Năm 938, đức Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng, ông lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944.
“Tiền Ngô Vương lấy quân mới họp của nước Việt ta đánh tan cả
trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước và xưng vương, làm cho bọn người Bắc
không dám sang nữa. Có thể nói là (Tiền Ngô Vương) một lần nổi giận mà khiến
cho trăm họ được yên, mưu đã giỏi mà đánh cũng giỏi. Tuy chỉ mới xưng vương,
chưa lên ngôi Hoàng Đế, cũng chưa đặt niên hiệu, nhưng quốc thống của ta cơ hồ
đã được nối lại rồi vậy”
Lê Văn Hưu
(1230 – 1322)
Vua Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; 12 tháng 3 năm 897 – 14 tháng
2 năm 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương (前吳王),
là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
Năm 938, đức Vua Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân
Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở
ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng, ông lên ngôi vua,
lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Vua Ngô Quyền nằm trong danh sách mười bốn anh hùng dân tộc
Việt Nam. Phan Bội Châu gọi ông là vị Tổ Trung hưng của Việt Nam.
Vua Ngô Quyền người đất Đường Lâm. Đất này nay thuộc huyện
Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Nơi đây hiện có lăng và đền thờ Ngô Quyền. Về tiểu sử của
Ngô Quyền, sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 20-b) chép rằng:
“Thân phụ (của Vua Ngô Quyền ) là (Ngô) Mân, làm chức Châu Mục ở bản châu (tức
châu Đường Lâm – NKT). Khi Vua (chỉ Vua Ngô Quyền - NKT) mới sinh, đầy nhà có
ánh sáng lạ. Vua có ba nốt ruồi ở lưng, dáng mạo thật khác thường, thầy bói cho
là có tướng tốt, có thể làm chúa cả một phương, vì thế (thân phụ của Vua) mới đặt
tên (cho Vua) là Quyền. (Vua) lớn lên, khôi ngô tuấn tú, mắt sáng như chớp,
dáng đi như hổ, gồm đủ trí và dũng, sức có thể nâng được vạc lớn. (Vua từng)
làm Nha Tướng cho Dương Đình Nghệ (cũng tức là Dương Diên Nghệ, người đứng đầu
chính quyền độc lập và tự chủ từ năm 931 đến năm 937 – NKT), được (Dương) Đình
Nghệ gả con gái cho, đồng thời, trao quyền cai quản vùng Ái Châu (tức vùng thuộc
tỉnh Thanh Hóa ngày nay - NKT)”.
Các bộ chính sử cũ đều chép rằng, Dương Đình Nghệ có người
con nuôi, tên là Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn là kẻ bất hiếu, bất nghĩa và bất
trung, kẻ bạo ngược hiếm thấy trong lịch sử.
Tháng ba năm Đinh Dậu (937), hào trưởng đất Phong Châu là Kiều
Công Tiễn sát hại Dương Đình Nghệ, trở thành vị Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ cuối
cùng trong thời kì Tự chủ. Nhưng Công Tiễn lại không có chỗ dựa chính trị vững
chắc, hành động tranh giành quyền lực bị nhiều thế lực địa phương phản đối quyết
liệt và nội bộ họ Kiều cũng chia rẽ trầm trọng.
Căm phẫn trước hành động đó, tháng 12 năm Mậu Tuất (938), từ
Ái Châu, Vua Ngô Quyền đem quân ra hỏi tội Kiều Công Tiễn. Hoảng sợ trước lực
lượng của Ngô Quyền. Kiều Công Tiễn sai sứ đem của cải sang đút lót cho vua nước
Nam Hán để cầu cứu.
Nam Hán nhân đó cho quân sang xâm lược nước ta. Vua Ngô Quyền
nhanh chóng kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn, chặt đứt chỗ dựa nguy hiểm
của quân xâm lăng rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán.
