Giai thoại kể lại, vua Lý Thánh Tông đốt chùa và ép hai nàng công chúa Từ Thục, Từ Huy lấy chồng cho thấy trách nhiệm nặng nề của các hoàng tử - công chúa triều đại nhà Lý trước sứ mệnh bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước.
Kế thừa chính sách lấy hôn nhân làm mối quan hệ ràng buộc, gắn
kết với các tù tưởng, thủ lĩnh người dân tộc thiểu số của Lý Thái Tổ, các vua
Lý sau này vẫn tiếp tục duy trì chính sách này, nhưng không phải việc gả công
chúa đi làm dâu vùng biên viễn đã gặp trắc trở vào thời vua Lý Thánh Tông.
Chuyện kể rằng, Lý Thánh Tông vốn là vị vua hiếm muộn, vua
nhiều lần đi cầu tự ở các đình chùa, chỉ khi đưa bà Ỷ Lan lấy về làm nguyên phi
mới sinh được hai hoàng tử, thái tử là Lý Càn Đức được truyền ngôi, tức vua Lý
Nhân Tông. Nhưng tất cả các phi tần không ai sinh được cho vua con trai nối
dõi. Hoàng hậu Thượng Dương sinh hạ được hai công chúa Từ Thục, Từ Huy và một
phi tần sinh ra công chúa Thiên Thành, còn những vị cung phi khác đều không có
hậu nhân.
Tượng thờ Nhị vị công chúa Từ Thục, Từ Huy tại chùa Đông Phù.
Chịu ảnh hưởng của Phật giáo, khi chớm tuổi trưởng thành,
hai công chúa Từ Thục, Từ Huy xin vua cha được xuất gia tu hành, Lý Thánh Tông
cho hai công chúa đi tu tại chùa Hưng Long tự (còn gọi là chùa Nhót) thuộc làng
Đông Phù (nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tương truyền ban đầu hai công chúa về núi Trúc (Trúc Lĩnh),
làng Tương Trúc, Tự Khoát, Vẹt (Việt Yên) thuộc huyện Thanh Trì ngắm nhìn mải
mê cảnh vật nơi đây. Thấy giữa đồng bằng nổi lên một ngọn núi, rất nhiều trúc mọc
chen chúc, phía mặt tiền có thuỷ điều, bên cạnh lại có án tiền là gò (Đỉnh Yến),
bên hữu nhiều ngọn gò nổi lên đều chầu về núi Trúc. Hai công chúa đều nhận thấy
đúng là nơi linh địa, dân quanh vùng thì thuần hậu, bèn dựng am riêng trên đỉnh
núi Trúc tu tập.
Sau khi thị sát thấy dân chúng vẫn còn cảnh đói nghèo vì thiếu
ruộng canh tác, với tấm lòng từ bi, hai công chúa đã lấy vàng bạc mua ruộng đất
chia cấp cho dân.
Cảm thương nỗi khổ cực thiếu thốn của họ, hai công chúa còn
xin vua và được ban hơn nghìn mẫu ruộng đem chia hết cho dân 9 làng thuộc đất
Nam Phù, phía Nam huyện Thanh Trì ngày nay, cho dựng điền trang, dạy dân khai
khẩn ruộng đồng, đem giống mới về trồng cấy, dạy dân làm các loại bánh trôi,
bánh dày và một số nghề thủ công mây tre đan... Đời sau có câu rằng:
“Hai con gái, Thánh Tông hoàng đế.
Chị Từ Thục tuổi chỉ mười hai.
Em Từ Huy đóa hương nhài.
Ngại ngùng chỉ sợ đến vài năm sau
Lại lấy chồng, tuyến đầu biên giới.
Xa mẹ cha, ngại cả rừng xanh.
Thế nên xin được tu hành.
Vào chùa niệm phật để thành ni sư”...
Do tiếp tục kế sách giữ gìn phên dậu, bảo vệ bờ cõi bằng hôn
nhân mà các tiên vương đã đề ra, vua Lý Thánh Tông đã sắc triệu nhị công chúa Từ
Thục và Từ Huy về kinh để đi lấy chồng nơi biên cương.
Hai vị ni sư trăn trở suy nghĩ, không về thì mang tội bất hiếu
chống lệnh vua cha, mà về thì sự nghiệp tu hành dang dở, hơn nữa cả hai công
chúa đã một lòng hướng Phật, tu thiền định, hành Bồ Tát đạo, thấy được hạnh
nguyên viên mãn, cứu khổ, cứu nạn cho bao người. Nhị vị công chúa lần lữa thực
hiện chiếu chỉ của vua cha.
