Cao Viết Minh đã phối hợp với Phù Đổng Thiên Vương dẹp tan giặc Ân nên được vua Hùng Huy Vương phong làm "Thái Vương Minh Hoàng Cư Sĩ", lúc hóa được phong "Thượng đẳng thần".
ĐINH CÔNG VĨ
Tiến sĩ. Viện
Nghiên cứu Hán Nôm
Thôn Đục Khê là một trong 5 thôn (Đục Khê, Hội Xá, Yến Vĩ,
Tiên Mai, Phú Yên) của xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Gọi là Đục Khê
phải chăng vì thôn này có bến Đục. Bến Đục bên dòng sông Đáy, một dòng thông với
sông Hồng, dù về mùa lũ Hồng Hà đỏ nặng phù sa có làm bến đục đi tí chút.
Nhưng phần lớn quanh năm thì "gọi là nước đục nhưng mà
suối trong" như có nhà thơ đã viết. Vậy hẳn phải theo nghĩa khác: Có thể
nghĩa này đúng hơn: Đục là đọc chệch của chữ "độc". Nghĩa chữ Hán
"độc" là con ngòi hay con sông nhỏ.
Đền Đục Khê
Đền Đục Khê nằm cách bến Yến 1,2km thuộc địa bàn thôn Đục
Khê - xã Hương Sơn - thành phố Hà Nội. Đền thờ ba vị thần:
Danh tướng Cao Viết Minh, vị anh hùng dân tộc từ thời vua
Hùng Huy Vương thứ 6.
Thánh Mẫu Ngọc Trinh hoàng hậu của vua Hùng Huy Vương.
Công chúa Từ Thời Hoa của Hùng Huy Vương .
Đền được xây dựng
lớn vào thế kỷ XIII. Đặc biệt đôi Sấu đá, rồng đá và gạch hoa thị lát trước hậu
cung được làm từ năm 1731.
Đền Đục Khê, nơi thờ phụng các nhân thần đời Hùng Huy Vương
Trước đây đền Đục Khê của thôn này giữ vai trò Đền Trình của
khách trẩy hội chùa Hương. Người ta vào trình thần linh đền Đục Khê trước khi
đi vãng cảnh các nơi khác. Nhưng do sự phát triển của làng xã làm thay đổi địa
lý và bến Đục Khê ở vị trí đặc biệt như những câu thơ Nôm trong bài "Hương
Sơn phong cảnh" của Vũ Phạm Hàm đã ghi:
"Kể từ lúc bước lên đò Đục
Liếc mắt trông đã mãn mục vân sơn".
"Mãn mục vân sơn" là mây núi đầy mắt, hẳn gần với
"Nam Thiên đệ nhất động" hơn. Vậy từ năm 1934 Tổng đốc Hà Đông Hoàng
Trọng Phu đã cho mở đường từ bến Đục đi thẳng vào bến Yến để khách xuống đò bến
này tiện hơn. Cho nên đền Ngũ Nhạc thành đền Trình thay cho đền Đục Khê.
Song đến thăm Hương Sơn đâu chỉ thăm một mình Hương Tích,
còn biết bao cảnh lạ làm say lòng du khách có thể thăm trước mà cuối cùng vẫn
vãng cảnh Hương Tích. Nếu vậy, thì đền Đục Khê vẫn có thể giữ vị trí đền Trình
song song với vị trí đền trình Ngũ Nhạc (nếu những ai thích đi theo hướng ấy).
Đáng được "Trình" bởi vì đùng như đôi câu đối của
đền đã khẳng định: "Đàm thần liệt cổ, Hoài An tứ thiên chi nhất, lịch triều
ba cổn bí phong chương; Hiển thánh tổ Lê Hồng Đức lục niên, bất kim thử địa đường
đàn lưu thắng tích" (Bàn về các vị thần xưa, đây là một trong bốn nơi thờ
của huyện Hoài An, qua các triều đại đều được khen tặng, rực rỡ sắc phong; Hiển
thánh từ triều Lê Hồng Đức thứ 6 tới nay, đền thờ vẫn là nơi thắng tích).
Điều đáng trình này càng đáng hơn vì nó ăn khớp với các đạo
sắc phong, ngọc phả của đền viết về mặt tốt đáng nêu gương của các vị thần mà
du khách phải vào trình.
