Lý Nam Đế không chỉ là vị hoàng đế đầu tiên của nước ta mà còn là vị vua rất quan tâm đến Phật giáo. Việc cho xây dựng ngôi chùa Khai Quốc ngay sau khi lên ngôi đã là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Chùa Khai Quốc - Trấn Quốc ngày nay
Tuy nhiên ngoài ngôi chùa nổi tiếng Khai Quốc, cuộc đời và sự nghiệp của ông còn gắn liền với một số ngôi chùa nổi tiếng khác.
Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, còn gọi là Lý Bôn sinh vào giờ Thìn,
ngày 12 tháng 9 năm Qúy Mùi (17.10.503) trong một gia đình thế gia, “đời
đời là hào hữu” ở đất Thái Bình, phủ Long Hưng, quận Giao Chỉ. Có nhiều
ý kiến khác nhau về quê hương của Ngài, ý kiến cho rằng nơi đó là đất
Thụy Anh (Thái Bình) bây giờ; ý kiến khác nói đất đó nay thuộc thị xã
Sơn Tây (Hà Nội). Tuy nhiên qua thời gian dài tìm hiểu, các nhà nghiên
cứu hiện nay cho rằng đất Thái Bình xưa là một địa danh thuộc huyện Đồng
Hỷ (Thái Nguyên), nơi đây còn nhiều dấu tích liên quan đến Lý Nam Đế.
Ở Thái Bình hiện còn lưu truyền câu chuyện về một ngôi chùa có liên
quan đến vị Hoàng đế đầu tiên của nước ta. Chuyện kể rằng khi thân mẫu
của vua đang mang thai sắp đến ngày sinh nở nhưng vì có chuyện cần kíp
nên phải đi lo công việc. Bà cùng một số tùy tùng lên đường, lúc đi đến
chùa Quang Lang, hương Thái Bình (nay thuộc xã Thụy Hải, huyện Thái
Thụy, tỉnh Thái Bình) thì đã chiều tà lại gặp trời mưa lớn nên ghé vào
chùa trú chân qua đêm. Nửa đêm, bà bỗng trở dạ hạ sinh một người con
trai, lúc đó hào quang sáng rực cả chùa, hương thơm bay ngào ngạt; sư
trụ trì thấy điềm lạ liền sai các vãi chăm sóc, giúp cho “mẹ tròn con
vuông”. Sau này, khi làm lên sự nghiệp, Lý Nam Đế đã ban cho chùa này
tên là “Hộ Quốc tự” (chùa có công với nước) và cho tu sửa chùa.
Cũng trên đất Thái Bình, tương truyền khi còn nhỏ có thời gian Lý Nam
Đế sinh sống ở đây và kết bạn cùng lũ trẻ ở Kẻ Giai; hàng ngày đi chăn
trâu, cắt cỏ, đánh trận giả rất là vui vẻ. Một hôm đám trẻ cùng nhau
chọn một chỗ đất đẹp, lập bát hương, dựng phên tre, đắp tượng Phật để
thờ. Về sau chỗ đó được người dân xây sửa, mở rộng quy mô gọi là chùa
Mục Đồng, gần chùa có ngôi mộ gọi là mộ Thần Đồng, tương truyền đó là em
họ của Lý Nam Đế mất năm 7 tuổi. Sau khi đăng quang ngôi vị, Lý Nam Đế
cho sửa chùa, đến nay chùa vẫn còn với tên gọi chùa Mục Đồng, nằm trên
địa phận làng Cổ Trai (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Theo bản thần tích “Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục”
(gọi tắt là Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền) được lưu giữ ở đình làng Giang
Xá (nay thuộc Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) cho biết
gia đình ông có hai anh em. Năm Lý Bí lên 5 tuổi, Lý Bảo (tức Lý Thiên
Bảo) 11 tuổi thì cha qua đời vì bạo bệnh; hai năm sau thì mẹ mất; thương
cảm hoàn cảnh các cháu, người chú ruột đón về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Một hôm có vị Pháp tổ thiền sư đến làm lễ tại ngôi chùa trong làng,
người dân kính trọng đức độ của Ngài nên xin ở lại trụ trì chùa, ngôi
chùa đó có tên gọi là Châu Ấp (sau đổi là chùa Hương Ấp, nay thuộc xã
Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Một hôm, tình cờ thiền sư
nhìn thấy Lý Bí, ngắm dung mạo cậu bé khôi ngô, ông biết đây là người
sau này có thể làm lên sự nghiệp. Khi hỏi chuyện mới hay hoàn cảnh đáng
thương của Lý Bí, thiền sư liền đến gặp người chú xin đem cậu bé về làm
“con nuôi cửa Phật”. Từ đó Lý Bí trở thành chú tiểu, theo Thiền sư tu
đạo Phật tại chùa Châu Ấp được khoảng vài năm, sau đó theo Pháp Tổ Thiền
sư về tu hành tại chùa Linh Bảo (sau đổi là chùa Bảo Phúc) ở làng Giang
Xá, xã Lưu Xá, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc
Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội).
