Xã Phương Tú có nhiều di tích về thời Đinh có giá trị lịch sử thờ phụng các vị tướng có công trong việc giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các xứ quân cát cứ góp phần xây dựng đất nước thống nhất.
1. Điều kiện tự nhiên
Xã Phương Tú gồm sáu thôn là Hậu Xá, Dương Khê, Nguyễn Xá, Động
Phí, Phí Trạch và Ngọc Động. Phía bắc giáp xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên); phía
nam giáp xã Tảo Dương Văn; phía đông giáp xã Trung Tú; phía tây giáp thị trấn
Vân Đình và xã Liên Bạt.
Phương Tú trải dài trên tỉnh lộ 428 nối quốc lộ 21B với quốc
lộ 1A, đầu xã lại có sông Nhuệ chảy qua. Lợi thế cận lộ, cận giang đó tạo điều
kiện thuận lợi cho xã về trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa. Và, trở thành vành
đai bảo vệ cho các cơ quan hành chính của huyện Ứng Hòa, là đường tiến, thoái
khi có chiến tranh xảy ra. Trên thực tế, trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phương Tú là nơi các cơ quan hành chính của huyện sơ
tán về.
Là xã có diện tích lớn nhất huyện 10,17 km2 và dân số 11.211
người (năm 2012). Do đó, Phương Tú có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế
nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.
2. Lịch sử hình thành
Vùng đất Phương Tú hiện nay đã sớm là nơi quần cư của người
Việt Cổ và trở thành một bộ phận của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Chiếc trống
đồng được phát hiện ở Phương Tú vẫn còn nguyên vẹn và được lưu giữ tại Bảo tàng
Việt Nam, được các nhà khảo cổ đặt tên là Trống Phương Tú (loại HI); hay, trong
thần tích các làng vẫn ghi lại những câu chuyện về cư dân các trang ấp ở Phương
Tú ngay từ thời Hùng Vương đã tham gia chống giặc ngoại xâm là minh chứng rõ
nét cho sự có mặt của người Việt cổ tại đây.
Dù vậy, ban đầu các thôn trong xã còn nằm trong các đơn vị
hành chính khác nhau, chưa có diện mạo như Phương Tú hôm nay. Trước cách mạng
tháng Tám, các thôn Hậu Xá, Dương Khê, Phí Trạch theo cấu trúc tổ chức “nhất xã
nhất thôn”, còn các thôn Nguyễn Xá, Động Phí, Ngọc Động theo cấu trúc “nhất xã
tam thôn”, gọi là xã Động Phí. Thôn Hậu Xá thuộc tổng Phương Đình, các thôn còn
lại thuộc tổng Đạo Tú, phủ Ứng Hòa. Sau cách mạng tháng Tám, vào đầu tháng
5-1948, do yêu cầu lập cụm chiến đấu liên hoàn, dưới sự chỉ đạo của Huyện Ủy, bốn
xã Hậu Xá, Dương Khê, Phí Trạch và Động Phí đã tiến hành hợp nhất thành xã
Phương Tú. Tên xã Phương Tú là ghép tên đầu và tên cuối của hai tổng cũ trước
đây là Phương Đình và Đạo Tú. Từ đó đến nay, cơ cấu tổ chức này ngày càng được
củng cố và phát triển.
3. Truyền thống văn
hóa
Là một vùng quê lâu đời, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ
trong cuộc sống lao động sản xuất và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân
Phương Tú đã đúc kết nên nhiều truyền thống quý báu. Trong đó, nổi bật là tinh
thần đoàn kết gắn bó chặt chẽ trong cuộc sống và truyền thống chống giặc ngoại
xâm.
Từ yêu cầu của đời sống nông nghiệp trồng lúa nước, phải tiến
hành những công việc đòi hỏi phải huy động sức lực và ý chí của cả cộng đồng,
tinh thần đoàn kết, gắn bó đã trở thành lẽ tự nhiên thấm đượm trong cuộc sống
hàng ngày của người dân Phương Tú.
