ngày Đại kỳ phước, đền Dĩnh Kế là nơi trung tâm diễn ra lễ hội
của nhân dân các thôn trong xã.
Đình Vĩnh Ninh thuộc thôn Vĩnh Ninh, phường Hoàng
Văn Thụ, thành phố Bắc Giang (trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 thuộc
xã Dĩnh Kế, tổng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn, tỉnh Bắc Giang). Ngôi đình được
Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Di tích
đình Vĩnh Ninh nằm về phía Đông Bắc thành phố Bắc Giang và đầu đường quốc lộ 31
nên đường đi rất thuận lợi cho khách tham quan. Đình Vĩnh Ninh là công trình
tín ngưỡng văn hoá tiêu biểu duy nhất của dân thôn Vĩnh Ninh, là nơi thờ hai vị
Thánh Cao Sơn-Quý Minh (hai thuộc tướng thời Hùng Duệ Vương).
Đình Vĩnh Ninh cùng với các công trình tín ngưỡng văn hoá khác của xã Dĩnh Kế
(nghè Cả và chùa Kế) tạo thành một quần thể di tích liên hoàn rất có giá trị. Hội
đình Vĩnh Ninh hằng năm được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng Giêng.
Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Được
mệnh danh là 'Nhà sàn' giữa miền Kinh Bắc. Đình làng Đình Bảng là một ngôi đình
cổ kính nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc, được xây dựng năm 1700, đến năm 1736
hoàn thành, do công đầu của quan Nguyễn Thạc Lượng, người Đình Bảng và bà vợ đảm
đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng xây dựng. Đình
thờ 3 vị thành hoàng: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thuỷ bá đại vương (Thần
Nước) và Bạch lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).[5]
Đình Lỗ Hạnh ở thôn Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp
Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đình được dựng vào thời Mạc, năm Sùng Khang thứ
11 (1576). Đình Lỗ Hạnh đã qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1694, 1850, và năm
1910 xây thêm hậu cung bằng cách cắt mái giữa, tạo nên mặt bằng hình chữ
"đinh" và hai dãy tả vu, hữu vu. Đây là ngôi đình có niên đại sớm thứ
hai trong cả nước (chỉ sau Đình Tây Đằng- Hà Tây). Đình thờ thành hoàng là
Cao Sơn đại vương, người có công giúp vua Hùng đánh giặc. Đình còn thờ
Phượng Duy Công chúa (Bà Chúa Tiên), người đã dạy dân địa phương trồng bầu.
Đình Thụy Hà ở làng Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông
Anh, tp.Hà Nội
Thần Cao Sơn Đại Vương có thể được coi là đã hạ phàm rất nhiều
lần từ thời Hùng Vương dựng nước, ngài được coi là một trong 50 người con của
Âu Cơ với tên hiệu đầu tiên là Lạc tưỡng Vũ Lâm, con thứ 17 của Lạc Long Quân đời
Hùng Vương thứ Nhất, sau đó xuất hiện trong thời vua Hùng Duệ Vương đời thứ 18,
hiển thánh Y chữa bệnh đậu mùa cho dân, phụng thờ ở Chí Linh. Thời nhà Đinh
cũng có tướng Cao Sơn, danh phụng thờ là Cao Sơn Đại vương, danh tướng Cao Sơn
Đại vương, được cho là người Trung Quốc xuất hiện trong thời Hồ Quý Lý, tham
gia đánh đổ nhà Hồ và sau đó đi tu ở Trung Quốc, thời nhà Lý với chức “Đô hộ sứ”
ở Việt Nam nhưng thường làm phúc cho dân.
Bản
dịch của Trương Thị Thuỷ, Hoàng Thúy Ngà, Hoàng Giáp của Viện nghiên cứu Hán
Nôm dịch tháng 7/2010 như sau:
"Nước
Việt xa, trời Nam mở vận, Thánh tổ xây dựng cơ đồ, 18 đời truyền nối, trải hơn
2000 năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, đều lấy hiệu là Hùng Vương,
ngọc bạch xa thu núi sông thống nhất. Thực là tổ của Bách Việt ta.
