Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Tam Đảo nằm
trên núi Thạch Bàn, khu di tích Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh
Vĩnh Phúc. Nơi đây không khí trong lành, yên bình rất thích hợp là nơi vãn
cảnh, chiêm bái Phật tổ. Khu di tích này gồm Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên
(chùa tăng) và Thiền viện Trúc lâm An Tâm (chùa ni).
Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm
Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt
Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng
Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô,
Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có
hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như
chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.
Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo
Việt Nam. Khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền
giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền học Việt Nam được
khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội, ông cũng đem Thiền học sang truyền bá ở
Trung Quốc thời Tôn Quyền (năm 247).
Cha của Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiane)
cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là người Giao Chỉ, ông chắc chắn là sinh
trên đất Giao Chỉ, cha và mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi, ông mất năm 280 bên
nước Tấn.
Vua Hùng thứ 7 tên là Hùng Chiêu Vương lên chùa Thiên Ân
trên đỉnh núi Tam Đảo để cầu tự, khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu và rước về
làm vợ; bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, từng giúp vua Hùng
đánh giặc giữ nước Văn Lang.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng trên nền của một thiền
tự cổ (Thiên Ân Thiền Tự) có từ thế kỷ 3.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày
4/4/2004 (15/2 âm lịch) với tổng số vốn 30 tỷ đồng. Khi làm lễ khởi công, trên
nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có
hoa văn mang dấu ấn của thời Trần. Sau hơn 15 tháng xây dựng công trình mang tầm
cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005.
Công trình to lớn này đã được xây dựng với thời gian nhanh
và giá thành thấp kỷ lục, riêng tòa Đại Hùng Bửu điện chỉ thi công trong vòng 9
tháng. Sở dĩ tốc độ xây dựng nhanh như vậy vì có sự tham gia đóng góp của hàng
ngàn người, trong đó có các nghệ nhân và làng nghề hầu khắp trong cả nước: thợ
mộc Hà Tây, Bắc Ninh; thợ đá Non Nước, Ninh Bình; thợ xây Nam Định, Hà Nội.
Chính điện (Đại hùng bửu điện) nằm chính giữa Thiền Viện có chiều
cao 17m, diện tích 675m2, có 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1m nên có thể
dành cho 600 phật tử, du khách ngồi thiền hoặc ngồi nghe giảng phật pháp.
Trong chính điện thờ tượng Phật Tổ cùng với hai câu đối: Phước
đức sâu dày do gieo nhân đạt quả, Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần và Phật
giáo chỉ đường lìa mê về bến giác, Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như.
Bên trái tòa chính điện là Lầu Chuông, bên phải là Lầu Trống.
Trống được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có đường kính lên đến 1,5m, dài 2m;
Chuông có trọng lượng 2 tấn.
Phía sau chính điện là Nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần
Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Các bức tượng Phật ở chính điện và Nhà Tổ
đều được làm từ đá sa thạch (loại đá người Chăm và người Ai Cập thường dùng để
tạc tượng) có độ bền lâu dài.
Trong Nhà Tổ có hai câu đối: Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn
Phật, Tăng tăng tục diện lưu biến chính tông thiền và Tây Thiên khởi nguồn Phật
kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng, Yên Tử mở lối thiền đời đời đức
hóa lưu phương luôn chuyển khắp.
Trong khu Thiền viện còn có: Nhà ăn phục vụ cơm chay cho các
phật tử và du khách, Nhà sách bán kinh phật và đồ lưu niệm, Thư Viện, Khu nội
viện gồm tăng đường, thiền đường và trai đường.
Thiền viện dành khoảng 40 phòng để khách tăng và khách ni ở
xa đến có thể nghỉ lại chùa tham quan và nghiên cứu phật pháp trong khoảng thời
gian từ 1 - 2 tuần. Việc ăn ở, thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.
Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên
Cổng Tam Quan
Trong Cổng Tam Quan
Tòa Chính điện
Phía bên phải của tòa Chính điện
Đại Hùng Bửu Điện
Tượng Phật Tổ trong Đại Hùng Bửu Điện
Nhà Tổ
Trượng Trúc lâm Tam Tổ trong Nhà Tổ
Lầu chuông
Chuông trong Lầu Chuông
Lầu Trống
Trống bằng gỗ mít trong Lầu Trống
Nhà ăn và hội trường lớn
Nội viện Ni
Nhà bán sách và đồ lưu niệm
Từ Thiền viện nhìn sang Khu Tây Thiên
Đại Đức Thích Kiến Nguyệt bên Mẫu tượng Phật Thích Ca làm Quốc Thái Dân An Phật Đài cao 49 mét