Trong đời sống văn hóa tâm linh, đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng làng xã - Đây chính là nơi tôn thờ, ngưỡng vọng các vị thần đã có công với dân, với nước. Xã Bảo Lộc Sơn thời Lê – Nguyễn đã có 5 ngôi đình làng Đình Ngò, Đình Núi, Đình Khoát, Đình Nguyễn và Đình Kim Tràng.
Ba chữ Bảo Lộc Sơn ngày nay dường như không còn mấy người biết
đến. Nhưng từng có một thời gian khá dài địa danh này khá nổi tiếng bởi nó gắn
với những dòng họ, nhưng di tích, lễ hội có danh của cả vùng đất gồm: Việt Lập,
Liên Chung và Hợp Đức ngày nay.
Theo những tư liệu còn lưu lại. Bảo Lộc Sơn là tên xã và
cũng là tên tổng của huyện Yên Thế, phủ Lạng Thương xứ Kinh Bắc ngày xưa. Trong
Địa lý hành chính Kinh Bắc của Nguyễn Văn Huyên viết: Tổng Bảo Lộc Sơn, sau là
Tuy Lộc Sơn gồm bốn xã: Bảo Lộc, Chung Sơn, Kim Tràng và Tưởng Sơn.
Trong đó xã Bảo Lộc, nay thuộc Việt Lập có 21 thôn: Bãi Giã,
Bờ gàn, Can Cát, Cầu Cần, Con qui làng, Đồng Cựu, Đồng Lãi, Đồng Lâm, Đồng Lõm,
Đồng Ve, Giốc Gia, Làng am, Làng Đông, Làng Khoát, làng Nguyễn, làng Nguộn,
làng Ngò, làng Bái, mả Đình, mả Ngồi, núi Hương.
Xã Kim Tràng nay thuộc Việt Lập có sáu thôn: Am Vàng, Cầu quận,
Kim Tràng, Lò Nội, Mã Bài, Ngọc Trai. Xã Chung Sơn nay thuộc Liên Chung có 6
thôn: Bến, Hậu, Hương, Nguộn, Sấu, Trại lửa. Xã Tưởng Sơn nay thuộc Hợp Đức có
hai thôn: Trại Đông, Trại Tây.
Trong địa vực Bảo Lộc Sơn xưa, có núi Dành, ngọn núi cao thứ
hai trong huyện Tân Yên ngày nay. Trong 3 xã có liên quan tới Bảo Lộc Sơn là: Hợp
Đức, Liên Chung và Việt Lập thì Hợp Đức kha xa núi Dành. Hai xã Liên Chung và Việt
Lập một ở đầu phía Đông núi, một ở đầu phía Tây.
Núi Dành còn gọi là Trung Sơn, tức là quả núi giống như cái
chuông to đặt ở giữa Tổng Bảo Lộc Sơn, đây là một quả núi lớn, núi thiêng. Trên
núi Dành có Nghè Cả nay là đền Dành thờ Đức thánh Cao Sơn, Quý Minh là bộ tướng
thời Hùng Vương có công giúp dân giúp nước và đây là một trong những điểm tôn
nghiêm thờ các ngài.
Các làng xung quanh núi này cũng đều thờ nhưng là thờ vọng,
chỉ có dân làng Chung Sơn và dân Bảo Lộc Sơn hàng năm rước kiệu thánh lên đền Dành
tế lễ vào trung tuần tháng Giêng.
Truyền rằng: Núi Dành, được Tả ao Tiên sinh – một nhà địa lý
nổi tiếng của Việt Nam khảo và vẽ địa đồ phong thủy bảo địa. Xác định linh khí
núi này rất vượng, phát văn, phát võ.
Văn thì có tiến sĩ, võ thì có công, hầu, bá, tử, nam. Đất
quý thì sản sinh ra loài sâm quý được ghi chép trong Đại nam nhất thống chí. Địa
linh thì sinh ra nhân kiệt như: Nguyễn Vinh Trinh, Giáp Đình Liên, Giáp Đăng
Luân, Nguyễn Đắc Thọ, Nguyễn Giáp Sùng,…. Cho nên người đời đều cho rằng núi Dành
là đất thiêng – địa linh sinh nhân kiệt.
Trong đời sống văn hóa tâm linh, đình làng là trung tâm sinh
hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng làng xã - Đây chính là nơi tôn thờ, ngưỡng
vọng các vị thần đã có công với dân, với nước. Xã Bảo Lộc Sơn thời Lê – Nguyễn
đã có 5 ngôi đình làng Đình Ngò, Đình Núi, Đình Khoát, Đình Nguyễn và Đình Kim
Tràng.
Do biến thiên của lịch sử và thời gian Đình Núi không còn,
chỉ còn lại tứ Đình. Các đình trên đây đều tôn thờ các vị thần thời Vua Hùng,
Duệ Vương thứ 18, tương truyền là tướng đã có công phò Vua giúp nước, dẹp giặc
xâm lăng để bảo vệ nền độc lập dân tộc được các triều đại phong kiến Việt Nam
nhiều lần phong sắc thờ phụng.
