Sứ quân Kiều Thuận (矯順), hiệu Kiều Lệnh công hoặc Quang Hiển quốc vương là một thủ lĩnh thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 10. Ông thuộc dòng họ Kiều, chiếm Hồi Hồ, cùng với người anh Kiều Công Hãn chiếm Phong Châu, vùng đất thuộc Phú Thọ, Việt Nam ngày nay.
Không giống các sứ quân khác, ông là đại diện lực lượng đối
địch với cả hai triều nhà Ngô và nhà Đinh. Mặc dù vậy, do có nhiều công lao với
vùng đất chiếm đóng, ông vẫn được nhân dân Phú Thọ tôn thờ như một vị vua mở đất.
Thế lực họ Kiều
Kiều Thuận là cháu nội của Tiết độ sứ Kiều Công Tiễn - Tĩnh
Hải quân Tiết độ sứ cuối cùng của nhà Đường cai trị lãnh thổ Việt Nam trong thời
kỳ Tự chủ và là em của tướng Kiều Công Hãn nhà Ngô. Theo thần phả, cha ông là
Kiều Công Chuẩn. Gia tộc họ Kiều của ông vốn là một thế lực lớn ở Phong Châu.
Kiều Công Tiễn nguyên là nha tướng của Tiết độ sứ Dương Đình
Nghệ, trấn thủ Phong châu. Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt
chức Tiết độ sứ, về cầm quyền ở Đại La.
Kiều Công Chuẩn phản đối việc làm bội phản của cha nên mang
con nhỏ là Kiều Công Đĩnh về Phong châu, còn anh Kiều Thuận là Kiều Công Hãn
vào Ái châu theo con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền. Lúc đó chỉ có đức Kiều
Công Thuận đồng tình với ông nội Công Tiễn và ở lại thành Đại La giúp Công Tiễn.
Tuy nhiên, lực lượng của Kiều Công Tiễn bị cô lập do sự phản
đối của phần lớn tướng sĩ trong nước. Họ tập hợp theo Ngô Quyền. Kiều Công Tiễn
sai người sang cầu cứu nước Nam Hán ở Quảng Châu nhưng quân Hán chưa tới thì
năm 938, quân Ngô Quyền đã kéo ra bắc, hạ thành Đại La và giết chết Công Tiễn.
Kiều Thuận bỏ Đại La về xây dựng căn cứ ở Hồi Hồ, thuộc địa phận huyện Cẩm Khê ở
phía bắc Phú Thọ ngày nay.
Theo thần tích của xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê còn lưu được ở
Viện Hán Nôm cho biết thêm về ông: "Khi Kiều Thuận sinh ra có điềm lành:
Ánh sáng lạ tràn ngập khắp ngôi nhà. Tuổi thơ thì thông tuệ, lớn lên thì thông
minh mẫn tiệp, tuổi tráng niên, Kiều Thuận có gồm đủ trí dũng".
Điều đáng nói là thần tích này cho biết thêm chi tiết là đức
ông Kiều Công Thuận lấy một bà vợ họ Mai, húy Trinh Nương người Trương Xá, Hạ
Hòa và trước khi qua đời, Mai Thị Trinh để lại một di thư một mực khuyên sứ
quân Kiều Thuận theo ý Trời quy phục Đinh Bộ Lĩnh để dân tránh khỏi nạn binh
đao, chết chóc.
Sứ quân miền núi
Theo tộc phả họ Ma ở thị xã Phú Thọ và tài liệu văn hoá dân
gian, tại vùng Ma Khê, Kiều Thuận xây dựng căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng
Hoá, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng, các dòng họ ở Ma Khê
và vùng lân cận tạo thành căn cứ địa vững chắc.
Một vùng rộng lớn từ Ma Khê đến Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu
được Kiều Thuận gây dựng, cai quản trong hơn 20 năm trời đã làm cho dân tình
yên ổn, nông nghiệp mở mang, nơi nơi đều an cư lạc nghiệp, thế lực vững vàng,
uy danh vang dội, khiến các sứ quân khác phải nể phục.
