Vua tên húy là Triệu Quang Phục, sau khi lên ngôi vua gọi là Triệu Việt Vương (524 – 571), người huyện Chu Diên, nay là tỉnh Hải Dương và một phần tỉnh Hưng Yên, là con trai của Thái phó Triệu Túc – một lão tướng thời Lý Nam Đế.
Đình Phù Sa, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô thờ Triệu Việt Vương.
Triệu Quang Phục là người có công lớn trong việc lãnh đạo
nhân dân giúp Lý Bí đánh đuổi giặc xâm lược nhà Lương (542 – 543) và giữ nền độc
lập cho nước Vạn Xuân.
Năm 544, Lý Bí tuyên bố dựng nước Vạn Xuân, lên ngôi vua,
xưng Nam Việt Đế, sử sách gọi là Lý Nam
Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt triều đình bách quan văn võ. Triệu Quang Phục
được phong làm Đại tướng.
Năm 545, tướng giặc nhà Lương đem đại quân đánh chiếm Giao
Châu, Trần Bá Tiên dẫn cánh quân từ Phiên Ngung, đi đường thủy, nhanh chóng tiến
vào Giao Châu; Dương Phiêu đưa đại quân đi đường bộ, đánh chiếm Hợp Phố, rồi tiến
vào Giao Chỉ (miền bắc nước ta ngày nay). Bị đánh bất ngờ, Lý Nam Đế đem quân
chống lại không được bèn rút về giữ thành Gia Ninh (thuộc Bạch Hạc – Việt Trì).
Năm 546, tướng giặc
bao vây đánh thành Gia Ninh, Lý Nam Đế cùng các tướng lĩnh rút khỏi Gia Ninh
vào vùng Động Lão (Vĩnh Phúc ngày nay).Tháng 8 năm 546, Lý Nam Đế và các tướng
lĩnh đưa 2 vạn quân từ Động Lão ra hồ Điển Triệt (Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày
nay), đóng nhiều thuyền chiến định mở trận đánh lớn với giặc.
Nhưng một đêm nước lũ tràn về, nước sông đổ vào hồ như thác.
Lợi dụng cơ hội ấy, tướng giặc là Bá Tiên dốc quân tiến vào vùng hồ, quân của
Lý Nam Đế không đối phó kịp phải rút khỏi hồ vào Động Khuất Lão ( Tam Thanh,
Vĩnh Phúc ngày nay). Lý Nam Đế và triều đình ở lại Khuất Lão và trao quyền tướng
súy cho Triệu Quang Phục cầm quân đánh giặc.
Năm 547 (tháng giêng âm lịch), Triệu Quang Phục đem hơn hai
vạn quân từ Khuất Lão tiến ra, kéo giặc xuống đồng bằng để đánh. Ông đóng quân
trong đầm Dạ Trạch (thuộc xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay), lấy đó
làm căn cứ để chiến đấu lâu dài.
Theo sử sách cũ và truyền miệng trong nhân gian thì đầm Dạ
Trạch rất rộng, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, giữa đầm có bãi đất nhô cao ở
được, bốn bề bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ, đẩy
bằng sào, đi lướt trên cỏ nước mới vào được.
Triệu Quang Phục cho quân ban ngày án binh bất động, tuyệt đối
không để lộ khói lửa, ban đêm đưa thuyền độc mộc ra đánh úp trại giặc, lần nào
cũng bắt, giết được nhiều tên giặc, lấy được nhiều lương thực để đánh cầm cự
lâu dài.
Tướng giặc là Trần Bá Tiên không sao đánh phá nổi. Triệu
Quan Phục đã đóng quân ở đầm này gần bốn năm để đánh giặc vì vậy, sau này nhân
dân ta gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Tháng 3 năm 548, Lý Nam Đế mất tại động Khuất Lão.Trong khi
đó, Triệu Quang Phục từ Dạ Trạch tiến ra, đánh đâu được đấy. Sau khi Lý Nam Đế
mất, quân sỹ tôn Triệu Quang Phục lên ngôi vua, đóng ở thành Long Biên, xưng
làm Việt Vương. Ông đã đánh giặc dòng dã và cầm quyền trị nước suốt 23 năm (548
– 570).
Năm 571, Triệu Việt Vương bị quân của Lý Phật Tử đánh úp,
không đối phó kịp, ông nhảy xuống cửa biển Đại Nha (nay là xã Nam Điền, Nghĩa
Hưng, Nam Định) tự vẫn. Xưa nơi đây có tên là cửa Liêu hay cửa Đại Ác, sau đổi
thành Đại An sóng to gió dữ, tàu thuyền khó qua lại. Cửa biển Đại Nha là nơi
sông Đáy đổ ra biển, nay là ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định.
Tỉnh Ninh Bình ngày nay là nơi có nhiều di tích lịch sử văn
hóa thờ Triệu Quang Phục -Triệu Việt Vương để tưởng nhớ công ơn của người anh
hùng dân tộc, đồng thời trong tâm thức của nhân dân ngài đã luôn hiển linh để
giúp đỡ, che chở, bảo vệ cho nhân dân.
