Vạn Hà và nhiều địa phương khác, những nơi danh tướng Cao Lỗ đến khai khẩn đất đai - đều lập đền thờ ông và tôn ông làm Thần Hoàng. Nghè 3 xã ở khu đất chợ Vạn (làng Kiến Hưng bây giờ) chính là nơi thờ ông Cao Lỗ (vì kiêng tên gọi Thần Hoàng nên nhân dân địa phương tránh gọi từ “lỗ”, thay bằng từ “hốc”).
Phường Vãn Hà có thời còn được gọi là phường Vạn Phúc, nơi
đây còn lưu truyền câu ca:
Chàng về Vạn, Vạc chàng ơi
Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng
Từ lúc sơ khai, ngoài 3 làng Vạn cũ, sau này còn có làng
Vĩnh Điện (còn gọi là làng Vạn Đền). Làng Vạn có nhiều ao hồ, cây sen mọc đầy,
hoa lá xanh tươi, xanh ngắt 4 mùa. Về sau, dân số phát triển đông đúc, làng Vạn
tách ra thành 3 thôn: thôn Kính Thượng (ở phía trên), có thời còn gọi là Kính Cẩn
(nay là Trí Cẩn), thôn Kiến Trung (ở giữa) (nay là Kiến Hưng) và thôn Đông Triều
(phía Đông), có thời còn gọi là Đông Minh và Đông Dương (nay là Dương Hòa).
Làng Trí Cẩn
Căn cứ vào tộc phả họ Lê thì sau khi dân số đông phường Vãn
Hà chia ra làm 3 thôn, trong đó có thôn Kính Thượng (theo truyền thuyết ngay từ
đời Vĩnh Khánh thứ 3 (thời hậu Lê - 1731), làng đã có tên là Kính Thượng). Đến
thời Nguyễn, đời vua Minh Mệnh thứ nhất (1820), làng đổi tên là Trí Cẩn. Cho đến
nay, làng có 19 dòng họ, đó là họ Lê (6 họ), Nguyễn (7 họ Nguyễn), Trần (3 họ),
Trịnh (1 họ), Hoàng (1 họ), Đỗ (1 họ). Thuở ban đầu, mới là một xóm nhỏ ven
sông Chu, trải qua thời gian, từ đời này sang đời khác, các dòng họ cùng nhau
chung sống, xây dựng nên một làng quê phồn thịnh, sung túc.
Ngày nay, phía đông làng Trí Cẩn giáp làng Kiến Hưng, phía
nam giáp đê sông Chu, phía bắc giáp làng Đỉnh Tân (xã Thiệu Phú), phía tây giáp
làng Mật Thôn (xã Thiệu Phúc).
Trước Cách mạng tháng 8-1945, làng có khoảng 200 hộ với 800
nhân khẩu, từ sau cách mạng đến nay, dân số trong làng tăng nhanh do điều kiện
sống được cải thiện. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, làng có một số
hộ tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế, cụ thể: đến xã Thiệu Công là 31 hộ, đến
xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc là 29 hộ, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân là 37
hộ.
Thời Pháp thuộc, kinh tế thấp kém, người dân thường ở trong
nhà tranh tre, nứa lá, cơm ăn ngày 2 bữa độn ngô, khoai, sắn. Đường làng ngõ
xóm nhỏ hẹp, lầy lội, cả làng không có giếng nước, ăn uống, sinh hoạt người dân
đều dùng nước sông Chu.
Dân làng Trí Cẩn sống bằng nông nghiệp, 1 năm 2 vụ lúa chiêm
mùa. Vụ mùa trồng lúa, vụ chiêm trồng ít lúa nhiều màu (bông, cà, mía, dưa chuột,
củ đậu…). Vào những lúc nông nhàn, người dân làm thêm một số nghề phụ như nuôi
tằm, ươm tơ, dệt vải, hàng sáo, hàng xén, làm bánh đa, thợ mộc, dạy học, bốc
thuốc…
Tuy đời sống khó khăn nhưng người dân Trí Cẩn vẫn chuyên cần
hiếu học và học giỏi. Có nhiều người đỗ đạt và làm quan to, tiêu biểu là ông
Nguyễn Quang Minh, đậu Tiến sỹ thời Hậu Lê, ông làm quan đến chức Tả Thị Lang Bộ
Lại. Ông có công giúp dân vượt qua cơn hoạn nạn nên khi mất được dân Phù Lỗ
(Đông Anh, Hà Nội) lập thờ làm phúc thần và có đôi câu đối ca ngợi ông:
Vãn Hà bất một cao danh bảng
Phù Lỗ phục sinh đại phúc thần
Thời Pháp thuộc, đa số dân làng thất học, chỉ có một số ít
người được đi học nhưng cũng đậu bằng Sơ học yếu lược, tiêu biểu là các ông Lê
Thiện Phẩm, Lê Văn Mươi, Lê Xuân Sênh, Lê Xuân Nhị… Đậu bằng Prime có các ông
Lê Văn Hinh, Lê Văn Hiệp, Lê Văn Cát, Lê Xuân Huyên… Đậu Điplôm có các ông Lê
Văn Hiệp, Lê Xuân Thơm.
