Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn, sinh tại động Hoa Lư, xã Trường Yên, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Khi lớn lên, do cuộc sống khó khăn, ông phải theo cha mẹ đến làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nhờ dân làng giúp đỡ, làm nghề đánh bắt tôm cá để kiếm sống.
VUA LÊ ĐẠI HÀNH PHÁ TỐNG GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP
PGS. TS. Trần Bá Chí
Vua Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn, sinh tại động Hoa Lư,
xã Trường Yên, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Khi lớn lên, do cuộc sống khó khăn,
ông phải theo cha mẹ đến làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm nhờ dân làng giúp đỡ,
làm nghề đánh bắt tôm cá để kiếm sống. Ở đó một thời gian, gia đình ông lại trở
về quê cũ Trường Yên. Không lâu sau, cha mẹ ông đều mất, ông phải dựa vào người
trong họ là ông Lê… làm chức Quan Sát ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá để sinh
sống và học hành. Với tuổi trẻ chí cao, ông học rất giỏi, văn võ toàn tài.
Năm 16 tuổi[1], ông nghe tin ở quê hương Hoa Lư có con quan
Thứ sử họ Đinh tên là Bộ Lĩnh đang kết nạp nhân tài nhằm đánh dẹp 12 sứ quân,
thống nhất đất nước. Ông về vái lạy cha nuôi là Lê Quan Sát, xin được đi theo lời
kêu gọi của Đinh Bộ Lĩnh. Rất may mắn, ông được Lê Quan Sát đồng tình và khuyên
ông nên sớm theo.
Từ đó đến khoảng vài chục năm sau, tướng Lê Hoàn sát cánh
bên vua Đinh Bộ Lĩnh xông pha chiến trận, dẹp tan loạn 12 sứ quân, thống nhất đất
nước. Đến đây, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.
Danh tướng Lê Hoàn được phong võ chức Thập đạo tướng quân
vào năm 971. Cũng từ năm đó, quân đội nước ta được tổ chức theo chế độ 10 đạo.
Giữa năm 980, Đinh Tiên Hoàng mất, quân Tống phía bắc sắp kéo sang xâm lược, (vua)
Lê Hoàn được Đại tướng Phạm Cự Lượng cùng tướng sĩ trong cả nước tin yêu, họ
tin tưởng ông có thể đủ tài thao lược phá tan giặc Bắc.
Về phía nhà Tống, tháng Sáu năm Canh thìn (tháng 8-980), Tri
Ung Châu là Hầu Nhân Bảo dâng sớ về Biện Kinh tâu vua Tống rằng: “Ở Giao Châu,
An Nam quận vương và con là Đinh Liễn đều đã bị giết, nước loạn to gần mất, ta
có thể đem quân chiếm lấy được. Nếu lúc này không mưu tính, sợ bỏ mất cơ hội.
Thần xin được về cửa khuyết để bày tỏ trước vua về việc đó”[2].
Tống Thái Tông tiếp được mật thư này rất đỗi vui mừng, định
sai lính trạm chạy ngựa gọi Nhân Bảo về gấp để bàn định kế đánh. Nhưng Tể tướng
Lư Đa Tốn lại chủ trương cứ để Nhân Bảo ở lại Ung Châu, chuẩn bị kỹ rồi tiến
quân bất ngờ “đánh nhanh như tiếng sấm, khiến đối phương không kịp bịt tai, thì
kế sẽ được vạn toàn; nếu gọi Nhân Bảo về, sợ đi lại tốn thời gian và mưu ta bị
bại lộ, kẻ địch biết thì ta mất cơ hội. Tống Thái Tông cũng cho thế là phải”[3].
Thực ra, tình hình ở Giao Châu lúc bấy giờ đâu chỉ một mình
Nhân Bảo biết được, mà từ lâu vua Tống và Tể tướng đã bí mật sai phái nhiều người
theo dõi, chưa kể số thám tử đã được cài đặt thường xuyên như Hứa Xương Duệ và
Lưu Hữu Tráng.
Giữa năm 980, Tể tướng Lư Đa Tốn gửi thư dụ hàng (vua) Lê
Hoàn có câu: “Nay chín châu bốn biển đã ổn định, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở
xa cuối trời… Ví như ngón tay ngón chân của một thân người, dù chỉ một ngón bị
đau thì Thánh nhân cũng không thể ngồi yên không nghĩ tới được. Chỉ đáng tiếc
những năm trước đây gặp nhiều khó khăn trở ngại, ta không kịp khu xử đấy thôi!…”
Ngày Đinh mùi tháng 7 năm Canh Thìn (19-8-980) sau khi nắm
được tình hình Giao Châu qua lời tâu của Lư Tập và Lưu Hữu Tráng, vua Tống liền
xuống chiếu điều tướng chỉnh quân để tiến về nam chiếm nước Đại Cồ Việt.
