Ngọc phả đình Hú ghi lại rằng, tại làng Hủ (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) giáng sinh một 4 người con trai tuấn tú, lớn lên làm tì tướng giúp Hai Bà Trưng đánh tan quân giặc Hán thu non sông về một mối.
Các bậc cao niên làng Hú vẫn “thuộc lòng” câu chuyện truyền
ngôn về sự tích tứ vị Đại vương thành hoàng bản cảnh làng Hú. Truyền ngôn rằng,
xưa kia làng Hú có gia đình họ Nguyễn, húy Bảo Công và Trần Thị. Hai vợ chồng
làm nhiều việc thiện tích phúc, hiềm nỗi ông bà muộn đường con cái.
Một ngày hè trời nóng bức, bà Trần Thị ngồi hóng mát ở bờ
sông, bỗng dưng dưới sông có con Giao Long to lớn lao tới quấn chặt người bà.
Bà Trần Thị ngất đi, dân làng thấy vậy chạy về báo cho Bảo Công biết.
Bảo Công lo sợ liền lập đàn cầu đảo. Đêm ấy, Bảo Công nằm mộng
chiêm bao thấy cụ già râu tóc bạc phơ nói với Bảo Công: “Đó là điềm lành, Thượng
thiên thấy nhà ngươi chăm chỉ, hiền lành, làm nhiều việc thiện tích phúc nên
ban phước cho 4 vị thủy thần giáng thế đầu thai làm con cái”.
Rồi bà Trần Thị hoài thai, nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng năm
Mậu Thìn sinh ra một bọc, bọc nở ra 4 người con trai khôi ngô, tuấn tú. Lớn lên
4 người con trai của Bảo Công chăm chỉ dùi mài kinh sử, tập luyện cung kiếm.
Một hôm, các vị chức dịch trong làng họp bàn xây dựng hành
cung bảo vệ làng xóm. 4 người con trai Bảo Công được dân làng phân công trấn ải
bốn phương và đặt phiên hiệu: Đệ Nhất Đông Mậu cung; Đệ Nhị Hải Đáp cung; Đệ
Tam Phổ Chiếu cung; Đệ Tứ Cử Gia cung.
Nhận nhiệm vụ làng giao, 4 anh em họ Nguyễn đồng thanh: “Ta
vâng lệnh Thượng Thiên tháo nhập làm con trai họ Nguyễn, để bảo vệ dân làng cần
nhanh chóng “xúc tinh binh lương, âm đồ đại sự” mới có thể diệt trừ Tô Định, bảo
vệ nước Nam.
Rồi quân giặc kéo đến, trên là phủ Khoái Châu, dưới là phủ
Tân Hưng 4 anh em họ Nguyễn cùng hương binh giao chiến với quân Tô Định 20 trận
đều toàn thắng. Uy thế 4 anh em họ Nguyễn nức tiếng xa gần. 4 anh em họ Nguyễn
lại nói với dân làng rằng: “Chúng ta có chí lớn mà chưa được sánh cùng người
trung chính làm sự nghiệp lớn nên nghiệp lớn khó thành.
Xem thiên văn chúng ta biết, đất Tây phương nước Việt ta có
nữ tướng thánh nhân, hiềm vì vua tôi chưa gặp nhau nên chưa dung đạt ý đồ lớn”.
Rồi một ngày ở “Hát Môn giang khẩu” huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai có nữ tướng
là Trưng Trắc cháu ngoại vua Hùng cùng em gái Trưng Nhị chuẩn bị khởi binh “đền
nợ nước, trả thù nhà” quyết giết sạch giặc Đông Hán, giết Thái thú Tô Định
trả thù cho chồng là Thi Sách.
Nghe tiếng 4 anh em họ Nguyễn ở làng Hú, Trưng Trắc sai
Trưng Nhị về làng Hú thỉnh mời 4 anh em họ Nguyễn về Hát Môn tụ nghĩa. 3 vạn
binh mã cùng 4 vị chủ tướng trẻ tuổi rầm rập kéo quân về Hát Môn hội
nghĩa cùng nữ tướng Trưng Trắc.
Sau khi đánh tan giặc Đông Hán, Hai Bà Trưng lên ngôi đã
phong tước cho 4 anh em họ Nguyễn, ban thưởng nhiều vàng, bạc, châu báu và
phong thái ấp ở làng Hú, xã Bái Trạch. Các tướng sĩ khác đều được phong thưởng
chức tước, tiền bạc, ruộng đất. Dân cả nước được miễn thuế hai năm liền.
Không bao lâu sau chiến thắng, 4 anh em họ Nguyễn đột ngột
hóa về trời, Hai Bà Trưng thương xót gia phong thần hiệu “Đại vương thượng đẳng
phúc thần”, sắc phong cho nhân dân làng Hú dựng miếu, xây đình, chùa thờ phụng
tứ vị Đại vương.
Cụm đình, chùa làng Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà.