Như đạo sắc phong ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
(do Vĩnh Lai Kinh lược sứ Bắc Kỳ quận công Nguyễn Hữu Độ sao lại), phong cho
"Bản cảnh Thành hoàng Linh Phù Tuấn Lương Đại Vương Cứu Tế Linh Triết Chi
Thần", "cho phép 3 xã Đục Khê, Hội Xá, Yến Vĩ, thuộc huyện Hoài An, đạo
Mỹ Đức được phụng thờ như cũ" hoặc đạo "Phụng sao sắc phong duệ hiệu
phụng thờ ngày 1 tháng 8 năm Đinh Dậu": Sắc cho: "Phu Liệt Thánh Nữ
Thanh Phong Hoàng hậu Bà Vương" được "Gia phong Trinh Uyển Dực Bảo
Trung Hưng Tôn Thần" và sắc cho "Tham Tán Tiên Mỹ Tứ Thời Hoa Công
chúa Bà Vương" được "Gia phong Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần".
Cuốn Ngọc phả của đền đã giải thích rõ hơn về các vị được
phong này: ở trang Bình Dương có ông Cao Huyền Tiêm lấy bà Đặng Thị ở tuổi già,
ứng với điềm rồng vàng quấn vào mình mà sinh ra người con trai khôi ngô, đặt
tên húy là Minh (tức Cao Viết Minh).
Vào thời Hùng Vương thứ 6, Cao Viết Minh đã phối hợp với Phù
Đổng Thiên Vương dẹp tan giặc Ân nên được vua Hùng Huy Vương phong làm
"Thái Vương Minh Hoàng Cư Sĩ", lúc hóa được phong "Thượng đẳng
thần".
Tới thời Lê Thánh Tông thứ 6, trời làm hạn hán, vua tới cầu
đảo, quả nhiên mưa lớn nên được tặng mỹ tự "Quảng Vận Anh Lược Tế Thế Phù
Vận". Thời Thánh Tông, thần là bậc Sơn Nhạc Giáng Thần đầu thai, tuy tài
văn chương lỗi lạc nhất cõi mà bảng vàng không trúng tuyển, phải đợi thời.
Tới thời Mạc cướp ngôi nhà Lê, thần không chịu làm quan, đến
Hương Sơn ngoạn cảnh, qua địa đầu đất Hội Xá dựng màn dạy học, đào tạo ra rất
nhiều nhân tài, làm phong tục trở nên tốt đẹp, nên được dân tôn là "Hoằng
Ân Cứu Thế Ẩn Sĩ Công".
Một hôm thần cưỡi con hạc đen bay lên không trung đi mất, bỗng
thấy ở đầu bến sông, tôm cá ba ba nhiều không kể xiết, núi Hương Tích cây cối
nhiều có thể đủ nuôi tất cả những người làm nghề đốn củi…". Dân cảm công đức
bèn lập đền thờ cúng.
Các triều từ Lê Cảnh Hưng trở đi liên tục sắc phong, ban tặng
mỹ tự. Còn Tứ Thời Hoa Công chúa là con Hùng Huy Vương, sắc đẹp kiều diễm:
"mày cong như vành trăng non, mắt long lanh như sóng nước mùa thu, da trắng
như mỡ đọng, tóc mượt như gương soi; là hoa, hoa biết nói…". Một hôm, nàng
cùng Hoàng hậu ngự thuyền rồng đến bến Đục Khê, phủ Ứng Thiên, dừng thuyền lên
bờ, thấy nơi này sơn thủy hữu tình, bèn cho xây dựng hành cung để làm chỗ ngắm
cảnh.
Khi Hoàng hậu, Công chúa trở về cung, để kỷ niệm, dân chúng
lập đền phụng thờ, hương lửa không dứt. Do vậy, đền này dù là huyền thoại,
nhưng vẫn gắn với lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc, nhất là gắn với thời
Lê về sau kết hợp với văn võ, Phật với thần, đầy ý nghĩa giáo dục.
