Một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất định phải đến ngày Rằm tháng 7 này chính là chùa Bà Thiên Hậu, Quận 5 (TP. HCM). Đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở TP.HCM, được xây từ hơn 250 năm trước.
Ghé thăm ngôi chùa cổ hơn 250 tuổi ở Sài Gòn. (Ảnh: Bảo Bình)
Sài Gòn vốn dĩ không phải lúc nào cũng xô bồ với nhịp sống hối hả, đâu
đó vẫn có những góc riêng, làm chốn an yên cho bất cứ ai muốn tìm lấy
cho mình một điểm tựa và mong cầu mọi điều tốt đẹp. Cứ tới ngày rằm hay
mùng một hàng tháng và các ngày lễ lớn như: Tết Nguyên Đán, Rằm tháng
Giêng, Rằm tháng Bảy, người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận lại đến chùa
Bà Thiên Hậu cúng bái, chủ yếu là để cầu bình an, may mắn và duyên lành.
Lư hương lúc nào cũng nghi ngút khói nhang, người làm công quả cũng tất
bật cho kịp lượng khách ghé thăm chùa. Mùi nhang thơm dễ chịu thoảng
trong gió cùng không khí trang nghiêm, yên tĩnh làm bất cứ ai cũng thấy
nhẹ lòng.
Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng vào khoảng năm 1760. (Ảnh: Bảo Bình)
Tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5; chùa Bà Thiên
Hậu hiện là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Hoa Quảng Đông nói
riêng, cộng đồng người Hoa ở TP. HCM và vùng lân cận nói chung. Cạnh
bên chùa có Tuệ Thành Hội Quán - nơi tập trung của nhóm người Hoa Quảng
Đông nên chùa còn được gọi là Tuệ Thành Hội Quán.
Ngôi chùa thu hút đông đảo du khách tới ghé thăm. (Ảnh: Jet Huỳnh)
Ngôi chùa không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn cả những vị khách
nước ngoài đến khám phá. Nhiều người tìm đến đây vì nghe danh chùa rất
linh thiêng, một phần nữa là vì lối kiến trúc độc đáo có giá trị cao về
mặt kỹ thuật và mỹ thuật của người Hoa.
Trong chùa luôn nghi ngút khói nhang của khách thập phương. (Ảnh: Bảo Bình)
Chùa Bà Thiên Hậu nằm trong top những ngôi chùa cổ nhất ở TP.HCM, được
xây dựng vào khoảng năm 1760. Theo nhà văn hóa – học giả Vương Hồng Sển,
từng viên gạch, mái ngói, đồ gốm gắn trên mái chùa đều được đem từ
Trung Quốc sang. Mọi chi tiết đều được khắc họa sắc sảo và khéo léo.
Mọi chi tiết đều được khắc họa sắc sảo và khéo léo. (Ảnh: Bảo Bình)
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chùa chiền đặc trưng của người
Hoa, mang đậm phong cách Á Đông với lối kiến trúc tam quan, cách điệu
với cửa vào ở chính giữa và hai hành lang hai bên. Ba dãy nhà ở giữa tạo
thành 3 điện thờ chính gồm: tiền điện, trung điện và chính điện.
Chính điện thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu. (Ảnh: Bảo Bình)
Chính điện thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu, hai bên còn lại là trang thờ
Kim Hoa Nương Nương và Long Mẫu Nương Nương. Ở giữa các dãy nhà này có
một khoảng trống được ví như giếng trời giúp không gian chùa được thoáng
đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương, tránh mù cho
bên dưới. Hai bên là lối đi được phân cách rõ ràng, giúp du khách di
chuyển vào hành hương ở phía trung tâm được thuận tiện hơn.
Hai bên là lối đi được phân cách rõ ràng. (Ảnh: Bảo Bình)
Những tấm phiếu ghi lại các mạnh thường quân quyên góp cho chùa. (Ảnh: Bảo Bình)
Lối trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối,
biển tự chủ yếu là màu đỏ, vàng và các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các
con vật tứ linh. Từ hiên chùa đến các bàn thờ, vách tường đều gắn các
tượng tròn, phù điêu bằng gốm dày đặc. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến
lối kiến trúc trên mái chùa Bà Thiên Hậu, được trang trí bằng rất nhiều
bức tượng có kích thước lớn nhỏ và hình thù khác nhau. Nội dung của các
tượng này thường lấy đề tài trong các tích cổ của người Trung Quốc như
Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc… và được bố trí hài hòa với các hình
tượng khác như tứ linh (long, lân, quy, phụng), “lưỡng long tranh châu”,
“vinh quy bái tổ”…
Các bức tượng được làm từ các điển tích xưa. (Ảnh: Bảo Bình)
Nét độc đáo của kiến trúc trên mái chùa Bà Thiên Hậu. (Ảnh: Jet Huỳnh)
Đến tham quan chùa, du khách còn có thể chiêm ngưỡng những món đồ cổ có
niên đại từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, bao gồm các tượng gỗ,
tượng đá, bia đá, lư đồng, câu đối, phù điêu,… được chế tác rất tỉ mỉ và
tinh tế. Đặc biệt, phải nói đến 2 đại đồng chung bằng gang, có niên
hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830) cùng với
bộ lư lớn có niên hiệu Quang Tự năm thứ 12 (1886).
Chùa đông khách vào các dịp lễ, Tết. (Ảnh: Bảo Bình)
Thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi, và chùa Bà Thiên Hậu vẫn tồn tại với vai
trò quan trọng của mình. Nơi chốn tâm linh, sinh hoạt văn hóa và là điểm
tựa tinh thần có ý nghĩa to lớn với người Hoa tại Sài Gòn cũng như các
vùng lân cận.
Bỏ qua cuộc sống bộn bề để thắp một nén hương cầu bình an. (Ảnh: Bảo Bình)
Đến chùa Bà Thiên Hậu trong những ngày tháng 7 Âm lịch này, không chỉ để
cầu nguyện những điều tốt lành mà còn để chiêm ngưỡng cả những giá trị
văn hóa đặc sắc được gìn giữ qua năm tháng. Và hơn tất thảy, nếu muốn
tìm chút bình yên, thanh thản để cân bằng cảm xúc giữa đời thường bon
chen thì người ta tìm về đây.
Theo tấm bia đá treo ở chùa Bà Thiên Hậu, Thiên Hậu Thánh Mẫu vốn là
người Phước Kiến (Trung Quốc), được bà con người Hoa xem như một vị thần
biển. Bà được sinh ra vào đời vua Tống Kiến Long (tại vị từ năm
960-976). Khi mới chào đời, bà đã tỏa hào quang và hương thơm ngát. Khi
lớn, bà có thể cưỡi chiếu ra biển, cưỡi mây đi khắp nơi. Đến khi bà đã
qua đời, thỉnh thoảng người đi biển vẫn thấy bà bay lượn trên biển để
cứu người bị nạn.
Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển gặp nạn, người ta đều gọi vái
đến bà. Năm 1110, nhà Tống sắc phong cho bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Ngoài ra, bà còn được người Quảng Đông gọi là A Phò, có nghĩa là Đức Bà.
Đó là lý do vì sao chùa Bà Thiên Hậu còn có tên gọi là Phò Miếu.
Chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng vào khoảng năm 1760 bởi một nhóm
người hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân
sang Việt Nam. Với mong muốn bà Thiên Hậu sẽ giúp vượt qua những sóng
gió, nguy nan nơi vùng đất mới; cho đến nay, chùa vẫn trở thành địa điểm
tâm linh không thể thiếu của người Hoa ở Sài Gòn.
Bảo Bình
Theo Đời sống & Pháp lý