Khi
đó, cơ đồ đất nước truyền đến đời thứ 18, được 2622 năm, thuộc đời Hùng Duệ
Vương. ở động Lăng Sương, huyện Gia Hưng, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây có nhà Cha
tên là Nguyễn Cao Khang, mẹ Phạm Thị Hương, là nhà tích đức hành thiện, nhưng
chưa có con nối dõi.
Khi
đó ông Nguyễn Cao Khang đã 60 tuổi, bà vợ gần 50, ông bà chưa từng làm phương
hại đến ai, không bao giờ tơ hào phần lợi cho mình, luôn khởi tâm làm điều tốt
lành. Ông có người anh trai tên là Nguyễn Cao Hạnh, ngoài 70 tuổi mà cũng không
có con. Một hôm, nhân ngày giỗ của tổ tiên, anh em cùng than rằng: "Tội
bất hiếu không có con là tội lớn, nếu như sau này chết đi, biết có ai là người
hương khói cho tổ tiên, cha mẹ? Nếu có thể tán tài để cầu được con nối dõi thì
cũng xin được theo". Thế là bèn đem tiền của phát cho người nghèo.
Đến
tết, mùa xuân Thái hoà, khắp nơi hoa nở, người người vui vẻ, anh em rủ nhau lên
núi Nghĩa Lĩnh chơi, khi trở về xuống chân núi, bỗng thấy trên núi có một cụ
già tóc bạc, đeo một bầu rượu, cầm một chiếc la bàn. Hai anh em nhìn và nói
rằng: "Phải chăng đó là tiên lão bồng lai thần linh Tản Lĩnh, chứ không
phải người thường? Nhà ta tích thiện thấu tới lòng trời, nay trời xanh giáng
tiên ông báo cho biết là nhà chúng ta tích thiện là đúng, không phải nghi ngại
gì nữa".
Nói
xong, hai ông liền đi đến trước mặt tiên ông nói: "Nay may gặp được tiên
ông, nghìn năm hy vọng, chúng tôi đường đột, khiếm nhã xin tha. Anh em chúng
tôi đức mỏng, tuổi đã cao mà muộn đường con cháu. Gặp tiên ông ở đây như mây mù
gặp ánh sáng, thấy hình dáng tiên ông khác người thường, ắt là có phép thuật
thần thánh, một lòng xin tiên ông mở rộng tâm đức, thương xót tới chúng tôi.
Vạn lần xin nhờ vào sức của tiên ông".
Cụ
già nói: "Ta không phải thần, không phải thánh, là người nhàn hạ, thích
thú tiêu dao non nước, xem xét phong thuỷ hoạ phúc thế gian, là người tạo phúc,
không có ý gì khác. Nay bọn ngươi gặp ta ở đây, là đức lớn của nhà các ngươi.
Ta thấy trên núi Thu Tịch có thế đất rất quý, nếu an táng ở đất đó, không quá
100 ngày sau sẽ sinh ra thánh tử. Các ngươi hãy thu thập hài cốt tiên nhân, bí
mật mang tới táng tại đó, chớ để lộ".
Hai
ông nghe thấy thế, rất vui mừng, muốn hành lễ bái tạ thì cụ già biến mất. Hai
ông trở về nhà, thu hài cốt của cha mẹ an táng tại đó. Xong việc, lập đàn hành
lễ cầu đảo trời đất thần linh, xin sớm được ứng điều lành, được ban phúc, đội
ơn mưa móc, trông cậy vào sự giúp đỡ của Trời, Thần.
Khấn
xong, đêm hôm đó ông Cao Khang mông lung thiếp đi, bỗng thấy một tướng thần
cưỡi hổ đen, hai tay ôm hai đứa trẻ từ phía ngoài đi đến chỗ ông nằm, nói:
"Nhà ngươi tích thiện, trời đã thấu hiểu nên ban cho hai đứa con, sau này
tất có tài giúp nước, an dân". Nói xong, thần tướng bay lên không trung.