Vua Lý Thánh Tông thấy việc chậm trễ trong lúc nóng giận đã
ra lệnh đốt chùa, hai vị ni sư được các tín đồ phật tử và dân chúng rước về
làng Tự Khoát, trú trong am trên núi Trúc Lĩnh.
Là người mô đạo, một thời gian sau vua cảm nhận được sự hối
hận và hiểu được tâm ý của nhị vị công chúa. Vua không ép buộc mà để hai công
chúa tiếp tục tu hành, đồng thời ban chỉ dựng lại chùa Đông Phù, bởi thế chùa
còn có tên là chùa Đền, hiện trong chùa có lưu giữ một số dấu tích bị đốt cháy.
Chùa Đông Phù - Hưng Long Tự
Vua Lý Thánh Tông cũng xuất ngân khố dựng thêm chùa trên đỉnh
núi Trúc Lĩnh và đặt tên là Hưng Phúc Tự, vì thuộc làng Tự Khoát nên chùa còn
có tên là chùa Tự Khoát. Về chuyện này, người đời có câu ca lưu truyền như sau:
“Bởi có lệnh vua cha hối thúc
Phải lấy chồng châu mục Lạng Sơn
Còn đường nào tính thiệt hơn
Mối giường phên dậu bảo tồn quốc gia
Đã trù trừ vua cha nổi giận
Lý Thánh Tông hạ lệnh đốt chùa
Cho rằng dám trái lệnh vua
Dân làng Tự Khoát kịp vừa rước sư
Các tín đồ Đông Phù sang đón.
Hai vị về chỉnh đốn am thiền
Về sau chùa được xây lên
Nhà vua hối hận làm đền hơn xưa.
Hưng Phúc Tự vua vừa cho chữ
Tên Nam Trù lưu giữ vua ban
Cả chùa Đỉnh Trúc xây thêm
Vua tặng chín xã tổng tên Nam Phù
Chùa Tự Khoát kể từ dạo ấy
Nhị bồ tát đã thấy tình dân
Hội chùa lễ rước tôn thân
Ni sư triều Lý nhiều vần thơ dâng:
“Lý đại hà niên song đế nữ
Liên đài thử địa lưỡng thần tiên”.
Sau khi được vua Lý Thánh Tông cho phép tiếp tục tu hành, trải
qua mấy chục năm, hai vị ni sư chuyên tâm thực hành thiền định, viên mãn. Hai vị
dựng hai am thất dưới lòng đất bằng gỗ thông, tại cánh đồng hoa sen, nay thuộc
làng Tè, Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội rồi cùng hai thị giả là
Quỳnh Hoa và Quế Hoa xuống am đường nhập thất rồi di chúc cho dân trong vùng rằng:
“Sau bách nhật chúng tôi thu thần nhập diệt. Làng nào biết mà lấp cửa hang trước
thì làng ấy được tôn là trưởng am đời đời”.
Sau khi hai ni sư công chúa viên tịch, nhớ đến công đức của
hai bà, nhân dân tổng Nam Phù gồm 9 xã: Tự Khoát, Tự Trúc, Mỹ Liệt, Việt Yên,
Đông Trạch, Đông Phù, Đam Uyên, Thanh Phúc và Mỹ Á, cùng với dân làng Tè dựng thêm
chùa, xây đền đều tạc tượng, lập bài vị thờ phụng và hàng năm tổ chức lễ hội
long trọng để tưởng nhớ ân đức “Nhị vị Bồ Tát” vào các ngày 14, 15, 16 tháng Ba
âm lịch, Lễ hội được tổ chức khá quy mô thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và
dân khắp nơi tham dự.
Các triều đại đời sau sắc phong, suy tôn hai công chúa là Nhị
vị vương bà, Đại Thánh bao phong đại Bồ Tát hồng liên toa hạ, Thượng đẳng phúc
thần, Lý Liễu đoan trang công chúa.
Giai thoại về Lý Thánh Tông đốt chùa và ép hai nàng công
chúa Từ Thục, Từ Huy lấy chồng đủ nói lên triều đại nhà Lý, các công chúa đều gánh
trách nhiệm nặng nề, không được làm những điều như chuyện cổ: tuyển chọn kén
phò mã, ở kinh đô, sống cuộc sống vàng son của kinh thành.
Chính sách ràng buộc các tù trưởng vùng biên viễn bằng hôn
nhân được triều Lý thực hiện rất quyết liệt, bởi thế lịch sử nghìn năm sau đã
ghi nhận công đức vô lượng của các công chúa nhà Lý, đã quên thân mình vì dân,
vì nước.
Theo Pháp luật & Xã hội