Tối hậu thư của Lư Đa Tốn gửi (vua) Lê Hoàn lúc này đã dùng
những lời xỉ vả thậm tệ: “…Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của
ngươi ở xa cuối trời… Ngươi định về theo ta hay chuốc lấy tội? Ta đang chỉnh bị
xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống… Nếu người quy hàng thì ta tha, nếu trái
mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy!”.
Tiếp được thư của Lư Đa Tốn, (vua) Lê Hoàn một mặt sai sứ
Giang Cự Vọng và Vương Thiệu Tộ sang sứ nước Tống để cầu phong cho Đinh Toàn, đồng
thời qua đó thăm dò xem nhà Tống đã chuẩn bị binh mã đến đâu? Mặt khác, (vua) Lê
Hoàn cũng đang gấp rút tập hợp mọi lực lượng trong nước để quyết chiến với nhà
Tống bảo vệ độc lập.
Bấy giờ, bên phía quân đội Tống đã hình thành Bộ chỉ huy, gồm
có: Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn, Trần Khâm Tộ
và Hứa Trọng Tuyên.
Sau khi Giao Châu hành doanh được thiết lập, nhà Tống tổ chức
một đội quân hùng hậu vượt Quỷ Môn Quan (ở huyện Bắc Lưu nước Trung Hoa) qua
Tiên Yên, Đông Triều, để xuống Bạch Đằng của nước Đại Cồ Việt[4].
Về mặt lực lượng thì nhà Tống chủ trương chỉ huy động quân số
trong các vùng Ung Quảng và Kinh Hồ, nhưng chia ra hai đợt. Đợt đầu điều quân ở
vùng Ung Quảng, dự định đến khoảng cuối thu năm Canh Thìn (980) có thể cho tiến
vào đất Giao Châu.
Đợt sau điều quân ở vùng Kinh Hồ sang tiếp viện, do Phó chỉ
huy Giao Châu hành doanh là Hứa Trọng Tuyên cùng bên thuỷ là tướng Lưu Trừng và
bên bộ là Trân Khâm Tộ nhận quân trực tiếp chỉ huy. Số quân dùng cho cả hai đợt
nêu trên chỉ có khoảng ba bốn vạn người, đều tiến theo con đường cổ đạo “vượt
Quỷ Môn Quan của huyện Bắc Lưu” mà trước đây Mã Viện, Lưu Phương đã vất vả
thông rừng để chỉ huy quân nam tiến.
Như vậy đến lúc này, phía nhà Tống đã chuẩn bị tiến quân,
còn phía quân ta cũng đã sớm ổn định đội ngũ, bố trí trận mạc, để kịp thời đem
quân chống giặc. Theo quy chế đương thời thì trong triều Đinh lúc này chỉ có
Thái hậu Dương Vân Nga là người giữ quyền tối cao, quyết định nhất.
Nhưng bà cũng đã nhận thấy rằng: “Con trai bà là Đinh Toàn
chưa thể kham nổi một cuộc chiến tranh chống chọi với người Bắc, và cũng không
đủ tài ba để huy động sức mạnh của mọi người!”. Bên cạnh đó, những võ tướng tài
ba như Phạm Cự Lượng cũng nhận thức rằng: yêu cầu bức thiết của đất nước lúc
này là cần sức mạnh để thắng giặc, cho nên quyền lợi của đất nước phải được đặt
lên trên quyền lợi của mọi dòng họ.
Về điều này, Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: “…Khi đang bàn
kế ra quân, Phạm Cự Lượng cùng các tướng truyền bảo ba quân rằng: “Thưởng người
có công, giết kẻ trái mệnh là kỷ luật hành quân. Nay Đinh chúa còn nhỏ, chúng
ta dù liều chết hết sức xông trận, lập được chút công thì ai biết cho ? Chi bằng
trước khi ra trận hãy tôn quan Thập đạo lên ngôi Thiên tử”. Quân sĩ đều tỏ đồng
tình, hô vang “Vạn tuế!”. Thái hậu thấy mọi người đều thuận theo, liền lấy áo
hoàng bào dâng lên, mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế”[5].
Qua đoạn sử trên, ta thấy việc lên ngôi vua của Lê Hoàn là hợp
thời thế, thuận lòng người, được các trọng thần danh tướng tiến cử, được toàn
quân sĩ ủng hộ, văn võ suy tôn. Vì (vua) Lê Hoàn từ tuổi thanh xuân đã bao năm
theo Đinh Bộ Lĩnh đánh đông dẹp bắc, tiêu diệt 12 sứ quân, đưa giang sơn về một
mối, lập nên đất nước Đại Cồ Việt tạo điều kiện cho Đinh Bộ Lĩnh tôn xưng đế hiệu.