Ông
Cao Khang tỉnh giấc, biết là nằm mộng, tất có điều lành, ông trời không phụ,
phúc địa hưng thịnh. Hai vợ chồng cùng nhau loan phượng yến oanh, cầm sách hoan
ca. Từ đó, bà có thai 11 tháng, đến ngày 20/7 sinh ra hai người con trai, diện mạo
khôi ngô tuấn tú, giống như hai đứa trẻ trong mộng, thân thể to lớn, tay chân
chắc khoẻ. Người cha rất vui vì đã làm điều phúc, ông trời đã ban cho hai con
nên đặt tên người anh là Sùng, em là Hiển.
Năm
đó, người anh của ông Cao Khang là Nguyễn Cao Hạnh, vợ là Đinh Thị Điêng (Đen)
cũng sinh được một con trai, sắc mặt khôi ngô, tướng mạo cao lớn, Nguyễn Hạnh
đặt tên là Tuấn. Ba anh em họ thể chất lẫm liệt phi thường, có khí phách anh
hùng.
Đến
năm 12 tuổi, tìm thầy học đạo, học được vài năm văn chương thông suốt, võ lược
tinh thông. Phàm trên từ thiên văn, dưới đến địa lý không gì là không biết,
không vật gì là không hiểu. Người đương thời thường nói nhà đó có phúc gì mà
sinh những người con văn võ kim toàn, tài giỏi như vậy?
Than
ôi! Biến đổi khôn lường, hoạ vô đơn chí! Năm ba ông đến tuổi 22 thì cha mẹ đều
qua đời. Ba ông gào khóc đất trời, làm lễ, chọn nơi cát địa an táng, gia đình
hương khói thờ phụng ba năm, gia tài đều hết. Từ đó sớm tối sống trong cảnh
thiếu thốn, kiếm củi sinh nhai, nhưng vẫn an bần lạc đạo nuôi chí lớn. Một hôm,
ba ông đều than rằng: "Bần tiện như vậy, không thể sống được, sao có thể
tồn tại được?".
Bèn
cùng nhau đi đến núi thiêng Tản Lĩnh làm con nuôi của Ma thị Cao Sơn Thần Nữ,
ngày ngày được nuôi dưỡng bằng rau thái, rau tần. Sau được ban cây gậy thần của
Thái Bạch Thần Tinh và sách của Long Đình Thuỷ Đế, cứu được hoạ, tạo phúc thế
gian, báo đáp công ơn của mẹ nuôi.
Ma
thị cho là hiếu tử, bèn lập chúc thư giao ruộng đất, khe suối, kỷ vật núi rừng
cho Tuấn Công. Từ đó bèn đổi hiệu là Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh chia đất cho
hai em: Sùng Công ở Non Sơn, hiệu là Tả Khiên thần, Hiển Công ở Lãng Sơn, hiệu
là Hữu Khiên thần.
Lúc
đó có giặc Ai Lao, vì nghe tin Hùng Duệ Vương đã già mà 20 hoàng tử và 6 công
chúa đã tuyệt tích, không có người nối ngôi, (vua) định sẽ nhường ngôi cho con
rể là Tản Viên Sơn Thánh. Bởi thế chúng thừa cơ dấy binh chia làm năm đạo tiến
vào.
Từ biên ải cấp báo về mỗi ngày 5 lần, nhà vua vô cùng lo lắng, vội triệu Sơn
Thánh lại để bàn kế. Sơn Thánh tâu rằng:
Xin nhà vua gọi hai tướng Cao Sơn, Quý Minh về triều, chỉ huy hai cánh quân
thủy bộ đi tuần tiễu các đạo để dấy thanh khí quân sĩ. Thần xin được lựa
chọn tướng tài, không tới một tuần sẽ dẹp yên quân giặc. Vua nghe vậy tức
thì triệu hai ông đến cùng phong làm tả hữu tướng quân, cùng Sơn Thánh đi
tuần phòng hai đạo Tây Bắc. Hai ông vâng lệnh thủy bộ hai đường đi tới.