Dân cư Trí Cẩn hầu hết duy trì phong tục thờ cúng tổ tiên
làm tín ngưỡng chính. Ngoài ra, người dân còn thờ phụng thủy tổ thành lập làng
và các anh hùng dân tộc, các vị thần theo tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng này
thể hiện qua các công trình văn hóa đình, chùa, nghè… từng hiện diện trong
làng.
Các tục lệ cưới xin, ma chay đều diễn ra theo quy định của lệ
làng: cưới vợ phải có giấy giá thú do hương bạ cấp. Lễ cưới diễn ra theo các tục
lệ nạp “cheo” cho làng, làm lễ rước dâu, lễ tơ hồng, lễ lại mặt… Ngày Tết có tục
lệ đến nhà nhau chúc Tết mở hàng, mừng tuổi người già và trẻ nhỏ…
Hàng năm, vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch) dân làng tổ chức
tế Thần hoàng ở đình làng. Ông chủ tế được dân làng cử ra cùng 2 ông phụ tế để
xướng đông, xướng tây. Trong lễ hội, ngoài chiêng trống còn có phường bát âm phục
vụ. Lễ hội mang lại những phút giây thư giãn sau những ngày lam lũ, đồng thời
cũng là dịp quyên góp để xây dựng một công trình văn hóa nào đó…
Ngày 22-2 và ngày 16-8 (âm lịch) hàng năm, làng tổ chức hội
“rước bóng”. Trong phần lễ, có các hoạt động rước kiệu bát cống, kiệu long đình
diễn ra rất trang nghiêm, sau đó đến phần hội với các tiết mục hát chầu văn và
các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Cũng giống như các làng khác trong thị trấn Vạn Hà, dân làng
Trí Cẩn cũng thờ Linh Quang Đại Vương Cao Lỗ làm Thần Hoàng làng trong đình.
Đình cũng là nơi hội họp để chức sắc bàn việc làng và là nơi vui chơi giải trí
mùa lễ hội.
Chùa làng Trí Cẩn được xây dựng tại đồng Dưa, tuy quy mô nhỏ
nhưng mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ. Bên cạnh chùa có gốc cáo cổ thụ. Vào
ngày rằm và mùng 1, dân làng đến thắp hương và cúng bái rất đông.
Ngoài đình, chùa, làng Trí Cẩn còn có phủ, nghè, Văn chỉ, Võ
chỉ, điếm… điều đó thể hiện nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của
người dân làng Trí Cẩn.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân làng
Trí Cẩn hăng hái đi theo tiếng gọi của Đảng, đứng lên làm cách mạng, cầm súng
đánh giặc giữ nước, giữ bình yên thôn làng.
Hòa bình lập lại, nhân dân làng Trí Cẩn lại bắt tay vào khôi
phục và phát triển kinh tế theo đường lối của Đảng, đời sống ngày một nâng cao,
quê hương ngày thêm đổi mới, giàu đẹp.
Ngày 25-12-2000 làng Trí Cẩn long trọng tổ chức lễ khai
trương xây dựng làng văn hóa. Năm 2005, làng Trí Cẩn vinh dự được công nhận
danh hiệu Làng Văn hóa cấp huyện. Ngày 9-12-2003 làng Trí Cẩn khởi công xây dựng
lại đình làng, đến ngày 2-9-2004 đình làng được khánh thành. Tổng kinh phí xây
dựng 315 triệu đồng. Trong đó nhân dân đóng góp 204 triệu đồng, ngân sách địa
phương hỗ trợ 97 triệu đồng, hợp tác xã dịch vụ và nông nghiệp Thiệu Hưng hỗ trợ
14 triệu đồng.
