Giadinh.Net -- Thần tướng Đổng Vĩnh, hậu duệ 13 đời Thánh Dóng, bậc lương thần từng có nhiều huân lao trọng đại đối với đất nước, đã từng dẹp tan quân Thục 2 lần, đẩy lùi nạn hồng thuỷ một lần, cứu vớt dân sinh nhà Hùng qua mấy cơn kiếp nạn ngàn cân treo sợi tóc
Trọn chữ hiếu nghĩa
Đất nước trở lại yên vui thanh bình. Khi đó Thái bà – tức mẹ
sinh Đức ông Đổng Vĩnh - do tuổi cao sức yếu mà qua đời.(1).
Dân làng miền Vĩnh Am đều tiếc thương. Được tin mẹ mất,
Đức ông Đổng Vĩnh vô cùng đau xót. Ngài xin phép vua được về chịu tang mẹ. Đức
ông Đổng Vĩnh về hương quán Phù Đổng trước, vì đó là nơi quê cha đất tổ, thắp
hương xong đâu đấy rồi mới về Vĩnh Am, nơi cha mẹ ngài ở để báo hiếu.
Nhân đấy, Đức ông Đổng Vĩnh đã làm một việc trọng đại: để
làm tròn bổn phận của người con đối với công ơn suối nguồn của mẹ sinh thành, đồng
thời là cái nghĩa cao dày sâu nặng với các cụ tiên tổ dòng họ nhà mình, Đức ông
Đổng Vĩnh xin nhà vua chuẩn cho hương quán Phù Đổng được công nhận là “Hộ Nhi
Hương đời đời hưởng lộc”, để sau này khi ông trăm tuổi, dân làng hương hoả phụng
thờ... Nhà vua chuẩn y, còn ban thưởng cho ông vàng bạc lụa là hơn năm mươi
cân.
Lạy tạ ơn vua, xa giá đưa Đức ông Đổng Vĩnh về hương Phù Đổng
trước. Đã lâu lắm, bao nhiêu năm xa cách, ông mới có ngày trở về đất tổ nhà xưa
quê cũ, dân quê bà con hàng xóm láng giềng, thân bằng quyến tộc kéo đến đón
chào, mừng vui xen lẫn cảm động chứa chan, chuyện trò khó dứt.
Lễ tổ tiên từ đường, dâng lời kính cáo tổ tiên việc Thái bà
về cõi một cách âm thầm nhanh nhẹn, rồi Đức ông Đổng Vĩnh tức tốc xa giá một mạch
về Vĩnh Am. Nhân dân chòm xóm suốt rẻo sông Vĩnh Am ai nấy đều bảo nhau đến
chia buồn cùng ngài. Đức ông Đổng Vĩnh làm lễ chay cúng mẹ và mời tổ tiên chứng
kiến, phối hưởng.
Những ngày còn lại, Đức ông Đổng Vĩnh bắt tay vào xây đắp đền
thờ tổ gọi là Từ Vũ Vĩnh Am để tỏ lòng tận hiếu với thân mẫu và thờ vọng các cụ
tiên tổ họ Đổng. Ròng rã suốt năm tháng thì công việc hoàn tất.
Đức ông lui giá trở lại trang Lưu Khê - Thượng Giáp, nơi có
hành cung, gọi là Hộ Nhi Gia Thần. Tại đây, Đức ông Đổng Vĩnh cùng các cụ phụ
lão và con cháu họ thiết lập mới một ngôi gọi là Cung Hội Đồng.
[Thuở bấy giờ, vùng đất duyên giang châu thổ đây có mấy
trang liền kề: Lưu Khê, Thượng Giáp, Vạn Nghè và Hoàng Hợp. Ba trang đều có điếm
đã nêu ở trên. Trang Hoàng Hợp có điếm Hợp Long.
Mỗi trang đều có ba xóm. Dân cư tựu trung gồm mười hai dòng
họ, phân cư ở theo các xóm. Các bậc trưởng huynh và con em các họ tộc đều tham
gia xây dựng Cung Hội Đồng, lấy đó làm nơi sinh hoạt chung của một vùng duyên
giang].(2).
Ngày khánh thành Cung Hội Đồng, Đức ông Đổng Vĩnh mở tiệc mời
các cụ trong mười hai họ đến dự. Sau tiệc, ngài ban thưởng hai mươi mốt tiền để
các cụ chi dùng vào việc cất nơi thờ tự của dòng họ cho mai hậu.