Lễ hội tam thôn được ba thôn Động Phí, Ngọc Động, Nguyễn Xá
tổ chức chung cho thấy tinh thần đoàn kết từ lâu đời của nhân dân. Chính nhờ
truyền thống đoàn kết đó mà trải qua bao khó khăn thử thách cộng đồng dân cư ở
Phương Tú vẫn ngày một phát triển. Và, khi tiến hành hợp nhất từ nhiều xã khác
nhau nhưng không hề xảy ra xung đột hay chia rẽ.
Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm cũng là giá trị
xuyên suốt tiến trình lịch sử ở Phương Tú. Thần tích các làng vẫn còn ghi lại
những câu chuyện về nhân dân các làng xóm ở Phương Tú ngay từ thời Hùng Vương
đã tham gia chống giặc ngoại xâm.
Xã Phương Tú có nhiều di tích về thời Đinh có giá trị lịch sử
thờ phụng các vị tướng có công trong việc giúp vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các xứ
quân cát cứ góp phần xây dựng một quốc gia thống nhất.
Đình Động Phí ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội là nơi thờ Bạch
Tượng, vị tướng nhà Đinh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân. Thần tích, thần phả ở đình
làng Động Phí cho biết các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc có về đây thu nạp lực lượng
Bạch Tượng với 500 quân.
Đình Ngọc Động ở làng Ngọc Động xã Phương Tú, Ứng Hòa thờ Bạch
Địa, tướng nhà Đinh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân lập ra nhà nước Đại Cồ Việt
Đình Nguyễn Xá ở làng Nguyễn Xá, xã Phương Tú, Ứng Hòa thờ
Đô Đài, tướng nhà Đinh tham gia dẹp loạn 12 sứ quân lập ra nhà nước Đại Cồ Việt
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phương Tú là một
trong những đơn vị đầu tiên của Ứng Hòa có thanh niên tình nguyện tham gia các
đội “Quyết tử quân” ôm bom ba càng bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên Phương Tú lại lên đường
ra trận đánh đuổi quân xâm lược, cùng lúc Phương Tú là nơi tập kết kho hàng
quân nhu của tổng kho 212 Cục quân nhu để chi viện cho chiến trường miền Nam,
góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Những truyền thống tốt đẹp của xóm làng Phương Tú được đúc kết
qua hàng ngàn năm lịch sử đang được nhân dân tiếp tục phát huy trong công cuộc
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội làng Động Phí
Làng Động Phí thuộc xã Phương Tú, huyện Ứng Hoà, Tp Hà Nội.
Trước năm 1945, Động Phí là tên gọi một xã gồm ba thôn Động Phí, Nguyễn Xã, Ngọc
Động, thuộc tổng Đạo Tú huyện Ứng Hoà. Nay các thôn trên thuộc xã Phương Tú.Lễ
hội làng Động Phí là một lễ hội lớn trong vùng được tổ chức hàng năm vào 2 ngày
mồng 3 và mồng 4 tết với sự tham gia của hai thôn Nguyễn Xá và Ngọc Động.
Đình làng Động Phí, đình làng Ngọc Động và đình làng Nguyễn
Xá thờ 3 Thành hoàng là 2 anh em Bạch Tượng, Bạch Địa và người em con dì là Đô
Đài là những vị tướng phò tá vua Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Do Bạch Tượng
là cả nên hội làng Động Phí lớn nhất.
Chính hội làng Động Phí tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng,
tương truyền là ngày huy công Bạch Tượng xuất trận dẹp loạn. Tuy nhiên, hội
làng được tổ chức tưng bừng từ chiều mồng 3 tết. Hôm đó, làng tổ chức nghiềm
quân, biểu dương lực lượng tham gia rước Thành hoàng. Tất cả quân rước tụ tập
đông đủ ở sân trước nhà đại bái của đình Động Phí, dưới sự chỉ huy của ban
khánh tiết, đoàn rước theo trình tự lần lượt rước kiệu Thành hoàng từ đình ra đầu
làng, xuống cuối làng.