Đình Nguyễn: Trước đây gọi là đình Tiền Sơn Tự được xây dựng
thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh, năm Ất Mùi 1725. Tiền Đình gồm 5 gian, 2
trái và hậu cung 3 gian nhưng nhỏ hơn. Đình có 6 hàng cột vững chắc, trên các
vì kèo, kẻ, bẩy đều được trạm khắc tinh xảo.
Tuy nhiên, Đình chưa có ngói lợp mà vẫn lợp bằng lá cọ và cỏ
tranh. Tháng 3 năm Ất Tỵ 1785, có hỏa hoạn Đình cháy hết, cũng năm đó làng có dịch
lớn, dân làng bảo nhau đem số vật liệu còn lại của Đình lên núi Trung Sơn dựng
đền thờ cúng. Đến năm năm Quý Mão 1903 niên hiệu Duy Tân thứ hai, đình mới được
xây dựng lại, có 3 gian, 2 chái. Và có tên là Đình Nguyễn. Lễ hội được tổ chức
vào ngày 15 tháng Giêng và tháng 8. Đình Nguyễn thờ Cao Sơn và Quý Minh.
Đình Kim Tràng thờ Cao Sơn và Quý Minh đại vương. Đình được
xây dựng thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ XVIII. Trải qua thời gian và sự tàn phá
của chiến tranh, ngôi đình xuống cấp. Năm 1948 – 1949, Đình bị hư hỏng một phần
cấu kiện kiến trúc do bị thực dân Pháp bắn phá, chỉ còn lại tòa hậu cung.
Năm 1993, nhân dân địa phương đã hưng công, công đức khôi phục
lại tiền đình 5 gian. Năm 2010, tòa tiền đình được dựng thêm hàng cột, gắn kết
toà tiền đình với hậu cung, tạo bố cục hình chữ Đinh mang phong cách kiến trúc
thời Nguyễn. Đình còn khá nhiều hiện vật, đồ thờ từ thời Lê Trung Hưng và thời
Nguyễn. Đặc biệt có 4 sắc phong của vua Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2
(1887), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924). Lễ hội đình Kim Tràng được
tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng.
Đình Khoát: Theo các cụ trong làng cho biết, làng Khoát và làng Núi cổ xưa chỉ
có một đình gọi là Đình Lậy, được xây dựng trên núi Khoát vào cuối thế kỷ thứ
XVIII. Sau này đình Lậy chia làm Đình Khoát và Đình Núi. Đình Khoát có 3 gian,
2 chái đình ngoài và hậu cung, thiết kết theo kiểu chữ Đinh, bằng gỗ lim có chạm
khắc rồng, phượng, thờ thần là Cao Sơn và Quý Minh.
Do thời gian và cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài, đình xuống
cấp nghiêm trọng. Năm 1962, chính quyền xã cho tháo dỡ đình để làm trường học.
Năm 2001, dân làng dựng lại hậu cung làm nơi thờ cúng. Năm 2003, nhân dân trong
thôn làng đóng góp công sức, tiền của dựng lại 3 gian, 2 chái lại sắp đủ ngai
thờ, bài vị, hoành phi, câu đối. Lễ hội chính của Đình làng vào 12 tháng Giêng.
Đình Ngò sau khi được nâng cấp
Đình Ngò được xây dựng trước năm 1775, nhưng còn nhỏ. Sau được
ông Nguyễn Giáp Thái xuất tiền ra công đức, cùng nhân dân trong xã xây dựng lại
Đình khang trang theo bố cục chữ “Nhị”, gồm đại bái và hậu bầu. Tòa Đại bái gồm
3 gian, 2 chái, chồng diêm 8 mái.
Trong đình sắp đủ các đồ thờ như: Ngai thờ, hòm sắc, trúc
thư, đỉnh đồng, cây nến, ống hương, bát biểu, tàn quạt, cờ lọng, chiêng, trống,
đòn kiệu, các bức đại tự, hoành phi, câu đối.. Các đồ thờ đều kẻ vẽ, sơn son
thiếp vàng, hoa văn rồng phượng.
Lại cho rước các vị thần là: Cao Sơn, Quý Minh, Lâm giang đô
thống, Tống man Quý minh và Quý minh thanh lãng về thờ. Năm 1775, dân xã Bảo Lộc
Sơn tiếp thờ quan Nguyễn Giáp Sùng làm hậu thần. Ông là người trung với vua, với
nước một mực thương dân. Ngôi đình Ngò sau mất đi do dân xã bị mất mùa, lâm vào
cảnh đói kém, nợ thuế không trả được đâm ra phiêu tán. Những vị đứng đầu hàng
xã đã họp lại bàn bạc với dân, nhất trí cho bán 3 gian, 2 trái đình ngoài lấy
tiền nộp thuế.
Lễ hội Bảo Lộc Sơn đã diễn ra tại đình Ngò tự cổ xưa và đã
được khôi phục lại vào năm 1998. Tuy nhiên nó chưa mang đầy đủ tầm vóc vốn có.
Tân Yên cần có một lê hội võ và một lễ hội văn nhữ vốn cổ, ngõ hầu tôn vinh giá
trị LSVH, động viên các thế hệ hôm nay tự hào và đưa vùng đất này đi lên.