Sách An Nam chí lược viết rằng: Công Tiễn bị Vua Ngô Quyền vây,
sức yếu bị thua mới cầu cứu nhà Nam Hán.[9] Vua Nam Hán là Lưu Cung nhân Giao
Chỉ có loạn muốn chiếm lấy. Lưu Cung phong cho con mình là Vạn vương Lưu Hoằng
Tháo làm Giao Vương, đem quân cứu Kiều Công Tiễn. Nhưng khi quân Nam Hán chưa
sang, mùa thu năm 938, Vua Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn.
Lưu Cung tự làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Lưu
Cung hỏi kế ở Sùng Văn sứ là Tiêu Ích, Tiêu Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy
tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Vua Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt,
không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều
người hướng đạo rồi sau mới nên tiến".
Vua Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá
rằng: Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt,
lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, mất vía trước rồi. Quân
ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được.
Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước
thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt
sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào
trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.
Thắng lợi của Vua Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng vào năm 938
đã đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu xâm lược Tĩnh Hải quân của nhà Nam Hán, đồng
thời cũng kết thúc thời kì Bắc thuộc của Việt Nam.
Trị vì
Vua Ngô Quyền lên ngôi ngày 10 tháng 1 năm Kỷ Hợi (tức ngày
1 tháng 2 năm 939). Mùa xuân năm 939, Vua Ngô Quyền xưng là Ngô Vương, xây dựng
nhà nước tự chủ, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô, sách Đại Việt Sử ký Toàn
thư gọi Vua Ngô Quyền là Tiền Ngô Vương. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng:
Mùa xuân, vua tuyên xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế
định triều nghi phẩm phục.
Sách Việt sử tiêu án chép: Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng
Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra
nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô Cổ Loa thành, làm vua được 6
năm rồi mất.
Về lãnh thổ, học giả Đào Duy Anh cho rằng các triều đại
phong kiến đầu tiên cai trị 8 châu: Giao, Lục, Phong, Trường, Ái, Diễn, Hoan,
Phúc Lộc nằm trên đất Giao Châu cũ. Vua Ngô Quyền chỉ có quyền lực ở các châu
mà cư dân là con cháu của người Lạc Việt, tức miền trung du và miền đồng bằng Bắc
bộ, vùng Thanh Nghệ; còn miền thượng du là các châu ky my (châu tự trị, chỉ phải
cống nạp), của nhà Đường trước kia, do các tù trưởng nắm giữ mà độc lập.
Những người thân cận, các tướng tá cùng các hào trưởng địa
phương quy phục đã được nhà Ngô phong tước, cấp đất, như Phạm Lệnh Công ở Trà
Hương (Nam Sách, Hải Dương), Lê Lương ở Ái châu, Đinh Công Trứ (cha của Đinh Bộ
Lĩnh) ở Hoan Châu.
Kinh đô
Nhà Đường cai trị nước Việt, dùng huyện Tống Bình và xây thành
Tống Bình làm trị sở của họ, tức phần đất thuộc Giao Châu, bên sông Tô Lịch (Hà
Nội ngày nay). Sau khi lên ngôi, Vua Ngô Quyền không đóng đô ở trị sở cũ của
nhà Đường như họ Khúc hay Dương Đình Nghệ nữa mà chuyển kinh đô lên Cổ Loa thuộc
Phong Châu (thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên cũ).
Lý giải cho việc Vua Ngô Quyền không chọn Đại La sầm uất và
có truyền thống nhiều thế kỷ là trung tâm chính trị trước đó, các sử gia cho rằng
có 2 nguyên nhân: tâm lý tự tôn dân tộc và ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền của
đất nước từ kinh nghiệm cũ để lại:
Ý thức dân tộc trỗi dậy, tiếp nối quốc thống xưa của nước Âu
Lạc xưa,quay về với kinh đô cũ thời Âu Lạc, biểu hiện ý chí nối nghiệp vua
Hùng, đoạn tuyệt với Đại La do phương Bắc khai lập.
Đại La trong nhiều năm là trung tâm cai trị của các triều
đình Trung Quốc đô hộ Việt Nam, là trung tâm thương mại sầm uất nhiều đời chủ yếu
của các thương nhân người Hoa nắm giữ. Đại La do đó là nơi tụ tập nhiều người
phương Bắc, từ các quan lại cai trị nhiều đời, các nhân sĩ từ phương Bắc sang
tránh loạn và các thương nhân.
