Vấn đề nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương và nước Âu Lạc là một trong những nội dung cốt lõi trong lịch sử Việt Nam, vì vậy từ lâu đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học cả trong và ngoài nước.
Sơ đồ vị trí phân bố khu di tích kinh đô Nam Bình.
Trong quá trình nghiên cứu, các học giả đều ghi nhận: Nước
Âu Lạc kế tiếp nước Văn Lang và An Dương Vương kế ngôi vua Hùng là sự kiện,
nhân vật lịch sử có thật.
Song về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương còn có ý kiến
khác nhau. Những tài liệu cổ ở Trung Quốc như Giao Châu Ngoại vực ký, Quảng
Châu ký đều ghi An Dương Vương là “Thục vương tử” (con vua Thục). Sách Hậu Hán
thư chép về quận Giao Chỉ cũng chú thích: ‘‘Đấy là nước cũ của An Dương Vương
…”; một số sách cổ khác ở Trung Quốc cũng ghi rằng An Dương Vương là con vua Thục,
nhưng không cho biết xuất xứ cụ thể của vua Thục và vua Thục là ai.
Một số sử sách cổ của Việt Nam như: Việt sử lược (thế kỷ XIV) cũng ghi: ‘‘Cuối
đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp
thành Việt Thường (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay), xưng hiệu là An Dương
Vương, không thông hiếu với nhà Chu”.
Đến thế kỷ XV, khi biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô
Sĩ Liên dựa vào Lĩnh Nam chích quái chép về An Dương Vương rõ hơn và gọi là “Kỷ
nhà Thục”: “An Dương Vương họ Thục, tên huý là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50
năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ nhất (257-TCN).
Vua đã kiêm tính nước Văn Lang đổi quốc hiệu làm Âu Lạc”.
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (cuối thế kỷ XVIII) khi chép về An
Dương Vương cũng nhắc lại như Đại việt sử ký toàn thư, nhưng đã bác bỏ giả thuyết
An Dương Vương “họ Thục” và khẳng định: “An Dương Vương huý Phán, người Ba Thục.
Không đúng”.
Các sử gia từ thời phong kiến Việt Nam đã nghi ngờ cả thời
gian và không gian; qua đó có thể thấy rõ: nước Thục đã bị diệt từ năm 316 TCN.
Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và Thái tử con vua Thục
chết ở Bạch Lộc Sơn.
Vì vậy không thể có “con vua Thục” vượt hàng nghìn dặm núi rừng,
qua lãnh thổ của nhiều nước để tiến đánh và chiếm nước Văn Lang năm 257 TCN được.
Sự khác biệt dẫn đến mâu thuẫn đó càng làm rõ thêm những căn cứ đáng nghi ngờ,
cho nên có thể phủ định giả thuyết nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán - An
DươngVương.
Năm 1963, các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền
thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) phổ biến trong đồng bào Tày
vùng Cao Bằng. Truyền thuyết cho biết: Cuối thời Hùng Vương, ở phía nam Trung
Quốc có một nước là Nam Cương, gồm miền Tây tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và cả
vùng Cao Bằng ngày nay. Nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, mường trung tâm vua ở,
nơi vua đóng đô gọi là Kinh đô Nam Bình (nay là Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo,
thành phố Cao Bằng); còn 9 mường xung quanh do 9 chúa cai quản. Thục Chế làm
vua nước Nam Cương 60 năm, khi Thục Chế mất, con là Thục Phán còn ít tuổi nhưng
được thay thế vua cha làm vua.
Cả chín chúa mường đều đem quân về bao vây kinh thành đòi
nhường lại ngôi vua. Thục Phán thách 9 chúa đấu võ, ai thắng sẽ được nhường
ngôi vua, kết quả bất phân thắng bại, nên không ai được nhường ngôi vua. Thục
Phán lại bày ra cuộc đua tài; ai giỏi nghề gì làm nghề đó, hẹn 3 ngày 3 đêm thì
kết thúc, ai hoàn thành đúng hạn sẽ được làm vua.
Mỗi chúa một việc thách nhau: Đi lấy trống đồng, dùng cung bắn
trụi hết lá đa, làm một nghìn bài thơ, nhổ mạ bãi Phiêng Pha đem về cấy ở cánh
đồng Tổng Chúp, đóng thuyền rồng, đẽo đá làm guốc, nung vôi và làm gạch để xây
thành, lấy lưỡi cày mài thành trăm chiếc kim.
