Zing - Khi đến Đà Nẵng, Hội An, du khách sẽ được tham quan nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp và khu phố cổ với những căn nhà hàng trăm năm tuổi.
Bà Nà: Thắng cảnh này nằm trên núi Chúa, ở độ cao 1.489 m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, thuộc địa phận xã Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng. Đầu thế kỷ XX, Bà Nà đã được quân đội Pháp phát hiện trong khi tìm kiếm khu nghỉ mát mới. Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ 18 độ C, nơi đây phù hợp cho du khách tận hưởng bầu không khí trong lành và ngắm cảnh quan từ trên cao xuống. Ngoài ra, đỉnh Bà Nà còn có khu làng Pháp với kiến trúc đậm chất phương Tây, bên trong có các trò chơi giải trí hấp dẫn. Năm 2006, hệ thống cáp treo lên Bà Nà bắt đầu được xây dựng, khi hoàn thành đã thu hút rất đông du khách đến đây. Ảnh: Quang Tuyên
Bên cạnh đó, các cây xanh, bồn hoa đủ màu sắc ở Bà Nà cũng là địa điểm được khách du lịch dừng chân để lưu lại những kỷ niệm đẹp. Trung tâm của đỉnh Bà Nà là khách sạn Morin được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, vườn hoa tình yêu Le Jardin d’Amour rộng 7 ha. Năm 2004, chùa Linh Ứng với tượng phật Đức Bổn Sư cao 27 m được hoàn thành tạo một điểm đến tâm linh cho du khách khi lên Bà Nà. Hiện nay, đỉnh cao nhất của Bà Na có Lĩnh Chúa Linh Từ, lầu chuông, miếu Bà, nhà bia, tháp Phong Linh là điểm đến mới được xây dựng. Ảnh: Quang Tuyên
Bán đảo Sơn Trà: Đây được xem là "lá phổi xanh" của thành phố Đà Nẵng. Địa điểm này thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Với diện tích 4.439 ha, bán đảo Sơn Trà có hệ động, thực vật phong phú và được bảo tồn nguyên vẹn. Cung đường dẫn lên Sơn Trà từ trung tâm thành phố uốn quanh bờ biển, ôm lấy rìa bán đảo này. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Khi đến bán đảo Sơn Trà, bạn sẽ được thăm tượng Phật Bà Quan Âm cao 67 m hướng ra biển. Ở đây có những đỉnh núi cao gần 700 m nên du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố từ xa và dải bờ biển uốn cong với cát trắng kéo dài. Khi đi theo đường ở phía Nam bán đảo, du khách sẽ được đến với đỉnh Bàn Cờ. Những cung đường quanh co, rợp bóng cây xanh với không khí trong lành của Sơn Trà luôn hấp dẫn bất cứ du khách nào thích phượt. Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé các bãi biển xung quanh Sơn Trà như bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Con, Tiên Sa, Đá Đen... Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.
Ngũ Hành Sơn: Danh thắng này nằm cách trung tâm Đà Nẵng 8 km về phía Đông Nam, gồm 6 ngọn núi đá vôi là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (2 ngọn) và Thổ Sơn. Du khách đến Ngũ Hành Sơn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của mây trời non nước, tìm hiểu các giá trị văn hóa tâm linh, lịch sử. Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.
Thủy Sơn là ngọn núi cao nhất với chiều cao 106 m, ở đây có nhiều chùa, động thu hút rất đông du khách tham quan. Thủy Sơn có chùa Linh Ứng, Tam Tâm, Tam Thai, Từ Tâm. Trong đó, Tam Thai là chùa cổ nhất có các di tích như vọng giang đài, vọng hải đài, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không... Nếu không leo bộ theo các bậc thang, bạn có thể chọn hệ thống thang máy cao 43 m đưa du khách lên núi. Sau khi tham quan Ngũ Hành Sơn, bạn nên đến thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước. Đây là nơi nổi tiếng với những sản phẩm được chế tác từ đá rất tinh xảo và đẹp mắt. Ảnh: Lê Hiếu - Mạnh Thắng.
Biển Mỹ Khê: Tháng 7/2013, biển Mỹ Khê được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Bãi biển này có chiều dài khoảng 900 m, sở hữu bãi cát phẳng, mức sóng phù hợp để tắm và chơi các môn thể thao trên biển. Ngoài ra, Mỹ Khê nằm không quá xa trung tâm, giao thông thuận tiện cho du khách đi lại. Ảnh: Quang Tuyên.
Nếu bạn đến Mỹ Khê vào ngày nắng đẹp, nước biển sẽ có màu xanh ngắt. Khi hoàng hôn buông xuống, cảnh biển yên tĩnh hơn phù hợp để nằm nghỉ ngơi, thư giãn. Với các gia đình có trẻ em cùng đi du lịch, phụ huynh có thể cho bé chơi các trò chơi trên bãi biển, làm lâu đài cát... Bãi biển Mỹ Khê có các bãi tắm gồm: bãi tắm Phạm Văn Đồng, bãi tắm T20 và bãi tắm 1,2,3 để du khách lựa chọn. Ảnh: Minh Hoàng - Đắc Đức.