Đội quân của Kiều Thuận có tới vài vạn người, tổ chức chặt
chẽ, kỷ luật nghiêm minh, trên dưới một lòng được mệnh danh là "Cương Nghị
quân"; luân phiên nhau vừa luyện tập, tuần tra canh gác, bảo vệ lãnh địa,
vừa sản xuất bảo đảm lương thực nuôi quân, vừa thường trực cơ động sẵn sàng chiến
đấu.
Có thể do anh Kiều Thuận là Kiều Công Hãn lập công với Ngô
Quyền nên khi Ngô Quyền lên ngôi vua đã nể Công Hãn mà không hỏi đến tội Kiều
Thuận. Vì vậy mà ông có thể tiếp tục gây dựng cơ sở ở Hồi Hồ. Căn cứ chiếm đóng
của ông thuộc vùng núi, có nhiều tướng dưới quyền là các tộc trưởng lãnh đạo
các châu Kimi, điển hình là hào trưởng danh tướng Ma Xuân Trường.
Thời thuộc Đường, An Nam đô hộ phủ có tổng 40 châu ki mi thì
trong đó có tới 18 châu lệ thuộc vào châu Phong. Khi nhà Ngô suy yếu, các sứ
quân nổi dậy chống lại triều đình. Kiều Thuận cũng nổi dậy trở thành một sứ
quân trong thời loạn 12 sứ quân. Ông tự xưng là Kiều Lệnh Công trấn giữ thành Hồi
Hồ (thuộc làng Văn Khúc, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ ngày nay).
Về thời điểm Kiều Thuận nổi dậy trở thành sứ quân, nhiều khả
năng ông nổi dậy từ khi Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền giết. Không rõ chính xác Kiều
Thuận bị Đinh Bộ Lĩnh dẹp năm nào trong giai đoạn từ năm 966 đến năm 968, sách
Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước cũng chỉ khẳng định sứ quân Kiều Thuận bại trận
và bị giết chứ không thuộc số các sứ quân về hàng hoặc quy thuận Đinh Bộ Lĩnh.
Trên địa bàn thị xã Phú Thọ ngày nay, xa xưa là Ma thành
(sau gọi là thành Mè) do Ma Xuân (cháu chắt của Ma Khê) xây dựng. Hậu duệ của
Ma Khê cầm đầu Ma tộc truyền đời trấn giữ thành Mè. Đến thời Loạn 12 sứ quân,
thành Mè do một tướng dưới quyền của Kiều Thuận là Ma Xuân Trường trấn giữ.
Sau khi vua Đinh Bộ Lĩnh tấn công thành Hồi Hồ, tướng quân
Kiều Thuận chống không nổi đành vượt sông Hồng chạy sang thành Mè kết hợp với
Ma Xuân Trường chống lại Đinh Bộ Lĩnh. Lực lượng của vua Đinh Bộ Lĩnh lúc này
do tướng quân Lê Hoàn dẫn đầu đánh chiếm thành Mè, sứ quân Kiều Thuận chống
không nổi, tử trận.
Thủ lĩnh Ma Xuân Trường chạy lên Yên Bái trốn thoát. Sau khi
mất, vua Đinh Bộ Lĩnh vì thán phục uy đức mà truy phong ông là Ma tộc thần tướng.
Ngày nay, thị xã Phú Thọ còn dấu tích thành Mè. Ở phố Phú An có đền thờ Ma Khê.
Làng Trù Mật xã Văn Lung thị xã Phú Thọ có đền thờ Ma Xuân Trường và Kiều Thuận.
Theo thông lệ từ bao đời nay, cứ vào dịp 17/2 và 16/10 âm lịch
hàng năm, nhân dân ở xã Văn Lung nói riêng và thị xã Phú Thọ nói chung lại sửa
soạn lễ vật hội tụ về Đền Trù Mật ở khu Đoàn Kết, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ
thắp nén tâm nhang, tỏ lòng tri ân công đức với Đức Đại Vương Kiều Công Thuận
và mẫu hậu Dương Thị Thuần Mỹ đã có công với dân, với nước.