Đó là điều đã khiến Dương Thái hậu phải cám ơn (vua) Lê Hoàn, mời (vua) Lê Hoàn
lên ngôi thiên tử, vì bà thấy con trai bà chưa đủ đức tài để đảm đương sứ mệnh
lịch sử.
Đây là vấn đề được khẳng định và qua đó phủ nhận ý kiến những
người còn mang nặng tư tưởng nho giáo chính thống hẹp hòi, gán cho (vua) Lê
Hoàn tội cướp ngôi. Thiết nghĩ lúc bấy giờ trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”
quân Tống đã áp sát nước, chỉ có (vua) Lê Hoàn mới là người có đủ tài năng uy
tín, lãnh đạo quân dân cả nước đánh bại thù trong giặc ngoài.
Chính vị tướng giỏi như
Phạm Cự Lượng cũng tự nhận tài đức của Lê Hoàn trội hơn mình mà suy tôn.
Dương Thái hậu biết dẹp những lợi ích riêng của gia đình và dòng họ, cân nhắc kỹ
giữa tình nhà và nạn nước, cho việc con bà thoái vị là phải, mời Lê Hoàn lên
ngôi là thuận nhân tâm. Đó là sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của một phụ nữ thức
thời, biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi gia tộc.
Sau ngày lên ngôi, (vua) Lê Hoàn tiếp tục củng cố triều đình
Hoa Lư, lập Bộ chỉ huy kháng chiến, kén tướng luyện quân, triển khai công tác bố
phòng. Trước hết là lập hệ thống phòng thủ để bảo vệ kinh đô Hoa Lư, cũng tức
là bảo vệ đầu não của một quốc gia độc lập thời phong kiến.
Lực lượng quân đội trong thành Hoa Lư thường có 3.000 thiên
tử quân. Đương nhiên vào thời chống Tống thì lực lượng đó phải được gia tăng gấp
bội.
Lời sớ Tống Cảo nước Trung Hoa có chép: “Trong thành Hoa Lư
không có dân ở, chỉ vài trăm khu nhà tre lợp gianh dùng làm trại lính. Số quân thì thường có khoảng 3.000 người đều
in trên trán ba chữ Thiên tử quân”.
Bây giờ vào cuộc chiến tranh, trước hết hãy nói về vị trí
Hoa Lư, nó là trung tâm đất nước, giao
tiếp với mọi miền.
Ở Hoa Lư vào thời đó có đường Cố Đạo, sau gọi là Cố Lê, và
đường Tiến Yết là những tuyến đường lớn hơn cả.
Muốn bảo vệ kinh thành Hoa Lư, ngay ở ngoài tuyến xa, (vua) Lê
Hoàn đã chú ý “đắp thành Bình Lỗ để chặn giặc Tống. Công trình này về sau đã được
danh tướng Trần Hưng Đạo đánh giá cao. Trần Hưng Đạo đã có lời khen rằng:“Thời
trước vua Lê Đại Hành đã biết đắp thành Bình Lỗ mà phá được giặc Tống”[6].
Tác dụng của thành lớn lao như vậy, nhưng dấu vết thành đến
nay còn ở những đâu?
Tất nhiên thành Bình Lỗ phải nằm trên các tuyến đường chiến
lược quan trọng đi vào Hoa Lư. Vì đối phương coi đó là mục tiêu tấn công số một
khi đánh Đại Cồ Việt. Cho đến nay, dọc các hệ sông có huớng vào Hoa Lư nằm trên
các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình còn nhiều dấu vết địa
danh có khả năng biến âm từ tên xưa là Bình Lỗ.
Gọi là thành Bình Lỗ, thực chất đây là một chiến luỹ kéo dài
dọc các hệ sông có hướng tiến vào thành Hoa Lư, như đoạn sông Hồng từ bắc ngã
ba Lềnh đến nam ngã ba Vàng.
Ngã ba Lềnh nay thuộc xã Yên Lửnh, tổng Chuyên Nghiệp, huyện
Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Thời xưa, đây là hệ thống đường thuỷ thời xưa khá quan
trọng.
Ngã ba Vàng theo đoán định là giới hạn cực nam của thành
Bình Lỗ, có tác dụng ngăn chặn thuỷ quân Tống tiến vào đánh thành Hoa Lư.
Khảo sát địa danh xung quanh khu vực này, ta thấy đến các thế
kỷ sau, quanh khu vực này vẫn còn nhiều dấu ấn liên quan đến tên thành Bình Lỗ.
Hơn nữa, xét trong thư tịch thấy ở khu vực này đến các thế kỷ sau vẫn còn biến
âm những địa danh đã mang từ tên Bình Lỗ thời Tiền Lê. Chẳng hạn như ở tổng
Tiên Cầu thuộc huyện Kim Động còn tên Đông Lỗ gần bờ sông Hồng.