Ngọc phả đình Hú (làng Hú, xã Bái Trạch, tổng Hồng Vũ, huyện
Ngự Thiên, đạo Sơn Nam (nay là làng Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà) chép “Trải
các triều đại từ Hùng Duệ vương đến Đinh, Lý, Trần, Lê... đời nào cũng ban sắc
phong, gia phong mỹ tự cho làng Hú, cho cụm đình, chùa, miếu làng Hú.
Đợi đến đời vua Trần Thái Tông, khi quân Nguyên Mông tràn
sang xâm chiếm nước ta, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương đã đến cung sở của
tứ vị Đại vương làng Hú dâng hoa đăng quả thực cầu thần linh phù hộ đánh thắng
quân giặc Nguyên Mông bạo tàn hiệu quả linh nghiệm. Vua Trần gia phong mỹ tự
linh ứng tôn thần cho tứ vị Đại Vương là "Vạn cổ phúc thần"...
Cụm di tích đình, chùa làng Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
có giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đình Hú thờ tứ vị Đại vương thành
hoàng làng, 4 anh em con ông Nguyễn Bảo Công và bà Trần Thị là Đông Mậu, Hải
Đáp, Phổ Chiếu và Cự Gia. có công phò giúp Hai Bà Trưng đánh tan giặc Đông Hán
bảo vệ non sông, bờ cõi.
Cụm di tích đình, chùa Hú là cơ sở hoạt động của phong trào
cách mạng lớn nhất huyện Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà), cạnh “chái” đình còn
căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, do đó làng Hú được Chủ tịch nước tặng
“Bằng có công với nước”.
Ðịa chỉ đỏ cách mạng
Tại đây có quần thể đình, đền, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt
văn hóa tâm linh của nhân dân mà còn là nơi nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến.
Làng Hú có tổ chức hoạt động cách mạng đầu tiên ở Hưng Nhân (Hưng Hà), người đầu
tiên giác ngộ cách mạng là ông Nguyễn Xuân Kiểm, ngày 15/8/1932 đã thành lập Hội
đồng lợi, còn gọi là Hội cùng đinh, tuyên thề đồng tâm nhất trí bênh vực nhau,
thương yêu, coi nhau như ruột thịt, chống lại sự bất công, không ai được làm
trái; thực hiện đấu tranh cách mạng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ người hoạt động
cách mạng của Đảng.
Từ đó, Hội đồng lợi tổ chức 10 cuộc đấu tranh với chính quyền
thực dân Pháp. Những năm 1936 - 1940, các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Ngô Duy
Đông, Già Đồi, Trần Độ đã giả trang làm tự chùa, thường xuyên đi lại, làm việc
tại đình, chùa làng Hú. Nơi đây đã đào hầm bí mật từ chùa sang đình, từ đình ra
ngoài và từ ngoài vào trong chùa bảo đảm hoạt động an toàn.
Năm 1941, thực hiện nghị quyết của Đảng đã tổ chức canh coi,
bảo vệ để 4 người trực tiếp kéo lá cờ cách mạng trên ngọn cây gạo to nhất vùng
phía trước đình làng Hú vào đêm ngày 30, rạng sáng ngày mùng một tết Tân Tỵ,
quan quân huyện Hưng Nhân ập tới đàn áp, bắt 3 người về giam, tra hỏi, đánh chết
ông Nguyễn Văn Khâm - liệt sĩ đầu tiên của huyện. Lá cờ cách mạng vẫn tung bay
trên ngọn cây gạo.
Chặng đường cách mạng 1939 - 1945, trong gian khổ, ác liệt,
giữa cái sống và cái chết liền kề, dân làng Hú vẫn lập nhiều kỳ tích, được Đảng,
Nhà nước tặng bằng có công với nước, lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi trang sử vẻ vang:
"Làng Hú - địa chỉ đỏ cách mạng"; người dân Hưng Nhân được ghi nhận
là cội nguồn của cách mạng là từ ánh cờ sao làng Hú tung bay.
Nơi đây 10 người được công nhận là lão thành cách mạng. Cũng
chính từ cái nôi cách mạng này, những năm 1945 - 1975, người dân làng Hú lại
rào làng kháng chiến, lập ấp phá tề, mặc dù bị thực dân Pháp bắn phá, đốt làng
nhưng bà con vẫn kiên cường không theo giặc, quyết tâm nuôi giấu, bảo vệ cán bộ,
bộ đội đóng quân ngay trong làng đồng thời là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến
đánh Mỹ.
Một làng nhỏ mà có 99 gia đình rào làng kháng chiến, gần 99%
lượt người trẻ tuổi ra chiến trường, 22 người đã anh dũng hy sinh, 3 Bà mẹ Việt
Nam anh hùng, 10 lão thành cách mạng, 228 người được tặng thưởng huân chương,
huy chương kháng chiến, 45 bằng Tổ quốc ghi công - thật đáng tự hào!