Đối với đất Hưng Yên, vua Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Lương là một trong những khúc tráng ca hào hùng trong truyền thống yêu nước, bảo vệ độc lập của nhân dân Hưng Yên.
Đền thờ Triệu Việt Vương ở Thôn Khúc Lộng, xã Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên
Trong tâm thức của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Hưng
Yên nói riêng Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) trước hết là một vị tướng trẻ
tài năng, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
Trước cảnh nhân dân bị đọa đày trong đau khổ bởi chính sách
vơ vét bóc lột hà khắc của chính quyền đô hộ nhà Lương, ông cùng với cha là Triệu
Túc tham gia cuộc khởi nghĩa của đức ngài Lý Bôn ngay từ những ngày đầu tiên.
Với những đóng góp to lớn, quan trọng vào cuộc chiến tranh
giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc, Triệu Quang Phục được vua
Lý Nam Đế ban chức Tả tướng quân. Đặc biệt, trong tình thế ngàn cân treo sợi
tóc, trước sự tồn vong của nước Vạn Xuân non trẻ và nền độc lập dân tộc, Triệu
Quang Phục đã được vua Lý Nam Đế ủy quyền cho lãnh đạo cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược Lương.
Tất cả những điều đó cho thấy, Triệu Quang Phục là một vị tướng
có tài năng quân sự đặc biệt, mà sau này chính cuộc đời và sự nghiệp với những
chiến công hiển hách của ông là minh chứng rõ nhất.
Thứ hai, Triệu Việt Vương là người trung quân ái quốc. Triệu
Việt Vương (Triệu Quang Phục) đã cùng đức ngài Lí Bôn (vua Lý Nam Đế) và các tướng
sĩ khác nam chinh bắc chiến, vào sinh ra tử, trải qua bao trận quyết chiến với
kẻ thù. Chiến trường đã trở thành trường học để Triệu Việt Vương (Triệu Quang
Phục) rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm, đồng thời đó cũng là thước đo thể hiện sự
trung thành với vua Lý Nam Đế.
Năm 546, tại động Khuất Lão, vua Lý Nam Đế đã giao lại quyền
chỉ huy cuộc kháng chiến cho ông. Triệu Việt Vương đã dốc lòng, tận hiến phụng
sự Tổ quốc, đánh đuổi quân Lương không chỉ vì ông có lòng yêu nước, thương dân,
căm thù giặc sâu sắc mà đó còn là nhiệm vụ vua Lý Nam Đế giao phó.
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà
Lương, giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc cho nước Vạn Xuân, Triệu Việt Vương
đã làm tròn sứ mệnh, trách nhiệm nặng nề, thiêng liêng và cao cả, nối được nghiệp
lớn mà vua Lý Nam Đế để lại.
Thứ ba, trong tâm thức của nhân dân Hưng Yên, Triệu việt
Vương là đấng minh quân, có đức nhân nghĩa cao cả, giàu lòng yêu thương. Sau khi
đánh đuổi giặc Lương, Triệu Việt Vương đã cố gắng lựa chọn giải pháp để tránh một
cuộc nội chiến có thể kéo dài.
Sự kiện này được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Đinh
Sửu, năm thứ 10 (557) (Lương, Thái Bình năm thứ 2, Trần Vũ Đế Tiên, Vĩnh Định
năm thứ 1) Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông, đánh nhau với vua ở huyện Thái
Bình, năm lần giáp trận, chưa phân thắng phụ mà quân của Phật Tử hơi lùi, ngờ
là vua có thuật lạ, mới giảng hòa xin thề.
Vua nghĩ Phật Tử là họ của Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn
chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát thuộc huyện Từ
Liêm) cho ở phía Tây của nước, (Phật Tử) dời đến thành Ô Diên…”.
Triệu Việt Vương hiểu rõ những mất mát, đau khổ mà nhân dân
phải chịu khi đất nước có chiến tranh. Vì lẽ đó, Triệu Việt Vương đã đồng ý giảng
hòa với Lý Phật Tử, tránh đưa nhân dân vào một cuộc chiến với những tổn thất
không thể lường trước. Triệu Việt Vương hiểu rằng dù đất nước đã giành lại được
độc lập nhưng nguy cơ ngoại xâm từ các thế lực phong kiến phương Bắc vẫn luôn
thường trực.
Trong khi đó, nhân dân vừa mới thoát khỏi ách đô hộ với
chính sách vơ vét, áp bức và khủng bố dã man của nhà Lương chưa được bao lâu, lại
phải gồng mình tiếp tục cuộc kháng chiến chống chiến tranh xâm lược mới của nhà
Lương.
Tiếc rằng, có lẽ vì đức nhân nghĩa lớn, bởi tin lời thề với
Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương đã không phòng bị đối với người nhà họ Lý, khi bị
tấn công bất ngờ đã trở tay không kịp khiến cho nghiệp lớn không được dài lâu.
Triệu Việt Vương đi vào tâm thức của nhân dân không chỉ vì
những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc và nhân cách cao cả mà còn vì
cuộc đời và sự nghiệp của ông nhất là thời gian tổ chức kháng chiến tại chằm Dạ
Trạch đã có sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân.