Xã Phú Hà tổng Hà Liễu huyện Duyên Hà vốn tên xưa là xã Lỗ
Hà. Dọc sông Trà Lý thời xưa đã có tên các làng Đông Nỗ, Phạm Nỗ… Phải chăng
lâu đời âm Lỗ đã biến thành âm Nỗ. Phường Cửa Vàng tổng Thượng Hộ huyện Thư Trì
vốn xưa là thôn Lỗ Giang. Ở tổng Trần Xá huyện Nam Xang vẫn còn tên làng Lỗ Hà
gần bờ sông Hồng, giáp ngã ba Lềnh.
Tất cả địa danh có chữ Lỗ, chữ Nỗ nói trên đều cụm quanh
khúc sông Hồng từ ngã ba Lềnh đến ngã ba Vàng và đều được ghi tên trên bản đồ
thời cổ. Ngoài ra, trong thư tịch ở đoạn sông này từ thời Lý đến thời Lê vẫn
còn rải rác ghi tên Lỗ Giang hoặc là tên sông A Lỗ. Tạm trích dẫn một vài đoạn:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 9 năm Quý tị
(1293) Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu mất ở Lỗ Giang phủ Long Hưng, tạm quàn ở
cung”[7].
Toàn thư lại chép: “Năm Bính Tuất (1406) tháng 7, Hồ Hán Thương sai các lộ đóng cọc gỗ ở bờ nam
sông Cái từ thành Đa Bang đến Lỗ Giang để phòng thủ[8].
Xét quá trình thay đổi, biến động của các lớp địa danh, cho
phép suy đoán rằng: Ở thế kỷ X nơi đây đã tồn tại tên sông, tên thành Bình Lỗ
thời chống Tống. Về sau khi Hoa Lư đã biến thành cố đô, mất vai trò trung tâm,
ý nghĩa những chiến tích chống Tống cũng dần dần phai nhạt. Lịch sử sang trang,
địa danh thay đổi, tên Bình Lỗ chuyển dần sang tên A Lỗ là điều có thể xảy ra.
Dần dần đến những thế kỷ sau nữa, tên A Lỗ Giang lại thay bằng cái tên Lỗ Giang
cũng do điều kiện thời gian làm thay đổi.
Về mục đích tiến quân thì ở thế kỷ X, nhà Tống cất quân xâm
lược nước ta, trước hết nhằm tiêu diệt thành Hoa Lư, thủ tiêu Bộ chỉ huy kháng
chiến, bắt vua và triều đình Đại Cồ Việt phải đầu hàng, nhận làm thuộc quốc. Do
vậy nhiệm vụ chính của Bộ chỉ huy chống Tống lúc bấy giờ do Lê Hoàn lãnh đạo
trước hết là bảo vệ kinh đô Hoa Lư và những địa bàn trọng yếu như Đại La, Loa
Thành cùng những địa bàn xung yếu như Bạch Đằng, Hoa Bộ.
Về đường thuỷ vào Hoa Lư lúc bấy giờ, ta có hai tuyến đường
quan trọng: đó là đường vào Cửa Liêu qua sông Đáy và đường vào cửa Thái Bình
qua sông Luộc. Vì hai tuyến đường thuỷ này có các cửa biển sâu, sông rộng ít
quanh co, độ đường vừa phải và thuyền lớn có thể ra vào dễ dàng.
Sách Sử học bị khảo của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng viết về tuyến
sông này như sau: “Xét ở cựu sử năm thứ hai niên hiệu Hưng Thống thời Lê Đại
Hành (990), sứ nhà Tống là Tống Cảo đến sông Bạch Đằng, theo nước triều ven biển
đi đến Trường Châu, vua Đại Hành ra tận ngoài ô đón, ghìm ngựa cùng sứ đều đi. Xét
Lê đóng đô ở Hoa Lư (nay là huyện Gia Viễn, Ninh Bình), thì thuở ấy sứ nhà Tống
đến sông Bạch Đằng (thuộc huyện Thuỷ Đường, Hải Dương) phải theo ven biển đi
vào sông Tranh (huyện Vĩnh Lại), rồi đi suốt sông Luộc tỉnh Hưng Yên, xuống
sông Châu Cầu huyện Lý Nhân, mới đến được kinh thành Hoa Lư”2.
Từ địa thế này, (vua) Lê Hoàn đã “biết đắp thành Bình Lỗ phá
được giặc Tống!” như lời khen của Trần Hưng Đạo.
Thần tích đền thờ Phụ quốc Đại vương tại xã Tam Tảo huyện
Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) cũng có đoạn
chép: “… Ở chùa Tiêu Sơn có một bà vãi nết na, nhan sắc, do thần nhân
giao cấu mà có thai, rồi sinh một trai rất kỳ dị… Lúc đứa bé lên bảy tuổi thì
có lệnh vua Lê Đại Hành sai mỗi làng phải góp 100 cây tre to và dài, sai phu
làng vác ra để đắp đê sông Nhị.