Các cụ vô cùng cảm kích ca ngợi ngài có công đức lớn với dân
với nước, sánh với trời cao, lại thấu tình đạt nghĩa, hiếu trung sâu tày biển cả.
Đức ông Đổng Vĩnh cảm tạ mà đáp lại rằng: “Ta vốn thiên sinh phù quốc trợ dân.
Thiên hạ chúng dân đều là thần tử. Ta cùng dân trang, nơi nơi cùng chung diễm hạnh
thiên định nên tình nghĩa sư đệ keo sơn không hổ thẹn.
Mong sao đời đời trân trọng, luôn luôn tương thân tương ái.
Tình nghĩa sư đệ cũng ví như cha con, mẹ con một nhà. Còn riêng ta với Cao Sơn
là đồng liêu hữu, đã cùng nhau thề ước sống chết có nhau.
Cho nên, một mai vạn nhất chúng ta có mệnh hệ nào thì xin bà
con các trang ấp hãy nên thờ cúng Cao Sơn phối hưởng cùng ta ở gian giữa Cung Hội
Đồng để thoả lòng giữ quốc đồng hưu! Và chớ quên ta dặn một lời này: việc muôn
thuở cương thường bền vững ở dân tâm”.
Nghe đến đây, tất cả các bô lão, các trưởng tộc đều cảm động
nghẹn ngào. Họ cúi mình như lắng sâu vào tâm khảm lời ông dặn bảo. Trước lúc
chia tay với các cụ, ngài làm mấy vần thơ tặng lại như sau:
“Nam thiên xứ xứ thị ngô dân.
Phi thiên hữu Lưu Khê, Thượng Giáp nhân.
Giang thuỷ dương dương Cung Hội tại.
Hữu thiên, hữu địa hữu ngô thân!”.
Xin tạm dịch là: “Trời Nam muôn nẻo đều là dân ta cả/ Phải
chi đâu chỉ riêng người làng Thượng Giáp và Lưu Khê/ Sông nước dạt dào/ Cung Hội
Đồng tồn tại mãi/ Còn trời còn đất còn ta lâu dài”.
Ngày hôm sau, Đức ông hồi giá về kinh thành Bạch Hạc, vào
bái yết vua Hùng. Từ đó, ngài được dự vào việc triều chính trong 2 năm.
Hàng năm Lễ hội đình Thượng Giáp thu hút sự tham gia đông đảo
của du khách thập phương.
Đánh tan Thục Phán lần hai
Thục Phán thua trận vẫn muốn ngai vàng, ngấm ngầm cầu ngoại
viện bên nước láng giềng, thế là mấy trăm vạn quân nước ấy ồ ạt kéo vào dày đạp
bờ cõi nước Nam. Chúng tướng hùng quân hổ, cờ xí rợp trời tối đất, gióng trống
rung chiêng, gào thét vang núi, rầm rập tràn qua biên ải, đổ vào cõi ta.
Từ quan ải có thư cấp báo về triều. Nhà vua già yếu, tâm
nung trí nấu. Ngài lại cho triệu Tản Viên Sơn thánh, Thống chế Vĩnh Công cùng
hai vị Cao Sơn và Quý Minh Đại vương vào triều với mệnh lệnh phải cấp tốc đem
theo ba mươi vạn tinh binh, phiên chế chặt chẽ thành các đạo thuỷ - bộ, thượng
- hạ để dẹp tan ngoại viện của Thục Phán. Y lệnh nhà vua, Tản Viên Sơn thánh và
Thống chế Vĩnh Công thần tốc bất ngờ hiệp với hai cánh tả - hữu khiên là hai vị
Cao Sơn – Quý Minh Đại vương đã lường trước địa điểm xung yếu mà viện binh của
Thục sẽ tụ cả lại để đánh trận kết cục.
Viện binh lạ thuỷ thổ, không thông tỏ hết đường đi lối lại
gian hiểm của sông núi nước Nam. Thế hùng lực vững của các đạo quân của các vị
thánh vương ta mạnh như vũ bão, gươm giáo sáng trời vung đến đâu, viện quân giặc
tan tành như ngói vỡ.
Thừa thắng dư uy, Thống chế Vĩnh Công xông thẳng vào đại bản
doanh của Thục Phán mà bắt sống. Ông không giết mà dẫn tống cả bộ sậu Thục Phán
về tạ tội trước nhà Vương. Tất cả các tù binh bắt được từ các đạo đều được các
ông tha cho về nước làm ăn sinh sống với gia đình.
