Vua Lê Hoàn sinh tại xã Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông nội là Lê Lộc và bà nội là Cao Thị Phương; cha là Lê Hiền, mẹ là Đặng Thị Khiết. Vua có 5 cung chính thất và một hoàng phi không rõ tên, có được 13 vương tử và công chúa.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng
7 năm Tân Sửu (tức ngày 10 tháng 8 năm 941). Về quê hương Lê Hoàn, vấn đề mà
Ngô Thì Sĩ đặt ra từ thế kỷ XVIII, được thảo luận nhiều lần dưới thời nhà Nguyễn,
nhưng các nhà sử học vẫn chưa đưa ra được kết luận nơi đâu trong ba nơi: Ninh
Bình, Thanh Hóa hay Hà Nam là quê hương của ông.
Năm 1981, tại hội thảo khoa học "Lê Hoàn và 1000 năm
chiến thắng giặc Tống xâm lược", nhiều vấn đề chung về thế kỷ X, về quê
hương, thân thế, sự nghiệp của ông bước đầu được giải quyết. Đến năm 2005, tại
hội thảo "1000 năm Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn", trải qua một
chặng đường đổi mới của sử học, nhiều vấn đề về quê hương của Lê Hoàn được đào
sâu và nhìn nhận lại theo chiều hướng thoáng rộng hơn. Tựu trung có các ý kiến
sau:
Trường Châu (Ninh Bình)
Việt sử lược viết từ thời Trần ghi là: "Đại Hành vương
húy là Hoàn, họ Lê, người Trường Châu". Trường Châu là vùng đất kinh đô
Hoa Lư, Ninh Bình.[48] PGS TS Trần Bá Chí trước từng viết rất công phu về quê
hương, dòng dõi Lê Đại Hành cho rằng ông người Ái Châu (Thanh Hóa), thì tại hội
thảo 2005 cũng khẳng định rằng quê gốc ông là Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.
Các nhà nghiên cứu
Mai Khánh (Bảo tàng Hà Nam) và TS Vũ Văn Quân đồng ý rằng Lê Hoàn là người Trường
Châu nhưng cho rằng Trường Châu khi đó bao gồm cả Ninh Bình và Hà Nam.
Thần tích một số đền thờ ở Hà Nam và Ninh Bình cũng khẳng định
Lê Hoàn quê gốc Ninh Bình. Cũng giống các vị vua khác khi mất được hậu thế đưa
về quê nhà, lăng mộ Lê Đại Hành đã được táng ở sơn lăng Trường Yên.
Cổng đền Vua Lê Đại Hành ở Hoa Lư.
Ái Châu (Thanh Hóa)
Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí
ghi: "Vua họ Lê, tên húy là Hoàn, người Ái Châu".
Sách "Các triều đại Việt Nam" còn cho rằng mẹ Lê
Hoàn là Đặng Thị Sen chứ không gọi là Đặng thị.
Sách An Nam chí lược của Lê Tắc thời Trần, mục Lê nhị thế
gia chép: "Lê Hoàn, người Ái Châu, có chí lược, được lòng quân sĩ".
Website chính thức của tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định Lê Hoàn là người quê
hương mình.
Đại Nam nhất thống chí chép: "Miếu Lê Đại Hành Hoàng đế
ở xã Trung Lập, huyện Thụy Nguyên, chỗ này là nền nhà cũ của tiên tổ nhà
vua". Mục tỉnh Hà Nội chép "mộ tổ Lê Đại Hành ở bên miếu xã Ninh
Thái, huyện Thanh Liêm".
Sách Việt sử tiêu án, soạn giả Ngô Thì Sĩ chép: Vua Lê, tên
Hoàn, người châu Ái, làm vua 24 năm, hưởng thọ 65 tuổi.
Bảo Thái (Hà Nam)
Đại Việt sử ký tiền biên ghi: "Xét thấy Lê Đại Hành
Hoàng đế người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm chứ không phải Ái Châu, sử cũ
chép nhầm". Cuốn Việt Nam sử lược, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Khâm
định Việt sử thông giám cương mục đều ghi: "Lê Hoàn quê ở làng Bảo Thái,
huyện Thanh Liêm". Nhà sử học Trần Quốc Vượng cho rằng Lê Hoàn sinh ở
Thanh Liêm, Hà Nam và theo ông, Thanh Hóa chỉ có thể là quê ngoại hay quê cha
nuôi Lê Hoàn.