Thành Hồi Hồ
Thành cổ Hồi Hồ thuộc làng Hoa Khê, còn có tên là Cẩm Khê,
nay là làng Văn Khúc, xã Văn Khúc thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây
cách thị trấn Sông Thao, Cẩm Khê 10 km, cách thành phố Việt Trì 40 km.
Địa danh Hồi Hồ hiện còn có vết tích thành đất cũ của sứ
quân Kiều Thuận. Đây là căn cứ quân sự thuộc vùng núi hiểm trở và cách xa kinh
đô Hoa Lư thời nhà Đinh nhất trong số các căn cứ của 12 sứ quân.
Huyện Hoa Khê, theo các sách địa lý cổ, trước là Hồi Hồ. Các
sử thần đời Lê chú thích: "nay ở xã Trần Xá, huyện Hoa Khê vẫn còn nền
thành cũ" . Đến đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược Đại Việt, huyện Hồi Hồ gọi
là huyện Hoa Khê. Thành Phượng Dực do Kiều Thuận gây dựng bây giờ vẫn còn dấu vết,
nay thuộc xóm Quang Trung xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê.
Sách "Viêm giao trung cổ ký" (Ghi chép sưu tập di
tích cổ nước Nam) của Cao Xuân Dục, trang 148 có chép: Phế thành Kiều Công ở xã
Trương Xá, huyện Cẩm Khê, thành do sứ quân Kiều Thuận đắp lên, di chỉ hiện vẫn
còn.
Thần tích Đền Trù Mật có ghi lại “Cương nghị thông minh
chiêu huệ Đại vương phả lục” được xây dựng và hoàn thành ngày 16/10 năm Canh Ngọ
970 dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng. Kiều Công Thuận còn gọi là Kiều Lệnh
Công sinh vào cuối thập kỷ thứ 2 của thế kỷ X và mất năm 968. Ông làm quan dưới
triều Ngô Quyền.
Khi xảy ra biến cố ở Kinh đô Cổ Loa năm 944, vua Ngô Quyền mất,
tướng Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền giành ngôi. Kiều Công Thuận chạy về đất
Ma Khê rồi liên kết với tộc trưởng Ma Xuân Trường ở Phú An, dựng đồn binh ở bãi
sông, lập ấp định cư ở Trù Mật, dần dần hình thành nên lực lượng vững chắc cát
cứ tại địa phương. Đội quân của ông có tới vài vạn người, trên dưới một lòng được
mệnh danh là “Cương nghị quân”, họ luân phiên vừa luyện tập, tuần tra canh gác,
bảo vệ lãnh địa vừa cần mẫn lao động sản xuất bảo đảm lương thực nuôi quân, sẵn
sàng chiến đấu khi bị xâm chiếm.
Đền Trù Mật
Chùa Thắng Sơn liền kề đền Trù Mật
Đền Trù Mật vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính từ nghìn năm trước.
Trong khoảng 20 năm nắm quyền cai quản tại địa phương, Kiều Công Thuận trừ ác,
diệt tà bảo vệ dân lành của 2 làng Phú An và Trù Mật khỏi thảm cảnh chém giết,
cướp bóc của các lực lượng đối nghịch khác; mở mang nông nghiệp, “đất lành chim
đậu” ngày càng nhiều người đến “an cư lạc nghiệp”, uy danh của ông vang dội khiến
các sứ quân khác phải nể phục.
Theo sử sách ghi lại, trong những năm 966-967, đất nước
không vua, các thế lực trong triều tranh nhau ngôi vương, các hào trưởng địa
phương không phục tùng triều đình đã gây ra nạn cát cứ của 12 sứ quân. Đau lòng
trước cảnh loạn ly, binh đao, Kiều Công Thuận đã tuẫn tiết để bảo toàn
danh dự vào ngày 4 tháng Giêng năm Mậu Thìn 968.
Cảm phục trước tài cao đức trọng của ông, nhân dân 2 làng đã
lập đền thờ ông tại Trù Mật thường xuyên hương khói. Cũng tại nơi ông tuẫn tiết
mộ mối đùn lên dấu tích vẫn còn đến ngày nay, nên đây vừa được coi là lăng, vừa
là đền thờ ông.