Các di tích này chủ yếu nằm ở các vùng gần cửa sông, cửa biển
– nơi Triệu Việt Vương đã trẫm mình xuống để bảo toàn khí tiết như huyện Kim
Sơn nằm ngay cửa Đáy, huyện Yên Khánh
vùng đất cửa biển xưa, vùng văn hóa cửa biển Thần Phù huyện Yên Mô hoặc một số
di tích tại huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn- nơi con sông Đáy chảy qua.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 30 di tích lịch
sử văn hóa thờ Triệu Quang Phục – Triệu Việt Vương.
Huyện Yên Khánh có:
Đền Duyên Phúc, xã Khánh Hồng thờ Triệu Quang Phục, Lã Quang
Vinh (Tướng của Triệu Quang Phục);
Đình Tiên Tiến, xã Khánh Tiên thờ Triệu Quang Phục;
Đền thờ Triệu Việt Vương, thị trấn Yên Ninh thờ Triệu Việt
Vương và Trần Hưng Đạo, Quan lớn Hậu (Phạm Như Hằng - thời Lê Cảnh Hưng), các
danh nhân trong các dòng họ thôn Thu Đông;
Đền Tiên Yên và chùa Kim Rong, xã Khánh Lợi thờ Thờ Triệu Quang Phục và tướng Phùng Kim.
Huyện Yên Mô có:
Đình Phù Sa, xã Yên Lâm thờ Triệu Việt Vương ;
Đền Hương Thị, xã Yên Phong thờ Triệu Quang Phục,Tam vị
Thánh Hậu cung phi; Đền làng Phúc Lại, xã Yên Từ thờ Triệu Việt Vương;
Đền Nhân Phẩm, xã Yên Lâm thờ Thờ Áp lãng Chân Nhân, Triệu
Việt Vương, Cao Các Quý Minh Đại Vương, Lỗ Quốc Đại Vương, Thái Bảo Trinh Quốc
Công, Đệ tam Thủy Tề Long Vương…
Huyện Kim Sơn có:
Đền Trì Chính, xã Kim Chính thờ Triệu Quang Phục và 21 vị
Chiêu, nguyên, thứ, tân mộ;
Đền làng Yên Thổ, xã Yên Mật thờ Triệu Quang Phục và vị
Chiêu mộ Ngô Thế Ổn;
Đền Lưu Phương, xã Lưu Phương thờ Triệu Quang Phục và các vị
Chiêu mộ, Nguyên mộ, Thứ mộ, Tân mộ;
Đền làng Kiến Thái, xã Kim Chính thờ Triệu Việt Vương, Tả hữu
đô đài: Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc (Công thần dưới trướng Triệu Quang Phục), Chiêu
mộ Bùi Đăng Đức, Bán phụ chiêu mộ Nguyễn Đình Bích, Đức hiến giản họ Lê, Thành
hoàng làng;
Miếu làng Ứng Luật, xã Quang Thiện thờ Triệu Việt Vương, Thần
bản thổ, Thần Hùng Đô Đại Tướng Quân, Chiêu mộ Trần Duy Thâu;
Đình Thượng Kiệm, xã Thượng Kiệm thờ Triệu Quang Phục, Nguyễn Bá Thạc, cụ chiêu mộ
Nguyễn Gia Miêu; Đền Chất Thành, xã Chất Bình thờ Triệu Quang Phục, các chiêu mộ:
Phạm Văn Toàn, Bùi Văn Nhân, Hương Qua, cụ cử Phạm Văn Tiến;
Đền làng Yên Thổ, xã Yên Mật thờ Triệu Quang Phục, chiêu mộ
Ngô Thế Ổn;
Đền làng Chỉ Thiện, xã Xuân Thiện, thờ Triệu Việt Vương, Thần
bản thổ; Miếu Giáp Tam, xã Quang Thiện thờ Triệu Quang Phục.
Ngoài ra, một số di tích trên địa bàn huyện Gia Viễn, Hoa Lư
thờ cúng Triệu Việt Vương như thành hoàng làng: Cụm di tích đình, đền, chùa Sào
Long, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn; Đền làng La Phù, đình làng La Phù, đền Bạch Cừ
xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư …
Triệu Việt Vương đã để lại danh thơm là một võ tướng tài đức,
một anh hùng cứu nước, một vị vua hết mình bảo vệ nền độc lập của đất nước, một
vị thần luôn che chở, bảo vệ cho nhân dân.
Tưởng nhớ công ơn của ông, nhiều nơi đã lập đền thờ, đặt tên
đường, trường học mang tên ông như ở các tỉnh Hưng Yên (quê hương ông), Nam Định
và Ninh Bình…Trong đó, tỉnh Ninh Bình là nơi có cả hệ thống di tích thờ Triệu
Quang Phục -Triệu Việt Vương gắn liền với các vùng cửa biển (cửa Đáy) và nơi
dòng sông Đáy chảy qua.
Vũ Thị Thu – Bảo tàng tỉnh