Lịch sử Hà Nam Ninh
cũng đã nhận định: "Lê Hoàn quê nội ở Thanh Liêm (Hà Nam), quê ngoại ở Kẻ
Sập (Thanh Hóa). Tuy sinh ở đất Ái Châu nhưng ông chỉ sống ở đấy hơn 10 năm,
sau trở về Thanh Liêm".
Giáo sư Lê Văn Lan cũng cho rằng Lê Hoàn "là đứa trẻ mồ
côi ở làng Kẻ Sập - quê ngoại, chàng trai nghèo ở miền Bảo Thái quê nội". Ứng
Hòe Nguyễn Văn Tố, sau khi điểm lại một số nhận định của các cuốn sử cũ đã nêu
quan điểm: Thanh Liêm là nguyên quán của cha mẹ. Ái Châu là chỗ ở của cha nuôi,
mỗi quyển chép theo một nghĩa.
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần
ghi về lăng mộ ở huyện Thanh Liêm chép: "Mộ tổ Lê Đại Hành ở bên miếu xã
Ninh Thái, huyện Thanh Liêm.
Sử cũ cũng nhắc tới Trần Bình Trọng quê ở xã Thanh Liêm là hậu
duệ của Lê Hoàn. Vị danh tướng thời Trần này được ban quốc tính vì có nhiều
công trạng. Website chính thức của tỉnh Hà Nam cũng khẳng định Lê Hoàn là người
quê hương mình.
Ý kiến chung
Thần tích Lê Hoàn tại lăng vua Lê, làng Ứng Liêm (Hà Nam) giải
thích "hợp tình, hợp lý" tất cả những vấn đề khúc mắc về quê quán, xuất
thân của Lê Hoàn.
Thần tích cho biết ông sinh ra ở xã Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh
Ninh Bình. Ông nội là Lê Lộc và bà nội là Cao Thị Phương; cha là Lê Hiền, mẹ là
Đặng Thị Khiết. Nhà nghèo nên đã về xã Ninh Thái, Thanh Liêm, Hà Nam làm nghề
chài lưới, đơm đó bắt cá.
Ngày mùng 10 tháng 1 năm Nhâm Dần âm lịch (tức ngày 29 tháng
1 năm 942) sinh ra ông. Năm lên 7 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải làm con
nuôi quan án châu Ái (Thanh Hóa).
Đền thờ vua Lê Đại Hành ở Thanh Hóa
Các nhà sử học cho rằng vấn đề quê hương Lê Hoàn ở đâu không
quan trọng bằng điều dễ nhận thấy là cả Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Nam đều là
những miền quê gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của vị vua này. Dựa trên các tư liệu chính sử và tư liệu lưu tại các địa
phương, đã minh chứng cụ thể về quê gốc, nơi sinh và dựng nghiệp của Lê Hoàn tại
các địa danh tại Bảo Thái (Hà Nam), Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Trường Châu (Ninh
Bình).
Hậu cung của vua Lê Đại Hành
Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu gồm Đại Thắng Minh Hoàng hậu
(Dương Vân Nga), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh
Quắc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu.
Sử cũng chép một người vợ khác của ông, sinh cho ông ít nhất
2 người con, Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh. Sách Việt sử lược chép là sơ hầu di
nữ (初侯姨女),
Đại Việt sử ký toàn thư chép là chi hậu diệu nữ (祇候妙女). Sách Khâm định Việt sử
Thông giám cương mục Chính biên chép bà là con gái quan Chi hậu tên là Diệu,
không rõ họ là gì. Về sau bà được con trai là Long Đĩnh truy tôn hiệu Hưng Quốc
Quảng Thánh Hoàng thái hậu.
