Huyện Thanh Miện có 41 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 6 di tích thờ danh nhân thời Hùng Vương. Những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Thanh Miện đã nỗ lực trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích thờ các danh nhân thời Hùng Vương.
Đình Khoai ở thôn An Khoái, xã Tứ Cường (Thanh Miện) thờ Vua
Hùng. Căn cứ vào quy mô, kiến trúc, các nhà nghiên cứu cho rằng công trình này
được xây đầu thế kỷ XX. Trải qua thời gian cùng với tác động của các yếu tố tự
nhiên, ngôi đình đã nhuốm màu rêu phong. Một số hạng mục xuống cấp nghiêm trọng,
nhất là các bộ phận kết cấu, khung chịu lực.
Miếu Thọ Trương được nhân dân phát tâm cải tạo lại 5 gian hành lễ
Dù chính quyền và nhân dân địa phương đã sửa chữa một số hạng
mục đơn giản bị xuống cấp nhưng không được lâu bền. Ông Phạm Văn Thảo, Bí thư
Chi bộ kiêm Trưởng thôn An Khoái cho biết: “Trước đây toàn bộ cột, kèo trong
đình đều bị nghiêng do tác động của thời gian. Mái ngói và nền móng cũng xuống
cấp nghiêm trọng nên không bảo đảm an toàn cho nhân dân vào chiêm bái mỗi dịp lễ,
Tết”.
Năm 2016, được sự hỗ trợ của tỉnh, đình Khoai chính thức được
trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, nhân dân địa phương
đóng góp trên 1,3 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công để trùng tu di tích. Việc
trùng tu được chia làm 2 đợt. Đợt 1 cân lại các cột, kèo và thay thế toàn bộ
mái ngói, hoành, rui. Năm 2018 trùng tu đợt 2, chủ yếu cải tạo cung và nền móng
đình. Tất cả các đợt trùng tu, tôn tạo đều dựa trên lối kiến trúc cũ nhằm bảo tồn
các nét đặc trưng, độc đáo của di tích.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đình Thọ Xuyên và miếu Thọ
Trương, xã Lam Sơn vẫn sừng sững dưới tán đa cổ. Hai di tích này đều thờ Thành
hoàng làng là các nhân vật thời Hùng Vương. Do có công giúp vua giữ nước nên
khi các ngài mất được nhân dân địa phương lập nơi phụng thờ. Ngồi dưới tán đa cổ
thụ, cành lá xum xuê tỏa bóng trước cửa đình Thọ Xuyên, ông Nguyễn Văn Thẩm, Bí
thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thọ Xuyên cho biết: “Trước đây, đình Thọ Xuyên và
miếu Thọ Trương rất nhỏ, nhiều chỗ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau này, người
dân địa phương cùng nhau góp gạch để sửa chữa, tu bổ nên diện mạo công trình mới
được như hiện tại".
Với nguồn vốn xã hội hóa, đình Thọ Xuyên vừa được đầu tư
trên 300 triệu đồng để xây tường bao và thay thế toàn bộ nóc đình bằng gỗ lim.
Còn miếu Thọ Trương được cải tạo lại 5 gian hành lễ và khuôn viên với tổng kinh
phí trên 200 triệu đồng.
Quá trình tôn tạo các di tích ở Thanh Miện được thực hiện
theo quy định, dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, bảo đảm không
làm ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích. Hiện nay, các di tích
thờ nhân vật thời Hùng Vương vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống.
Dịp Giỗ Tổ mùng 10.3 âm lịch, Ban Quản lý di tích đình Khoai
không tổ chức lễ hội nhưng vẫn mở cửa đình, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội đình Khoai diễn ra từ ngày 20-23.3 âm
lịch hằng năm.
Vào ngày này, dân làng tổ chức dâng hương, tế lễ và rước kiệu
Thành hoàng làng. Ngoài phần lễ, nơi đây còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian
như đi cầu Kiều, đấu vật, đập niêu, kéo co... “Hai năm gần đây do dịch Covid-19
nên đình không tổ chức lễ hội. Nhưng nhiều người có lòng hướng về nguồn cội vẫn
đến dâng bánh chưng, bánh dày, hoa quả vào ngày Giỗ Tổ”, ông Thảo cho biết.
Cũng như đình Khoai, đình Thủ Pháp, xã Đoàn Kết vẫn giữ được
nhiều nghi lễ độc đáo. Vào ngày 12.3 âm lịch hằng năm, dân làng tổ chức rước kiệu
Tản Viên Sơn Thánh và Ma Thị Cao Sơn thần nữ từ đình Thủ Pháp ra nền đất xây
nghè Vắp trước kia để tế lễ. Riêng kiệu Tản Viên Sơn Thánh phải do 8 chàng trai
khỏe mạnh, tuấn tú, là người dân gốc của làng khiêng.
Kiệu thánh đi đến đâu, các hộ dân sinh sống hai bên đường
bày hoa quả, trà, rượu, bánh kẹo ra trước cửa nhà để thắp hương tưởng nhớ công
đức. Phong tục chui qua gầm kiệu Tản Viên Sơn Thánh trong lễ rước cũng trở
thành nét đẹp tâm linh được người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Đình Phạm Xá, xã Ngô Quyền thờ 5 nhân vật thời Hùng Vương
nên các hoạt động trong lễ hội đều mang ý nghĩa tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc
và lịch sử dựng nước, giữ nước. Người dân thôn Phạm Xá vẫn giữ gìn phong tục
làm bánh chưng, bánh dày trong ngày hội đình để dâng lên Thành hoàng làng. Ai
cũng mong muốn được các ngài che chở, ban cho sức khỏe, tài lộc và may mắn.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban Quản lý di tích còn tổ chức nhiều trò chơi
dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia...
Việc duy trì, bảo tồn các lễ hội không chỉ gìn giữ nét đẹp
văn hóa truyền thống mà còn thể hiện tấm lòng hướng về cội nguồn dân tộc và bày
tỏ ước nguyện năm mới may mắn, ruộng đồng tốt tươi của nhân dân địa phương huyện
Thanh Miện, Hải Dương.