Hội đình nghiềm quân có đội cờ, đội rước bát bửu, đội nhạc
bát âm, đội múa sênh tiền 12 - 16 em gái, đội trống nữ, đội múa rồng phù giá kiệu.
Đáng chú ý hội rước làng Động Phí có bốn cỗ kiệu:
1. Kiệu Tam tự (1 đỉnh đồng và 2 cây nến bằng đồng).
2. Kiệu ngũ sự (1 đỉnh, 2 cây nến bằng đồng và 2 lọ lộc
bình).
3. Kiệu long đình đặt long ngài bài vị đức bản thổ.
4. Kiệu bát cống, 16 người khiêng trên kiệu đặt long ngai
bài vị huynh công Bạch Tượng đại vương.
Rước kiệu Thánh một vòng quanh làng thì hồi giá trở lại
đình, xếp các cỗ kiệu trước cửa nhà đại bái. Buổi tối các cụ tổ chức tế Thành
hoàng. Việc tế rất nghiêm cẩn. Tục xưa đến nay làng Động Phí nhất thiết phải sửa
một cỗ chay dâng lễ nhà Thánh.
Mâm cỗ chay gồm: 3 bát cơm, 3 bát chè, 3 bát canh đậu và 6
đĩa (đĩa cùi dừa, đĩa lạc, đĩa bí, đĩa vừng, đĩa giá đậu, đĩa đậu ván) cũng gọi
là tục cúng.
Sáng mồng 4 tết là ngày chính hội, dân làng Động Phí tề tựu
nghênh đón hai đoàn rước của làng Nguyễn Xá từ trên xuống, của làng Ngọc Động từ
dưới lên. Theo quy định nếu đám rước của làng Nguyễn Xá đến trước thì phải dừng
trước nghi môn đợi đám rước làng Ngọc Động tới và nhường kiệu Thánh Ngọc Động
vào trước vì Thành hoàng Ngọc Động là Tượng Địa đại vương thuộc thứ bậc hàng
trên của Thành hoàng làng Nguyễn Xá là Đô Đài đại vương.
Lúc này là thời điểm tưng bừng nhất của hội làng Động Phí.
Cuộc hội nhập đám rước của ba làng nghênh đón tiếp nhau. Các đội múa sư tử tự
do trình diễn, tiếng trống hội náo nhiệt phá vỡ trật tự nghiêm chỉnh của đám rước
kiệu, nhiều khi có cả kiệu quay, kiệu bay. Cờ xí bát bửu rợp trời. Múa sênh tiền,
múa trống.... bộc lộ tài năng đa dạng.
Đặc biệt trong hội trước đây còn cò trò cướp cầu, đến nay
thì không còn. Tương truyền cầu được làm từ của cây chuối hột đường kính 0.4m.
Lễ cướp cầu được tổ chức tại sân đình thôn Động Phí và 5 thôn lân cận trong 9
keo kéo dài 3 ngày, bên nào cướp được cầu cho vào hố của mình sẽ là người chiến
thắng.
Sau những màn trình diễn ngoạn mục các trò dân gian, các cỗ
kiệu Thánh được đón rước qua nghi môn vào đặt ngay ngắn ở trước cửa đình. Bấy
giờ các cụ ba thôn cùng vào thực hiện các nghi lễ tế cộng đồng. Cuộc tế kéo dài
nhiều tuần. Buổi trưa dân làng tổ chức ăn chay kết nghĩa với nhau. Cuối buổi
chiều dân làng Nguyễn Xá và Ngọc Động rước kiệu về. Các thôn tiếp tục nghi lễ tế
đêm hôm đó tại đình làng mình.
Hội làng Động Phí thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn,
tưởng niệm các vị anh hùng có công với đất nước, thắt chặt tình nghĩa giữa các
thôn cùng chung một tín ngưỡng, từ đó tăng cường sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong
cuộc sống và góp phần bảo lưu những giá trị văn hoá đặc sắc ở địa phương.