Lần thứ hai đất nước hết loạn. Các ông đều dâng biểu tấu xin
với nhà vua cho được trở về quê quán an hưởng tuổi già. Nhà vua nhận được biểu,
trong lòng rậng rậng những nỗi niềm đa cảm, vừa cảm ơn công lao lại vừa luyến
tiếc tài năng sức lực thanh xuân của các ông, và thế là từ nay nhà vua thiếu vắng
các bậc thần thánh hiền tài.
Hết giặc thanh thản ra đi
Trên đường lui gót về quê quán, ông Đổng Vĩnh đi bằng đường
thuỷ theo thói quen cũ, ông Cao Sơn đi bằng đường bộ như những ngày xưa. Ông
Vĩnh hẹn với ông Cao nhớ vào hành cung Lưu Khê nghỉ ngơi dăm ngày.
Khi thuyền rồng của ông Vĩnh vừa đậu bến Nguyệt Đức trước
hành cung của ông thì cuồng phong kéo đến, sóng dậy ầm ầm, trời đất tối tăm, sấm
sét liên hồi, rắn hoa, ba ba, thuồng luồng, cá ngao cá kình xuất hiện, chúng
bơi lượn xung quanh thuyền rồng. Đúng vào lúc ấy, ông Đổng Vĩnh tự hoá.
Vừa khi ông Cao Sơn đến nơi thì ông Đổng Vĩnh đã hoá rồi.
Dân trang Lưu Khê vội mời ông Cao Sơn về biệt hành cung để nghỉ cho yên tĩnh.
(Vì ngôi này dân làng xây dựng theo ý chỉ và tấm lòng mong muốn của ông Đổng
Vĩnh dành riêng cho ông Cao Sơn, tách biệt hẳn với ngôi hành cung trước đó của
ông Đổng Vĩnh).
Những ngày nghỉ tại đây, ông Cao Sơn truyền cho dân làng sửa
sang lại hành cung của ông Đổng Vĩnh và Cung Hội Đồng (Cung Hội Đồng dựng trên
đất của điếm Thượng Giáp).
Dân trang hành lễ từ hành cung của ông Đổng Vĩnh về Cung Hội
Đồng để biểu thị lòng tiếc thương ông Đổng Vĩnh. Do đó các đời sau việc thờ phụng
tưởng nhớ các ông Đổng Vĩnh và ông Cao Sơn (phối hưởng) đều theo nghi thức đã
thành lệ như thế.
Trong các ngày khánh tiết, ngày sinh và ngày hoá của các
ngài thì tất cả các điếm sở của các trang vùng duyên giang châu thổ này đều
cùng làm lễ.
Việc hành lễ tưởng niệm ông Đổng Vĩnh làm trong một tuần nhật.
Sau đó, ông Cao Sơn chia tay với dân trang để về kinh thành Bạch Hạc. Ông đem
toàn bộ sự thể tâu lên nhà vua.
Nhà vua vô cùng thương xót bậc lương thần từng có nhiều huân
lao trọng đại đối với đất nước, đã từng dẹp tan quân Thục 2 lần, đẩy lùi nạn hồng
thuỷ một lần, cứu vớt dân sinh nhà Hùng qua mấy cơn kiếp nạn ngàn cân treo sợi
tóc. Vương lệnh chỉ ban cho nhân dân trang Thượng Giáp làm nghĩa ấp, trang Lưu
Khê làm Hộ Nhi Hương.
Triều quan bộ Lễ được cử về tận nơi trao cho các trang ấp
nơi đây sắc lệnh ban phong của nhà vua. Hôm ấy nhằm ngày 25 tháng Tư âm lịch. Lệnh
chỉ của nhà vua cho phép tu bổ cung miếu sở tại để thờ phụng thần, với mỹ tự
phong thần là Đổng Vĩnh Đại vương linh ứng phù tộ, chuẩn cho trang Lưu Khê và
trang Thượng Giáp đồng phụng sự thần.
Nhà vua còn ban mũ áo cho Đại vương và ngân tiền để sửa lễ,
hàng năm triều đình cử triều quan về hành tế theo nghi thức của quốc lễ gọi là
Quốc tế phụng sự, để thần “Muôn đời huyết thực, hương hoả bất tuyệt, mãi mãi sống
cùng đất nước”. Đồng thời nhà vua còn nêu rõ: Chuẩn cho lấy phép tắc ấy làm hằng
thức duy trì thịnh vượng lâu dài về sau.