Thục Phán một mặt ký giao kèo để các chúa thi đấu, mặt khác
lại chọn chín cung nữ đủ tài sắc, văn võ kiêm toàn, lẻn đi theo các chúa, dùng
mỹ nhân kế để làm thất bại cuộc đua tài của họ. Kết quả là không chúa nào thắng
cuộc, Thục Phán vẫn giữ ngôi vua, các chúa đều quy phục.
Nước Nam Cương trở nên cường thịnh. Lúc đó nước láng giềng Văn Lang của
vua Hùng suy yếu, lại đang đứng trước họa xâm lăng của nhà Tần, vua Hùng giao
quyền chỉ huy kháng chiến chống Tần cho Thục Phán.
Sau khi kháng chiến thắng lợi, Thục Phán được vua Hùng nhường
ngôi, Thục Phán đã sáp nhập hai vùng lãnh thổ Tây Âu và Lạc Việt thành lập nước
Âu Lạc, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
Hiện nay ở Đền Hùng còn có di tích ghi lại sự kiện này, đó
là “hòn đá thề” ghi dấu tích về Thục Phán sau khi được vua Hùng truyền ngôi đã
thề: “Noi gương các vua Hùng quyết giữ vững cơ đồ Hùng - Thục”.
Cột đá thề tại đền Hùng, bản phục dựng theo nguyên gốc
Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” còn được minh chứng bằng
các di vật và các địa danh cụ thể tại Cao Bằng, gắn liền với những câu chuyện
thi tài của các chúa như Tổng Lằn (trống lăn) ở xã Thịnh Vượng, Phiêng Pha ở xã
Mai Long (Nguyên Bình), Khau Lừa ở xã Bế Triều (Hoà An); cây đa cổ thụ ở Cao
Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở gần Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố)... Giả thuyết
về nguồn gốc Thục Phán là người Cao Bằng còn được phản ánh trong các thần tích,
ngọc phả, trong các nghi thức thờ cúng.
Từ truyền thuyết trên, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung về Cao Bằng tìm hiểu
quê hương Thục Phán, và tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc
người Tây Âu ở phía bắc nước Văn Lang, đó là nước “Nam Cương”…
Trong bài Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương, tác giả Nguyễn
Duy Hinh cho rằng Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Tây Âu là một
nước của người Việt , do đó “xung đột Hùng - Thục thực chất là cuộc đấu tranh nội
bộ Âu Lạc”. Đến nay, nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương
Vương đều coi Thục Phán thuộc dòng dõi, tông phái hoặc là “cháu ngoại” của vua
Hùng.
Qua những thư tịch và tư liệu, truyền thuyết trên, có thể khẳng định: Thục Phán
là người Tày cổ, là thủ lĩnh liên minh bộ lạc Tây Âu, trung tâm là Cao Bằng. Những
tập tục, truyền thuyết dân gian tại Cổ Loa và vùng xung quanh cũng phù hợp với
cách lý giải về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương là người Tày cổ giống truyền
thuyết “Chín chúa tranh vua”, và trong tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi
nhớ nguồn gốc “người thượng du, một tù trưởng miền núi” của Thục Phán.
Thậm chí còn nói rõ quê gốc của Thục Phán - An Dương Vương
là Cao Bằng. Như vậy, không chỉ nhân dân Cao Bằng và các nhà khoa học khẳng định,
mà cả một phần nhân dân ở phía bắc Bắc Bộ, từ xa xưa đã coi Thục Phán - An
Dương Vương có quê gốc ở Cao Bằng.
Kinh đô xưa của nước Nam Cương vẫn còn dấu tích khá rõ nét.
Đó là kinh đô Nam Bình gồm có hai vòng thành, vòng ngoài có chu vi khoảng 5 km,
gồm cả một vùng gò đồi thấp, quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường
thành, thuận lợi cho xây dựng phòng tuyến bảo vệ.
Bờ thành phía tây chạy song song với sông Bằng đến đầu làng
Bó Mạ, nối bờ thành Đông Nam chạy qua trước mặt Bản Phủ theo chân đồi ra gặp quốc
lộ 4, phía đông bắc chạy theo chân đồi phía ngoài quốc lộ 4, lên đến đầu gò là
phía tây bắc tiếp tục chạy theo chân đồi, ra đến bờ sông gặp bờ thành phía tây
tạo thành một vòng thành khép kín.