Năm Canh Ngọ 970, sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua tức vua
Đinh Tiên Hoàng đã ban sắc truy phong cho Kiều Công Thuận là “Cương nghị đại
vương thượng đẳng thần”. Về sau, các triều đại phong kiến Việt Nam lần lượt ban
sắc truy phong cho ông.
Trong đó, triều Trần Thái Tông năm 1254 ban sắc phong “Vị
quyền Thần” và xếp hạng Đền Trù Mật là “Thượng Đẳng tối linh từ”. Triều vua
Thánh Tông- niên hiệu Hồng Đức năm 1470 ban sắc “Cương nghị thông minh Chiêu huệ
đại vương”. Triều vua Dực Tông - niên hiệu Tự Đức thứ 9 ban sắc “Thượng đẳng
phúc thần”…
Ghi nhận công lao to lớn của Đức đại vương Kiều Công Thuận
và vinh danh những chứng tích lịch sử, năm 1999 Đền Trù Mật đã được Bộ Văn hóa
thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc
gia.
Trên long ngai thờ Đức đại vương khắc ghi 4 chữ vàng “Quang
hiển quốc vương”, phía dưới có dòng chữ Hán tạm dịch là: Đại vương vạn đại
thông minh sáng suốt, làm rõ nền kỷ cương chính sự, tôn nghiêm rộng mở, che chở
giúp đời, yêu dân tỏ rõ, linh thiêng báo ứng, giúp kẻ sỹ giáng phúc ban ơn, uy
nghi mạnh mẽ, tài giỏi vì đời, thương người, lòng cung kính thẳng ngay, thể
long trời, kính giang sơn, ơn sâu tưới nhuần, sáng ngời nhân đức, phúc ban nơi
nơi, lòng nhân rộng mở, võ nghệ tài trí mạnh mẽ, rực rỡ khí tiết, tu văn, luyện
võ, sáng tỏ thành tâm, khắc ghi công đức”.
Trải qua hơn nghìn năm với bao thăng trầm của lịch sử, hình ảnh
uy phong lẫm liệt trong chiến đấu bảo vệ dân lành của Đức đại vương Kiều Công
Thuận vẫn sáng tỏ trong những trang Thần tích, Thần sắc, Ngọc phả và nhân dân
quanh vùng.
Nhân dân hai làng Phú An và Trù Mật bao đời nay vẫn cùng
nhau xây dựng, tu tạo, gìn giữ và hương khói trong ngôi đền.
Trong những dịp tưởng niệm ngày sinh, ngày mất, ngày lập đền
thờ … nhân dân hai làng Trù Mật, Phú An cùng đồng bào trong vùng vẫn nhang đăng
tế lễ theo nghi thức cổ truyền, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc
Việt Nam.
Theo thần tích đền Trù Mật còn lưu giữ đến ngày nay và tài
liệu văn hoá dân gian, hàng năm dân hai làng Trù Mật và An Phú tổ chức ba ngày
lễ trọng tại đền Lăng (Trù Mật) (xưa kia gọi là ngày cầu): đó là ngày 4 tháng
Giêng, ngày 18 tháng 2 âm lịch và ngày 16 tháng 10 âm lịch.
– Ngày 4 tháng Giêng là lễ ngày hóa của đức đại vương
Kiều Thuận. Lễ vật gồm có lợn đen tuyền, bánh chay (bánh mật, bánh rán, chè
kho), hoa quả, đèn nhang. Người mua và bắt lợn phải là trai tân, gái trinh.
Trong lễ hội người ta mổ lợn tế thịt sống, dùng mỡ chài phú kín lên thịt. Dân
làng bầu chủ tế phái là người “sạch sẽ” (không có tang…). Những chức sắc trong
làng được vào làm lễ. Từ sau ngày này dân làng mới được động thổ.
– Ngày 18 tháng hai là kỷ niệm ngày sinh của Kiều
Thuân. Dân làng Trù Mật, Phú An tổ chức tế lễ trong hai ngày 17 và 18. Ngày 17
bắt đầu vào hội, ngày 19 lễ tạ. Xa xưa nhân dân làm cỗ thái lao, chỉ cúng tiết
đông và tim gan lợn. Nhân dân sắm sửa 3 lễ.