Sông Hàn về đêm: Đà Nẵng không chỉ có những phong cảnh tự nhiên đẹp mà còn nổi tiếng với những cây cầu bắc qua sông Hàn. Khung cảnh của thành phố càng trở nên ấn tượng khi lên đèn. Du khách có thể mua vé đi du thuyền trên sông Hàn để ngắm các cây cầu được chiếu sáng nhiều màu sắc, gồm: cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Tiên Sơn... Mỗi chuyến đi du thuyền kéo dài một tiếng, du khách vừa được ngắm cảnh và tận hưởng làn gió mát trên sông, ghi lại được những bức ảnh đẹp của cảnh quan hai bên bờ. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, cầu Rồng sẽ phun lửa và nước thu hút sự chú ý của du khách. Ảnh: Quang Tuyên.
Đèo Hải Vân: Địa điểm này là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Du khách lên đèo Hải Vân sẽ được ngắm thiên nhiên rộng lớn với núi non trùng điệp, những rừng cây trải màu xanh bên cung đường uốn lượn. Từ đèo Hải Vân, bạn có thể ngắm nhìn thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa,... hoặc hướng mắt sang địa phận của Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên - Ngọc Minh.
Từ khi hầm đường bộ qua đèo Hải Vân được xây dựng, cung đường đèo này ít phương tiện giao thông qua lại hơn. Cho nên, nơi đây trở thành địa điểm hấp dẫn các phượt thủ thích trải nghiệm bằng xe máy. Bạn có thể đợi đến chiều tối để ngắm hoàng hôn trong nhiệt độ khoảng 20 độ C. Ảnh: Đoàn Nguyên - Ngọc Minh.
Phố cổ Hội An: Nằm cách Đà Nẵng 30 km, Hội An thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. Nơi đây từng là thương cảng hưng thịnh hồi thế kỷ XVII-XVIII. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khu phố cổ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn là điểm làm nên nét hấp dẫn với du khách. Những nếp nhà đã được xây dựng hàng trăm năm với tường sơn màu vàng, những con đường nhỏ hẹp sẽ đưa bạn lạc vào một không gian hoài cổ, tránh xa phố thị ồn ào. Ảnh: Alamy.
Phong cảnh phố cổ Hội An càng lung linh khi màn đêm buông xuống. Các căn nhà được thắp sáng bởi hàng ngàn chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đi tản bộ dưới những con đường nhộn nhịp và thưởng thức các món ăn dân dã của phố Hội. Đặc biệt, du khách có thể thả hoa đăng, đi thuyền trên sông Hoài để cảm nhận hết vẻ đẹp của đô thị cổ này. Ảnh: Ngọc Trường.
Chùa Cầu: Đây là địa điểm mà hầu hết du khách khí tới Hội An đều ghé thăm. Công trình này bắc qua một lạch nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, do các thương gia Nhật Bản đến đây buôn bán xây dựng vào thế kỷ 16. Chùa Cầu dài khoảng 18 m, trên mái lợp ngói âm dương, cửa chính của Chùa Cầu có biển với 3 chữ Hán, dịch ra là Lai Vãn Kiều. Hai đầu cầu đặt tượng chó và tượng khỉ đứng chầu. Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Hội An, hình ảnh công trình này xuất hiện ở mặt sau tờ tiền 20.000 đồng. Du khách có thể đứng trên cầu để tìm hiểu về lịch sử của nó, hoặc đứng bên thành cầu ngắm khung cảnh xung quanh và phố cổ ở bờ bên kia.
Nhà cổ: Khi đi dọc theo các con đường trong phố cổ, bạn đừng quên ghé thăm các căn nhà có tuổi đời ngót nghét hàng trăm năm. Chúng đã được xây dựng từ lâu, song vẫn được giữ gìn như nguyên bản và bảo tồn rất cẩn thận. Các nhà cổ ở đây thường rất dài, mặt tiền là nơi buôn bán, mặt sau là nơi ở và thông ra một con phố khác. Trong nhà có nhiều phòng để làm nơi kinh doanh, nơi xuất nhập hàng hóa hoặc nơi ở, gian bếp, phòng khách... Các góc trong nhà đều được trang trí bằng gỗ, chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo và điêu luyện kèm các bức hoành phi, câu đối. Ảnh: Chris Sammis.
Biển Cửa Đại: Nằm cách Hội An 5 km về phía Đông, biển Cửa Đại từng đứng trong danh sách 25 bãi biển đẹp nhất châu Á do trang du lịch Trip Advisor bình chọn. Bãi biển này có nước trong xanh, cát trắng, sóng nhỏ. Các resort cao cấp nằm cạnh bờ biển có phong cách kiến trúc theo kiểu truyền thống hòa nhịp với thiên nhiên. Vào buổi tối, nếu ngồi trên bờ biển Cửa Đại, bạn có thể nghe đâu đó vang lên câu hát bài chòi của cư dân địa phương. Ảnh: Wanderlust_natalie.
Quang Minh