Đây là tiêu đề bài viết trên báo của tác giả Trần Nhuận Minh, dòng họ Trần ở xã Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Dương đưa ra câu hỏi mà chưa có đáp án về Thánh Cao Sơn thờ ở Đền Rồng khu vực Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Cao Sơn Đại Vương là một vị thánh huyền thoại, được thờ ở
nhiều đình/đền trong cả nước, nhưng nhiều nhất vẫn là ở phía Bắc. Ngay ở Thành
phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh và nhiều huyện
thuộc các tỉnh dọc biên giới Việt Trung cũng có một số đền thờ Cao Sơn Đại
Vương.
Hiện tôi chưa có con
số thống kê thật chính xác, nhưng dường như tỉnh nào, huyện nào đi qua ở phía Bắc,
tôi cũng thấy có đền/đình thờ vị đại thánh này. Sự tích ghi lại từ nhiều đình/đền
mà tôi biết, hầu hết đều viết ông là vị tướng tài của Hùng Vương, không rõ đời
thứ bao nhiêu, từng giúp Vua Hùng đánh
giặc và xây dựng nhà nước ta từ thời thượng cổ. Vì là truyền thuyết dân gian,
nên cũng không ai thấy cần tìm hiểu thêm và các tư liệu cũng chỉ có vẻn vẹn một
vài câu đại khái như vậy thôi.
Riêng ở làng xã tôi, trước đây gọi là làng Điền Trì, xã Hộ
Xá (bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, ghi là xã Điền
Trì), tổng Đột Lĩnh (có tài liệu ghi là
tổng Cao Đôi) huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, đạo (hoặc trấn) Hải Dương, nay là
xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, thì có đến 3 nơi thờ Cao Sơn Đại
Vương và được thờ với sự tích là vị thầy thuốc huyền thoại. Đó là nghè Rồng, đền
Rồng và đình Rồng (Rồng là tên khác của làng Điền Trì, vì cụ thượng tổ họ Trần
của làng, từ Tức Mặc phủ Thiên Trường -
nay là Nam Định chuyển về từ thời Hồ Quý Ly).
Ba nơi thờ tự này ở sát cạnh nhau, thuộc gianh giới hai làng
kề liền nhau là làng Điền Trì, nay là làng Trực Trì và làng Lương Giản, nay là
làng Lương Gián, cùng xã Hộ Xá, nay là xã Quốc Tuấn, cả ba cùng thờ 1 nhân thần, là vị thầy thuốc huyền
thoại - cũng là một điều lạ.
Ở đây, lai lịch Cao Sơn Đại Vương là một vị đại lương y đã
chữa cho dân khỏi bệnh đậu mùa. Thời điểm xảy ra bệnh này
thường là vào mùa xuân, làm nhiều người, nhất là trẻ con chết hàng loạt,
nên gọi là dịch đậu mùa, kẻ gây ra dịch này gọi là “quan ôn”, và người chết bất
cứ ở tuổi nào, đều gọi là đã bị “quan ôn bắt lính”.
Và điều đặc biệt quan trọng, nơi đây chính là “nhà”, cũng có
thể gọi là “quê” của Cao Sơn Đại Vương. Đó là một điều rất hiếm thấy. Dĩ nhiên,
đây chỉ là truyền thuyết dân gian mà thôi, nhưng dẫu sao cũng cho ta một khái
niệm là, vị đại thánh này vốn có “nhà” để sinh sống và làm thuốc ở đây, tức là ở
xã Điền Trì, nay là xã Quốc Tuấn quê hương tôi.
Căn cứ vào đâu mà nói điều lạ lùng ấy. Xin thưa: Lê Quý Đôn.
Trong các trước tác rất thông tuệ của ông, có một cuốn theo tôi là hay nhất, đó
là Kiến văn tiểu lục. Trong bộ Lê Quý
Đôn toàn tập, đã được xuất bản, thì tập II là Kiến văn tiểu lục, toàn vẹn tác
phẩm tuyệt vời nhất của ông, do NXB Khoa học Xã hội in ấn và phát hành năm
1977. Trong tập này, tại trang 445, có ghi: “Cao Sơn Đại Vương tinh thông làm
thuốc, chữa khỏi bệnh đậu mùa. Một đêm hiện lên nói: “Tôi là Cao Sơn, nhà ở xứ
Đầu Hồ, xã Lương Giản, huyện Chí Linh”.
Ba nơi thờ Cao Sơn này ở đầu hàng loạt hồ nước rộng liền
nhau, đổ ra và nhận nước về của sông
Kinh Thày, hồ cuối cách sông chỉ chừng 700-800 mét theo đường chim bay.
Có lẽ vì thế mà gọi là xứ Đầu Hồ chăng? Không nên bàn điều
đó là đúng hay không, cũng không nên bàn là điều Lê Quý Đôn ghi như thế là đúng
hay sai, vì đây là truyền thuyết dân gian, là huyền thoại mà, nhưng trong trước tác bất hủ của mình, nhà bác học lừng
danh đã ghi rõ ràng như vậy. Vậy thì ta cứ biết vậy.
Có lẽ cũng vì thế
chăng, mà làng xã tôi có nghè, lại có đền, rồi lại có đình, cả 3 nơi này đều thờ
Cao Sơn Đại Vương, một đại danh y huyền thoại. Nghè và đền xây trước, đình xây sau.