Trong bối cảnh bị quân Lương ra sức bao vây tìm cách tiêu diệt,
Triệu Việt Vương phải dựa vào sức mạnh nơi quần chúng, phát huy sức mạnh của quần
chúng nhân dân để diệt giặc.
Ngót 4 năm kháng chiến gian khổ (547 - 550), những điều giản
dị, gần gũi của vị vua đầm Dạ Trạch đã giúp cho vua tôi đồng lòng, củng cố tăng
cường sự đoàn kết thống nhất và quyết tâm diệt giặc. Cũng vì vậy mà nhân dân đã
gọi Triệu Việt Vương là Dạ Trạch Vương, rất tôn kính và gần gũi.
Để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Triệu Việt Vương đối
với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, nhân dân Hưng Yên và các địa
phương khác đã xây dựng đền thờ.
Năm 2018, Hưng Yên đã xây dựng lại đền thờ Triệu Việt Vương
tại vị trí đền thờ trước đây đã bị hư hại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
có 10 địa phương tôn thờ Triệu Việt Vương làm Thành hoàng. Tại những di tích
này, còn lưu giữ được thần tích ghi chép về cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn
của Triệu Việt Vương.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều thần tích về Đức thánh Chử Đồng
Tử và Nhị vị phu nhân tại các di tích ở Hưng Yên có ghi về thân thế, sự nghiệp
vẻ vang của Triệu Việt Vương.
Sự xuất hiện của Triệu Việt Vương bên cạnh Đức thánh Chử Đồng
Tử và Nhị vị phu nhân đã góp phần lan tỏa hình tượng Triệu Việt Vương trong tâm
thức, đời sống văn hóa của nhân dân Hưng Yên.
Cùng với thần tích, sắc phong của các triều đình phong kiến
ban cho Triệu Việt Vương là một di sản vô cùng quý giá. Nhân dân tôn vinh, ghi
nhớ công ơn của Triệu Việt Vương, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cũng
ghi nhận sự hiển linh của thần mà ban tặng, gia phong thêm các mỹ tự đẹp đẽ gắn
với công lao của thần với nhân dân địa phương cũng như đối với dân tộc.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ 29 đạo
sắc phong từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn của các nhà nước phong kiến ban
cho Triệu Việt Vương... Điều này càng củng cố, làm sâu sắc thêm hình tượng Triệu
Việt Vương trong tâm thức nhân dân Hưng Yên.
Thôn Khúc Lộng, xã Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên
Hàng năm, tại các di tích thờ Triệu Việt Vương, nhân dân địa
phương tổ chức lễ hội tưởng nhớ tri ân và tôn vinh công ơn của vị vua đầm Dạ Trạch
đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Những lễ hội đình đám, hội
hè liên quan tới Triệu Việt Vương đã trở thành phong tục tập quán truyền thống
được lưu truyền qua bao thế hệ.
Lễ hội không chỉ là nhu cầu đối với đời sống tinh thần mà
còn là cầu nối giữa vị thần Triệu Việt Vương với nhân dân địa phương, góp phần
gắn kết cộng đồng, giúp cho tình làng xóm, tình yêu quê hương đất nước thêm sâu
sắc.
Triệu Việt Vương đã trở thành một phần quan trọng trong nguồn
cội của quê hương. Nếu như trong lịch sử dân tộc, Triệu Việt Vương đã lãnh đạo,
đoàn kết lực lượng kháng chiến đánh đuổi giặc Lương thì ngày nay trong vai trò
của một vị thần Triệu Việt Vương là hình tượng thiêng liêng dẫn lối hành động của
cộng đồng vì những mục đích chung cao cả.
Thời gian lùi xa đã che mờ đi những cứ liệu về Triệu Việt
Vương và chiến tích đánh đuổi giặc Lương xâm lược thì cũng chính khoảng thời
gian đó, hình tượng Triệu Việt Vương trong tâm thức của người dân Hưng Yên ngày
càng thêm sâu đậm, gắn bó. Đó là một vị dũng tướng trí, dũng song toàn, là đấng
minh quân rất mực nhân nghĩa, yêu thương nhân dân.
Cùng với đó, Triệu Việt Vương còn là hiện thân của một vị thần
đã che chở, bảo vệ nhân dân qua những thác ghềnh bão táp, những biến cố to lớn
của lịch sử dân tộc. Đó là hình tượng của sự kết hợp từ một nhân vật lịch sử có
thật với một vị thần linh ứng.
Sự kết hợp giữa yếu tố thực - lịch sử với yếu tố hư - thần
thánh hóa, trong đó yếu tố thực - lịch sử là hồn cốt, được dân gian tôn kính,
linh thiêng hóa, tạo dựng nên một Triệu Việt Vương cao cả và đẹp đẽ. Và chính
những tâm thức đẹp đẽ và cao cả như thế đã góp phần tạo nên những truyền thống
quý báu mà trên hết là truyền thống yêu nước, sống nhân nghĩa, thủy chung của
nhân dân Hưng Yên.
ThS. Đào Mạnh Huân
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Báo Hưng Yên