Một lễ đặt ở ban thờ Kiều Thuận và một lễ đặt ở
ban thờ Ma Xuân Trường tại đền Lăng, một lễ đưa sang đặt ở đền Mẫu hậu
(mẹ đẻ Kiều Thuận ở gần đó). Bây giờ lễ vật gồm một ván xôi, một con gà. Dân
làng bầu chủ tế và chủ tế mặc quần áo thụng màu vàng, đội mũ màu vàng, đi hia
(giày) màu vàng. Các chức sắc vào tế lễ mặc quần áo thụng màu lam, đội mũ lam,
không đi hia. Cuộc tế gồm 3 tuần (một tuần hương, hai tuần rượu).
Kỳ cầu ngày 18 tháng hai này là ngày mừng thần Thành hoàng
làng ra đời nên dân làng cũng coi là lễ thường xuân, làm đại tiệc, tổ chức phần
hội rất vui vẻ. Trong hai ngày 17, 18 ban ngày dân làng tổ chức nhiều trò chơi
như: Chọi gà, đánh cờ (cờ tướng, cờ người), kéo co, đánh đu, thả diều, thi giã
bánh giày, ban đêm có hát chèo, hát xẩm…
Trước khi chính thức làm lễ, dân làng rước kiệu bát cống từ
đền Trù Mật lên đền Mẫu Khuân (nơi thờ mẹ nuôi Kiều Thuận) xin chân nhang, rồi
cùng rước kiệu võng ở đền Mẫu Khuân trở về đền Trù Mật với ý nghĩa là đón mẹ
nuôi và em nuôi Kiều Thuận về dự hội.
Đây là một biểu hiện đạo lý của Kiều Thuận “cha sinh cũng
như mẹ dưỡng”, cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Trù Mật, Phú
An nói riêng và của dân tộc ta nói chung. đền Mẫu Khuân vẫn được xây dựng lại
trên nền đất cũ rất to đẹp, nay ở phố Sa Đéc, phường Hùng Vương, thị xã
Phú Thọ.
– Ngày 16 tháng 10 kỷ niệm ngày lập đền thờ Kiều Thuận
và công bố sắc truy phong của vua Đinh Tiên Hoàng cho ông, đồng thời cũng là lễ
ăn cơm mới, mừng vụ mùa thắng lợi.
Lễ hội ngày 16 tháng 10 âm lịch xưa tổ chức như sau: Làng
Trù Mật tổ chức vào ngày 14,15,16; làng Phú An tổ chức vào ngày 16, 17, 18; xóm
Khuân (sau là thôn Liêm) ngày 18, 19, 20. Đầu tiên là khởi lễ, dân làng tổ chức
đốt gạo trong ống tre lam, có cá mòi, tương truyền đấy là lương thực và thực phẩm
của binh lính Kiều Thuận xưa kia khi xuất quân. Trong những ngày lễ hội
này, ban ngày dân làng tổ chức nhiều trò chơi như đánh cờ, kéo co, chọi gà; ban
đêm có hát múa mừng đại lễ…
Hiện nay, hàng năm, cả ba làng cùng nhau tổ chức lễ hội đông
vui tại đền vào ngày 16, 17 tháng 10 âm lịch. Ban ngày tổ chức lễ bái và một số
trò chơi như đánh cờ, chọi gà, kéo co…; ban đêm không tổ chức văn nghệ như xưa.
<iframe width="720" height="385" src="https://www.youtube.com/embed/rBxkYcCVN-k" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>
Giá trị lịch sử
Nếu như sự hy sinh của sứ quân Kiều Thuận góp phần vào sự thống
nhất đất nước, thì việc tôn tạo đền Trù Mật xứng tầm di tích Quốc gia và tiếp tục
phục hồi đầy đủ lễ hội ở đền sẽ ngày càng củng cố và phát triển tình đoàn kết cộng
đồng dân cư và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, động viên mọi người phải biết
chung tay xây dựng xã hội vì ngày mai tươi sáng của đất Tổ Vua Hùng và dân tộc
Việt Nam anh hùng.
Phương An