Chùa Yên Phú ngoài giá trị lịch sử khoảng 2000 năm tuổi, đây còn là ngôi chùa đặc biệt, bởi người đầu tiên trụ trì chùa lại là một ni sư, ni sư Phương Dung và cũng là một trong những nữ tướng đã chiêu mộ, tập hợp hàng ngàn dân binh tham gia cuộc khởi nghĩa Nhị Vua Hai Bà Trưng.
Chùa Yên Phú ngoài giá trị lịch sử khoảng 2000 năm tuổi, đây
còn là ngôi chùa đặc biệt, bởi người đầu tiên trụ trì chùa lại là một ni sư, ni
sư Phương Dung và cũng là một trong những nữ tướng đã chiêu mộ, tập hợp hàng
ngàn dân binh tham gia cuộc khởi nghĩa Nhị Vua Hai Bà Trưng.
Sau khi nhà Triệu mất ngôi, nước Nam Việt đổi thành Giao Chỉ
và được chia thành quận, huyện đặt dưới nền cai trị của các quan lại nhà Hán.
Khi Thái thú Tô Định vâng mệnh vua Hán sang làm Thái thú quận Giao Chỉ đã thi
hành chính sách hà khắc, bạo ngược nên lòng dân oán hận...
Hai chị em nữ chúa Mê Linh Trưng Trắc và Trưng Nhị dấy binh
khởi nghĩa (40-43 SCN). Cuộc khởi nghĩa này lan rộng, nhân dân bốn quận Giao Chỉ,
Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố hưởng ứng và hết lòng ủng hộ..., nên rất nhanh
chóng đập tan bộ máy thống trị của đế chế Hán ở phương Nam.
Theo thần tích ở đền Hát Môn (nay là xã Hát Môn huyện Phúc
Thọ, Hà Nội) và thần phả các làng thờ các tướng lĩnh của Hai Bà thì Hai Bà
Trưng đã gieo mình xuống Hát Giang, hoá thân vào cõi vĩnh hằng, hôm đó nhằm
ngày mùng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43 SCN).
Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo không chỉ lan tỏa từ
Mê Linh ra một vùng không gian văn hoá xã hội rộng lớn mà còn là: "... kết
tinh của cả một quá trình đấu tranh, khi âm thầm, khi công khai của nhân dân Việt
Nam.
Đây là một phong trào nổi dậy của toàn dân vừa quy tụ vào cuộc
khởi nghĩa do Hai Bà Trưng đề xướng, vừa tỏa rộng trên toàn miền Âu Lạc cũ. Khởi
nghĩa đã thắng lợi vì đó là một phong trào có tính chất quần chúng rộng rãi chứ
không phải là một hành động tự phát của một tù trưởng, một bộ lạc riêng lẻ"(1).
Sau khi Hai Bà mất, bên cạnh chính sử viết về cuộc khởi
nghĩa còn có rất nhiều truyền thuyết dân gian về Hai Bà và các bộ tướng của Bà.
Mà thể loại truyền thuyết vốn là "một câu chuyện nói đi nói lại mà không
được ghi trong sử sách, nó thường mang nhiều yếu tố thần kỳ".
Ngay trong chính sử, Sử gia Ngô Sỹ Liên khi viết về Hai Vua
Bà cũng mang những yếu tố này: "Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược,
vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh
hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống
ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì
là không linh ứng.
Cả Vua Bà Trưng Nhị cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ
sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại
trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy
ư?"(3).
Thật khó phân biệt giữa truyền thuyết và lịch sử về các nhân
vật tham gia khởi nghĩa, về từng trận đánh... khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
lãnh đạo đã lùi xa gần 2000 năm.
Cả chính sử nước ta lẫn Trung Quốc đều ít ghi chép về các bộ
tướng của Nhị vua Hai Bà Trưng mà trong đó phần nhiều là nữ tướng. Cuộc khởi
nghĩa này không chỉ đơn thuần là một cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, sự đối
kháng của tầng lớp bị trị với tầng lớp thống trị, mà còn sâu sa hơn, đó là cuộc
đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Theo nhiều nguồn tài liệu(4), thì Nhị vua Hai Bà có đến hơn
bảy chục tướng lĩnh mà danh đã Hán hóa, trong đó có nhiều thủ lĩnh - nữ tướng
các nghĩa quân địa phương, hiện còn nhiều đền thờ ở miền Bắc như Thánh Thiên
công chúa; Lê Chân, Bát Nam Đại tướng Trinh Thục công chúa, Phương Dung công
chúa....