Đời đời hiển linh giúp dân, cứu nước
Lại nói, nước Nam đã trải bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần,
thần Đổng Vĩnh đều linh thiêng hiển ứng, giúp đỡ âm thầm công cuộc cứu nước cứu
dân. Cho nên các triều vua này đều có bao phong mỹ tự.
Thời nhà Đinh: Đinh Tiên Hoàng đế dấy nghiệp ở động Hoa Lư,
dẹp tan loạn 12 sứ quân. Thái uý Nguyễn Bặc tiến đánh thành của sứ quân Đỗ Cảnh
Thạc ở huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên.
Một hôm, Thái uý vừa tiến quân đến trang Lưu Khê thì thấy từ
trong đền thờ Ông (nguyên văn: Ông Từ) đột ngột xuất hiện một con đại hoa xà
ngũ sắc từ hậu cung trườn ra, đầu vươn cao, hai mắt mở to, phóng ra hai luồng
sáng chiếu trực diện vào Thái uý.
Đại hoa xà nhìn như thấu xét chỉ trong khoảnh khắc rồi lại
quay đầu trườn vào trong hậu cung biến mất. Thái uý thầm nghĩ hẳn là có sự linh
thiêng kỳ ứng của thần minh... bèn cho dừng quân, tự thân vào trong đền mật đảo
xin thần phù hộ độ trì cho công việc dẹp loạn sứ quân được thành công. Nếu được
như nguyện thì xin nhà vua ban phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần” và không bao
giờ quên ơn của thần, thờ cúng thần suốt đời.
Lời khấn vừa ngưng thì hoàng thiên nổi bạo phong dữ dội,
gió từng trận từng trận rít lên liên hồi, bốn bề âm vang mù mịt u huyền rất đỗi
diệu kỳ. Thái uý bàng hoàng kính sợ, vội rập đầu đảnh lễ vái tạ.
Ngay trong ngày hôm đó, Thái uý tiến quân đánh một trận đại
chiến. Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc tan tành. Sau khi Tiên Hoàng lên ngôi vua, ngài thống
nhất thiên hạ, lập ra nhà Đinh, nhân dân nơi nơi sống yên vui.
Thái uý cử tấu lên Đinh Tiên Hoàng đế, trình bày rõ việc thần
thờ ở ngôi đền ông trang Lưu Khê đã âm thầm phù hộ cho việc dẹp sứ quân. Đinh
Tiên Hoàng đế nghe thấu đáo, ngài bèn phong sắc ban tặng chữ báu là ‘Uy Linh Đại
Vương”.
Về sau đến thời nhà Trần: Khi đức Thái Tông chinh phạt quân
Nguyên, Tướng quân Tiết chế Trần triều (3 chữ bị mờ, có thể là Trần Quốc Tuấn)
dẫn quân đánh giặc qua đền Ông ở trang Lưu Khê, có vào bái đảo, trận ấy giặc
Nguyên bị đánh tan. Tướng quân xin đức Thái Tông ban phong cho thần chữ báu là
“Thượng đẳng tối linh”.
Sang thời nhà Lê, Đức Thái Tổ dấy nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hoa
(nay là Thanh Hoá). Khi ngài ra Thăng Long bình định giặc Minh, có cho quân vào
mật đảo đền Ông “Thượng đẳng tối linh” xin phù hộ cho công cuộc trừ bạo ngược,
cứu sinh dân thoát khỏi ngọn lửa ngoại xâm.
Giặc tan, đất nước thái bình, ngài không quên sự hiển ứng âm
phù của linh thần, đã truy phong bốn mỹ tự cho ông là “Vạn cổ phúc thần”. Từ đó
các vua tiếp theo nhà Lê là Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông đều có phong thần
và bao phong mỹ tự: “Vạn cổ huyết thực hương hoả vô cùng”.
Lễ hội đình làng Thượng Giáp
Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược – Tiến sĩ Khoa học Lương Văn
Kế
***
Niên hiệu Hồng Phúc năm đầu. Tháng Giêng ngày mùng 10 (tức
năm dương lịch 1572), Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, Bề tôi Nguyễn Bính phụng
soạn.
Triều vua Vĩnh Hựu năm thứ hai, Tháng 2 ngày mồng (?) (1736), Quản giám Bách thần
tri điện Hùng Lĩnh Thiếu Khanh, Bề tôi Nguyễn Hiền phụng tả.
(1)- Mất các chữ
trong văn bản nên không rõ bà mất ngày tháng nào.
(2) - Cả đoạn này trong thần phả đều viết chữ nhỏ, như là chú thích vậy.