Triệu Đà tự Bá Uy, hiệu Nam Hải lão phu, người huyện Chân Định, quận Hằng Sơn (nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Ông là võ tướng theo lệnh nhà Tần dẫn quân xuống chinh phạt miền Nam khi đó là lãnh thổ của các bộ tộc Bách Việt thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Sau thất bại của vua Thục Phán An Dương Vương, Triệu Đà tiến
hành sáp nhập toàn bộ đất đai Âu Lạc vào nước Nam Việt và chia Âu Lạc ra làm
hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân đặt dưới sự thống trị của chính quyền Nam Việt
ở Phiên Ngung (Quảng Đông, Trung Quốc) cai trị trong suốt giai đoạn từ năm 207
- 136 TCN.
Nhà Triệu là một triều đại chính thống của Việt Nam được thể
hiện qua các sử gia thời phong kiến, từ Lê Văn Hưu (thế kỷ 13) đến Trần Trọng
Kim (đầu thế kỷ 20), coi đó là thời kỳ độc lập của Việt Nam, bởi vì họ Triệu
cai trị Nam Việt độc lập với nhà Hán cho tới tận năm 111 TCN, khi quân nhà Hán
xâm lược nước Nam Việt đã bị sáp nhập vào đế chế Hán đổi tên thành bộ Giao Chỉ
mở đầu thời kỳ Bắc thuộc ở nước ta kéo dài gần 1000 năm.
Trong “Đại Việt sử ký” nhà sử học Lê Văn Hưu viết: “Triệu Vũ
Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi
thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có
thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế
mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo,
giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể
lại ngấp nghé được”.
Với công lao to lớn kể trên, Triệu Đà được nhiều nơi ở miền
Bắc nước ta thờ làm Thành hoàng như các làng: Văn Tinh, Lực Canh xã Xuân Canh,
Thạc Quả xã Dục Tú đều thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; Xuân Quan, xã
Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; Đồng Sâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến
Xương, tỉnh Thái Bình.... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay, theo
thống kê sơ bộ có khoảng gần 10 làng thờ Triệu Đà làm Thành hoàng tập trung chủ
yếu ở huyện Quế Võ và thành phố Từ Sơn, tiêu biểu như: làng Châu Cầu, Thất Gian
(xã Châu Phong), làng Hữu Bằng, Cựu Tự, Kim Sơn, Long Khê (xã Ngọc Xá) đều thuộc
huyện Quế Võ; làng Đa Vạn, Song Tháp (nay là 2 Khu phố thuộc phường Châu Khê),
thành phố Từ Sơn...
Tiếc thay trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh loạn lạc
cho nên đa số các làng đều không còn đình do bị phá hủy trong kháng chiến chống
Pháp giai đoạn (1947 - 1952). Chính vì vậy tục thờ Triệu Đà làm thành hoàng ở
các làng đã bị gián đoạn một thời gian khá dài, nhiều tư liệu hiện vật liên
quan đến ông không còn lưu giữ được.
Tuy nhiên, đến nay có 2 di tích còn bảo lưu được một số tư
liệu, hiện vật gốc liên quan tới Triệu Đà. Tiêu biểu nhất là chùa Đa Vạn (phường
Châu Khê, thành phố Từ Sơn) lưu giữ được 3 đạo sắc phong còn khá nguyên vẹn dưới
hai triều Lê - Nguyễn vào các năm 1783, 1850, 1924 phong chung cho Thành hoàng
2 làng Đa Vạn và Song Tháp là Triệu Vũ Hoàng đế (tức Triệu Đà).
Nội dung đạo sắc năm Tự Đức 3 (1850) cho biết rõ hai xã Song
Tháp, Châu Tháp (sau đổi tên là Đa Vạn), huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, từ trước
đã có miếu thờ phụng Triệu Vũ Hoàng đế, hàng năm đều được ban cấp sắc chỉ cho
phép dân hai xã phụng thờ. Khi vua Tự Đức nối ngôi lớn của tiên đế tiếp tục cho
phép dân hai xã được phụng thờ thần như cũ, dân chúng hãy lấy điều đó làm sự
kính trọng mà mở mang việc thờ phụng thần.
Sắc phong cho Triệu Vũ hoàng đế năm 1850 tại chùa Đa Vạn,
phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn.
Bên cạnh đó, tại tòa Tam bảo chùa làng Hữu Bằng (xã Ngọc Xá,
huyện Quế Võ) bảo lưu được pho tượng chân dung Triệu Đà khá lớn trong tình trạng
hư hỏng nặng. Tượng đã mất toàn bộ phần chân và bệ bên dưới. Chiều cao còn lại
của tượng là 104cm, rộng ngang vai 36cm.
Tượng có dung mạo dữ tợn được tạc trong tư thế ngồi hai chân
buông thõng, đầu đội mũ trang trí rồng chầu mặt trời, ngực trang trí hổ phù,
vai trang trí rồng, bụng trang trí hình long mã, cổ áo cao, viền trang trí hoa
chanh. Căn cứ vào hoa văn trang trí cho biết tượng được tạo tác vào triều Nguyễn
(thế kỷ 19).
Ngoài ra, trong kho tư liệu Bảo tàng Bắc Ninh hiện lưu giữ bản
sao thần tích - thần sắc của Triệu Đà và phu nhân Trình Thị do Lý trưởng các
làng Hữu Bằng, Cựu Tự, Kim Sơn, Long Khê, Châu Cầu, Thất Gian (huyện Quế Võ) kê
khai năm 1938 nộp cho Viện viễn đông Bác cổ Pháp (các bản thần tích - thần sắc
này do Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm từ Viện Thông tin khoa học xã hội trực thuộc
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
Tượng Triệu Đà tại chùa Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ
Trên đây là những tư liệu, hiện vật gốc vô cùng quý hiếm góp
phần nghiên cứu, tìm hiểu về tục thờ Triệu Đà làm Thành hoàng của một số làng ở
Bắc Ninh. Trước thực trạng tục thờ nhân vật Triệu Đà có nguy cơ bị lãng quên
cùng các tư liệu, hiện vật gốc liên quan tới ông đang mai một dần theo thời
gian, chính quyền các cấp cần có những giải pháp thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ
nhân dân các làng trước tiên khôi phục lại đình làng để việc thờ tự cùng các
ngày sự lệ và lễ hội liên quan tới nhân vật Triệu Đà được duy trì, tránh hiện
tượng có làng hỏi thế hệ trẻ không biết Thành hoàng làng mình là ai?
Bên cạnh đó các làng thờ Triệu Đà cần phải phối hợp với các
cơ quan chuyên môn tiến hành sưu tầm, phục chế lại thần tích, sắc phong cho Triệu
Đà để tuyên truyền cho dân làng hiểu rõ lai lịch công trạng của vị Thành hoàng
được thờ tại đình làng mình, qua đó giúp cho các tầng lớp nhân dân đặc biệt là
thế hệ trẻ có cái nhìn tích cực hơn về nhân vật lịch sử Triệu Đà.
Ngày đăng: 25-08-2022
Nguyễn Văn An (Phòng Nghiệp vụ)