Làng Kiến Hưng
Làng Kiến Hưng được tách ra từ phường Vãn Hà. Từ ban đầu đến
trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có tên gọi là làng Kiến Trung, từ đầu năm
1946, khi xã Vãn Hà được thành lập thì làng Kiến Trung được đổi tên là làng Kiến
Hưng cho đến ngày nay. Làng Kiến Hưng nằm giữa hai làng Dương Hòa và Trí Cẩn.
Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho giao thông, trồng trọt, có
đường mòn xuyên qua giữa làng theo hướng bắc - nam (nay là Quốc lộ 45), có chợ,
có bến sông, bến đò, có nghè ba xã.
Ngày nay, phía tây làng Kiến Hưng giáp làng Trí Cẩn, phía
đông giáp làng Dương Hòa, phía nam giáp sông Chu, phía bắc giáp làng Vĩnh Điện
(xã Thiệu Phú).
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng có tên gọi là Kiến
Trung, thuộc tổng Mật Vật, phủ Thiệu Hóa. Làng có 9 dòng họ (họ Lê là lớn nhất)
cùng nhau sinh sống thuận hòa, tương thân tương ái, dưới sự quản lý của hội đồng
lý hương.
Trên đất làng, các công trình văn hóa như đình, nghè, chùa…
được xây dựng, phản ánh đời sống tâm linh rất phong phú của cư dân vùng này.
Nghè thờ Linh Quang Đại Vương Cao Lỗ (nghè xây trên đất chợ
Vạn hiện nay), tương truyền đây là nơi đầu tiên Linh Quang Đại Vương đặt chân
nghỉ lại. Sau khi ngài Cao Lỗ hóa, tưởng nhớ công ơn của Ngài dân làng xây dựng
nghè để thờ vị. Không rõ nghè được xây dựng khi nào nhưng dấu ấn trùng tu cuối
cùng vào năm 1810. Nghè được thiết kế theo hình chữ “Nhị”, bao gồm 3 gian chính
tẩm, 5 gian tiền đường. Sân nghè rất rộng, phía trước có cổng tam quan, kiến
trúc cầu kỳ. Phía tây bắc nghè là hai cây đa cổ thụ, tán rộng, tỏa bóng xum
xuê, tạo cho nghè cảnh quan uy nghi, trầm mặc.
Đình làng cũng không rõ thời gian xây dựng. Đình thờ Thần
Hoàng làng là Linh Quang Đại Vương Cao Lỗ, có kiến trúc đồ sộ với những cột
đình lớn. Đình cũng được thiết kế theo hình chữ “Nhị”, bên trong là chính tẩm,
bên ngoài là tiền đường rộng rãi làm nơi hành lễ.
Phía hữu đình là nơi làm việc của Hội đồng hương lý và 1 cồn
đình rộng - nơi diễn ra các hoạt động thể thao, văn nghệ của dân làng, phía tả
là nơi để trống làng, kiệu cờ, lộng, giáo kích... Ngày 15-11-2002, đình làng được
khởi công xây dựng lại và hoàn thành vào ngày 6-8-2003. Tổng kinh phí xây dựng
274 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 152 triệu đồng, ngân sách địa phương
hỗ trợ 88 triệu đồng và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ 34 triệu đồng.
Chùa làng Kiến Hưng tọa lạc ngay phía sau đình làng, bước
qua cổng hậu đình. Chùa có tháp chuông chồng lên cổng chùa, chuông to và rất nặng.
Văn chỉ nối liền với chùa, là nơi họp thường lệ của làng
văn. Văn chỉ gồm 2 nhà, nhà ngoài 4 gian để trống làm nơi hội họp, nhà trong để
bàn nhang. Võ chỉ được xây dựng rất uy nghi, có tường rào bao bọc dùng để thờ
các vị tướng và là nơi sinh hoạt của làng binh.
Miếu nhà thánh thờ những người học vấn cao trong làng. Miếu
gồm một nhà 3 gian, gỗ lim lợp ngói, có một bia đá lớn khắc chữ 2 mặt…
Mùng 7 tết làng tổ chức lễ tế Thần hoàng ở ngoài đình. Chủ tế,
phụ tế do Hội đồng lý hương cử ra. Ngày tế Thần hoàng, từ cổng đình đến các đường
làng, cờ lộng dăng dăng, dân làng nhộn nhịp, chiêng chống, bát âm rền vang. Sau
phần nghi lễ, dân làng đốt pháo ăn mừng, chia phần xôi thịt cho tất cả những ai
đã vào làng. Cũng trong dịp này, trai làng đến 18 tuổi soạn lễ ăn xin làng, những
người ăn xin làng cùng năm gọi là đồng niên.