Đây là đô thị mang nhiều dấu vết cả về tự nhiên và xã hội của
phương Bắc, và thế lực của họ ở Đại La không phải nhỏ. Do đó lực lượng này dễ
thực hiện việc tiếp tay làm nội ứng khi quân phương Bắc trở lại, điển hình là
việc Khúc Thừa Mỹ nhanh chóng thất bại và bị Nam Hán bắt về Phiên Ngung. Rút
kinh nghiệm từ thất bại của Khúc Thừa Mỹ, Vua Ngô Quyền không chọn Đại La.
Theo Tạ Chí Đại Trường: Chiếm giữ Đại La xong, Vua Ngô Quyền
không đóng đô nơi phủ trị cũ mà lại tìm một vị trí bên lề để canh chừng. Tại
sao? Hay vì cái thế Đại La trống trải trong tầm sông nước dễ dàng cho sự xâm lấn
của Nam Hán so với Cổ Loa khuất lấp hơn một ít mà vẫn còn có ngôi thành Kén của
Mã Viện làm thế đương cự? Dù sao thì sự từ chối Đại La cũng là một dấu vết co cụm
để tính chất địa phương trong cách ứng xử của các tập đoàn quyền lực khác ở phủ
Đô hộ cũ nữa.
Qua đời
Vua Ngô Quyền mất ngày 18 tháng 1 năm Giáp Thìn (14 tháng 2 năm
944), hưởng dương 47 tuổi; trước khi chết ông di chúc cho Dương Tam Kha phò tá
con của mình là Ngô Xương Ngập. Ông không có miếu hiệu và thụy hiệu, sử sách
xưa nay chỉ gọi ông là Tiền Ngô Vương. Sách Thiền Uyển tập anh, phần truyện Quốc
sư Khuông Việt có nhắc Ngô Thuận Đế.
Không rõ Vua Ngô Quyền có tất cả bao nhiêu người con, nhưng
có hai người con trai được sử sách chép tới. Một là Ngô Xương Văn do bà Dương
Thị Như Ngọc (con gái của Dương Đình Nghệ) sinh hạ, chưa rõ là vào năm nào.
Khi Vua Ngô Quyền mất, ủy thác con trưởng là Ngô Xương Ngập
cho ông. Dương Tam Kha cướp ngôi cháu, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình
Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng là Phạm Lệnh Công ở làng Trà
Hương - Nam Sách (Hải Dương). Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba
lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, Dương Tam Kha sai
quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con
thứ hai của Vua Ngô Quyền làm con nuôi.
Trong thời gian cai trị đất nước, ông giữ chính sự tương đối
ổn định, khuyến khích việc khai khẩn đất hoang, nhất là ở các vùng Chương Dương
(Thường Tín, Hà Tây) và Cổ Lễ (Nam Định).
Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình
(khu vực Sơn Tây, Vĩnh Phúc ngày nay vốn thuộc lãnh địa của các sứ quân Nguyễn
Khoan và Ngô Nhật Khánh). Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha.
Biết ơn của Dương Tam Kha, Xương Văn không giết Tam Kha mà chỉ giáng ông xuống
làm Chương Dương sứ.
Năm 951, Ngô Xương Văn lên nối ngôi, năm 965, Nam Tấn Vương
Ngô Xương Văn chết khi đi đánh dẹp ở vùng đất thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay.
Người con trai thứ hai của Vua Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Ngập là
anh của Ngô Xương Văn.
Các con của Vua Ngô Quyền đều không phải là những người có
tài cầm quân và trị nước, vì thế, loạn lạc đã liên tiếp xẩy ra ngay khi họ đang
ở ngôi. Sau khi Thiên Sách Vương rồi Nam Tấn Vương lần lượt qua đời, đất nước
lâm vào một thời kì hỗn chiến ác liệt giữa các thế lực cát cứ, sử gọi đó là thời
Loạn mười hai sứ quân. Năm Đinh Mão (967), Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp được cuộc hỗn
chiến tương tàn này.
