Hoàng đế phương Nam định đô ở Ngàn Hống (Hà Tĩnh), sau đó đóng Lỵ Sở ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), lấy hiệu Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Thần Long, con gái Động Đình Quân (hiện đền thờ ở đền Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ) sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi xưng là Lạc Long Quân.
https://twitter.com/vietnamhocHuyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) không chỉ là vùng đất nổi
danh với nghề làm tranh Đông Hồ, có nhiều ngôi chùa cổ với kiến trúc độc đáo
như Bút Tháp, Dâu, Keo…, có dòng sông Đuống từng đi vào thi ca và nhạc họa mà
còn được biết đến với một di tích lịch sử thiêng liêng, gắn với nguồn cội của
người dân đất Việt - Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương.
Lăng mộ Thủy tổ - Kinh Dương Vương
Khu di tích này thuộc thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện
Thuận Thành; tọa lạc giữa một bên là con đê ngăn lũ, một bên là sông Đuống đỏ
màu phù sa.
Trên hành trình xuôi đường từ làng tranh Đông Hồ về chùa Bút
Tháp, du khách sẽ bắt gặp tấm biển lớn có ghi: "Di tích Lịch sử Lăng Kinh
Dương Vương-Thủy tổ Việt Nam".
Theo các nguồn sử liệu, Thần Nông lấy Nữ Long sinh ra Viêm Đế.
Viêm Đế sinh ra Đế Minh. Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi tuần phương Nam đến
Ngũ Lĩnh lấy Vụ Tiên sinh là Lộc Tục.
Lộc Tục là bậc thánh trí thông minh, sức khoẻ phi thường,
tài đức hơn người. Đế Minh lập Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục
làm vua cai quản phương Nam xưng là Kinh Dương Vương.
Năm Nhâm Tuất (2879 trước Công nguyên), nước Xích Quỷ (tên
vì sao sáng đỏ rực bầu trời phương Nam trong dải Ngân hà) – Nhà nước sơ khai độc
lập chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta được lập nên.
Bờ cõi Xích Qủy khi ấy: Phía Bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam,
Trung Quốc), phía Nam giáp Hồ Tôn (Quảng Nam), phía Đông giáp bể Nam Hải, phía
Tây giáp Ba (Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Vua định đô ở Ngàn Hống (Hà Tĩnh), sau đó đóng Lỵ Sở ở Luy
Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Kinh Dương
Vương xuống Thủy phủ, lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc
Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương không biết đi
đâu. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc, Đế Lai nhân thiên hạ vô
sự mà đi chu du khắp nơi, đi qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy
phủ, liền lưu con gái của mình là Âu Cơ ở lại đó.
Lạc Long Quân trở về, thấy Âu Cơ xinh đẹp, liền biến hóa
thành chàng trai phong tú mĩ lệ, Âu Cơ ưng theo, Lạc Long Quân liền rước nàng về
núi Long Trang. Hai người ở với nhau một năm, sinh ra bọc trăm trứng, sinh ra
trăm con trai anh dũng phi thường. Lạc Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ, Âu Cơ vốn
là người Bắc quốc, nhớ nhà liền gọi Long Quân trở về. Âu Cơ nói với Lạc Long
Quân:
Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một
trăm con trai mà không gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến
cho ta là người không chồng, không vợ, một mình vò võ.
Lạc Long Quân bảo rằng: "Ta là loài rồng, sinh trưởng ở
thủy tộc; nàng là giống tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí
âm dương hợp mà lại có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó
mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con trai về Thủy
phủ, phân trị các xứ, năm mươi con trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai
trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ
nhau."
Âu Cơ cùng năm mươi con trai ở tại Phong Châu, tự suy tôn
người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.
"Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên
mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần
Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành
sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta
hay sao?"
Con của Lạc Long Quân là Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu
là Văn Lang, chia nước ra làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc,
Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình
Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đóng đô ở bộ Văn Lang, Phong Châu. Về bờ cõi, nước đông
giáp biển Đông, tây đến Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc), bắc đến hồ Động Đình (Hồ
Nam, Trung quốc), nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành.