Về báu vật: Đền có đôi sấu đá và đôi rồng bậc thềm được tạc
khoảng đầu thế kỷ 18 với nhiều viên gạch hoa chanh cổ kính vẫn tồn tại qua bao
cơn binh lửa. Kể cả thời kháng Pháp ác liệt nhất, đây là nơi đặt trường Tuyên
huấn, nơi qua lại của Trung đoàn Ký Con nổi tiếng, nên đều bị Pháp hủy diệt mà
các di sản văn hóa ấy không mất. Ngày nay đền được xây dựng lại và được xếp hạng
cấp Nhà nước, càng tỏ rõ mọi vẻ uy nghi rực rỡ:
"Tọa thượng nguy nga lai diệu tướng,
Án tiền kỳ đảo biểu chân tâm".
(Trên toà nguy nga ngự ngôi diệu tướng
Trước án lễ bái tỏ rõ lòng thành).
Sau khi vào trình lễ và chiêm ngưỡng các vị thần là anh hùng
và giai nhân của một thời hào hùng với các sự tích huyền diệu, các hiện vật hấp
dẫn, qua con đường liên thôn của huyện phía đối diện với đền, gần chợ Đục Khê,
du khách có thể tới thăm các di tích lân cận. Như tới thăm hòn đá tảng cổ kính
của đình Đục Khê; thăm đất chùa Khánh Hội như hình cái khánh, với quả chuông, với
tấm bia dầu dãi ngoài trời vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt; thăm chùa Hương Trản
thôn Hội Xá liền kề như chén rượu ngào ngạt hương thơm.
Theo con đường liên thôn giữa nhà cửa đồng xanh, non nước, rẽ
vào đường mòn, vượt qua cầu, khách du lịch có thể đến với cổng chùa Long Vân. Hợp
với dòng chữ in ở mặt trước cổng chùa: "Sơn hà tịnh thọ" (sông núi
cùng tồn tại mãi mãi): Trước cổng chùa là hồ xanh tràn ngập nước với hoa súng
búp xanh, núi biếc dăng thành, có cây đa bách tuế cành rủ xum xuê.
Rồng đá trên thềm chủa Long Vân (cũ)
Những bậc đá quanh co tiếp nối leo lên chùa, rẽ vào động thủy
tiên, thấp thoáng trong rừng cây mỏm đá, nhấp nhô trong cảnh non nước, nên ở
đây còn có đôi câu đối:
"Sơn thủy hữu tình anh linh điện
Long Vân hợp ý tối linh đài"
Cổng chùa dưới chân núi còn có nhà bia với 2 tấm bia:
1/ "Long Vân công đức bi ký" (bia ghi công đức
chùa Long Vân) vào ngày 1 tháng 12 năm Khải Định thứ 9 (1925) với những chức tước,
họ tên, công đức cụ thể của những người đóng góp vào việc dựng chùa Long Vân.
2/ "Kỷ niệm công đức bi" lớn hơn tấm bia trên. Bia
ghi rõ: "Núi non quê ta nhiều danh lam, mà động Long Vân ở Đục Khê là đệ
nhất vậy. Động nằm trên đỉnh núi, lên cao mà nhìn ra xa, sẽ thấy thôn xóm, sông
núi bầy la liệt như bàn cờ.
Thực là ngắm cảnh sinh tình ngâm vịnh. Người xưa nhân có động
mà làm chùa, chùa đã có từ lâu rồi vậy. Dưới chân núi vốn không có chùa. Vào
năm Khải Định thứ 5 (1920) các hương lão đến xin với Thiền sư chùa Thanh Nhàn ở
Hà Thành là Trần Đạo Hiệu đến trụ trì. Sau nhiều ý kiến hay đưa ra muốn xây dựng
ngôi chùa ở sườn núi, thế là thiện tín thập phương xô nhau làm việc này"
"trải 20 năm mới hoàn thành, đặt tên là chùa "Thiên Hương".
Quan Thái tử Thiếu bảo Vũ Hiển điện Đại học sĩ, lĩnh Hà Đông
tỉnh Tổng đốc Hoàng Trọng Phu từng đến tham quan và ban cho 4 chữ "Giang
sơn linh khí" (Khí thiêng sông núi).
Những tấm bia đó, hợp với đôi câu đối ghi ở mặt sau cổng
chùa: "Vạn cổ tùng lâm vĩnh kiến phi thường nghiệp; Thiên thu ngoan thạch
trường lưu bất hủ danh" (Muôn thuở thiền lâm, sự nghiệp phi thường mãi
mãi; Nghìn thu đá cứng, tên tuổi bất hủ vĩnh viễn trường tồn).
Nếu đọc được chữ Hán chỉ đến cổng chùa, du khách có thể biết
ngay lịch sử ngôi chùa này. Theo bậc đá leo lên chùa, càng leo lên càng thấy rõ
cái thế nằm trên sườn núi của chùa Long Vân, nửa núp sau núi Ấn Sơn, nửa lộ ra
ngoài rừng cây xanh biếc, mây trắng mờ trong sương, không khí mông lung huyền ảo,
đúng như hai câu thơ Nôm của Nguyễn Khuyến:
"Chùa xưa chung lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây".
Chỉ khác hôm nay không chỉ một sư cụ tu ở đây, hơn nữa còn
nhiều người đến vãng cảnh như rồng gặp mây, chùa ở trong mây đúng với hai chữ "Long
Vân".
Đó là một vẻ đẹp, một viên ngọc lưu ly trang điểm cho Hương
Tích, một đèn hoa sáng ngời truyền nối Phật pháp trong cảnh trong lành như ở bờ
giác ngộ, vượt khỏi bến mê, ứng hợp với các câu đối treo trong chùa: "Sắc
tụ Long Vân, tam bảo hoa đăng truyền Phật pháp; Cảnh quang Hương Tích, thập
phương thiện tín hướng tâm linh" (Sắc tụ Long Vân, Tam bảo đèn hoa truyền
Phật pháp; Cảnh quang Hương Tích, mười phương thiện tín hướng tâm linh).
Hoặc: "Pháp giới quang huy, quảng vận từ tâm khai giác
ngạn; Long Vân bảo tọa, hoằng thi huệ lực độ mê tân" (Pháp giới sáng ngời
vận dụng từ tâm mở bờ giác; Long Vân tòa báu, thi hành huệ lực độ thoát bến
mê).
Để góp phần "mở bờ giác", "hướng tâm
linh", trong chùa còn có khách ghi rõ: "Mọi người ở Lý Nhân, Thường
Tín, Thanh Oai, An Đức, Thượng Tổng phát tâm bồ đề, bố thí công đức",
chuông chùa cũng có đoạn văn: "Nho Phật vốn là một"… "Nay nhà sư
chùa cùng quan viên chức sắc xã Đục Khê, mọi người trên dưới cả xã hội họp dân
chúng thập phương, kết thành bè bạn cùng hội họp ở chùa, đúc quả chuông này để
thuật lại việc "vãng hành khai lai" (thoắt ra đi rồi lại về).
Những ý kiến ấy cho thấy chùa Long Vân đã mở rộng công đức,
uy tín truyền xa ngoài huyện Mỹ Đức, ngoài tỉnh Hà Tây và Long Vân là một bộ phận
không thể tách rời khỏi Đục Khê trong tuyến du lịch.
Ở một bên chùa Long Vân còn có khu mộ tháp với dòng chữ
"công đức bất hủ" chỉ công đức các nhà sư trụ trì hóa thân ở đây,
cùng đôi câu đối: "Nguyệt ấn giang khê long trúc ảnh; Hoa lưu thạch động
trĩ sơn vân"(Sông suối bóng trăng in, ánh lung linh hoa trúc; Động đá cỏ
hoa lưu lại, mây núi phủ một vùng).
Đêm trăng đẹp tuyệt như vậy, đứng ở khu mộ tháp dưới hoa
trúc linh trong mây, ta có thể nhìn thấy dòng suối Yến lấp lánh, con đường Đục
Khê quanh co, bên kia xa hơn là núi Đụn đẫy đà, cánh đồng Đục Khê nhuộm màu
biêng biếc.
Từ chùa Long Vân, rẽ sang một bên nữa của sườn núi như lên
thang mây, du khách sẽ đi trên con đường đá uốn lượn như thân rồng, qua nhiều
nơi gọi là kẽm núi, kẽm chiêng, rồi động Tiên, nơi ở của tướng lĩnh nghĩa quân
của Đề Yêm (vị chỉ huy chống Pháp thời Cận đại, người Đồng Lạc - Hà Nam, tham
gia khởi nghĩa Bãi Sậy được phong Đề đốc) rồi qua Thung Vương là tới động Cây
Khế.
Gọi là động Cây Khế vì có cây đại thụ ở ngoài động làm dấu,
dân đã quen gọi. Một bộ phận của nghĩa quân Đề Yêm trú ở động này, thường xuống
Thung Viên, một bãi rộng phẳng ngay phía dưới, trước Cây Khế động để luyện
binh.
Khi Pháp tấn công, nhiều nghĩa quân tử thủ ở đây. Đạn Pháp bắn
làm đá lấp cửa hang, nhiều người chết, cây khế cũng không còn. Nhưng sau khế lại
mọc chồi lên thành cây mới, nên Hội múa rồng Tứ Linh của Đục Khê tìm ra cửa động
năm 1972.
Động Cây Khế có vòm ở cửa hang như miệng rồng, ở giữa mọc quả
núi tròn như viên ngọc, vòm hang hình cầu, lốm đốm những mảnh vá gợi ta nhớ về bà
Nữ Oa vá trời, sườn vách động là một thế giới thiên nhiên nhiều hình thù như: rồng
cuốn nước, voi hút nước, chúa sơn lâm, cuốn thư hoành tráng, giữa động cùng với
núi tiên còn có chuông đá tự nhiên.
Động có 3 pho tượng Tam thế bằng đá xanh, 1 tượng Di Lặc bằng
đồng và quả chuông bằng đồng ghi rõ niên đại và địa chỉ: "Minh Mệnh cửu
niên tuế tại Mậu Tý mạnh đông… hoàn cốc nhật Quốc Oai phủ, Thạch Thất huyện, Cần
Kiệm xã" (ngày tốt đầu mùa đông năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mệnh thứ 9
(1828) hoàn thành tại xã Cầu kiệm, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai).
Trong động còn có bàn thờ Đức Thánh Trần, bàn thờ Nghĩa quân
và Tam tòa Thánh Mẫu. Dưới nền động còn tìm được nhiều hiện vật khảo cổ học thuộc
nền văn hóa Hòa Bình, chứng minh có người Tiền sử ở đây. Đặc biệt động còn giữ
được xương cốt của nghĩa quân Đề Yêm.
Xưa động còn gọi là chùa Hinh Bồng mà ba chữ "Hinh Bồng
tự" đã bị lấy mất. Có bài thơ vịnh cảnh Hinh Bồng bằng chữ Hán của Trịnh
Sâm do Quách Vinh dịch:
"Chân núi đường xuyên một nẻo dài
Hóa công mài chuốt đã bao đời
Non xanh dường thấy non không đất
Suối biếc nhìn qua suối gặp trời
Đá nhuộm ráng chiều nghìn gấm điểm
Sóng rung dải nhũ vạn châu rơi
Chim trời cá nước vui chung cảnh
Ngọn bút khôn đem tả hết lời".
Lại có bài thơ lục bát của người hiện đại ứng hợp với bài
trên:
Cây khế lịch sử bao đời
Cây khô cây lại đâm chồi nở hoa
Mùng mười Nhâm Tý tháng ba
Nhờ có cây khế tìm ra thấy chùa
Tĩnh Vương tức cảnh đề thơ
Đem ra đối chiếu thực chùa không sai.
Hinh Bồng nay đã tái lai
Rõ ràng tiên cảnh giáng nơi cõi trần".
Sau chùa Cây Khế, chúng ta dễ dàng tìm đến hang Sũng Sàm có
trai hến và xương người nguyên thủy (còn gọi là động Người Xưa)(*). Tất cả đều
nằm trong tuyến du lịch Long Vân, thuộc thôn Đục Khê. Phải chăng nghĩa quân Tuyết
Sơn của Đề Yêm cũng hoạt động ở đây, bởi đây là nơi rất kín đáo, dễ phòng thủ?
Với tư liệu Hán Nôm, với giá trị lịch sử và cảnh đẹp, chắc
chắn toàn tuyến du lịch Long Vân (từ đền Đục Khê tới động Người Xưa) sẽ
"tái lai" như Hinh Bồng: "Cây khô cây lại đâm chồi nẩy
hoa".
Chú thích:
(*). Thực ra Động Chùa Cây Khế cũng có thể gọi là "Động
Người Xưa". Nhưng ở động Sũng Sàm người ta nhắc tới thuật ngữ này nhiều
hơn, dần quen thành tên gọi phổ biến hơn.