Nhận định của người xưa
“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà
phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người
phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân,
mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên
hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.” — Đại Việt
Sử ký Toàn thư
Ngô Sĩ Liên viết rằng mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại
cơ đồ, đứng đầu các vua đồng thời cho rằng cách thức cai trị của ông có quy mô
của bậc đế vương. Phan Bội Châu tôn vinh ông là "vua Tổ Phục hưng dân tộc".
“ Ngô Tiên Chúa giết được nghịch thần Công Tiễn, phá được giặc
mạnh Hoằng Thao, đặt ra cấp bậc các quan văn võ, định chế độ luật lệ y phục, thực
là bậc tài giỏi cứu đời. Song ký thác không được người tốt, để lại tai vạ cho
con.”
— Khảo tổng luận, Lê
Tung
Theo Trần Trọng Kim chép trong Việt Nam sử lược: Vua Ngô Quyền
trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường địch,
bảo toàn cho nước, thật là một người trung nghĩa lưu danh thiên cổ, mà cũng nhờ
có tay Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và
mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau này được tự chủ ở cõi Nam vậy.
Quê hương của đức Vua Ngô Quyền
Vào thế kỷ 13, Lê Tắc, một vị quan nhà Trần đào ngũ theo
quân Nguyên, khi quân Nguyên thua trận ông đã sang Trung Quốc và viết quyển
sách sử An Nam chí lược, sách này viết rằng: Ngô Quyền, người Châu Ái , nha tướng
của Đình Nghệ, giết Công Tiện, tự lập làm vua.
Vào thế kỷ 15, nhà Minh xâm chiếm Việt Nam, đã đốt toàn bộ
sách vở hoặc thu sách vở đem về Trung Quốc. Lê Lợi đánh đuổi người Minh, dựng
nên nhà Lê, đến đời cháu ông là Lê Thánh Tông đã sai Sử quan Ngô Sỹ Liên biên
soạn bộ sách chính sử là Đại Việt Sử ký Toàn thư. Sách chép rằng Vua Ngô Quyền là
người ở châu Đường Lâm nhưng Ngô Sỹ Liên chỉ chép mỗi tên châu Đường Lâm chứ
không chép rõ Đường Lâm ở đâu. Các học giả Việt Nam đời sau đã có nhiều ý kiến
về vị trí của châu Đường Lâm, nay trích dưới đây.
1. Đường Lâm (Hà Nội)
Lăng Ngô Quyền, tôn tạo vào đầu thế kỷ 20 triều Thành Thái.
Lăng Vua Ngô Quyền ở Đường Lâm, Hà Nội.
Vào thế kỷ 19, học giả Nguyễn Văn Siêu trong sách Đại Việt địa
dư toàn biên viết: "Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng, Tiền
Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện
Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và
Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là
Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời
Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có.
Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ ba mùa xuân
tháng hai, ngày 18 làm bia này".
Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định châu Đường Lâm quê hương của Vua
Ngô Quyền nằm ở xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh
Sơn Tây tức nay là làng cổ Đường Lâm thuộc Hà Nội. Đại Nam nhất thống chí cũng
ghi tương tự. Đến thời hiện đại, một người làm trong Viện Sử học Việt Nam là
giáo sư sử học Trần Quốc Vượng khẳng định mà theo như chính ông nhận xét thì nó
được "tiếp thu ngay", trở thành kiến thức lịch sử chính thống đưa vào
giảng dạy trong nhà trường và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Làng cổ Đường Lâm cũng được mệnh danh là đất hai vua.
Theo Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án thì Đường Lâm thuộc
Phong Châu tức là Hà Nội ngày nay.
Đền thờ Ngô Quyền tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm.
Gian thờ chính bên trong đền thờ Vua Ngô Quyền ở Đường Lâm.
Hoành phi ghi bốn chữ Ngô Đường hưng quốc.