Hùng Vương sai các em trai phân trị, đặt em thứ làm Tướng
võ, Tướng văn. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, Tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi
là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan Hữu ty gọi là Bố chính, thần bộc
nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo,
thay đời truyền nhau cho đến hiệu là Hùng Vương không đổi.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương
(2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước
Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn
tính.
Có bao nhiêu đời vua Hùng
Theo Nguyễn Khắc Thuần trong "Thế thứ các triều vua Việt
Nam" thì 18 vị vua Hùng được liệt kê trong danh sách bên dưới. Tuy nhiên,
ngay sau danh sách, tác giả cũng đưa ra nhận xét thuộc một trong hai quan điểm
đang được các nhà sử học tạm chấp nhận: 18 vị vua Hùng không phải là
18 người cụ thể, mà là 18 chi (nhánh,ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua thay
phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu:
Kinh Dương Vương; Lạc Long Quân. Huý là Sùng Lãm; Hùng
Hiền vương; Hùng Diệp vương; Hùng Hi vương; Hùng Huy
vương; Hùng Chiêu vương; Hùng Vĩ vương; Hùng Định
vương; Hùng Hi vương (nhưng chữ "hi" trong tên gọi này và tên
gọi ở trên khác nhau về tự dạng và ý nghĩa); Hùng Trinh vương; Hùng
Vũ vương; Hùng Việt vương; Hùng Anh vương; Hùng Triêu
vương; Hùng Tạo vương; Hùng Nghị vương; Hùng Duệ vương.
Nếu xét theo thời gian trị vì kéo dài hơn 2000 năm mà chỉ có
18 đời vua thì đây là những con số rất khó thuyết phục. Nhà sử học Ngô Thì
Sĩ viết: "Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế?
Điều ấy càng không thể hiểu được" (Việt sử tiêu án).
Con số 18 không phải là 18 đời vua Hùng mà là 18 ngành, mỗi
ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một nhành mới đặt vương
hiệu mới. Bên cạnh đó thời gian trị vì cũng như tuổi thọ của một vị vua có thể
hiểu là tuổi của nhiều đời vua và số năm trị vì của nhiều đời vua thuộc một
ngành cộng lại vì thế thời gian trị vì hơn 2.622 năm của các vua Hùng không có
gì là hoang đường cả.
Vì vậy mới có câu rằng:
Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương,
Nhất thống sơn hà thập bát vương.
Dư bách hệ truyền thiên cổ tại,
Ức niên hương hoả ức niên phương.
Nghĩa là:
Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua, mười tám chương.
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó,
Đời đời đèn nến nức thơm hương.
Bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời
vua với những thông tin liên quan, theo đó 18 ngành vua Hùng có tất
cả 180 đời vua nối nhau trị vì: "Tính trong 18 chi đời vua
Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời đế vương, sơn hà quy về một mối, kiến
lập được 122 thành điện. Tổng cộng các năm của 18 đời Thánh vương di truyền
ngôi cho các triều thánh tử thần tôn là 2.622 năm, thọ 8.678 tuổi, sinh được
986 chi, các hoàng tử công chúa sinh được 14.378 cháu chắt miêu duệ, cai trị khắp
đầu non góc biển trong nước, vạn cổ trường tồn, mãi mãi không bao giờ dứt".
Giỗ Tổ Hùng Vương được coi là Quốc giỗ của nước Việt Nam, được
tổ chức vào ngày 10,3 Âm lịch
Hùng Vương thứ Nhất
(BNP) - Hùng Vương thứ Nhất là con trưởng của Lạc Long Quân,
thấy vùng Dâu đồng bằng trống trải liền đi kinh lý các nơi chọn đất đóng đô,
khi tới miền núi Nghĩa Lĩnh của cụ ngoại Động Đình Quân giang sơn tú khí, ông dừng
lại ở Châu Phong từ ngã ba sông Bạch Hạc tới vùng xung quanh núi Hùng, thu phục
dân đinh bên ngoại và thống suất toàn thể từ trưởng các bộ tộc là em ruột thành
lập nước Văn Lang, đóng đô ở trung tâm vùng Phong Châu và đặt tên là thành
Phong Châu chia nước thành 15 bộ, phong các em làm lạc hầu, lạc tướng, đeo ấn đồng,
thao xanh.