Qua khảo sát một số bản thần tích của Hà Tây (cũ) thì các
truyền thuyết về các nữ tướng có nét tương đồng đó là lai lịch các nữ tướng vốn
thường thuộc dòng dõi trâm anh, có sắc đẹp "chim sa cá lặn" và Ni sư
Phương Dung(5) cũng không ngoại lệ, bà "thuộc dòng dõi trâm anh nức tiếng
đã lâu", "mặt hoa da phấn, mày cong tựa vầng trăng khuyết, dáng vẻ yểu
điệu thướt tha không ai sánh bằng...".
Truyền thuyết vốn là "một câu chuyện nói đi nói lại"
nên việc mở rộng các sự kiện đã được các nghệ sỹ dân gian tô điểm, và phần nhiều
các truyền thuyết về các vị tướng của Hai Bà Trưng cũng theo ý này, có nghĩa là
hợp với từng địa phương.
Nhưng với bản Thần tích Yên Phú tự thì rõ ràng trong thần
tích, ta thấy có một sự hỗn hợp nôi dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa
- tục thờ Thủy thần hay Sơn thần. Tục thời này xuất hiện từ rất lâu với người
Việt cổ, nó khác với quan niệm Thổ địa mang tính chất Trung Quốc chỉ người bảo
trợ thiêng liêng cho một vùng đất. Trong Thiền uyển tập anh cũng có sự thỏa hiệp,
hỗn hợp nội dung này.
Đại sư Khuông Việt (933 - 1011): "... một lần đến chơi
núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, thích phong cảnh đẹp, bèn muốn lập am để ở. Đêm tới
nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm cây thương vàng,
tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, hình tướng dễ sợ, đến nói rằng:
"Ta là Tỳ sa môn thiên vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có sắc
sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có
duyên với ngươi, nên đến đây báo cho người biết".
Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu ầm ĩ, lòng
rất lấy làm lạ. Đến sáng sư vào núi thấy một cây to, cao khoảng mười trượng,
cành lá sum suê, bên trái lại có mây xanh bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt.
Đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng, để thờ..."(6).
Vậy ở đây có phải là Đại sư Khuông Việt muốn dựng chùa trên núi mà vẫn phải lập
đền thờ thần núi! Thiền sư lập đền thờ bên hữu chùa Kiến Sơ, mà truyền nói rằng
"để làm nơi tụng niệm? để cho yên tĩnh". Đó phải chăng là bằng chứng
tôn trọng tín ngưỡng cũ, thần làm người bảo vệ đất chùa hay làm chủ đất Phật...
Thần tích vốn là việc nói đến cõi thiêng liêng do các nhà
Nho chép lai lịch về thần thì ít nhiều còn dè dặt về những điều nghi hoặc,
nhưng những nội dung Thần tích Yên Phú tự là bằng chứng của sự hỗn dung giữa Phật
giáo sơ khai với tín ngưỡng đa thần giáo của người Việt cổ, mà ở đây là tín ngưỡng
Thủy thần.
Sau đây là toàn bộ bản Thần tích chùa Yên Phú, do Thạc sỹ
Hoàng Thị Thu Hường, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tôn giáo phiên âm và dịch
nghĩa:
Dịch nghĩa
Thần phả chép về:
Một vị âm thần Thái hậu, hai vị dương thần Đại vương triều
Trưng Nữ vương.
Chính bản Bộ Lễ, quốc triều, thượng đẳng, thuộc Bắc Bộ.
Xưa trời Nam mở vận, núi sông thẳng hướng sao Dực, sao Chẩn;
phương Bắc mới phong, phân dã thẳng hướng sao Đẩu, sao Ngưu. Triều Hùng vương,
từ Kinh Dương vương nối nghiệp vua cha, phong nối dõi làm đế vương nước Việt.
