Là một trong số ít xã có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, chính quyền và người dân Tân Kỳ (Tứ Kỳ) luôn tự hào, đồng lòng bảo vệ để các di tích này.
Các ban thờ tự tại chùa Nghi Khê thường xuyên được chăm sóc
Độc đáo
Xã Tân Kỳ có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là hai đình Quỳnh Gôi, Ngọc Lâm (thôn Ngọc Lâm), chùa Nghi Khê (thôn Nghi Khê).
Hai đình Ngọc Lâm và Quỳnh Gôi đều thờ Cao Sơn Đại vương, người có công
giúp Vua Hùng Duệ Vương đánh thắng giặc Thục, đem lại bình yên cho đất
nước. Tuy nhiên, mỗi đình lại có nét đặc trưng riêng.
Tương truyền, trong quá trình dẫn quân đánh giặc, Cao Sơn đã đến trại
Ngọc Lâm, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương dựng đồn. Nhân dân và
phụ lão trại Ngọc Lâm đã hành lễ, được Cao Sơn bằng lòng và chọn 10
thanh niên trai tráng vào đội quân. Sau khi Cao Sơn mất, vua vô cùng
tiếc, ban nhiều vàng bạc cử hành lễ, đồng thời ban chiếu cho các trang,
khu, châu, phường, trại nơi nào làm tôi con của Cao Sơn được lập miếu
phụng thờ.
Tại trại Ngọc Lâm, nhân dân đã lập 3 đình thờ Cao Vương, phong Cao Sơn
làm Thần hoàng làng, lập 3 đình thờ gồm: Quỳnh Gôi, Ngọc Lâm và Thượng
Lang. Theo lệ làng, lễ hội đình Quỳnh Gôi được tổ chức vào ngày 8.2 (âm
lịch), kỷ niệm ngày sinh của Thần hoàng làng; đình Ngọc Lâm tổ chức lễ
hội vào ngày 12.11 là ngày mất; đình Thượng Lang tổ chức lễ hội vào ngày
8.3, ngày thắng trận (hiện di tích không còn nên không tổ chức lễ hội).
Nhiều cổ vật được lưu giữ tại đình Ngọc Lâm
Ở đình Quỳnh Gôi, lễ hội được tổ chức
vào ngày sinh nên vui tươi, nhộn nhịp, có hát chèo, múa rối nước, đánh
vật, cờ người... Đoàn rước sắc, thần tượng đều mặc áo nẹp đỏ cổ viền
vàng, nét mặt vui tươi. Còn ở đình Ngọc Lâm, do lễ hội được tổ chức vào
ngày mất nên có nét buồn cung kính. Đoàn rước lặng lẽ, người rước mặc
quần trắng áo thâm, thắt lưng đỏ và đội mũ đen, mâm lễ chỉ có lễ chay,
không có lễ mặn.
Chùa Nghi Khê là nơi thờ Phật dòng Đại Thừa, thờ Thần hoàng làng là ông
Nguyễn Phúc Hộ, vị tướng thời tiền Lê có công đánh giặc Xiêm, trừ giặc
Tống.
Chùa Nghi Khê có kiến trúc nghệ thuật hiếm nơi nào có được. Ở đây còn
lưu giữ nhiều nét của nghệ thuật điêu khắc thời Lê với kiến trúc nội
công ngoại quốc. Trong chùa có nhiều bức đại tự lớn được bố trí cân đối,
mang ý nghĩa sâu sắc. 2 gian đầu hồi được nối thông với 2 dãy hành lang
tạo không gian khép kín. Hậu cung gồm 3 gian nối thông với gian trung
tâm, là nơi bày tượng Phật và các đồ tế tự của chùa. Phía hành lang bên
trái có ban thờ Mẫu, bên phải có ban thờ Quan âm Tống tử. Nhà tổ gồm 7
gian ở phía sau chùa...
Hệ thống tượng Phật, nét độc đáo trong chùa Nghi Khê
Giữ gìn
Ý thức được giá trị văn hóa, lịch sử to lớn tại các di tích, thời gian
qua, xã Tân Kỳ, người dân ở đây đã có nhiều biện pháp giữ gìn kiến trúc,
cảnh quan cũng như những giá trị tinh thần.
Chị Đỗ Thị Thu Hường, công chức văn hóa xã cho biết, các di tích này đều
đã được kiểm kê cổ vật và lắp đặt tủ hoặc giao cho một số cá nhân để
bảo quản, giữ gìn, tránh mối mọt, trộm cắp. Các di tích đều có camera
giám sát bên trong và bên ngoài, trang bị bình chữa cháy. Hằng tháng,
UBND xã tổ chức kiểm tra về công tác bảo quản, giữ gìn cổ vật, việc tổ
chức các hoạt động tại các đình chùa, hiện trạng các công trình... để có
biện pháp quản lý phù hợp.
Với nhiều nơi chỉ thực hiện các nghi lễ vào dịp lễ hội thì ở Tân Kỳ lại
khác. Vào ngày rằm, mùng một, những người trong Ban tế lễ mặc quần áo,
trang phục lễ hội thực hiện các nghi lễ, bài cúng phù hợp với từng
ngày.
Mâm cỗ cúng của gia đình có con trai mới sinh tại đình Ngọc Lâm. Ảnh: Đỗ Thị Thu Hường, công chức văn hóa xã Tân Kỳ
Mỗi người dân ở xã Tân Kỳ lại có những
đóng góp khác nhau vào việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích.
Ông Nguyễn Huy Mắn (ở thôn Ngọc Lâm) kể, khi đình Ngọc Lâm xuống cấp,
được sự đồng ý của các sở, ngành, nhân dân đồng thuận cải tạo lại đình.
Lúc này, kinh phí mới có hơn 100 triệu đồng, trong khi dự kiến cần
khoảng 800 triệu đồng. Tham gia trong Ban tuyên truyền, ông đã viết 5
bài phát trên hệ thống truyền thanh của xã, đồng thời đi đến các gia
đình là con em Ngọc Lâm đang sống tại một số tỉnh, thành phố lân cận
hoặc gọi điện thoại vận động đóng góp kinh phí. "Chỉ một thời gian ngắn,
chúng tôi đã vận động được hơn 1,3 tỷ đồng (cả hiện vật quy thành tiền)
và nhiều ngày công để tu sửa lại đình. Có những gia đình góp hàng chục
triệu đồng. Nhờ đó, công trình đã được tu sửa lại", ông Mắn nói.
Ở Tân Kỳ, nhiều nét đẹp truyền thống về văn hóa, tâm linh vẫn được giữ
gìn và phát triển. Chị Nguyễn Thị Nga (ở thôn Ngọc Lâm) cho biết sau khi
chị sinh con trai, vào dịp lễ hội gần nhất, chị đã cùng gia đình nhà
chồng sắm lễ ra đình thắp hương. "Theo tục lệ của làng, gia đình nào
sinh con trai phải đưa ra đình làm lễ thì mới được công nhận là con cháu
của làng. Mỗi gia đình tùy tâm mà chuẩn bị những mâm lễ khác nhau, song
đều phải có mía cạo vỏ sạch sẽ, bó gọn gàng, củ đậu, xôi...", chị Nga
cho biết.
Với sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn
những nét đẹp văn hóa, vẻ đẹp kiến trúc của các công trình cổ sẽ không
bị mất đi mà mãi mãi được giữ gìn và phát huy hơn nữa.
THANH HÀ