Từ đó Vương sở chuyển từ Dâu (Bắc Ninh) đi Phong Châu (Phú
Thọ). Bộ quê nhà Hùng Vương đặt là bộ Vũ Ninh, sau là đất Kinh Bắc rồi Bắc
Ninh.
Hùng Vương thứ Nhất lấy vương hiệu là Hùng Hiền Vương truyền được 18 đời: Hùng
Quốc Vương, Hùng Hải Vương, Hùng Hoa Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Hồn Vương, Hùng
Chiêu Vương, Hùng Vi Vương, Hùng Định Vương, Hùng Uy Vương, Hùng Trinh Vương,
Hùng Vũ Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Anh Vương, Hùng Triều Vương, Hùng Tạo
Vương, Hùng Nghị Vương, Hùng Duệ Vương. Từ năm Nhâm Tuất 2879 trước Công
Nguyên, đến năm Quý Mão 258 trước công Nguyên (2.621 năm) sau đó truyền ngôi cho
Thục Phá, Thục Phán xung vương hiệu là Thục An Dương Vương lại dời đô về xây
thành Cổ Loa ở đất Bắc Ninh.
Vua Kinh Dương Vương tạ thế ngày 18 tháng Giêng, dân gian vẫn
truyền miệng và nhắc nhau về ngày giỗ của vị Thủy tổ này rằng:
Nhớ ngày Mười Tám tháng Giêng
Giỗ vua Thủy tổ thiêng liêng nước nhà
Dù ai xuôi ngược gần xa
Tìm về bái Tổ xứng là đạo con
Để tưởng nhớ tổ tiên, hằng năm vào ngày giỗ Vua Kinh Dương
Vương, nhân dân Á Lữ mở hội với nhiều nghi thức truyền thống như tế lễ, dâng
hương, rước kiệu… Đặc sắc nhất là lễ phục ruộc (còn gọi rước nước) là một lễ thức
độc đáo quan trọng, không thể bỏ qua. Tương truyền, lễ phục ruộc ngoài mục đích
rước nước về tế lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt còn mang ý
nghĩa nhân văn sâu sắc về tình phụ tử: “gọi cha về cứu dân làng”.
Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương là chốn linh thiêng, được
xếp vào loại miếu thờ đế vương các triều đại từ cổ xưa. Tuy không rõ xây từ bao
giờ nhưng lăng mộ Thủy tổ người Việt có bia đá trùng tu thời nhà Nguyễn năm
1840 đề bốn chữ Hán “Kinh Dương Vương lăng”.
Phía trước phần mộ cổ có hai chữ “Bất Vong”, nghĩa là “không
bao giờ mất”. Từ các nguồn sử liệu trên, người dân xứ Kinh Bắc còn gọi khu di
tích này là Đền thờ và lăng mộ “ông nội Vua Hùng”
Một số câu đối ghi ở lăng là: “Vạn cổ giang sơn tư duy tổ/Nhất
khâu phong vũ ngật hồng bi” (nghĩa là: Hàng vạn năm con cháu quy về miếu Tổ/Một
nấm mồ phong ba bão táp vẫn ửng hồng);
“Nghĩa Lĩnh cổ kim
thành/Đức giang kim lăng miếu” (nghĩa là: Kinh thành cổ xưa núi Nghĩa Lĩnh/Lăng
miếu nay ở bờ sông Nguyệt Đức)…
Nơi dây còn có chùa Đông Linh Bát Nhã tự thờ Đức Phật Tam
tòa Thánh Mẫu: Vụ Tiên, Thần Long, Âu Cơ.
Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương được Nhà nước công nhận
là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia ngày 2-2-1993. Vinh dự, tự hào là nơi lưu
giữ một tài sản lịch sử vô cùng quý giá, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư trùng tu, tôn
tạo Đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương.
Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, đây cũng là điểm hành hương ý
nghĩa của những người dân nước Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ, tri ân công
đức tổ tiên.