Cơ duyên nào đưa Lý Bí từ quê hương Cổ Pháp đến với đất Giang Xá? Bản
Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền có đoạn viết: “… Khi này có nhà sư hiệu
Pháp Tổ Thiền sư trụ trì tại chùa trong ấp, thấy vua diện mạo khác
thường, có khí chất lẫm liệt. Thiền sư nói với người chú rằng nhà ông có
phúc lớn, nên hai cháu có thiên bẩm, tất về sau thành danh vậy.
Khi đó người em là Bí cầu Phật đạo dựa vào nhà chùa tế độ có biệt
danh là Thọ. Thiền sư nhận làm con nuôi. Được 3- 4 năm, vua đã 13 tuổi,
lúc này Thiền sư đến xã Lưu Xá huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai. Làng có ba
dòng họ lớn là Lê, Nguyễn, Trần, thấy nhà sư đạo đức kinh pháp tinh
thông, nên rước về lập trai đàn phổ độ gia tiên, suốt 7 ngày đêm. Khi đó
ở Giang Xá có ngôi chùa nhỏ dựng ở bên sông, nhân dân thấy thiền sư đức
hạnh, liền rước về ở lại trong ấp, nhờ coi giữ cảnh chùa. Thiền sư thấy
cảnh quang sáng sủa, dân thuần tục hậu, nên nhận lời. Từ đó nhà sư về
sống ở đất Giang Xá, trụ trì chùa. Nhà sư cho vua thụ giới nhập học, vua
khí bẩm thông minh, đức độ, được tú khí chung linh là do trời sinh ra
vậy…”. Từ đó ngôi chùa Linh Bảo đã trở thành nơi Lý Bí tu luyện, học
hành và trưởng thành.
Được vị thiền sư hết lòng dạy bảo, lại là người thông minh chăm chỉ
nên qua hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, chịu khó rèn luyện, Lý Bí trở
thành nhân vật thiên tư lỗi lạc, văn võ toàn tài. Mọi người ai cũng quý
mến, tin phục, sau đó đồng lòng suy tôn ông lên làm thủ lĩnh địa phương.
Có một thời gian Lý Bí tham gia chính quyền đô hộ của nhà Lương, giữ
chức Giám quan chỉ huy một đạo binh ở quận Cửu Đức (nay thuộc Đức Thọ,
Hà Tĩnh) nhưng không lâu sau, do bất bình với chính sách của chính quyền
đô hộ, thấy sự khổ đau của dân chúng đang bị đèn nặng, lại chịu ảnh
hưởng của tinh thần bất khuất từ nhân dân địa phương nên ông đã bỏ quan
về quê chiêu tập lực lượng, thao luyện binh lực, tích trữ lương thực,
rèn đúc vũ khí chờ ngày nổi dậy.
Để chuẩn bị đại nghiệp, ngoài các đồn trại, căn cứ được xây dựng ở
Giã Năng, Chu Diên, Liêu Đỗng, Tân Xương, Gia Ninh, Giang Tây… (nay
thuộc địa phận các xã huyện ở Đan Phượng, Hoài Đức của TP. Hà Nội và
Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Lý Bí đã đem một bộ phận quân sĩ về đóng ở làng Lưu
Xá (nay thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) và xây dựng một
số cơ sở chuẩn bị cho khởi nghĩa nhưng dưới hình thức chùa chiền để che
mắt quân Lương như chùa Giáo (còn có tên là Linh Giáo tự) là nơi tập
luyện gươm giáo; chùa Đúc là nơi rèn đúc sản xuất vũ khí; chùa Rộc là
nơi phát tín hiệu luyện quân…
Một điều ít tư liệu nào nhắc đến, đó là chùa Linh Bảo ở Giang Xá
chính là nơi mà sau thời gian chuẩn bị lực lượng, Lý Bí đã làm lễ phất
cờ khởi nghĩa; trong bản Lý Nam Đế Ngọc phả cổ truyền có viết như sau:
“… Lại nói, khi đó vua ở với Thiền sư tại chùa Giang Xá, được hơn 10
năm, lúc đó vua 25 tuổi rất thông minh, trí tuệ hơn người. Vua mộ được
trong huyện các xã Lưu Xá, Giang Xá, Dã Năng, Chu Diên tuyển hơn 3 nghìn
người, hôm đó ngày 4 tháng 2, hợp binh tại chùa Giang Xá cầu đảo thiên
địa bách thần âm phù. Đến ngày 10 tháng 3 vua khao quân sĩ, tả hữu văn
võ, rồi tiến quân trở về châu Dã Năng lập đồn sở cắt đất chia dân, sai
tướng lĩnh lập đồn đóng chống Thái thú nhà Lương…”.
Theo sử sách, ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất (10/4/542) cuộc khởi
nghĩa do Lý Bí phát động đã bùng nổ và nhanh chóng lan rộng với sự hưởng
ứng của nhiều địa phương. Không chống nổi sức mạnh của quân khởi nghĩa,
giặc Lương tan vỡ khắp nơi, tên thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về
phương Bắc. Ngay sau khi giành độc lập cho đất nước, Lý Bí đã chỉ huy
đánh bại liên tiếp hai cuộc tấn công xâm lược của quân Lương ở phía Bắc
và quân Lâm Ấp ở phía Nam rồi lo việc bình định trong nước. Đến tháng
giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí chính thức lên ngôi xưng là Nam Việt Đế
(sử quen gọi là Lý Nam Đế). Với mong muốn đất nước vững bền lâu dài,
trường tồn mãi mãi, Lý Nam Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân “có ý mong xã
tắc truyền đến muôn đời vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong cuốn Đại Việt sử ký tiền biên có bình rằng: “Vua chán ghét loạn
lạc, thời nội thuộc dấy nghĩa binh đánh đuổi Tiêu Tư, phá tan Lâm Ấp,
dựng nước đổi niên hiệu, đúng là bậc hào kiệt một thời “.
Ngoài các hoạt động xây dựng thiết chế chính trị, như chọn thành Long
Biên vốn là phủ đô hộ cũ để làm kinh đô, lấy niên hiệu là Thiên Đức (có
sách chép là Đại Đức), phân định quan chức… Lý Nam Đế còn cho dựng một
ngôi Quốc tự (chùa của quốc gia) đặt tên là chùa Khai Quốc (mở nước) ở
đất Yên Hoa, về sau trở thành một trung tâm Phật học lớn ở nước ta và
chùa Khai Quốc chính là tiền thân của chùa Trấn Quốc nằm trên đảo Cá
Vàng (Kim Ngư) ở Hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, TP Hà Nội ngày nay.
Có thể thấy, ngay từ lúc ra đời, ở thuở thiếu thời cho đến khi dấy cờ
khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược, mở ra một triều đại, Lý Nam Đế đã
gắn bó với nhiều ngôi chùa khác nhau. Mái chùa không chỉ là nơi nuôi
dưỡng ông trưởng thành mà còn là nơi bồi đắp trí tuệ, tình thần, lòng
yêu nước của vĩ hoàng đế vĩ đại và những ngôi chùa ấy cũng góp phần
không nhỏ vào sự nghiệp cứu nước của Ngài cũng như tinh thần từ bi, nhân
ái đối với muôn dân. Công ơn, sự nghiệp của Lý Nam Đế được ngợi ca, ghi
nhớ đến đời đời, như câu đối sau đã khái quát:
Diệt Lương tặc, sáng Lý triều, Vạn Xuân kiến quốc khôi độc lập,
Trấn dân an kỳ, vật phụ, Thiên Đức kỷ nguyên hướng thái bình.
Nghĩa là:
Diệt giặc Lương, lập triều Lý, dựng nước Vạn Xuân lấy lại nền độc lập.
Giúp dân an, cầu vạn vật sung túc, kỷ nguyên Thiên Đức hướng thái bình.