Trần Công Tích quê ở trang Đông Lộc, phủ Khoái Châu (Hưng Yên), làm quan dưới triều Đinh. Năm 981, Trần Công Tích theo lệnh vua Lê Đại Hành đem 500 tinh binh đến đóng ở ấp Phượng Đảo, vùng Nghĩa Đô gần thành Đại La luyện quân và tuyển quân lên biên giới chống lại giặc Tống cùng hai người vợ là Lê Hồng Nương và Lê Quế Lương phục vụ hậu cần quân đội.
Làng Nghè, tên chữ là Trung Nha, thuộc phường Nghĩa Đô, quận
Cầu Giấy. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, ngoài ra lại biết làm nghề giấy.
Loại giấy bền, dai, dùng để viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… Bản di chúc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh in trên giấy này
Cổng làng Trung Nha xưa và nay
Dân gian lưu truyền câu:
Trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha ngọt lừ
Hoặc:
Trung Kính làm giấy vàng hương
Nghĩa Đô làm giấy để làng tả văn
“Nghè” là tiếng đập của hai chày ta do hai người giã vào xếp
giấy cho mỏng tang.
Các cụ cao niên kể rằng, ngày ấy có gia đình ông bà Lê
Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Minh sinh đôi hai gái, đặt tên là Hồng Nương và Quế
Nương. Hai chị em càng lớn càng xinh, lại nổi tiếng nết na, giỏi việc nội trợ
nên vào tuổi trưởng thành nhiều bà mẹ có con trai muốn xin các cô về làm dâu.
Song cũng vào thời điểm này (thế kỷ X), tình hình đất nước rối
ren vì thù trong, giặc ngoài. Hai cha con vua Đinh bị nội phản hãm hại. Ấu chúa
Đinh Toàn 6 tuổi nối ngôi làm vì. Vùng ải bắc hàng chục vạn quân Tống rình rập
đổ quân vào nước ta. Quân lại hoang mang, triều chính rối bời.
Tổ quốc lâm nguy…
Thái hậu Dương Vân Nga, thể theo nguyện vọng tướng sĩ đã
khoác áo bào, trao ấn kiến cho đạo tướng quân Lê Hoàn, người có đầy đủ uy tín
và tài trí lấy được lòng dân, bảo vệ được non sông gấm vóc. Lê Hoàn làm lễ đăng
quang, xưng là Đại Hành hoàng đế, cử ngay đoàn quân tinh nhuệ giao cho tướng Trần
Công Tích thống lĩnh.
Từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), tướng Trần Công Tích hành
quân gấp ra Đại La (Hà Nội) bằng đường thủy qua các sông Hoàng Long, sông Nhuệ,
sông Tô, sông Thiên Phù, sông Hồng, sông Cán Khê (Cà Lồ)… rồi lập doanh trại ở
Nghĩa Đô để tuyển thêm binh sĩ, lo thêm vũ khí và quân lương.
Nghĩa Đô vừa là căn cứ tập kết, luyện quân, vừa như một tiền
đồn bảo vệ phía Bắc thành Đại La. Ông tổ chức các cuộc thi để chiêu hiền người
tài ra giúp nước. Hội thi nấu cơm để lấy người chuyên lo việc bếp núc cho quân
đội cũng được xem trọng.
Hai chị em Hồng Nương, Quế Nương không lỡ bỏ cơ hội. Họ đoạt
giải Nhất trong cuộc thi này và được tuyển ngay vào quân ngũ.
Tháng ba năm Tân Tỵ (981) đạo tiền quân vững mạnh của ta đã
bí mật ngược lên chiến tuyến bắc, đến Phù Lỗ bên sông Cà Lồ.
Quả nhiên, quân Tống mắc mưu, tiến sâu vào trận địa mai phục
của ta, với thái độ ngạo mạn và chủ quan. Quân ta đã mở mặt trận ở Bình Lỗ.
Trong cuộc huyết chiến đó, tướng giặc Hầu Nhân Bảo đã bị
chém bại trận, quân giặc tử vong quá nhiều, bọn còn lại như rắn không đầu, bỏ
chạy tan tác và trốn về nước.
Quân ta toàn thắng. Đất nước thanh bình.
Tướng quân Trần Công Tích cho quân trở về doanh trại Nghĩa
Đô nghỉ ngơi, làm sớ báo tiệp về triều đình và xin nhà vua ban thưởng quân sĩ,
đặc biệt lưu ý công lao của Hồng Nương, Quế Nương.
Triều đình duyệt y sớ tấu. Sau đó ông được giao trấn giữ ngoại
vi thành Đại La. Cùng thời gian này ông làm lễ thành hôn với hai chị em Hồng
Nương, Quế Nương và sống tại đây.
Hương ước ghi:
“Thánh ông sinh ngày 10 tháng Mười, hóa ngày 2 tháng Tám”.
Ngài được phong là “Đương cảnh Thành hoàng lục tích hiển ứng kính chương, thượng
đẳng phúc thần Đại vương”. Vật dâng cúng gồm xôi, thịt, rượu trắng. Tế lễ trong
ba ngày.
Hai thánh bà sinh ngày 3 tháng ba, hóa ngày 25 tháng một. Vật
dâng cúng là bánh dày, chè kho và hương hoa. Thánh bà Hồng Nương được phong là
“Tả hoàng hậu đoan trang tôn linh công chúa”. Thánh bà Quế Nương được phong là
“Hữu phu nhân ý thiện tôn linh công chúa”.
Đình làng Nghè đã bị phá năm 1947, nay còn lại đền ở xóm
Trong, dựng ngay trên nền nhà của ông bà Nghiêm và Minh gọi là đền Trung Nha. Đền
có ba gian, trước sân có giếng gạch tròn xây, quanh năm nước trong xanh. Hậu
cung đặt ba ngai thờ, có bát hương tả quan, hữu quan và một quả chuông cổ. Bức
hoành phi khắc bốn đại từ “Bình Tống, hưng Lê” (Dẹp giặc Tống, chấn hưng nhà
Lê).
Câu đối đền Trung Nha cũng nói rõ ý chí người xưa:
Nghĩa khí bách niên phù Đầu vọng
Đô thành thiên cổ tụ thần quang
Tạm dịch:
Ngửa trông nghĩa khí trăm năm như ánh sao Đẩu
Nơi đô thành ngàn đời ngưng tụ ánh sáng thần linh
Và:
Bình Tống, hưng Lê, công thần phụ quốc huân cao linh ứng
Đương cảnh Thành hoàng ngữ lục lưu truyền sắc chỉ Đại vương”
Tạm dịch:
Dẹp giặc Tống, chấn hưng nhà Lê, giữ nước công cao linh ứng
Làm đương cảnh thành hoàng, sắc chỉ Đại vương vẫn còn dấu
lưu truyền”.
Trong đền còn thờ ông
bà Lê Nghiêm và Nguyễn Thị Minh là bố mẹ của hai bà Hồng Nương và Quế Nương. Đền
có 2 nếp nhà hình chữ Nhị. Nếp ngoài 2 gian 2 chái vì kèo quá giang, có 2 trụ
biểu, đỉnh trụ hình trái giành, 2 đầu hồi có 2 ông quan đứng canh. Cửa vào kiểu
bức bàn, có bức đại tự “Mỹ tục khả phong”.
Lễ hội hàng năm vào ngày sinh và ngày hóa của ông bà, ngày
sinh của ông là ngày 10 tháng 10, ngày sinh của 2 bà vào ngày 3 tháng 3; ngày
hóa của ông là ngày 2 tháng 8, ngày hóa của 2 bà vào ngày 25 tháng 11.
Hội thổi cơm thi vào ngày 4 tháng 1. Lễ rước ngai đặt trên
kiệu đưa ông và 2 bà ra Quan Nhân.