Sư chùa thấy dân phu các làng hồ hởi vác tre đi, mà chùa
Tiêu Sơn chẳng thấy ai ra giúp việc công, sư băn khoăn, áy náy… Đứa bé trong
chùa biết ý, bèn ra đình làng để vác tre, nhưng mọi người đã vác hết các cây
tre loại nhỏ nhẹ, còn lại một cây tre rất to, đứa bé cũng sẵn sàng vác lên, đi
một mạch ra bờ sông. Dọc đường, ai thấy đứa bé vác cây tre cũng rất kinh ngạc,
họ thầm khen đứa bé mới lên bảy tuổi mà đã có sức vóc phi thường.
Đứa bé nộp xong tre thì cũng vừa lúc vua Lê Đại Hành tới xem
xét công việc. Bất ngờ vua thấy dưới đất có một lối dấu chân in vào đất hai chữ
“thiên tử”, vua rất kinh ngạc, lo có sự biến mất ngôi, liền sai quân đuổi bắt.
Đoàn quân đuổi dọc sông, hướng theo đứa bé mà đuổi.
Đứa bé hốt hoảng, chạy rẽ sang xã Tam Tảo, gặp ông bà già
đang cày ruộng, liền van xin cho cày thay để giấu hình tích. Quan quân đuổi đến
xã này thấy hết vết chân, nhìn xuống đồng thấy đứa bé đang cầm cày, quần áo lấm
đầy bùn, cho rằng không có gì là dáng thiên tử, liền trở về tâu vua.
Đứa bé thoát nạn, về sau làm vua đầu triều Lý, tên là Công Uẩn.
Vua nhớ ơn ông bà già cứu nạn, liền phong tước cấp đất. Đến lúc ông bà già chết,
vua Lý cho dân làng Tam Tảo dựng đền thờ ông bà”[9].
Những câu chuyện lưu lại như trên phản ánh sự kiện đắp thành
Bình Lỗ thời Lê Hoàn chống Tống. Vì vua đã dùng nhiều tre gỗ cắm dọc các sông để
hạn chế sức mạnh lưu thông tàu thuyền của nhà Tống, tạo điều kiện cho quân ta
có đủ thời cơ tập trung tiêu diệt địch.
Nhà Tống quyết định “tiến quân nhanh và chia làm hai đợt”.
Sau khi nhà Tống hiểu được tình hình Đại Cồ Việt rối ren sau
vụ hai cha con vua Đinh bị đầu độc, (vua) Lê Hoàn lại còn phải luôn luôn đối
phó với phe phái, vây cánh của vua Đinh, nên nhà Tống phải chớp nhanh cơ hội để
điều quân lấn chiếm, không để cho phía Đại Cồ Việt kịp có thời cơ mà ổn định củng
cố tình hình.
Do vậy, Lư Đa Tốn đã trình bày với Tống Thái Tông về kế sách
hành quân nhanh chóng nhằm mấy mục đích sau đây:
– Tiến quân nhanh nhằm kết thúc sớm quá trình xâm lược, để
giảm nhẹ các khâu chiến phí. Vì đoạn đường tiến quân qua đất Bắc Lưu, Tiên Yên,
Đông Triều gian nan vất vả rất nhiều.
– Tiến quân nhanh mới kịp chiếm Giao Châu trong thời loạn,
vì một khi Giao Châu qua cơn biến loạn thì nhà Tống không còn cơ hội thôn tính
dễ dàng nữa.
– Tiến quân nhanh, bí mật, bất ngờ thì có khả năng Lê Hoàn không
kịp bố phòng hoặc bố phòng chưa đầy đủ; mà phía quân Tống có thể đánh nhanh thắng
nhanh. Nếu để chậm rãi thì quân Tống dễ gặp khó khăn ở nơi xa xôi, núi non hiểm
trở.
– Tiến quân nhanh và giữ được bí mật bất ngờ thì chúa nước
Liêu ở phương Bắc cũng khó biết rõ được tình hình nước Tống ở phương Nam mà tìm
cách quấy phá.
Tống Thái Tông chú ý nghe xong lời tâu của Lư Đa Tốn, tỏ ý rất
hài lòng. Do đó đến ngày Đinh Mùi tháng 7 (19-8-980) Tống Thái Tông ban sắc lệnh
quy định trách nhiệm cho các đạo quân Tống, và giao trọng trách phải chiếm cho
được kinh thành Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Vua lại động viên các tướng lĩnh như Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Trương Tuấn,
Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giã Thực, Vương Soạn hãy nỗ lực chiến đấu.