Trong mỗi dòng họ đều có nhà thờ họ. Nhân dịp năm mới, sau
khi cúng lễ gia tiên tại nhà, mọi người thường đến nhà thờ họ thắp hương để nhớ
về nguồn cội. Đây là một nét đẹp mà người dân Kiến Hưng luôn phát huy.
Dân làng Kiến Hưng sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trước Cách
mạng tháng 8-1945, mỗi năm cấy được 1 vụ không ăn chắc do phải phụ thuộc nhiều
vào thiên nhiên. Những nơi không cấy được có trồng lúa lốc, năng suất thấp, có
nơi cấy được lúa chiêm (giữa dù) là nơi thấp trũng nhất của đồng Kếch. Ngoài
ra, người dân còn trồng thêm hoa màu như bông, lạc, ngô, khoai… Lúc nông nhàn
thì ươm tơ dệt lụa và làm các nghề khác để nâng cao đời sống.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng dân làng Kiến Hưng vẫn
phát huy truyền thống của một vùng quê nghèo hiếu học, có nhiều người đỗ đạt
cao như cụ Ngô Xuân Nhàn, cụ đỗ đầu thi Hương thời Tự Đức (năm thứ 16), được bổ
làm quan tại Bắc Ninh, cụ Phạm Huy Cứ (ông tổ họ Phạm) - đời Cảnh Hưng được phong
Tráng liệt Tướng quân, sau đó được phong Phấn liệt Tướng quân; cụ Lê Công Thụy
(ông tổ họ Lê) được bổ nhiệm làm Tri huyện Thiên Bản; cụ Hoàng Hữu Đạo (ông tổ
họ Hoàng) - thời Hậu Lê được tặng danh hiệu Đệ nhất hạng chi thần chủ… Các cụ kể
trên hiện còn sắc phong tại nhà thờ họ của các dòng họ.
Thực dân Pháp xâm lược nước ta và thi hành chính sách ngu
dân, mở trường học ít hơn nhà tù. Tuy nhiên, làng vẫn có người theo học và thi
đậu tương đương cấp Tiểu học, lớp 9 bây giờ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân
dân làng Kiến Hưng không tiếc sức mình, đóng góp sức người, sức của để giành độc
lập cho dân tộc cho mình, cùng dựng xây quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Thực hiện chủ trương của Đảng về định cư phát triển kinh tế,
năm 1963 làng đã vận động được 75 hộ đi định cư gồm: thôn Hưng Long (xã Thiệu
Long) có 42 hộ, Thành Giang (xã Thiệu Thành) có 24 hộ, xã Ngọc Phụng (huyện Thường
Xuân) có 11 hộ.
Ngày 22-4-2002, Kiến Hưng long trọng tổ chức lễ khai trương
xây dựng làng văn hóa. Năm 2004, Kiến Hưng vinh dự được nhận danh hiệu Làng văn
hóa cấp huyện.
Làng Dương Hòa
Sau khi tách ra từ phường Vãn Hà, thôn Đông Triều được đổi
là thôn Đông Minh. Đến thời Minh Mệnh lại đổi tên thành thôn Đông Dương. Cách mạng
tháng 8-1945 thành công, lại được đổi thành thôn Dương Hòa và giữ tên gọi đó
cho đến nay.
Ngày nay, phía đông làng giáp xã Thiệu Nguyên, phía tây giáp
làng Kiến Hưng, phía nam giáp đê sông Chu, phía Bắc giáp làng Vĩnh Điện (xã Thiệu
Phú). Trong làng, có hồ nước ngọt Thiên Trụ rộng 7 mẫu, được hình thành tự
nhiên, tạo cho làng cảnh quan kỳ thú, sơn thủy hữu tình. Dân làng đã khai thác
tiềm năng mặt nước hồ (trồng rau) và nuôi thả cá. Hồ Thiên Trụ không những mang
lại nguồn lợi kinh tế lớn mà còn đi vào trong tâm trí mỗi người dân nơi đây.