Lê Đại Hành có 13 người con, 11 người con trai, 1 người con
gái, 1 người con nuôi. 11 người con trai và cả con trai nuôi đều được phong
vương:
Lê Long Thâu làm Kình Thiên đại vương (phong năm 989), từng
tham gia chiến tranh Việt - Tống 981, được Lê Đại Hành phong làm Thái tử. Tuy
nhiên, đến năm 1000 thì mất.
Lê Long Tích làm Đông Thành vương (phong năm 989), sau khi
Lê Đại Hành mất, Lê Long Tích cùng các em tranh ngôi với Lê Long Việt. Song
thua chạy đến Thạch Hà thì bị dân ở đây giết chết.
Lê Long Việt làm Nam Phong vương (phong năm 989), sau là vua
Lê Trung Tông. Sau 3 ngày ở ngôi vua thì bị Lê Long Đĩnh ám hại năm 1005.
Lê Long Đinh làm Ngự Man vương (phong năm 991), đóng ở Phong
Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ).
Lê Long Đĩnh làm Khai Minh vương (phong năm 992), đóng ở Đằng
Châu (nay thuộc Hưng Yên), sau là vua Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế.
Lê Long Cân làm Ngự Bắc vương (phong năm 991), đóng ở Phù
Lan, sau là Phù Vệ, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Hưng. Hiện nay thuộc huyện Mỹ
Hào, tỉnh Hưng Yên.
Lê Long Tung làm Định Phiên vương (phong năm 993), đóng ở Tư
Doanh, Ngũ Huyện Giang (Cổ Loa, Hà Nội).
Lê Long Tương làm Phó vương (phong năm 993), đóng ở Đỗ Động
Giang (nay thuộc tây nam Hà Nội).
Lê Long Kính làm Trung Quốc vương (phong năm 993), đóng ở
Càn Đà, Mạt Liên (nay thuộc Hải Dương), sau bị giết năm 1005.
Lê Long Mang làm Nam Quốc vương (phong năm 994), đóng ở Vũ
Lung (nay thuộc Thanh Hóa).
Lê Long Đề (Minh Đề) làm Hành Quân vương (phong năm 995),
đóng ở Bắc Ngạn, Cổ Lãm (nay thuộc Bắc Ninh).
Con nuôi Dương Hy Liễn làm Phù Đái vương (phong năm 995),
đóng ở Phù Đái (nay thuộc Hải Phòng).
Lê Thị Phất Ngân: Hoàng hậu của vua Lý Thái Tổ, mẹ của Lý
Thái Tông, được Lý Thái Tông phong là Linh Hiển Hoàng thái hậu.
Niên hiệu
Giữa năm 1005, vua Lê Đại Hành mất. Vua trị vì tất cả 26
năm, thọ 65 tuổi. Trong 26 năm làm vua, ông đặt 3 niên hiệu:
Thiên Phúc (980 - 988)
Hưng Thống (989 - 993)
Ứng Thiên (994 - 1005)
Những địa điểm thờ phụng vua Lê Đại Hành
Tính đến năm 2014, các nhà nghiên cứu đã thống kê được hơn
48 nơi thờ vua Lê Đại Hành (trong đó có 16 nơi thờ riêng, 5 nơi phối thờ với bà
Đô Hồ phu nhân; 3 nơi phối thờ với Thái hậu Dương Vân Nga và 24 nơi thờ với các
vị thần khác).
Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích thờ Lê Hoàn nhất với 13
nơi; tiếp theo là Thái Bình với 10 nơi; Hà Nội có 10 nơi, Nam Định 4 nơi, Hà
Nam 3 nơi; Hải Dương, Thanh Hóa 2 nơi, các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ đã
tìm thấy một nơi thờ.
Ninh Bình là vùng đất kinh đô của đất nước dưới thời vua Lê
Hoàn, các đền thờ thường tập trung nhiều ở khu di tích Cố đô Hoa Lư như đền Vua
Lê Đại Hành và đình Yên Thành ở Cố đô Hoa Lư, đình Trung Trữ ở Ninh Giang (Hoa
Lư), di tích chùa Đẩu Long, đền Đồng Bến (thành phố Ninh Bình).