Vòng trong có thể gọi là “Hoàng cung”, nằm trên một khu đất bằng phẳng là Thành
Bản Phủ. Thành có chiều dài khoảng 110 m, chiều rộng gần 100 m. Phía trước
thành là hồ sen (trước đây rộng 7 ha) và cánh đồng Cao Bình, tiếp là cánh đồng
Tổng Chúp, trước đó gọi là cánh đồng Tổng Quảng (nghĩa là cánh đồng rộng), sau
cuộc đua tài của chúa Tiến Đạt chưa cấy hết (còn bằng cái nón) nên gọi là Tổng
Chúp.
Ngay chân thành là giếng ngọc, thường gọi là Bó Phủ. Gần Bản
Phủ là cây đa cổ thụ, tương truyền là chúa Kim Đán dùng cung tên bắn gần trụi hết
lá. Ra khỏi vòng thành ngoài, ở gần đầu gò còn có một đôi guốc đá khổng lồ chưa
kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả đua tài của chúa Văn Thắng; đi hướng lên Nước
Hai khoảng 1 km, ở bên phải có một quả đồi gọi là Khau Lừa (tức đồi thuyền),
theo truyền thuyết đó là con thuyền của Ngọc Tặng chưa kịp lật; đối diện với
Khau Lừa bên kia sông Bằng là thành Nà Lữ còn thiếu một cửa do cuộc đua tài của
Thành Giáng bị bỏ dở…; còn các chúa làm thơ, mài kim đều phải bỏ cuộc vì trúng
mỹ nhân kế của Thục Phán, để trống lăn xuống vực, nơi trống lăn gọi là Tổng Lằn.
Các địa danh, các câu chuyện gắn liền với cuộc thi vẫn còn in sâu đậm trong ký ức
nhân dân, và trong tâm thức nhân dân vẫn còn nhiều tập tục - có thể gọi là một
loại hình văn hoá tộc người lưu lại, liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương
và thành Cổ Loa.
Đó là các biểu tượng Rùa vàng, Gà trắng, trong đó Gà trắng
phá hoại việc xây thành Cổ Loa, Rùa vàng giúp xây thành. Rùa vàng, Gà trắng có
thể gọi là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày.
Nhân dân coi Rùa vàng là thần giúp sức, phù trợ nhân dân,
con rùa được quý trọng, tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là ‘‘vật ký
thác linh hồn”, đồng bào thường kiêng nuôi gà trắng, kiêng thịt gà trắng trong
những dịp lễ vui mừng…
Từ những quan niệm đó có thể thấy rõ sự tương đồng với những
chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Tên gọi Tây Âu
trước đó là tên gọi bộ lạc Tày cổ, có thể do Tày hâu, Cần hâu hoặc Tày hây, Cần
hây biến âm mà thành.
Những năm 60 của thế kỷ trước, ở Cao Bằng còn lưu truyền “Slửa
nộc soa” tức áo lông chim trĩ, “Slửa nộc cốt” tức áo lông chim bìm bịp, “Slửa
cáy nhùng” là áo lông gà công.
Đó là những chiếc áo gần với chiếc “áo lông ngỗng” của Mỵ
Châu - con gái của An Dương Vương. Ngay cả Mỵ Châu cũng chính là biến âm của tiếng
Tày từ “Mẻ chủa” hay ‘‘Mẻ Chẩu” mà thành. Địa danh Cổ Loa đã được các nhà ngôn
ngữ - dân tộc học lịch sử phân tích nguồn gốc biến âm từ Kẻ Lũ; những địa danh
có tên “Kẻ” ở Cao Bằng như: gần Thành Bản Phủ bên kia sông Bằng có Kẻ Giẳng, Kế
Nông…; Cả Lọ, Co Lỳ tương ứng với Cà Lồ, Cổ Loa… Rất nhiều địa danh xung quanh
thành Cổ Loa và Bản Phủ có sợi dây liên hệ, đó là những chứng tích cho thấy rõ
sự liên quan giữa hai kinh đô Nam Bình, Cổ Loa của Thục Phán - An Dương Vương.
Đó là quá trình phát triển hợp lý, liên tục, có tính kế thừa, góp phần
làm sáng tỏ và khẳng định giả thuyết: Thục Phán có nguồn gốc ở Cao Bằng đã đóng
đô ở Cao Bình và có công lớn đối với việc thành lập nước Âu Lạc, đóng góp vào
quá trình dựng nước và giữ nước trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nước ta.
Nước Âu Lạc ra đời là một bước phát triển mới trong tiến trình lịch sử Việt
Nam.
Đinh Ngọc Viện