Nghè và đền xây năm nào không rõ, còn đình thì xây sau năm
Canh Tuất (1670), hiện còn tấm bia cổ, vuông cao to nguyên khối, văn bia do Tiến
sĩ Tả Thị lang bộ Hộ, Phương Trì hầu, Triều liệt đại phu, Trụ quốc, là Trần Thọ, soạn. Ông là người làng Điền Trì, từng làm
Tham tụng, Hình bộ Thượng thư, thời Lê, do xử sai một vụ án mà bị hạ cấp.
Đến năm 1740 thì cả nghè, đền và đình, đều bị Nguyễn Tuyển
và Nguyễn Cừ, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Ninh Xá, san phẳng (Ninh Xá cùng huyện,
cách Điền Trì một cánh đồng). Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, năm 1741, khoảng
từ năm 1743 đến năm 1748, cả 3 nơi thờ tự vị Đại danh y huyền thoại đều được Tiến sĩ Tham tụng, Lễ bộ
Thượng thư, Triều liệt đại phu, Thượng Trụ quốc, Thái bảo, Diệu Quận công Trần Cảnh (con Trần
Thọ) cho xây lại, bằng tiền của Nhà nước, do vua Lê Hiển Tông cấp cho.
Nghè và đền 1 gian 2 chái, xây trên gò đất cao, cây cối um
tùm. Đình ở bên cạnh, rất to và rộng, gồm 7 gian, hàng năm mở hội từ 12-14 tháng
Giêng âm lịch, cho cả khu vực phía Bắc xứ Đông, nổi tiếng chỉ sau Côn Sơn, Kiếp
Bạc.
Trong kháng chiến chống Pháp, nghè và đền ta phá năm
1947-1948, đình ta phá năm 1952. Sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng,
chính tôi là người đã thu thập được một vài tư liệu cũ, làm cơ sở để “Ban xin
xây lại đình Rồng” do nhân dân tự lập ra, xin phép cấp có thẩm quyền cho khôi
phục lại đình Rồng. Đình Rồng đã được xây lại, ở phần đất bên phải ngôi đình cũ
và tấm bia cổ đã được di chuyển ra chỗ mới, đặt ở trước cửa đình mới (vì cả dãy
hồ lớn đã lấp gần hết và đất đầu hồ của cả ba nơi thờ tự này đã lấy làm việc
khác).
Quy mô đình hiện có rất nhỏ, kinh phí do nhân dân tự bỏ tiền
ra. Hiện đình Rồng mới và tấm bia cổ kia đã được công nhận là Di tích Văn hóa
và lịch sử cấp tỉnh. Trong đình xưa có 1
danh nhân được phối thờ là Tham tụng Lễ bộ Thượng thư Trần Cảnh, nhà nông học đầu
tiên của Việt Nam, Thành hoàng làng Điền Trì, người trực tiếp chủ trì xây lại
đình Rồng, nghè Rồng, đền Rồng, chắc sẽ khôi phục lại bài vị phối thờ sau.
Hiện trong đình Rồng chỉ có một tượng thờ duy nhất, là vị thầy
thuốc huyền thoại, được nhân dân phong đại thánh là Cao Sơn Đại Vương, theo ghi
chép của Lê Quý Đôn. Tôi không rõ có nơi nào khác ở miền Bắc thờ Cao Sơn Đại
Vương với sự tích là vị thầy thuốc huyền thoại vĩ đại, đã chữa khỏi bệnh đậu
mùa cho dân gian thời xưa không? Còn nhân dân ở đây chỉ biết đại thánh Cao Sơn
là thầy thuốc, không ai biết ông có nơi được thờ là tướng của Vua Hùng.
Đình Rồng, thờ phụng Cao Sơn Đại vương triều đại Hùng Vương, Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tình Hải Dương.
Không tính Thánh Tổ Đột Ngột Cao Sơn thì Cao Sơn Đại Vương đa
phần sẽ là ba trường hợp sau:
1. Cao Sơn Đại Vương - Tả Kiên Thần - Sùng Công trong bộ ba
Tam Vị Tản Viên - Tam Vị Đại Vương ( Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh) - Tam Quan thậm
chí là Tam Thuấn vì ba vị vốn dòng Nghiêu Thuấn. Những nơi hay thờ là khu vực
Sơn Tây, núi Ba Vì, Đền Và ... thời Hùng Vương.
2. Cao Sơn Đại Vương, Cao Hiển tự là Văn Trường - Cao Biền -
Cao Sơn Cao Các ... Những nơi thờ hay gặp là quận Hoàng Mai, đền Kim Liên Trấn
Nam thành Thăng Long, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, khu vực thị trấn Hồ, Bắc
Ninh; làng Kim Lan Bát Tràng và nhiều nơi khác.
3. Cao Sơn Đại Vương - Cao Sơn Huyền Thiên trảm Kê Tinh để đắp
Loa Thành, chữa bệnh đậu mùa ... - Lão Tử, Lý Đam, Thái Thượng Lão Quân - Huyền
Thiên Trấn Vũ. Những nơi thờ chính là khu Đền Sái Thụy Lôi Đông Anh, Đền Núi
Yên Phụ, Đình Thổ Hà, Đền Trấn Vũ trấn Bắc thành Thăng Long ... và với Cao Sơn
Huyền Thiên này có thể chỉ ra một số nơi thờ Cao Sơn Đại Vương mà trước nay
chưa rõ là ai ví dụ như ở Đình Lỗ Hạnh, Đệ Nhất Kinh Bắc Đình. Vị này cũng tính
là thời Hùng Vương.
Trần Nhuận Minh