Hoan Châu thắng địa, đóng làm kinh đô; trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, sửa sang miếu điện.
Truyền nước đời sau cho Lạc Long Quân, vợ là tiên nữ Động
Đình. Sống trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi này có mây lành ngũ sắc tỏa ánh sáng
soi. Âu Cơ mang thai, sinh ra bọc trứng, nở ra trăm người con trai. Đó đều là
những chàng trai khôi ngô tuấn tú, đức độ hơn người. Đến tuổi trưởng thành, vua
phong cho tước hầu, cắt cử cai trị 15 bộ trong nước.
Đầu tiên Long Quân gọi Âu Cơ lại nói: “Ta là giống rồng,
nàng là giống tiên, tuy khí ngũ hành hòa hợp mà sinh được con cái nhưng Thủy, Hỏa
vốn hai giống khắc nhau, không thể ở cùng một nơi nên phải chia ra”.
Bèn chia 50 con theo cha xuống biển là Thủy Thần, cai quản
nguồn sông, góc biển; 50 con theo mẹ về núi làm Sơn Thần, cai quản các ngọn núi
và ruộng đồng. Trong thời gian đó nếu ai có chuyện xảy ra thì các anh em cùng
nhau đến giúp đỡ, không để diệt vong.
Nhà Hùng kể từ đó khắp núi sông đều có thần. Các thần có thể
đầu thai làm con cái các gia đình phàm trần để giúp đỡ cho đất nước, nhà nào có
phúc tất sẽ được hưởng.
Lại nói: cuối thời Hùng Vương thứ 18, ý trời đã định, lúc đó
vào thời Đông Hán, ở làng Lưu Hàm, huyện Thượng Hiền, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn
Nam Hạ có Trương Công Điều (tên húy là Điều) là người được kế thừa tập ấm, lấy
vợ là Phùng Thị, tên húy là Huệ, vốn là người cùng quận, dòng dõi trâm anh nức
tiếng đã lâu, cũng là chỗ môn đăng hậu đối. Ông bà đã sinh mấy người con trai,
sau này sinh thêm con gái đặt tên là Phương Dung. Nàng có sắc đẹp “chim sa cá lặn”,
mặt hoa da phấn, mày cong tựa vầng trăng khuyết, dáng vẻ yểu điệu thướt tha
không ai sánh bằng.
Năm vừa tròn 16 tuổi, duyên lành chưa định, nguyện không lấy
chồng, một lòng mộ theo đạo Phật. Một ngày nọ nàng đến huyện Thanh Trì (xưa gọi
là Thanh Đàm), châu Thường Tín, thành Thăng Long (tên xưa là phủ Phụng Thiên),
khi đến đầu làng Yên Phú thấy một ngôi chùa, ngoảnh trông bốn bề thấy phóng
khoáng đẹp đẽ, cảnh vật như thắng cảnh nơi nào, bèn đặt tên là Thanh Vân cổ tự
và nguyện ở lại nơi đây sớm khuya hương khói.
Ở đó vừa tròn một năm, ngày nọ, bà đến bến sông Kim Ngưu tắm,
lúc này mặt trời chưa đứng bóng, ngước mắt nhìn lên thì thấy một đám mây lành
sà xuống cuốn lấy thân thể.
Kinh hãi bà chạy về chùa, đêm hôm đó nằm mộng thấy một tướng
quân mặc áo gấm, đeo ngọc châu, thân thể kỳ dị từ dưới nước đi lên, tự xưng là
quan Thủy thần và nói với bà rằng: “Nhà ngươi đức dày, trời đã soi tỏ, lệnh cho
hai vị Thủy thần đầu thai xuống làm con nên chớ có lo lắng về điều đó”.