Trong số các tướng lĩnh trên thì nhóm Hầu Nhân Bảo là những
người sớm có mặt ở nước ta, còn nhóm Trần Khâm Tộ thì mới đem quân bộ tiếp viện
sang đợt sau, nhưng Trần Khâm Tộ đã đi qua Nhương Châu, Thang Châu, Quỷ Môn
Quan ở phía nam huyện Bắc Lưu, nên cũng nắm được tình hình bày binh bố trận.
Theo sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì Quỷ Môn Quan ở
về phía nam huyện Bắc Lưu, không phải ở nước ta. Mà theo sách Thái Bình hoàn vũ
ký của Nhạc Sử thời Tống thì “Quỷ Môn Quan ở về phía nam huyện Bắc Lưu, có hai
tảng đá đối nhau. Đời nhà Tấn ai sang Giao Chỉ đều phải qua Quỷ Môn Quan, vì ở
về phía nam cửa quan ấy có nhiều chướng lệ. Ngạn ngữ có câu “Quỷ Môn Quan, thập
nhân khứ, cửu bất hoàn”, nghĩa là mười người đi qua Quỷ Môn Quan thì chín người
không thấy trở về.
Nay có người bảo Quỷ Môn Quan lại ở Ôn Châu tỉnh Lạng Sơn nước
ta thì không phải. Con đường bộ mà người thời Đường đi vào Giao Châu nước ta
cũng gần huyện lỵ Bắc Lưu”[10].
Trở lại địa điểm Hoa Bộ thời Lê Hoàn chống Tống, ta thấy đây
là một vị trí quan trọng trên trục đường bộ thông quốc, tiện liên hệ với quân
thuỷ hoạt động trên sông Bạch Đằng.
Sách Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào đã chép:
“Bọn tướng Tôn Toàn Hưng đóng quân lại ở Hoa Bộ 70 ngày nói là để đợi Lưu Trừng…”[11].
Như vậy địa điểm Hoa Bộ có quan hệ đến hương Trúc Động thời xưa và liên hệ chặt
chẽ với sông Bạch Đằng trong một phạm vi sông nước
Theo kế hoạch hành quân của nhà Tống thì, Bạch Đằng là hợp
điểm thứ hai, nơi tập kết quân thuỷ bộ để rồi từ đó chia quân tiến sâu vào chiếm
lĩnh Hoa Lư. Trong quá trình tiến quân, tất nhiên thuỷ quân của Hầu Nhân Bảo sẽ
đến Bạch Đằng sớm hơn bộ binh của Tôn Toàn Hưng, vì tốc độ hành quân bằng thuyền
lúc bấy giờ thường nhanh hơn tốc độ hành quân của bộ binh. Nhận rõ vị trí quan trọng của sông Bạch Đằng,
Lê Hoàn sớm tổ chức phòng thủ ở đây theo kinh nghiệm của Ngô Quyền nhằm tạo thế
phá giặc. Bởi vì:
– Thuỷ binh Tống đi dài ngày đã mỏi mệt, nhưng quân ta còn
dư sức để chờ giặc. “Lấy quân còn sức đánh quân mỏi mệt” là điều có thể thực hiện.
Đó cũng là điều mà binh pháp thường bảo “Dĩ giật đại lao”.
– Thuỷ binh Hầu Nhân Bảo đến Bạch Đằng còn phải chờ bộ binh
tức là lúc thế còn cô lực còn đơn, ta phải chớp thời cơ ấy mà đánh thì có thể
thắng. Nếu để chậm mấy hôm nữa thì phía Tống có thêm lực lượng bộ binh, ta càng
khó chống cự.
Sách Tống sử bản kỷ chép: “Năm Thái Bình hưng quốc thứ năm
(980), tháng Chạp ngày Ất Dậu ( 24-1-981), Giao Châu hành doanh đánh nhau với
giặc, đại phá đươc quân giặc”.
Ngoài chính sử nước ta và sử nhà Tống, một số Tthần tích
đương đại ở địa phương như Thần tích đền thờ tướng Phạm Quang, Phạm Nghiêm ở
trang Thường Sơn (nay thuộc Hải Phòng), Thần tích đền thờ tướng Phạm Quảng ở
trang Hoa Chương huyện Thuỷ Đường (cũng thuộc Hải Phòng) gợi mở nhiều vấn đề về
chiến lược chống Tống của (vua) Lê Hoàn ở thế kỷ X.
Cuộc đụng độ đầu tiên với tướng Hầu Nhân Bảo ở sông Bạch Đằng,
sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Nhà vua tự làm tướng ra kháng chiến,
sai quân sĩ đóng cọc trên sông Bạch Đằng để ngăn cản địch. Quan quân Tống đông
lắm, quan quân ta đánh bất lợi”[12].