2. Đường Lâm (Bắc Trung Bộ)
2.1 Thuộc Hoan Châu (Nam Hoan Châu, tức Hà Tĩnh)
Người đầu tiên nghi ngờ ý kiến cho rằng quê hương Đường Lâm ở
Sơn Tây là học giả Đào Duy Anh. Trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời, xuất
bản năm 1964, ông viết:
"Đại Việt Sử ký Toàn thư (Ngoại, q. 5) chép rằng Vua
Ngô Quyền là người Đường-lâm, con Ngô Mân là châu mục bản châu. Sách Cương mục
(Tb, q. 5) chú rằng: Đường-lâm là tên xã xưa, theo sử cũ chú là huyện Phúc-lộc,
huyện Phúc-lộc nay đổi làm huyện Phúc-thọ, thuộc tỉnh Sơn-tây. Xét Sơn-tây tỉnh
chí thì thấy nói xã Cam-lâm huyện Phúc-thọ xưa gọi là Đường-lâm, Phùng Hưng và Vua
Ngô Quyền đều là người xã ấy, nay còn có đền thờ ở đó.”
“Chúng tôi rất ngờ những lời ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có
thể người ta đã lầm Đường-lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc-lộc
(Phúc-lộc châu có huyện Đường-lâm) thành tên xã Đường-lâm ở huyện Phúc-thọ. Huyện
Đường-lâm châu Phúc-lộc là ở miền nam Hà-tĩnh. An-nam kỷ lược thì lại chép rằng
Vua Ngô Quyền là người Ái-châu, cũng chưa biết có đúng không."
Sau đó, khi phê bình Đại Việt sử ký toàn thư, Văn Tân nhận
xét: "Ý kiến bạn Đào-duy-Anh rất đáng cho chúng ta để ý. [...] Vua Ngô Quyền
là người huyện Đường-lâm thuộc Hoan-châu chứ không phải là người huyện Phúc-thọ
tỉnh Hà-tây. [...] Vua Ngô Quyền là quý tộc con Ngô Mân quê ở Hoan-châu (có chỗ
nói Ái-châu) đã dấy quân từ Hoan-châu tiến ra bắc phá quân Nam Hán ở cửa Bạch-đằng.
Như vậy Vua Ngô Quyền phải là người huyện Đường-lâm châu
Phúc-lộc (Hà-tĩnh) chứ không phải người xã Đường-lâm huyện Phúc-thọ (Sơn-tây).
Có thế mới phù hợp với tình hình xã hội hồi thế kỷ VIII, IX và X".
Năm 1967, với bài viết Về quê hương của Ngô Quyền, Trần Quốc
Vượng đã phản bác lại ý kiến của Đào Duy Anh và Văn Tân, đồng thời khẳng định
quê hương Vua Ngô Quyền nằm ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội hiện thời.
Có thể coi đây là tiếng nói quan trọng nhất của giới sử học Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa lúc bấy giờ để quyết định vấn đề quê hương Ngô Quyền.
2.2. Thuộc Ái Châu (tức Thanh Hóa, khoảng Nam Thanh Hóa - Bắc
Nghệ An)
Vào thế kỷ 13, Lê Tắc, người Ái Châu (Đông Sơn, Thanh Hóa),
viết trong An Nam chí lược rằng: "Ngô Quyền, người châu Ái".
Trong tập kỷ yếu hội thảo "Quốc sư Khuông Việt và Phật
giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập" tổ chức vào tháng 3 năm 2011, các nhà
nghiên cứu Trần Ngọc Vượng, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan thuộc Viện Nghiên cứu
Hán Nôm, với bài viết Đường Lâm là Đường Lâm nào? cùng nhiều luận cứ lịch sử,
đã chứng minh tấm bia cổ Phụng tự bi 奉祀碑 (ký hiệu 36002 trong kho lưu trữ bản
dập của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) được coi là có niên đại từ đời Trần mà Nguyễn
Văn Siêu đề cập tới, hiện ở đền thờ Vua Ngô Quyền tại xã Đường Lâm ở Sơn Tây, cứ
liệu quan trọng mà Trần Quốc Vượng dựa vào trong bài viết Về quê hương của Ngô
Quyền, kì thực được dựng vào đầu thời Nguyễn.
