Đó là 5 vị tướng đã dốc sức phò giúp vua Hùng thứ 18 trị vì đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, câu chuyện về những vị công thần đó đến nay vẫn được lưu truyền qua lớp lớp các thế hệ nhân dân huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên như một niềm tự hào của quê hương.
Dù chỉ là những câu chuyện dân gian được lưu truyền ghi lại
trong thần tích, song về thôn Mai Xá, xã Song Mai, huyện Kim Động, chúng tôi được
nghe các cụ cao niên trong thôn kể lại với lòng tự hào về 5 vị công thần thời
Hùng Vương mà cả một vùng đông đúc dân cư thờ phụng, trong đó có thôn Mai
Xá.
Tự hào giới thiệu về đình Mai Xá đã được xếp hạng di tích kiến
trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2004, ông Nguyễn Chiến Khu, nhiều năm trông
coi di tích cho biết: Theo thần tích đình Mai Xá, thời Hùng Vương, gia đình ông
Hải Bột cùng vợ là bà Trương Thị Đoan hiền lành đức độ chuyển đến sinh sống tại
Mai Xá Trại, châu Xích Đằng, phủ Khoái Châu. Hai ông bà thường xuyên làm điều
phúc, nuôi dưỡng các bậc già cả, cứu giúp người nghèo, bỏ tiền xây cầu quán
giúp dân trong vùng đi lại buôn bán thuận lợi, cầu dài 32 nhịp, gọi là Cầu
Ngàng…
Toàn cảnh ngôi đình Mai Xá, xã Song Mai (Kim Động)
Hai ông bà sinh được 5 người con trai, khi trưởng thành 5
anh em nổi tiếng khắp vùng về kinh luân thao lược, văn võ toàn tài. Tên của các
ông là Vĩnh Công, Mộc Công, Lại Công, Cao Mang, Trung Thành. Sinh thời, cả 5 vị
tướng đều có tướng mạo anh hùng: My lân, hàm én, nhan long, nhãn phượng. Khi tất
cả trở thành thanh niên trai tráng đã nhiều phen hô mưa, gọi gió, ai nấy đều
kinh sợ. Tương truyền, có một năm nước Văn Lang ta lâm vào cảnh đại hạn hán,
lúa và hoa màu khô héo, nhân dân lâm vào cảnh đói khát, lầm than. Riêng trong địa
hạt bản phủ Khoái Châu lúc bấy giờ (bao gồm huyện Kim Động trước đây), nhờ có 5
ông làm phép kêu gió, gọi mưa nên rau màu xanh tốt, lúa được mùa, nhân dân no đủ,
không phải chịu cảnh lầm than.
Theo đó, các quan địa phương cho là thần thánh cứu đời, bèn
dâng biểu tâu lên triều đình. Nhà vua lập tức truyền lệnh chiêu mộ nhân tài khắp
bốn phương. Cả 5 vị đã đến kinh thành ra mắt nhà vua. Nhà vua thấy các ông cao
lớn kỳ vĩ, tài năng xuất chúng liền cho rằng đây là những thiên thần, thủy thần,
nên đã phong các ông làm tướng, cai quản các bộ phận sơn thân.
Trong những năm tháng phò tá Hùng Duệ Vương, 5 vị tướng này
đã tiêu trừ đại nạn hồng thủy, hỗ trợ nhân dân đắp đê, tiêu trừ lũ. Ở xã Mai Xá
lúc bấy giờ ngưỡng mộ tài năng, đức độ của các vị tướng, do đó xã đã cử 20 người
theo làm gia thần, vào triều tiếp tục phụng sự Hùng Duệ Vương.
Nhờ tài năng, cả 5 ông đều được vua phong tước cầm quân giữ
yên bờ cõi. Khi cả một vùng cư dân rộng lớn lâm vào cảnh lụt lội, đói khát
do nạn hồng thủy. Nhà vua hạ lệnh cho các ông đem quân đi đắp đê trị thủy
ngăn nước lũ cứu dân lành. Đê đắp đến đâu nước rút đến đó. Từ đó, Mai Xá và cả
vùng rộng lớn được mùa liền mấy vụ, dân cư sống bình an no đủ.
