Khu di tích Lý Nam Đế gồm: Đền Mục, nơi thờ phụng đức Vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng - lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại của Vua và những địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần ngựa, đồi Cao Vương.
Khu di tích Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) được
quy hoạch tổng thể với diện tích 54ha nhằm phát huy giá trị lịch sử của các điểm
di tích gắn liền với cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của đức Vua, tạo điểm nhấn
trong văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng,
lợi thế của Khu di tích trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khu di tích Lý Nam Đế gồm: Đền Mục - di tích lịch sử tiêu biểu
thờ đức Vua Lý Nam Đế; chùa Hương Ấp - di tích lịch sử gắn với thời thơ ấu của
Lý Nam Đế; chùa Mãn Tăng - nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với
đức Vua. Ngoài ra, còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu
nước của vua Lý Nam Đế như: Cánh đồng Tráng, bãi Quần ngựa, đồi Cao Vương…
Với những giá trị lịch sử đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đã xếp hạng đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử cấp Quốc
gia; đến năm 2016, chùa Mãn Tăng cũng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp
tỉnh. Lâu nay, các điểm di tích là nơi sinh hoạt tâm linh, tin ngưỡng của người
dân trong vùng và du khách thập phương.
Trong Khu di tích Lý Nam Đế, Đền Mục có vị trí trung tâm và
là điểm di tích quan trọng giúp các nhà sử học có cơ sở nghiên cứu và khẳng định
quê hương gốc của vị vua này. Đồng thời đây cũng là nơi tôn vinh, ghi nhận công
lao của vị vua xưng đế đầu tiên của nước ta.
Trong giai đoạn kháng chiến Pháp, đền Mục bị tiêu thổ để phục
vụ kháng chiến. Đến năm 1963, đền Mục được phục hồi, tôn tạo lại.
Đền Mục hiện được dựng trên một quả đồi cao ráo, xung quanh
trồng cây xanh tỏa bóng mát. Ngôi đền có quy mô kiến trúc nhỏ, gọn, 3 gian tiền
đường và 2 gian hậu cung đều được xây tường gạch, trát vữa, mái lợp ngói vảy rồng.
Kiến trúc nhà tiền đường dài 7,5 m, rộng 6 m, hậu cung dài 4,5 m, rộng 4m. Tổng
diện tích sử dụng của ngôi đền chưa đến 100m2.
Đền Mục đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Năm 2014, cùng với Chùa Hương Ấp, Đền Mục được Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền được xây dựng
từ lâu đời, có quy mô nhỏ nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc truyền thống. Đền
hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: sắc phong, bát hương, cờ, bia đá… Thời
gian qua, mặc dù đã được quan tâm tu sửa, song hiện nay Đền đã xuống cấp khá
nghiêm trọng.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, cũng như đáp ứng
nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, năm 2016, UBND tỉnh
Thái Nguyên đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: “Tu bổ,
tôn tạo di tích Đền thờ Lý Nam Đế (Đền Mục)”, với diện tích đất quy hoạch
7.500m2 và tổng mức đầu tư là 60 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 48
tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Theo kế hoạch sau khi dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Mục
hoàn thành sẽ là cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch phối hợp
cùng chính quyền địa phương tiếp tục triển khai việc tôn tạo các điểm di tích
còn lại của Khu di tích Lý Nam Đế.
Qua đó, đưa khu di tích tương xứng với vị trí và tiềm năng sẵn
có, trở thành điểm nhấn trong quần thể du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh; đáp ứng
nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách, đặc biệt góp
phần quan trọng để giáo dục lịch sử, truyền thống cho các thế hệ người dân Việt
Nam.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, ngoài những giá trị
lịch sử thì Khu di tích Lý Nam Đế còn có những điều kiện thuận lợi, góp phần
thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Bởi, Khu di tích nằm cách
trung tâm T.X Phổ Yên 6km, T.P Thái Nguyên 20km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng
70km với hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ, kiên cố.
Chùa Hương Áp, nơi ghi dấu ấn thời niên thiếu của vua Lý Nam Đế
Ngoài ra, theo quy hoạch chung của thị xã, đền Mục nằm trong
khu đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc nút giao Yên Bình, chùa Hương Ấp và
chùa Mãn Tăng nằm trong khu nông nghiệp công nghệ cao… Cùng với đó, Khu di tích
còn kết nối thuận lợi với các điểm tham quan khác trên địa bàn xã Tiên Phong
cũng như các vùng lân cận (Khu di tích cách mạng ATK và quần thể di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh như: đình Thù Lâm; đình Giã Thù và chùa Di; hồ Đại Lải, Tam Đảo,
hồ Núi Cốc…) tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án phát triển công nghiệp,
dịch vụ du lịch.
Dù có những tiềm năng, lợi thế trên nhưng các điểm di tích lịch
sử trên có quy mô khá khiêm tốn, hiện đã xuống cấp, hệ thống công trình, hạ tầng
kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham
quan, tham dự ngày lễ tại Khu di tích.
Nhằm tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, Khu di
tích Lý Nam Đế đã được quy hoạch tổng thể với diện tích 54ha, được thực hiện
trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo quy hoạch, đền Mục được chọn là trung
tâm, điểm nhấn của Khu di tích với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là
chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng (mỗi điểm quy hoạch 5ha).
Các hạng mục trên sẽ được phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp
và xây mới với hình thức kiến trúc phù hợp trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng. Cụ
thể, đền Mục gồm: công trình di tích; sân lễ hội; tượng đài Lý Nam Đế; khu
trưng bày, triển lãm hội thảo; khu công viên lịch sử Vạn Xuân; khu vui chơi dân
gian và các công trình phụ trợ khác.
Chùa Hương Ấp gồm: Nhà thờ tam bảo, đền thờ Lý Nam Đế; khu dịch
vụ. Chùa Mãn Tăng được trùng tu, cải tạo gồm: Nhà thờ mẫu, nhà đón tiếp phật tử,
cổng tam quan, khu dịch vụ, bãi đỗ xe…
Việc lập Quy hoạch tổng thể Khu di tích Lý Nam Đế nhằm bảo tồn
các giá trị lịch sử - văn hóa và phát triển thành điểm du lịch tâm linh trọng
điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ
trẻ, tưởng nhớ công lao của Vua Lý Nam Đế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng
đất nước.