Và cái tên Đường Lâm của xã Đường Lâm hiện thời mới chỉ xuất
hiện từ năm 1964, năm mà Quốc hội Việt Nam chính thức ra quyết định đổi tên xã
này thành xã Đường Lâm, trước đó, đất này có tên là xã Cam Lâm. Từ đó, các nhà
nghiên cứu này khẳng định rằng "quê Vua Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa
vùng Thanh Hóa – Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện
Gia Ninh của Phong Châu) được".
Phả hệ họ Ngô Việt Nam xác định khởi tổ họ Ngô Việt Nam là
Ngô Nhật Đại tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722 chống lại nhà Đường.
Cuộc khởi nghĩa thất bại thì Ngô Nhật Đại chạy ra châu Ái lập nghiệp bằng nghề
nông. Vua Ngô Quyền là đời thứ sáu, sinh ra ở Đường Lâm, Sơn Tây. Địa danh Cam
Lâm có lẽ có xuất xứ từ Thanh Hóa. Hiện ở đó còn có làng Mía thuộc xã Thịnh Mỹ
huyện Lôi Dương xưa, nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Tuy vậy, hiện nay suốt từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đều
không có bất cứ ngôi đền nào thờ Vua Ngô Quyền hay Bố cái Đại vương Phùng Hưng
cả.
Hậu cung
Dương hậu: Bà là con gái của Dương Đình Nghệ, kết duyên cùng
với Vua Ngô Quyền khi ông trở thành nha tướng của Dương Đình Nghệ, một cuộc hôn
nhân mang nhiều ý nghĩa liên minh chính trị. Một số tài liệu ghi rằng bà tên là
Dương Như Ngọc, nhưng theo nhà sử học Lê Văn Lan thì đấy chỉ là một cái tên do
người đời sau "đặt", để "phân biệt" với bà Dương hậu khác
là bà Dương Vân Nga, bản thân cái tên Dương Vân Nga cũng chỉ là cái tên trong
dân gian mà hậu thế "đặt" cho bà. Chính sử chỉ gọi bà là Dương thị.
Đỗ phi: Bà là người ở làng Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội hiện
nay. Trước kia có đền thờ bà ở gần cầu Tây Dục Tú nhưng nay đã bị phá. Nhà thờ
họ Đỗ ở thôn Hậu Dục Tú vẫn còn đôi câu đối nói về cuộc hôn phối giữa bà và Vua
Ngô Quyền mang ý nghĩa liên minh chính trị Ngô - Đỗ.
Vua Ngô Quyền chỉ có duy nhất một hoàng hậu là con gái Dương
Đình Nghệ. Bà có tên là Dương Thị Vy, hiện được thờ ở đình làng Nguyễn Xá (trước
là Ngô Xá) xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Bà Đỗ Thị Sa người làng Dục Tú, huyện Đông Anh thì theo Gia
phả họ Đỗ tại đây bà là Cung phi vương phủ tức là phi của một vị chúa nào đó sống
cách thời Vua Ngô Quyền chừng 700 năm chứ không phải phi của Ngô Quyền. Kết quả
nghiên cứu nói trên do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến thực hiện và báo cáo
trong Hội thảo khoa học "Vua Ngô Quyền với Cổ Loa", sau đó được in
thành sách với tên như trên vào năm sau, 2014 do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam
ấn hành.
Hậu nhân
Rặng duối cổ ở thôn Cam Lâm thuộc Đường Lâm. Tương truyền Vua
Ngô Quyền đã buộc voi chiến và ngựa chiến ở đây.
Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập: Là con trai trưởng của Ngô
Quyền, sinh ra vào khoảng thập niên thứ hai của thế kỉ 10. Tiền Ngô Vương truyền
ngôi cho Ngô Xương Ngập nhưng bị Dương Tam Kha cướp ngôi, Xương Ngập phải bỏ trốn.