Nói rồi vị thần lên thuyền rồng, bay trên không mà biến mất,
tỉnh lại chỉ cho là một giấc mộng kỳ lạ. Ngày hôm sau, trong khi đi qua miếu,
thấy trước miếu có hai quả trứng rất lớn, bèn mang về chùa, bỗng từ hai trứng
phát ra tiếng vang như sấm dậy (đó là ngày 22 tháng 4 năm Quý Tỵ), trứng tách vỏ
và xuất hiện hai vị đầu người, mình rắn, tướng mạo kỳ lạ, thiên tư to lớn, biết
đó là Thủy thần xuất thế.
Các cụ phụ lão và dân làng Yên Phú nghe về sự việc kỳ lạ ấy
thì cùng nhau kéo đến chùa. Hai vị thần liền nói với các phụ lão rằng: “Anh em
chúng ta vốn là Thủy thần mà các ông thờ phụng lâu nay, một người tên là Trung
Vũ, một người tên là Đài Liệu. Nay phụng mệnh Thiên đình giáng sinh để giúp đỡ
cho đất nước”. Các vị phụ lão và nhân dân đều tỏ ra cung kính hành lễ và tấu
lên rằng:
- “Làng chúng tôi quả là có thờ các vị Thủy thần có tên như
vậy!”
Bèn hành lễ bái tạ và xin nhận làm bề tôi. Thế là hai ông được
Thái bà(7) nuôi dưỡng, khi các ông lên bảy tuổi, thiên tư càng tỏ rõ, học lực
tinh thông, đọc Binh thư mà trưởng thành về võ lược.
Thời gian đó trời hành hạn hán, cây cối đều chết khô, lập tức
hai ông truyền dân làng lập đàn để cầu âm dương trời đất. Vừa cầu được một lúc,
bỗng thấy trời đất u ám, giữa ban ngày mà tựa như đêm, mưa to gió lớn nổi lên
khắp cả một vùng rộng, ruộng đồng đầy nước, năm đó được mùa lớn. Từ đó nhân dân
đều yên ổn làm ăn, dùng công đức để phục hầu hai đức ông.
Thời đó, Tô Định đem binh xâm chiếm trung nguyên, họ Triệu
tan thương không người cứu giúp. Khi đó có người cháu gái họ Hùng trước đây tên
là Trắc, vốn bậc nữ trung hào kiệt, với vẻ oai hùng của bậc đại thánh thần dấy
binh khởi nghĩa.
Đương thời, nam nhi tài thao lược không có nên người con gái
đó đứng đầu làm tướng. Chúa Trưng Nữ nổi chuông linh mật báo tới thánh núi Tản
Viên, họp hội đồng các thần tại cửa sông Hát Môn (tức vùng Sơn Tây), lập đàn tế,
tấu lên thần linh. Lời khấn rằng:
“Trời sinh ra một người, đó chính là dòng dõi của vạn vật trời
đất, làm chủ mối quan hệ của các sinh linh và cỏ cây muôn loài. Thiên tử, đế
vương của các triều đại trước đều là những bậc thánh minh, triều đình có đạo,
yêu nước, thương dân, đức hóa rộng khắp, thiên hạ thanh bình, nước nhà yên ổn.
Nay có phường dê chó họ Tô, tên Định thường ngông nghênh làm
loạn, thi hành chính trị hà khắc, muôn dân điêu đứng, thiên địa thần nhân(8) đều
oán giận. Thiếp dùng thân phận người cháu gái của Hùng Vương xưa để tỏ bày cùng
muôn vật.
Ngày nay, trời cao rơi lệ, nhân dân đau lòng, có bậc trượng
nghĩa trừ tàn, nguyện mong thần linh tề tựu về đàn để chứng giám lời thề và
thêm sức che chở.
Thiếp Trưng Nữ xin thề dấy binh dẹp giặc, giữ nước, cứu dân.
Thiếp (thề) khôi phục lại vật xưa tổ tông, đưa muôn dân thoát khỏi vòng lửa nước
bước lên nệm lên chiếu, ngõ hầu không trái lại sự mong chờ của trời cao, thỏa sự
linh thiêng của tông miếu tiên hoàng, an ủi tổ tiên cha mẹ ở nơi chín suối”.
Khấn xong hô xuất âm binh nghìn hàng vạn đội, lại truyền hịch
khắp thần dân tại các châu, huyện, đạo ở Nam bang, nơi nào có người anh minh
tài trí hơn người thì lập tức trong ngày đến tòng quân để hỏi tội kẻ nghịch tặc.
Thế là mẹ con bà Phương Dung đồng tâm đứng lên trợ giúp nước
nhà. Vừa nghe nữ tướng chiêu binh khắp chốn, Vũ thần lập tức trong ngày đứng
lên triệu tập được mấy ngàn người trong làng, tập trung dưới trướng được 25
trai tráng khỏe mạnh ở làng Yên Phú.
Trong ngày, Thái bà cùng hai ông cử binh lên đường, cờ rong,
trống mở âm vang đến ngàn dặm núi cao. Một ngày đã đến nơi đóng quân của Trưng
Nữ vương. (Trưng vương) vừa trông thấy hai ông văn võ toàn tài, toát lên vẻ thần
lực bèn nói:
- Người trời giáng sinh nơi trần thế ắt chẳng phải kẻ tầm
thường!
Bèn cho hai ông làm tướng chỉ huy hai bên tả hữu, sắc phong
mẹ nuôi là Phương Dung công chúa. Từ đó mẹ con được hưởng ân mưa móc thánh
hoàng, được phụng thờ hương hỏa, đó âu cũng là duyên số. Trong ngày lại lệnh
cho binh sĩ cùng nhân dân trong làng tu sửa ngôi miếu là nơi mà hai ông từng
sinh sống. Hai ông ứng khẩu thành thơ rằng:
“Từ xưa đế vương ướm lòng dân,
Theo thần thì phải định tinh thần.
Trước truyền chưa từng phân Chân, Ảo
Nhớ về tên núi Phật tức Chân”
Rồi một ngày nọ thiết yến mời các phụ lão và nhân dân đến dự,
hai ông nói với các phụ lão và gia thần rằng: “Anh em chúng tôi theo lệnh hiển
hiện thành hai vị thần mà dân làng thờ phụng từ trước, chúng tôi có mẹ nuôi là
Thái bà, nay để lại 10 thoi vàng, nếu ngày sau có chuyện gì xảy ra thì mong các
ngài hãy phối thờ cả ba mẹ con chúng tôi”.
Các cụ phụ lão nghe vậy đều theo lệnh mà vái lạy. Thế là
cùng phụng dưỡng Thái bà và để lại 10 thoi vàng dùng cho việc cúng tế vào ngày
sau. Ngày hôm sau có sứ giả mang chiếu thư đến yêu cầu mẹ con ngay trong ngày dấy
binh hỏi tội Định.
Trong một ngày, quân đội của hai ông cùng Trưng Nữ thẳng tiến
đến doanh trại của Tô Định, chia thành 5 đạo cùng lúc tiến đánh. Quân Định bỏ
chạy toán loạn, ta bắt được đại tướng giặc, thu phục được 65 thành về Nam bang,
Trưng Nữ lên ngôi vua.
Đương trung tuần mùa hạ năm đó, ngày 18 tháng 5, sứ giả đến
tuyên chiếu rằng đã dẹp yên giặc Tô Định, triệu kiến hai ông về triều để nhà
vua mở tiệc mừng phong chức cho các tướng sĩ, ban cho mẹ con họ được trở về hưởng
ấp Thanh Trì(9). Thế là bái lạy tạ ơn và quay về nhiệm sở, hai ông cùng mẹ lên
thuyền rồng trở về đến giữa sông Kim Ngưu thì thấy một đám mây vàng như dải lụa
xà thẳng xuống thuyền rồng.
Thấy vậy ba mẹ con chạy lên đứng ở bãi đất
đầu sông bên làng Yên Phú, bỗng chốc thấy trời đất tối xầm, mưa to gió lớn nổi
lên, rồi thấy Thái bà mình mặc áo gấm, ngồi trên kiệu hoa cưỡi mây mà đi, rồi
hai ông tự bay lên lao xuống lòng sông mất hút, lúc đó vào ngày mùng 7 tháng
11. Trong khoảnh khắc, sóng nước vụt cao, giao long, xà giải (10) cùng sắp hàng
dẫn lối.
Quân sĩ và nhân dân đều vô cùng kinh hãi bèn làm biểu tấu
lên triều đình, Nhị Thánh Vương sai quân đến nơi hành lễ tế và truyền rằng đây
là nơi đất tốt, đặt tên là xứ Đồng Lăng, chuẩn cho phù hộ làng Yên Phú và được
nhân dân ở đây thờ phụng.
Đến năm Thiên Phúc thời vua Lê Đại Hành, khi thống kê về các
thần thấy (các vị trên) hiển linh bèn phong tặng một vị là Hoàng thái hậu Tuệ
Tĩnh phu nhân, hai vị là Bản cảnh Thành hoàng Linh phù chi thần. Khi hành lễ cấm
dùng các trang phục màu đỏ, vàng và trắng.
Một phong Thánh mẫu Phương Dung Trinh thục Chí đức Đoan
trang Cẩn tiết Hoàng thái hậu.
Một phong Trung Vũ Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương võ
Dực thánh Bảo cảnh Hiểu hữu Trợ thuận Linh ứng đại vương
Một phong Đài Liệu Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương võ
Dực bảo cảnh Hiểu hữu Trợ thuận Linh ứng đại vương.
Lại nói: từ đó về sau các thần có nhiều lần hiển ứng rõ ràng
trong khoảng 314 năm vào các thời thuộc Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương. Đến
Nam bang ta, 4 dòng họ Đinh, Lê, Lý, Trần mở cơ đồ, qua các thời đại thường thần
thông biến hóa, hiển hữu anh linh, che chở cho đất nước, sắc ban cho làng Yên
Phú sửa sang miếu điện để thờ phụng, hãy kính cẩn tuân theo!
Kê ra ngày sinh, ngày hóa, các khoản lễ bàn; các chữ húy cấm
dùng là Phương Dung, Trung Vũ, Đài Liệu.
Chuẩn cho làng Yên Phú thờ phụng
- Ngày sinh các thần: 22 tháng 4. Lễ chính, mâm trên dùng lễ
chay, mâu dưới dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh dày; ca hát.
- Ngày hóa các thần: 07 tháng 11. Lễ chính như trên; cấm ca
hát
- Khánh hạ, cầu phúc: 18 tháng 5. Lễ chính như trên, ca hát.
Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất [1572], ngày tốt, tháng
Giêng, Đông các Đại học sĩ Hàn lâm viện, thần Nguyễn Bính vâng mệnh soạn thảo.
Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 [1740], ngày tốt, tháng 8, Nội
các Bộ Lại vâng mệnh sao y bản chính.
Hoàng triều Thành Thái, năm thứ 17 [1905], ngày tốt, tháng
4, đạo sĩ trong xã kính cẩn sao y bản chính.
Tam quan nội chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong
Tam Bảo chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong
Tam quan ngoại chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong
Tiền đường chùa Yên Phú. Ảnh ©2014 NCCong
Chùa Yên Phú tên chữ Khánh Hưng Tự là một trong những
ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa nằm ngay ven con đường xuyên Việt, đoạn đi
qua đất thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Xưa kia chùa vốn toạ lạc ở cánh đồng Lăng, khi hỏng nặng mới
được dân chuyển về khu vườn Miếu. Trên đồng vẫn còn lăng mộ Sư bà Phương
Dung, hình tròn xoáy trôn ốc, đường kính 20m, cao 3m. Thanh Vân Cổ Tự sau đổi
tên thành Khánh Hưng Tự, dân quen gọi theo tên làng là chùa Yên Phú. Chùa cũng
là một di tích lịch sử. Năm 1789 hoàng đế Quang Trung chọn nơi đây để tập kết
quân Tây Sơn đánh trận Ngọc Hồi.
Trong thời kỳ 1947 – 1954, sư trụ trì chùa từng nuôi giấu
các chiến sĩ hoạt động kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn này, đình Yên Phú bị
tàn phá nên các cụ bô lão đã rước bài vị của hai tướng quân về phối thờ tại
chùa, cách đình khoảng 700m.
Hội chùa Yên Phú cũng là hội làng, hàng năm diễn ra từ ngày
5 đến ngày 7 tháng 11 âm lịch. Trong hội, nhân dân rước kiệu từ đình miếu ra
lăng mộ sư Bà Phương Dung, sau đó rước về chùa. Kiệu sư Bà đi trước, phía sau
là kiệu hai tướng Trung Vũ, Đài Liệu. Làng dành một mẫu ruộng ở cánh đồng Nhị
Châu cho dân lần lượt làm rẽ để có tiền soạn lễ. Lễ vật dâng lên gồm bảy mâm,
trong đó có một lễ chay (xôi vò, chè, bánh chay).
Hiện nay chưa tìm thấy ảnh tư liệu về chùa Yên Phú trước
kia. Chỉ biết rằng năm 1930 ngôi chùa đã được xây dựng theo hướng tây và mang
phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Từ đó cho đến khi bước sang thế kỷ 21
chùa vẫn chỉ có quy mô nhỏ và càng ngày càng lâm vào tình trạng cũ nát. Sư trụ
trì tổ chức quyên góp hưng công và ngày 20-11-2011 đã hoàn thành việc xây lại
hoàn toàn chùa Yên Phú.
Vườn tháp mộ trước sân là di tích duy nhất của ngôi chùa cũ
còn sót lại. Ngôi chùa mới bao gồm 3 toà nhà 3 tầng với 1 tầng hầm, dàn ngang theo
hình chữ “Nhất” trong khuôn viên hơn 4100m2. Mặt bằng xây dựng rộng 1800m2
trong đó khu nội tự rộng 1260m2. Hai cổng tam quan nội, ngoại ở mặt tây và mặt
nam đều có ba mái cao thấp khác nhau, xây bằng bê-tông, bên trên đề chữ bằng quốc
ngữ như kiểu chùa Quán Sứ.
Toà Tam bảo nằm ngay sau tam quan nội, bên trong trông như một
Phật điện hiện đại. Hệ thống tượng tròn trong chùa được bài trí hơi khác các
ngôi chùa truyền thống ở Bắc Bộ. Lớp sau trong hậu cung có pho tượng Quan Âm tống
tử, bên phải là tượng Đức Thánh Mẫu. Đáng chú ý thêm là chùa mới có một pho tượng
Di Lặc đặt chính giữa hàng hiên của tiền đường, giống như ở chùa Võng Thị.
Trong chùa Yên Phú vẫn còn giữ được nhiều văn bia, hoành
phi, câu đối chữ Hán mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn.
Chú thích:
(1) Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Lịch sử Việt Nam, tập
1. Nxb. KHXH, H. 1971.
(2) Hán Việt từ điển, Thiều Chửu, Nxb. TP. HCM, 2000.
(3) Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH.
(4) Trong sách Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, theo
ông Nguyễn Vinh Phúc thì ở Hà Tây (cũ) và Hà Nội đã có trên 50 điểm làng, xã
mang dấu vết của 67 vị tướng lĩnh của Hai Bà.
(5) Yên Phú tự, Đông các Đại học sỹ Hàn lâm viện, thần Nguyễn
Bính vâng mệnh soạn, niên hiệu Hồng Đức thứ 1 (1572); Nội các Bộ Lại vâng mệnh
sao y bản chính, Hoàng triều Vĩnh Hựu thứ 6 (1740); Đạo sỹ trong xã kính cẩn
sao y bản chính, Hoàng triều Thành Thái 17 (1905). Hiện cuốn thần tích này còn
lưu giữ tại chùa Yên Phú, thôn Yên Phú xã Liên Ninh huyện Thanh Trì, Hà Nội.
(6) Đại sư Khuông Việt: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Lê
Mạnh Thát, Nxb. Tp. HCM, tr.180.
(7) Thái bà: tức bà Phương Dung.
(8) Thiên địa thần nhân: chỉ Trời, Đất, Thần linh và con người.
(9) Câu này có nghĩa là mẹ con bà Phương Dung được hưởng những
lợi tức ở ấp Thanh Trì.
(10) Giao long, xà giải: những thủy quái dưới nước thường được
ví là binh lính của các vị thủy thần.