Một hôm tướng quân tiến về đạo Sơn Tây, phủ Đoan Hùng, huyện Đông Lan, tời đầu
địa phận làng Minh Cầm và đóng quân ở đấy. Xem thế đất có hình núi sông uốn
lượn, bao bọc bởi thế rồng cuộn hổ ngồi. Lập tức bảo binh sĩ cùng nhân dân lập
đồn để ứng phó với quân giặc. Khi ấy già trẻ gái trai làng Minh Cầm đều
cùng hành lễ xin làm con thần.
Hôm sau sứ giả mang chiếu triệu hai ông cùng Sơn Thánh về triều, đưa quân đi
chặn đánh giặc ở các đạo phía Bắc. Hai ông sai mổ trâu giết lợn cúng tế trời
đất, Sơn Thủy bách thần, khao thưởng sĩ tốt, cất quân tiến đánh đồn giặc Thục ở
đạo Kinh Bắc, cùng giao chiến với giặc Thục một trận. Quân Thục thua to, chém
được chín tướng cùng tuỳ tướng, thu được khí giới, lương thảo xe cộ vô số.
Lúc đó vào mùa thu, thượng tuần tháng chín, thấy thư của Sơn Thánh tới
nói về việc đã dẹp yên giặc Thục. Vua ban chiếu hồi Kinh, hai ông vâng mệnh trở
về. Nhà vua mở tiệc lớn ăn mừng, phong tặng tướng sĩ theo thứ bậc,
cấp cho hai ông thực ấp ở phủ Đoan Hùng. Hai ông bái tạ và trở về nhận thực ấp.
Một lần nọ khi trở về làng Minh Cầm, nhân dân phụ lão gia thần tâu rằng:
Từ khi hai ông lập đồn sở ở làng, dân đều sống bình yên, giầu có, muốn rằng từ
nay nơi đây là đồn sở, sau này là nơi thờ phụng. Hai ông nói: “Ta nay mà được
vinh hiển làm chủ ấp, các ngươi có lòng tôn kính, vậy cho phép các ngươi sau
này được thờ phụng thần hiệu của ta”.
Hôm sau hai ông mở tiệc mời phụ lão, nhân dân gia thần tới dự. Trong bữa tiệc,
hai ông ban cho hai hốt vàng để sau này mua đất trồng cấy và dùng vào việc tế
lễ. Bỗng nhiên mặt đất tối sầm, không ai nghe và nhìn thấy gì nữa, mưa to gió
lớn, có một áng mây màu vàng như tấm lụa từ trên trời bay xuống trước bản
doanh, thấy hai ông nâng mình bay ra khỏi thành lầu và không thấy đâu nữa, tức
là cùng hoá vậy.
Đó là ngày 12 tháng 11. Nhân dân, gia thần trong làng đều kinh ngạc, làm lễ
dâng biểu lên triều đình. Nhà vua hiểu rõ sự việc, ra lệnh trở về làm lễ, sai
cấp sắc phong là Thượng Đẳng Tôn Thần.
Sắc phong hậu tự Thần hiệu: Nhất phong Cao sơn Nhất thống Đại Vương.
Phong thêm là: Uy linh Phổ tế hựu Quốc hộ dân Uy dũng Hùng Kiệt đột Ngật Thượng
Đẳng Tôn Thần.
Nhất phong: Cao Sơn Quý Minh Minh Chính Đại Vương. Gia phong là
Quảng tế Hoằng Đức Thượng Đẳng Tôn Thần.
Phong tặng ba vị là Hộ Quốc Hựu Y Thánh Khang Dân Phù Vận Tuyên Hiến Địch Cát
Thượng Đẳng Tôn Thần.
Công đức phù trợ đất nước của các ông được mãi mãi ghi nhớ. Nay
ban!
Cho phép làng Minh Cầm nghênh đón mỹ tự để nhân dân lập miếu tế lễ.
Đến thời Đinh Tiên Hoàng, hàng năm vào ngày 1 tháng giêng, nhà vua xa giá về
làm lễ thể hiện sự linh ứng của hai ông.
Do
trước đây Vua Đinh bị vây hãm ở chùa, hai vị thần đã hiển linh phù trợ và giải
thoát được. Từ đấy trở đi (vua) vẫn thường tới đây để tế lễ. Lại kể từ đó về
sau này, hai ông đều tỏ rõ linh ứng. Nhiều triều đại đế vương vẫn ban sắc
phong, gia phong các mỹ tự cho ba vị đại vương.
Đến
thời Lê Thái Tổ, khởi nghĩa diệt Liễu Thăng, dẹp giặc Minh, lấy được thiên hạ.
Thái Tổ cũng gia phong mỹ tự cho ba vị Đại Vương là Phổ Tế cương
nghị Anh linh Đại Vương.
Sắc chỉ ban cho làng Minh Cầm.
Liệt kê các ngày sinh ngày hoá và tên huý của các thần, cấm dùng bốn chữ Cao,
Sơn, Quý, Minh. Cho phép làng Minh Cầm được thờ phụng các thần:
-Thần sinh ngày4 tháng giêng, được liệt vào lễ chính. Lễ dùng: Trên bàn là đồ
chay, dưới là thịt lợn đen, rượu ngon và ca hát, kèm các môn đánh vật, đấu cờ.
Các trò ( vui) diễn ra sáu ngày thì dừng lại.
-Thần hoá là ngày 12 tháng 11, cũng liệt vào lễ chính. Lễ dùng: Trên bàn
là đồ chay, dưới là thịt trâu, thịt lợn, rượu ngon, bánh dày, bánh chưng, cấm
ca hát.
Tìm
thấy cuốn thần tích về hai vị tướng Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương ở huyện
Đại Từ
Quá
trình tiến hành điều tra văn hoá phi vật thể tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, các
nhà khoa học và cơ quan chức năng tìm thấy cuốn Thần tích ghi chép về sự tích 2
vị tướng Cao Sơn và Quý Minh là thuộc tướng đã có công giúp vua Hùng Vương dẹp
giặc ở thời vua Hùng Duệ Vương thứ 17.
Cuốn Thần tích có kích thước 12 x 20cm, bìa đóng bằng giấy
xi măng, trong có 19 tờ giấy dó cổ gấp, tương đương 38 trang chữ Hán Nôm. Không
kể 2 trang đầu được ghi thêm, trong mỗi trang nguyên bản có 6 dòng chữ, mỗi
dòng có 12 chữ. Chúng tôi đã phiên âm, tạm dịch nghĩa nội dung bản Thần tích
cho biết: Thần Cao Sơn và Quý Minh là vị tướng có tài thao lược, văn võ song
toàn do có công giúp vua Hùng Duệ Vương cùng với Tản Viên Sơn Thánh có công dẹp
giặc Thục nên đã được Vua Hùng tặng thưởng công lớn. Sau khi
các vị này qua đời, nhà vua ra lệnh cho nhiều nơi trong nước trong đó có xã
Khôi Kỳ (Đại Từ) ngài đóng quân và đi qua đều được lập đền thờ.
Qua bản Thần tích này cho thấy ngoài chép sự tích các vị thần
sách còn chép các sắc phong của các triều đại phong tặng cho các vị tướng Cao
Sơn và Quý Minh. Bản Thần tích được Hàn lâm viện Đại học sỹ Nguyễn Bính biên soạn
vào ngày lành tháng Giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được chép lại
vào ngày lành tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) và cuốn này được sao lại vào
ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1910). Cuốn Thần tích có giá trị lịch sử và
văn hoá, là tài liệu văn bản tìm hiểu về phong tục tín ngưỡng của nhân dân địa
phương cần được nghiên cứu và bảo tồn.
Ths Nguyễn Thy Ngà tổng hợp