Năm 950, Dương Tam Kha bị lật đổ, ông được em là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn
đón về, hai anh em cùng làm vua. Năm 954 ông mất.
Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn: Là con trai thứ hai của vua Ngô
Quyền, mẹ là Dương hậu. Ông làm đảo chính, phế truất Dương Bình Vương, trung
hưng lại cơ nghiệp nhà Ngô. Trị vì cùng với anh là Thiên Sách Vương từ năm 950
đến năm 954, sau đó ông một mình trị nước từ năm 955 đến năm 965 thì mất. Nhà
Ngô sụp đổ.
Ngô Nam Hưng: Là con trai của vua Ngô Quyền, mẹ là Dương hậu.
Không được sử sách đề cập thêm.
Ngô Càn Hưng: Là con trai của vua Ngô Quyền, mẹ là Dương hậu.
Không được sử sách đề cập thêm.
Hiện nay ở quê hương Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có đền và
lăng thờ vua Ngô Quyền. Ngoài ra còn có gần 50 nơi khác có liên quan thờ Vua Ngô
Quyền và các tướng lĩnh thuộc triều đại Ngô Vương, trong đó nhiều nhất thuộc
vùng đất Hải Phòng (34 di tích), Thái Bình (3 di tích), Hà Nam (1 di tích), Phú
Thọ (1 di tích), Hưng Yên (3 di tích).
Đền thờ và lăng Vua Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm,
thị xã Sơn Tây là một địa chỉ du lịch và tâm linh nổi tiếng của làng cổ này. Đền
được xây dựng bằng gạch, lợp ngói mũi hài, quay về hướng đông, có tường bao
quanh. Qua tam quan, hai bên có tả mạc, hữu mạc, mỗi dãy nhà gồm năm gian nhỏ.
Đại bái có hoành phi khắc bốn chữ "Tiền Vương bất vọng".
Ngày nay tòa đại bái được dùng làm phòng trưng bày về thân
thế, sự nghiệp của Vua Ngô Quyền và nhà triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Hậu
cung kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁), có tượng Ngô Quyền, đã được tu tạo
vào năm 1877. Lăng Vua Ngô Quyền có mái che, cao 1,5 mét, bia đá được khắc thời
Tự Đức, có ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương lăng". Tiền Ngô vương lăng
đã được trùng tu năm 2013 với vốn đầu tư trùng tu lăng là 29 tỉ đồng, trong đó
gia tộc họ Ngô đóng góp 30%.
Trước năm 1945, đền thờ Vua Ngô Quyền có hai mẫu ruộng do ba
xóm Đông, Tây, Nam của làng Cam Lâm thay nhau cấy lúa để sửa soạn tế lễ. Lễ vật
gồm một con lợn nặng 50 kg, 30 đấu gạo nếp để thổi xôi, trầu cau, hương hoa…
Trong hai ngày tế lớn (14 và 15 tháng 8 âm lịch), làng cử một thủ từ và tám tuần
phiên để canh gác nhà thờ.[34]
Tại thành phố Hải Phòng có nhiều di tích gắn liền với Vua
Ngô Quyền cùng với chiến thắng năm 938. Tương truyền trước khi đánh quân Nam
Hán, Vua Ngô Quyền đã đóng đại bản doanh, chiêu binh tập mã ở khu vực Từ Lương
Xâm (nay thuộc quận Hải An Hải Phòng), khu vực Vườn Quyến ( quận Ngô Quyền)
tương truyền xưa kia từng là nơi Vua Ngô Quyền cho binh sĩ tập luyện để chuẩn bị
chiến đấu, tại đây Vua Ngô Quyền đã cho bắc một cây cầu gọi là cầu Gù nối liền
doanh trại với làng Đông Khê để thuận tiện cho việc đi lại và tiếp tế của nghĩa
quân và nhân dân.