Khu vực phía nam Ninh Bình là nơi vua đánh Tống và dẹp Chiêm
đi qua nên có rất nhiều nơi thờ như đền Thượng Ngọc Lâm ở xã Yên Lâm, đền Vua
Lê ở xã Yên Thắng, đình Từ Đường, đình Quảng Công ở xã Yên Thái (Yên Mô); các đền
ở xã Khánh Ninh và đền Nội thị Lân ở thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) và đình làng
Yên Lâm ở xã Lai Thành (Kim Sơn);...
Thái Bình là nơi diễn ra một số trận đánh của Lê Hoàn khi
còn là tướng giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đặc biệt là chiến trận
với các sứ quân Phạm Bạch Hổ, Lã Đường ở Hưng Yên, đồng thời vùng đất này cũng
nằm trên đường hành quân từ kinh đô Hoa Lư ra các chiến trường Lục Đầu Giang,
Chi Lăng và Bạch Đằng.
Điều này có thể giải thích cho việc nhân dân quanh khu vực
này thờ cúng Lê Hoàn, đặc biệt là vùng đất thuộc hai tổng Xích Bích và Ỷ Đôn
xưa. Các nơi thờ tiêu biểu như di tích đình và đền Vua Lê Đại Hành ở các xã Chi
Lăng, xã Đông Đô; xã Bắc Sơn, xã Tây Đô, xã Hòa Bình (huyện Hưng Hà); xã Thái
Thịnh (huyện Thái Thụy); xã Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Giao, xã Quỳnh Khê, xã Quỳnh Ngọc,
xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ); xã Minh Tân (huyện Đông Hưng);...
Các đền thờ ở khu vực Hà Nội thường ở ven sông Nhuệ, trong
đó Hà Đông 3 nơi, Thanh Trì 3 nơi (ở xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa), Sơn Tây 2
nơi, Thường Tín 1 nơi (đình An Lãng - xã Văn Tự) và Ứng Hòa một nơi (ở Đình
Thanh Dương xã Đồng Tiến). Đình Trung Kính Hạ thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy
cũng thờ Vua Lê Đại Hành.
Khu di tích đình, chùa, miếu của khu Mộ Chu Hạ, phường Bạch
Hạc, Việt Trì, Phú Thọ thờ vua Lê Đại Hành và 2 bà hoàng hậu. Đây là nơi rất xa
kinh đô Hoa Lư so với các di tích khác thờ vua Lê Hoàn.
Hà Nam có đền Lăng ở xã Liêm Cần quê hương là nơi thờ Lê
Hoàn. Ông cũng được thờ ở đình Cẩm Du, xã Thanh Lưu và đình Ứng Liêm, xã Thanh
Hà. Cả ba di tích đều thuộc huyện Thanh Liêm.
Thanh Hóa có đền thờ vua Lê Hoàn ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập,
Thọ Xuân được cho là quê hương của người và đền Vua Lê Đại Hành ở chân dãy núi
Tam Điệp, thuộc xã Nga Giáp, Nga Sơn, thuộc khu vực cửa biển Thần Phù xưa mà ở
bên Ninh Bình cũng có nhiều đền thờ Lê Hoàn.
Các thần tích, thần sắc tại Hải Dương, Hải Phòng - nơi diễn
ra trận Bạch Đằng năm 981 cho thấy các tướng của ông được thờ ở rất nhiều nơi
và trong thần tích, thần sắc của họ có mô tả lại những chiến công của vua Lê
Hoàn tại khu vực này.
Đền Vua Lê Đại Hành ở Hải Dương được xây dựng tại xã An Lạc,
huyện Chí Linh và đình Mạc Động xã Liên Mạc, Thanh Hà cũng thờ Lê Hoàn. Tại thị
trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng có đền riêng thờ Vua Lê Đại Hành. Đền
được xây dựng ngay tại khu vực núi đá Tràng Kênh, ngã ba sông Bạch Đằng, nơi diễn
ra đại thắng mùa xuân 981.
Đình Hoa Xá - Minh Ngự Lâu xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì- Hà Nội),
nơi thờ vua Lê Hoàn và người con gái làng Tó.