Khoảng 5 năm sau, Thục Vương ở Ai Lao đem binh đánh nước Văn
Lang, Triều đình lại huy động các lực lượng ứng chiến. 5 ông lúc này được phong
là Ngũ Vị Đại Vương, cùng Tản Viên Sơn Thánh điều quân thủy, bộ chặn giặc. Các
ông thống lĩnh thủy quân, chấn giữ vùng sông nước thuộc dòng Nhị Hà.
Tản Viên Sơn thánh cùng với 5 vị tướng dẫn binh ra trận, dẹp
tan quân xâm lược. Sau chiến thắng quân Thục, Hùng Duệ Vương phong cho 5 vị
công thần là 5 vị Đại Vương.
Sau khi đẩy lùi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhà vua ban
thưởng và cho 5 ngài trở về thăm dân chúng và các nơi đã đi qua. 3 ngài mất
trên đường về Mai Xá, 2 ngài sau khi về quê hương Mai Xá làm lễ khao thưởng cho
nhân dân đồng thời trao vàng nén, lụa bạch để tu sửa đền chùa thì mất.
Đời vua Đinh phong 5 ngài là Thượng Đẳng Phúc Thần. Vua Trần
Thái Tông chuẩn phong cho cả 3 thôn Mai Xá, Thanh Xuân, Miêu Nha (thuộc xã Song
Mai) cùng thờ các ngài là Thành hoàng.
Vun đắp truyền thống con Lạc cháu Hồng
Theo sử liệu, đình Mai Xá thờ Ngũ Vị Đại Vương, 5 vị công thần
thời Hùng Vương, được xây dựng từ thời Hậu Lê và trùng tu vào thời Nguyễn. Từ
lúc khởi dựng cho đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Đình Mai Xá còn ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng
ở địa phương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình
cũng là nơi bộ đội và du kích xã trú quân. Hiện nay, tại khuôn viên đình còn lưu
giữ bia tưởng niệm liệt sỹ Đào Nguyên Tấn, Trung đội trưởng trung đội Quang
Trung (thuộc quân khu Tả Ngạn), ông bị giặc Pháp bắt và hành hình tại gốc nhãn
đình Mai Xá vào năm 1950… Trong hậu cung của đình vẫn còn dấu vết căn hầm bí mật
nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Nhìn bề ngoài, ngôi đình không có gì đặc biệt với hình dáng
kiến trúc hình chữ Đinh (giống chữ T), gồm đại bái và hậu cung, quy mô không lớn.
Tuy nhiên, khi bước vào bên trong đình, khách đến chiêm bái sẽ ngạc nhiên bởi
khác hẳn với kiến trúc bên ngoài, hệ thống cột, kèo, đầu dư đều được làm bằng gỗ,
chạm trổ công phu, tỉ mỉ các đề tài tứ linh (long, lân, quy, phụng), cá hóa rồng,
hoa lá cách điệu, hoa văn gấp khúc xen kẽ là các đám mây… tinh xảo.
Đại bái gồm 5 gian, được xây theo kiều chồng rường đấu sen.
Giữa là bức đại tự “Vạn cổ anh linh”. Bên trong là hai gian hậu cung tôn
nghiêm, bày 5 cỗ ngai bài vị đặt song song nhau thờ 5 vị công thần thời Hùng
Vương có công đánh giặc giúp nước, xây cầu đắp đê bảo vệ nhân dân.
Trải dài nóc đình là đôi rồng chầu mặt nguyệt khỏe mạnh, uy
nghi, xung quanh mình rồng là các vân sóng nước cách điệu, hài hòa, sinh động.
Xuôi xuống 4 đao đình, các nghệ nhân đắp theo dáng uốn cong mềm mại, các đao uốn
lượn rất sinh động, các con bẩy đỡ mái được chạm khắc rất công phu. Tại đình
còn giữ được một số hiện vật quý như 5 cỗ ngai thờ Ngũ Vị Đại Vương, 2 bộ đỉnh
đồng cùng đài nến, 4 bát hương đồng và sứ thời Lê - Nguyễn, cùng sắc phong của
các triều vua…
Vào dịp lễ hội đình 10/3 hàng năm, nhân dân địa phương và du
khách thập phương đến thắp hương tế lễ rất đông, cùng ôn cố tri tân, tưởng nhớ
công lao các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc giúp nước và ôn lại truyền thống
con Lạc cháu Hồng.
Minh Huệ / baohungyen.vn