Nhân dân các làng quanh khu vực nghĩa quân đóng trại cũng đã
hăng hái xung phong làm quân cận vệ và tham gia vào công việc chuẩn bị, gọt đẽo
và đóng những cọc gỗ xuống lòng sông Bạch Đằng để đánh quân Nam Hán. Hằng năm
vào trung tuần tháng hai âm lịch, đình, miếu các làng ở quanh khu vực này đều mở
hội, cúng tế rất linh đình, ngoài ra còn có hát ả đào, hát chèo, múa hạc gỗ và
nhiều trò dân gian khác. Quanh khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng có đến hơn 30 đền
miếu thờ Vua Ngô Quyền và các tướng của ông, trong đó nhiều nhất là ở thành phố
Hải Phòng.
Các đền miếu thờ tự Ngô Quyền
Tiền Ngô Vương
lăng (Cam Lâm, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).
Đền Già (Dị Chế,
Tiên Lữ, Hưng Yên): thờ Vua Ngô Quyền và Hoàng hậu Dương Thị Vy.
Đền Vương (Thị trấn
Vương, Tiên Lữ, Hưng Yên): thờ Vua Ngô Quyền và Hoàng hậu Dương Thị Vy.
Đình làng Nghĩa Chế
(Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên): thờ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn.
Đình Hiền Lương
(An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội): thờ Ngô Quyền.
Đình Thượng Tiết
(Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội): thờ Ngô Quyền.
Từ Lương Xâm (Nam
Hải, An Hải, Hải Phòng) đại bản doanh của nghĩa quân: thờ Ngô Vương Quyền cùng
các tướng lĩnh.
Tượng đài Vua Ngô
Quyền (Nam Hải, An Hải, Hải Phòng).
Đền thờ Vua Ngô
Quyền (Thị trấn Mỹ Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền.
Đền Trạng Chiếu (Hải
Triều, Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình): thờ Vua Ngô Quyền và Phạm Đôn Lễ.
Đền thờ Vua Ngô
Quyền (Cam Lâm, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội): thờ Ngô Quyền.
Đình Hải Triều
(Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình): thờ Ngô Quyền.
Đình An Trì (Hùng
Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập.
Đình Lạc Viên (108
Lạc Xuân Đài, Lạc Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền.
Đền Chẹo (Nam Cường,
Tam Nông, Phú Thọ): thờ Ngô Quyền.
Đình Ngô Xá (Nguyễn
Xá, Bồ Đề, Bình Lục, Hà Nam): thờ Vua Ngô Quyền và Hoàng hậu Dương Thị Vy.
Đình Ninh Xá, xã Lê Ninh, TX Kinh Môn, Hải
Dương thờ Vua Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Đình Đông Khê, phường
Đông Khê, quận Ngô Quyền, tp Hải Phòng: Thờ Ngô Vương Thiên Tử cập tùy tòng bộ
chúng
Đình Phụng Pháp,
phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, tp Hải Phòng: Thờ Ngô Vương Quyền
Đình Nam Pháp, phường
Đằng Giang, quận Ngô Quyền, tp Hải Phòng: Thờ Ngô Vương Quyền
Đình Hàng Kênh,
phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, tp Hải Phòng: Thờ Ngô Vương Quyền
Miếu Trung Hành,
phường Đằng Lâm, quận Hải An, tp Hải Phòng: Thờ Ngô Vương Quyền
Miếu Xâm Bồ, phường
Nam Hải, quận Hải An, tp Hải Phòng: Thờ Ngô Vương Quyền. Ngoài ra các di tích
đình miếu thuộc các làng cổ tại Quận Hải An, tp Hải Phòng đều thờ Đức Ngô Vương
Thiên Tử làm thánh thành hoàng.
Nhiều đường phố mang tên Vua Ngô Quyền như tại quận Hoàn Kiếm
và Hà Đông, Hà Nội, thành phố Thanh Hóa, thị xã Quảng Yên, thành phố Đà Nẵng,
thành phố Quy Nhơn... Tên ông cũng là tên của một quận nội thành của Hải Phòng.
Nhiều trường học ở Việt Nam cũng mang tên Ngô Quyền.