Sứ quân thời Hậu Ngô Vương
Năm 951, con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Văn truất bỏ Dương
Tam Kha, tự lập làm vương, xưng là Nam Sách vương, rước anh là Ngô Xương Ngập
trở về lập làm Thiên Sách vương. Đinh Bộ Lĩnh lúc dựa vào khe núi Hoa Lư hiểm
trở, không chịu làm tôi. Hai vương muốn cất quân đi đánh, Bộ Lĩnh lập kế hoãn
binh, sai con là Liễn vào triều làm con tin để ngăn chặn việc xuất quân. Đinh
Liễn đến, hai vương trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn đem theo
đi đánh.
Vùng đất hiểm, dễ thủ khó công Hoa Lư
Hai bên đánh nhau hơn một tháng không phân thắng bại, nhị
vương bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng
thì giết Đinh Liễn. Đinh Bộ Lĩnh tức giận nói Đại trượng phu chỉ mong lập được
công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao. Liền sai hơn mười tay
nỏ nhắm Đinh Liễn mà bắn. Hai vương kinh sợ: Ta treo con nó lên là muốn để nó
đoái tiếc mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì.
Bèn không giết Liễn mà đem quân về.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: vua Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng
sứ quân Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là
Đinh Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Vương dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại
có khí chất hơn người, mới nhận làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao
cho quản quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, đều giành được thắng lợi.
Sứ cũ chép:
“Bấy giờ, trong cõi không có chúa, Vương (chỉ Đinh Bộ Lĩnh - NKT) nghe tin Trần
Minh Công (tức sứ quân Trần Lãm - NKT) là người giỏi nhưng lại không có con nối
dõi, bèn đến xin nương nhờ. Trần Minh Công thoáng trông đã biết Vương là bậc có
khí chất hơn người, liền nhận làm con và đem hết binh quyền giao phó cho”.
Theo sách Việt Nam sử lược: Do không hòa với chú nên Đinh
cho nên Bộ Lĩnh cùng với con là Liễn sang ở với Sứ quân Trần Minh-công ở Bố Hải
khẩu (Phủ Kiến-xương, Thái-bình), chống hai vua Hậu Ngô Vương và các sứ quân
khác.
Sau khi Trần Minh Công mất, Vua (Đinh Bộ Lĩnh) thay quyền,
đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính. Dưới trướng ông những hào kiệt của Giao
Châu đều có mặt (Giao Châu thất hùng gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn,
Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng).
Đoạn ghi chép ngắn ngủi nói trên cho thấy rõ, Vua (Đinh Bộ
Lĩnh) đã bắt đầu sự nghiệp dẹp loạn bằng cách tìm đến để nương nhờ Trần Lãm là
một trong những sứ quân mạnh nhất đương thời. Đó là một sự chọn lựa rất thông
minh, bởi vì ngoài những lí do mà sử cũ đã kể, lãnh địa của Trần Lãm có một vị
trí rất quan trọng đối với cục diện chung. Nắm giữ được lãnh địa ấy cũng có
nghĩa là nắm được kho lương thực và thực phẩm lớn nhất.
Đánh dẹp các sứ quân
Mở đầu sự nghiệp dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh đánh bại lực lượng
do Lữ Xử Bình và Kiều Công Hãn ở triều đình Cổ Loa, là những quyền thần nhà Ngô
trực tiếp tranh giành ngôi vua.
Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là một sứ quân mạnh, có thành cao hào
sâu. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai, Đỗ Cảnh Thạc là người trí
dũng mưu lược, vua Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế mà đánh.
Ban đêm, vua Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến
đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng
không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực bèn bỏ thành
rút chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, vua Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành. Sứ
quân Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên hóa.
Sứ quân Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội).
Được tin Đinh Bộ Lĩnh sắp đánh. Nguyễn Siêu đem 1 vạn quân đóng ở Thanh Đàm
dùng Nguyễn Trí Khả làm tiên phong, Trần Côn làm tá dực, Nguyễn Hiền làm tổng
quản các đạo quân, ngày đêm luyện tập, đào hào đắp luỹ để phòng bị.
Trong trận giao tranh đầu tiên đại binh của vua Đinh Bộ Lĩnh
bị mất 4 tướng là Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết và Cao Sơn. Lần thứ 2 vua Đinh
Bộ Lĩnh bày binh bố trận giao chiến. Nguyễn Siêu chia một nửa quân ở lại giữ
thành, một nửa cùng sứ tướng vượt sông tìm viện binh của các sứ tướng khác. Gần
tới bờ bắc, gặp gió lớn, thuyền bị đắm. Đinh Bộ Lĩnh biết tin, sai võ sĩ nửa
đêm phóng lửa đốt doanh trại. Quân Nguyễn Siêu tan. Sứ quân Nguyễn Siêu tử trận.
Sứ quân Kiều Công Hãn đóng tại Phong Châu, chiếm 3 châu Thái
Châu, Hào Châu và Phong Châu xưng là Kiều Tam Chế. Trước thế mạnh của sứ quân
Đinh Bộ Lĩnh, Kiều Công Hãn thua chạy đem quân xuống phía nam với ý định hợp sức
với Ngô Xương Xí. Khi đến thôn Vạn Diệp (Xã Nam Phong, Nam Trực, Nam Định) bị một
hào trưởng địa phương là Nguyễn Tấn đem quân chặn đánh, Kiều Công Hãn bị thương
chạy đến Lũng Kiều thì mất.
Sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp sau khi chiếm toàn bộ châu Vũ Ninh tự
xưng là Vũ Ninh Vương. Khi giao tranh thì Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du cũng không
chống nổi Đinh Bộ Lĩnh, bỏ chạy về Cần Hải (Cửa Cồn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đánh nhau
vài trận rồi mất ở trang Hương Ái.
Sứ quân Nguyễn Khoan khi lớn mạnh xưng là Quảng Trí Quân, tức
vị Vua vĩ đại. Cuối năm 967, vua Đinh Bộ
Lĩnh dẫn quân lên vùng Tam Đái, Nguyễn Khoan chống không nổi, tử trận. Hai tướng
và hai bà vợ của sứ quân này tự vẫn ở Ao Nâu, cạnh gò Đồng Đậu.
Sau khi vua Đinh Bộ Lĩnh tấn công thành Hồi Hồ, tướng quân
Kiều Thuận chống không nổi đành vượt sông Hồng chạy sang thành Mè kết hợp với
Ma Xuân Trường chống lại Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh đánh chiếm thành Mè, Kiều
Thuận tử trận. tộc trưởng Ma Xuân Trường chạy lên Yên Bái trốn thoát. Ngày nay,
thị xã Phú Thọ còn dấu tích thành Mè. Làng Trù Mật xã Văn Lung thị xã Phú Thọ
có đền thờ danh tướng Ma Xuân Trường và sứ quân Kiều Thuận.
Sứ quân Lý Khuê chiếm giữ vùng đất Luy Lâu bờ nam sông Đuống,
đặt căn cứ ở Siêu Loại (Thuận Thành). Theo thần tích ở xã Bình Sơn (Thuận
Thành, Bắc Ninh) thì sứ quân Lý Khuê đánh nhau với Đinh Bộ Lĩnh bị thua và mất ở
làng Dương Xá (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội).
Đầu năm 968, sau khi chiếm lại vùng Bắc Ninh, vốn do các sứ
quân Nguyễn Thủ Tiệp và Lý Khuê cát cứ, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh chuyển
quân về Siêu Loại, cho Đinh Liễn và Nguyễn Bặc đem ba ngàn quân tiến đánh quân
Lã Đường. Lã Đường chủ trương tản quân, đóng giữ chỗ hiểm yếu rậm rạp vùng bùn
lầy. Hễ quân Hoa Lư đi đông thì tránh mà đi lẻ là chặn đánh, diệt một vài lính,
rồi lại bỏ chạy. Nguyễn Bặc bày kế cho quân Hoa Lư tập trung, tập kích quân
lương tiếp vận của quân Lã Đường. Trong vòng 7 ngày, vòng đai phòng thủ bên
ngoài của quân Lã Đường bị tiêu diệt hoàn toàn, Đinh Liễn, Nguyễn Bặc đánh sâu
vào trung tâm, bắt được sứ quân Lã Đường mang chém, thu phục hoàn toàn đất Tế
Giang.
Vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân
Để thực hiện nhiệm vụ dẹp loạn và thống nhất đất nước, Đinh
Bộ Lĩnh đã khôn khéo vận dụng kế sách chính trị kết hợp với quân sự. Khi lực lượng
còn non yếu, ông đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình) rồi
thu phục được Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu (Hưng Yên) về làm Thân vệ tướng quân.
Cuối cùng khi lực lượng đủ mạnh ông không tiêu diệt mà hàng
phục Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm (Hà Nội), Ngô Xương Xí ở Bình Kiều (Thanh Hóa)
vốn là những hậu duệ nhà Ngô để lấy lòng thiên hạ.
Chỉ trong vài năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng 11 sứ
quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương. Chiến tranh kết thúc năm 968.
Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu
hướng thống nhất quốc gia, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập trong nhân
dân.
Tượng đài Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình
Việc vua Đinh Tiên Hoàng khéo kết hợp dùng võ công và biện
pháp chiêu hàng các sứ quân để sớm chấm dứt loạn 12 sứ quân là rất kịp thời, vì
không lâu sau đó nhà Tống duỗi tới Quảng Châu, diệt nước Nam Hán (971), áp sát
biên giới Đại Cồ Việt.
Nếu không có sự xuất hiện của Đinh Bộ Lĩnh để thống nhất quốc
gia bị chia sẻ tan nát, Việt Nam khó thoát khỏi họa xâm lăng từ phương bắc tái
diễn khi nhà Tống hoàn thành việc thống nhất Trung Hoa.
Ths Nguyễn Thy Ngà tổng hợp từ InterNet