Ngày 24-1-981 thuỷ binh Hầu Nhân Bảo đã vào sông Bạch Đằng
và đã đánh trận đầu với quân (vua) Lê Hoàn. Sau đó năm ngày (30-1-981) bộ binh
Tôn Toàn Hưng mới đến được Hoa Bộ. Quân (vua) Lê Hoàn tạm tổn thất trong trận
đánh quân Hầu Nhân Bảo ngày 24-1-981, nhưng vẫn một lòng chờ lệnh quyết chiến với
quân Tống ở các trận sau. Đó là các trận đánh với quân Tống ở Hoa Bộ – Bạch Đằng
kể từ ngày 30-1-981.
– Sách Tống sử 488, mục Giao Chỉ chuyện chép: “Mùa đông năm
Thái Bình hưng quốc thứ năm (980), quan quân Tống phá được hàng vạn quân giặc,
chém đươc 2.000 thủ cấp”. Các sách khác của nhà Tống cũng ghi tương tự.
Khác với chính sử nhà Tống, Thần tích đình Thường Sơn huyện
Thuỷ Đường (Hải Phòng) của ta có đoạn chép rằng: “Thời nhà Đinh ở trang Thường
Sơn có gia đình ông Phạm Hoằng, vợ là Nguyễn Thị Bích vì cảnh nghèo mà dựng một
quán bán nước. Chỗ ông dựng quán dần dần trở thành khu chợ, gọi là Chợ Phướn,
vì giữa chợ thường treo lá phướn thờ Phật.
Ông Hoằng bà Bích sinh được ba trai một gái đều tài giỏi:
– Con trai đầu gọi là Phạm Quang.
– Con trai thứ hai gọi là Phạm Nghiêm.
– Con trai thứ ba gọi là Phạm Huấn.
– Con gái thứ tư (út) gọi là Phạm Cúc Nương.
Đến thời họ Đinh suy, triều Lê mở vận, bị quân Tống sang xâm
lược, chiếm đóng đến các nhánh sông Bạch Đằng. Vua Lê đem quân đánh dẹp, đến
đóng đồn trên gò đất cao cạnh Chợ Phướn. Một đêm vua chiêm bao thấy Thần bảo:
“Ta là Thần quản xứ này, thấy đức vua vất vả vì nạn nước, xin giúp vua một số gạo
để nuôi quân”. Vua tỉnh dậy thì thấy một kho chứa đầy gạo sau đồn. Vua liền lập
đàn tạ Thần và lập Hành doanh chống Tống tại phía đông núi Đèo để chỉ huy các
trận đánh. (ở đó có đền thờ vua Lê Đại Hành rất lớn, không rõ thời thực dân
Pháp xây phố Hải Phòng có giữ được nguyên vẹn nữa không?).
Bởi vì chừng nào quân Tống chưa bị diệt thì chúng còn hăm hở,
mộng tưởng đánh thắng quân ta và chiếm được kinh đô Hoa Lư. Chúng đã tiến công
nhiều lần vào thành Bình Lỗ để xốc thẳng tới Hoa Lư, nhưng đều gặp phải nhiều
khó khăn ách tắc. Chúng đành chuyển hướng mở trận Đồ Lỗ vào ngày 7-2-981, mở trận
Lục Giang vào tháng 3-981 cũng nhằm đi vòng phía sau đột nhập vào kinh đô Hoa
Lư. Nhưng chúng đều bị (vua) Lê Hoàn đánh bật ra ngoài, rồi bị đẩy lùi ra phía
Bạch Đằng – Hoa Bộ.
Về trận quyết chiến ở sông Bạch Đằng ngày 28-4-981, sách Tống
sử bản kỷ và sách Tục tư trị thông giám chép: “Thái Bình hưng quốc năm thứ sáu
tháng Ba ngày Kỷ Mùi (28-4-981), Giao Châu hành doanh lại phá được giặc Giao Chỉ
ở sông Bạch Đằng, cướp được 200 chiến thuyền. Nhưng tướng Hầu Nhân Bảo lại bị
quân Giao Chỉ giết chết ở trận này”[13].
Đại binh của vua Lê Đại Hành phá tan quân Tống, chém đầu Hầu Nhân Bảo
Công lao giết được viên tướng hiếu chiến này trước hết là nhờ
mưu cao mẹo giỏi, tài ba lỗi lạc của (vua) Lê Hoàn. Cùng giúp vua là các tướng,
mỗi người thực hiện một phần mưu lược như Đào Công Mỹ (người Bắc Giang), Phạm
Công Quảng (người Hải Phòng) đã đóng góp bao nhiêu kỳ công diệu kế.
Sau trận đại thắng giết Hầu Nhân Bảo ở sông Bạch Đằng, các
cánh quân Tống đều hốt hoảng, vừa chống
đỡ vừa lo rút chạy về nước. Vua Lê Đại Hành khẩn trương tập trung mọi lực lượng
để liên tục truy kích tiêu diệt địch. Đạo quân Trần Khâm Tộ đang đóng ở Tây Kết,
nghe tin quân Hầu Nhân Bảo thua, hốt hoảng rút chạy về, bị quân ta đón đánh, chết
đến quá nửa, thây chất đầy đồng”[14].