Thời xa xưa, nhân dân nơi đây cùng chịu chung cảnh bị đọa
đày, áp bức. Không chịu cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân đã hưởng ứng ngọn cờ
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung. Vượt lên trên tất cả,
con em Dương Hòa vẫn vượt khó học giỏi, thi cử đỗ đạt cao, làm quan trong triều,
tiêu biểu như các danh nhân Nguyễn Quán Nho, Trịnh Cao Đệ, Lê Văn Bình (đỗ Trạng
nguyên), Ngọ Phúc Thành, Ngọ Thuận Chất, Ngọ Phúc Toàn, Lê Văn Bi (đỗ Cử nhân)…
Trong đó, nổi tiếng nhất là tể tướng Nguyễn Quán Nho (1638-1708), ngày
12-8-1993, Nhà thờ cùng với khu mộ của ông đã được công nhận là di tích lịch sử
cấp quốc gia.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân làng
Dương Hòa đã đi theo các cuộc khởi nghĩa, giành tự do, giành cuộc sống cho
mình. Tiêu biểu như các ông: Nguyễn Quán Huệ (cháu đời thứ 9 của tể tướng Nguyễn
Quán Nho) tham gia phong trào Văn thân, ông Đào Văn Kiểm - tham gia cuộc khởi
nghĩa, ông phụ trách quân lương ở 3 huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa và Bá Thước…
Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập,
đánh dấu một mốc son chói lọi trong phong trào giải phóng dân tộc. Nhân dân
làng Dương Hòa hăng hái đi theo tiếng gọi của Đảng, làm nên cuộc Cách mạng
tháng Tám năm 1945 vĩ đại và tiếp bước vào cuộc trường chinh 9 năm kháng chiến
chống Pháp thắng lợi (1946-1954).
Tiếp đó, nhân dân Dương Hòa lại hăng hái vừa sản xuất phát
triển kinh tế, xây dựng quê hương, vừa góp sức cùng nhân dân miền Nam đánh tan
giặc Mỹ xâm lược (1954-1975). Trong giai đoạn đấu tranh đầy gian khổ đó, nhân
dân Dương Hòa đã tham gia nhiều phong trào sản xuất, tiêu biểu như vận động
nhân dân đi xây dựng kinh tế mới (trong phong trào này, thôn đã vận động được
55 hộ, 31 hộ đến Đông Hòa Thiệu Duy và 24 hộ đến Ngọc Phụng Thường Xuân).
Cũng giống như đa số làng quê khác, Dương Hòa có
một ngôi đình cổ, xây dựng năm 1882 để thờ phụng và là nơi dân làng hội họp vào
các dịp lễ, tết. Đình làng Dương Hòa thờ Linh Quang Đại Vương Cao Lỗ. Ngoài
đình, làng Dương Hòa còn có một ngôi nghè,
được xây dựng cùng thời điểm với ngôi đình, thờ thủy thần “Long Quy Đại
Vương”.
Năm 1932, dân làng đóng góp tiền của và công sức để xây dựng
1 ngôi phủ đường thờ đức Thánh mẫu “Liễu Hạnh công chúa”. Phủ đường gồm 3 gian
võ chỉ quay hướng tây nam để thờ các võ tướng do làng binh chủ trì; nhà thờ đá
3 gian hướng đông để làng thờ Tiến sỹ Trịnh Cao Đệ.
Hàng năm, vào ngày 7 tháng Giêng, làng tổ chức hội du xuân cầu
phúc ở ngoài đình, lễ vật được lấy từ hoa lợi ở ruộng công điền. Lễ hội diễn ra
trong tiết trời xuân ấm áp với các nghi lễ cầu mong 1 năm mưa thuận gió hòa,
mùa màng bội thu… Ngày rằm tháng Giêng, chùa làng tổ chức lễ lượn phướn Phật đản
với lễ vật là hoa quả, xôi oản. Lễ hội thu hút đông đảo dân làng là những phật
tử tham gia.
Tết Trung thu, làng tổ chức lễ Thánh mẫu ở Phủ đường do Hội
đồng lý hương chủ trì. Nghi lễ được tiến hành khá công phu như tổ chức khiêng
kiệu, rước bóng từ phủ đường và xung quanh làng. Tối đến tụ tập ở phủ đường để
hầu bóng và hát văn, các trai làng còn tổ chức thi đấu vật, các cô gái thì tổ
chức thi hát ghẹo bằng các làn điệu dân ca, nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng
vào dịp này.
Lê Văn Tuấn, Phó Bí Thư Đảng ủy Thị trấn Vạn Hà
Nguồn: Trang thông tin điện tử Thị trấn Thiệu Hóa