Khúc Thừa Dụ còn một người con gái từng được dân chúng tôn thờ là Thánh Mẫu. Đó là công chúa Khúc Thị Ngọc (còn gọi là Công chúa Quỳnh Hoa), em gái Trung chúa Khúc Hạo.
Vào thế kỷ thứ 10, đất Hồng Châu có nhà hào trưởng Khúc Thừa
Dụ rất thế lực. Nhân khi nhà Đường suy sụp, bọn đô hộ ở nước ta như rắn mất đầu,
ông chớp thời cơ, đã dấy binh khởi nghĩa đánh chiếm phủ Tống Bình, tự xưng là
Tiết Độ sứ cai quản đất nước, đóng đô ở Tống Bình Đại La (Hà Nội ngày nay), được
dân chúng tôn vinh là ông vua Độc lập.
Năm Đinh Mão (907), Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai là Khúc Hạo
nối ngôi cha và cải cách hành chính, xây dựng đất nước.
Nhưng ít người biết rằng, Khúc Thừa Dụ còn một người con gái
từng được dân chúng tôn thờ là Thánh Mẫu. Đó là Khúc Thị Ngọc (còn gọi là công
chúa Quỳnh Hoa), em gái Trung chúa Khúc Hạo.
Tương truyền, thuở nhỏ Khúc Thị Ngọc thông minh, ý chí mạnh
mẽ hơn người, sớm bộc lộ biệt tài về đầu óc tổ chức. Tuy con nhà gia thế nhưng
nàng ham bơi lội, đua thuyền. Trong thời gian cùng sống với cha tại phủ Tống
Bình, công chúa Quỳnh Hoa được tham gia bàn kế an dân giữ nước. Từ khi Tiên
chúa Khúc Thừa Dụ qua đời, Khúc Hạo thay cha trị vì đất nước, nàng đã xin người
anh cho mình được để tâm tìm mưu kế phát triển dân sinh.
Tuy là con nhà cành vàng lá ngọc, nhưng công chúa Khúc Thị
Ngọc lại là người thuần hậu, thương dân. Bà tự nguyện rời cảnh lầu son về vùng
nông thôn, giúp dân nghèo khai phá ruộng sình lầy phía nam thành Đại La, trở
thành ruộng vườn, làng mạc, chợ búa sầm uất đông vui.
Bà thân chinh đi bảo ban, hướng dẫn dân chúng xây chùa, tu
nhân tích đức, sống lương thiện; Trong dân gian có truyền thuyết rằng: Khi ở phủ
Tống Bình, một hôm bà đi thuyền dạo chơi Tây Hồ, gặp mưa to, bèn vào chùa Trấn
Quốc thỉnh chuông niệm Phật. Tiếng chuông ngân lên thì từ Hồ Tây có con trâu
vàng hiện lên năn nỉ xin theo hầu.
Bà Khúc Thị Ngọc, xuống thuyền theo dòng Kim ngưu, con trâu
vàng rẽ nước băng lên phía trước dẫn lối. Kỳ lạ thay, thuyền bà lướt tới đâu,
thì lạch nước thành sông, bãi lầy thành đồng ruộng.
Các làng xóm, chợ búa mọc lên theo. Đến khi gặp một làn nước
trong mát, bà xuống tắm. Xong rồi bà đi lên gò cao, trút bỏ xiêm y rồi biến. Dải
yếm đào bà để lại, đã hóa thành một dải ruộng dài hàng cây số từ thôn Vĩnh Mộ
qua thôn Cổ Chất đến thôn Phượng Cù ngày nay.
Đền thờ bà Chúa dựng trên gò đất cao tại đầu làng Vĩnh Mộ, gần
sông Nhuệ, thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ). Ban đầu, đền
chỉ là túp lều tranh, dựng sơ sài, xung quanh là đồng chiêm trũng.
Đến khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về La
Thành, đổi tên là Thăng Long, vua bèn ban sắc chỉ cho dân chúng trong vùng tôn
tạo xây đình chùa. Nhân đó, ba làng Vĩnh Mộ, Cổ Chất và Phương Cù đã xây ngôi
miếu lộ thiên hình ngai để thờ Bà.
Sang triều Lê, miếu Thánh Mẫu lần đầu tiên được tôn tạo.
Nhưng phải đến nhà hậu Lê mới xét công lao và ban sắc phong thần cho Bà, nhưng
sắc chỉ đã thất truyền. Trong đền hiện chỉ còn tấm biển sơn son thiếp vàng đề bốn
chữ “Lịch triều phong tặng” là dấu tích của lần phong tặng ấy.
Quỳnh Hoa Thánh Mẫu là con gái của Khúc Thừa Dụ - Sắc phong của vua Duy Tân năm Kỷ Dậu (1909)
Nhưng thật may mắn là đền thờ Thánh Mẫu-công chúa Quỳnh Hoa
Khúc Thị Ngọc-còn lưu giữ được ba đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn. Trong
vòng 35 năm, ba vị vua nhà Nguyễn đều sắc phong cho Công chúa Khúc Thị Ngọc là
bậc thần và bậc thần tôn kính, càng về sau càng trân trọng.
Vua Thành Thái chỉ phong là “Khúc Thị Ngọc công phu nhân chi
thần”, nhưng tới vua Duy Tân đã tăng thêm mỹ tự là “Dực bảo trung hưng linh phù
Khúc Thị Ngọc công phu nhân tôn thần” (Vị thần đáng tôn kính). Lại đến đời vua
Khải Định, sắc phong thêm mỹ tự “Dực bảo trung hưng linh phù Khúc Thị Ngọc công
phu nhân tôn thần, hộ quốc tý dân” (nghĩa là Bà chúa linh thiêng đã có công
giúp nước che chở bảo vệ dân), đồng thời vua Khải Định còn ra thêm mỹ tự “Trinh
uyển tôn thần”, nghĩa là Bà chúa tiết hạnh, thuần hậu, vị thần đáng tôn kính.
Năm 1938, để ghi công đức, sự nghiệp của bà, dân chúng quanh
vùng đã cùng trùng tu lớn ngôi đền Thánh mẫu, đồng thời Hội tư văn toàn khu đã
làm bài ký, khắc sơn son thiếp vàng và viết bài thơ chữ Hán, khắc lên cuốn thư
thật tinh xảo. Bản dịch bài thơ như sau:
Lê triều truyền thánh tích:
Công chúa tối hiển linh
Sắc đẹp trùm thiên hạ
Duy nhất lòng trung trinh
Muôn năm lừng thắng địa
Ba xã nổi danh thiêng
Xa gần trọng công đức
Phúc tinh sáng một miền.
Đền thờ bà Chúa được tôn tạo gần đây nhất là năm 1995, với
ngôi nhà ba gian lợp ngói, có một hậu cung. Trên bệ thờ có khán cổ. Trong khán
có tượng Thánh Mẫu, tĩnh tọa trên tòa sen. Ngày 4 tháng 2 năm 2003, tại quyết định
số 158/QĐ-UB, UBND Hà Tây đã công nhận đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc (tức Quỳnh
Hoa Thánh Mẫu) là di tích lịch sử văn hóa.
KHÚC HÀ LINH