Kết thúc chiến tranh, sách Lĩnh Nam chích quái chép về trận
chống Tống thời Tiền Lê có bài thơ Thần tuyên đọc rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại
thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược?
Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư!
Tạm dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Sách Trời đã định cho quyền này.
Cớ sao giặc Bắc sang xâm lược?
Vung gươm ta giết như chẻ tre.
Đất nước sau 1.000 năm bị đô hộ, vua Đinh Tiên Hoàng cùng Thập
đạo tướng quân Lê Hoàn đã gian nan đánh đông dẹp bắc, diệt gọn thế lực chia cắt
của 12 sứ quân, thống nhất đất nước, đưa vua Đinh lên ngôi hoàng đế, sánh ngang
hàng với các Đế quốc ở vùng Viễn Đông. Nhưng đến năm 980 vua Đinh băng hà, giặc
Tống liền kéo quân sang, âm mưu đặt lại nền “tái đô hộ” vận mệnh nước non như
“ngàn cân treo sợi tóc”!. Bấy giờ chỉ có (vua) Lê Hoàn là người kiệt hiệt, được
toàn dân toàn quân tin yêu, trao cho trọng trách giữ nước. (vua) Lê Hoàn đã
đánh thắng quân Tống, cứu nguy cho Tổ quốc.
Bài thơ trên ông nói với mọi người là do Thần đọc, thực chất nó mang ý
nghĩa như một bài Tuyên ngôn độc lập của Tổ quốc ta.
Bình luận về chiến công chống Tống của (vua) Lê Hoàn, sử gia
Lê Văn Hưu (1230-1322) đã viết: “(vua) Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc,
bắt bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ,
chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên. So với công lao đánh dẹp đó, người thời Hán
thời Đường cũng không hơn được…”.
Sách Cựu Đường thư quyển 41, phần Địa lý chí, trang 39 chép:
Huyện Bắc Lưu là trị sở châu Hợp Phố thời Hán. Cách huyện lỵ 30 dặm về phía
nam, có hai dãy núi đá đối diện nhau, rộng độ 30 bước, gọi là Quỷ môn quan. Thời
Hán, Mã Viện đi qua cửa ấy, mở đường sang đánh Giao Chỉ. Phía Nam cửa ấy nhiều
khí độc, nên có câu ngạn: "Quỷ môn quan, thập nhân khứ, cửu bất hoàn"
nghĩa là: "Cửa Quỷ môn, 10 người đi, 9 không về".
Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng đều viết: Huyện
Bắc Lưu liền châu Tô Mậu nước ta, khoảng huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh ngày
nay. Quỷ Môn quan trước thời Lý là ở đó, không phải ở ải Chi Lăng trấn Lạng
Sơn.
[1]. Ngọc phả các vua
triều Lê, Hán Nôm, số 5-2004, tr.75.
[2]. Tống sử, Q.254, bản chữ Hán, tr.13.
[3]. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch Nội Các quan bản,
t.1, tr. 216-217.
[4]. Việc giao thông nam bắc thì từ thời Mã Viện, Lưu Phương
ở Trung Hoa, đến thời Đinh, Lê của Đại Cồ
Việt đều phải đi qua tuyến đường cổ Quỷ Môn Quan (huyện Bắc Lưu, Trung Hoa) rồi
qua Tô Mậu, Tiên Yên, Đông Triều, để đến đô thành Đại Cồ Việt. Nếu đi đường thuỷ
thì phải qua Miếu Sơn, Cương Giáp, Lãng Sơn, để tới Bạch Đằng. Đến thời Lý Công
Uốn, khoảng năm 1020, ta mới có đường sứ lộ đi qua ải Chi Lăng, đèo núi Kháo, Mục
Nam quan tỉnh Lạng Sơn.
Xem thêm Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê
Hoàn, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2006, tr.176-177.
Xem: Hán thư, Địa lý chí; Đường thư Địa lý chí; Tống thư Địa
lý chí.
Xem: Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất,
tr.108-109, 117-118.
[5]. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 217.
[6]. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.88.
[7]. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr. 69.
[8],2. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr. 214, 281.
[9]. Sự tích chùa Tiêu Sơn (xem: Cuộc kháng chiến chống Tống
lần thứ nhất, tr.130-131).
[10]. Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, t.1I, tr. 148.
[11]. Tục tư trị thông giám trường biên (bản chữ Hán ), Q.
185.
[12]. Việt sử thông giám cương mục, Chb.1,17. (T. III,
tr.15).
[13]. Tống sử, bản kỷ (bản chữ Hán).
[14]. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr. 221.
Nguồn: