Thoang thoảng trong gió xuân lất phất hạt mưa bụi, mùi hương của nhang trầm, bánh mứt, của cỏ hoa cây lá... làm lòng người thêm rộn ràng ngày Tết.
Những mùi hương ấy vừa nghe là biết Tết cổ truyền đang đến thật gần, để ai cũng thèm lắm cái Tết sum vầy bên gia đình bè bạn. Mùi hương của Tết Việt cũng chính là mùi hương của những giá trị văn hóa nghìn đời, mùi hương của tình người.
Hương của nhang trầm
Không phải đến Tết mọi người mới thắp hương, nhưng hương ngày Tết luôn có điểm rất đặc biệt, làm người ta vừa ngửi thấy đã nôn nao muốn về nhà. Phải chăng vì Tết, nhà nào cũng chọn loại hương trầm thơm nhất để cúng gia tiên? Vì Tết, đi đâu cũng thấy phảng phất mùi nhang từ đầu ngõ đến cuối phố? Chỉ cần hít hà mùi hương mẹ thắp chiều cuối năm, biết mình đã về đến nhà, lòng những người con tự nhiên bình yên hẳn.
|
Hương nhang lan tỏa. Ảnh: Nguyễn Trung Tín |
Hương của khói bếp bánh chưng, bánh tét
Sẽ không còn Tết nếu thiếu đi chiếc bánh chưng, bánh tét. Tết sẽ không còn tròn đầy nếu thiếu đi mùi khói hăng hắc tỏa ra từ bếp lửa trong những ngày giáp Tết. Trong cái se lạnh của ngày cuối năm, tiếng cười của các mẹ, các dì chăm chỉ gói bánh, tiếng râm ran của lũ trẻ lăng xăng thích phụ giúp gia đình trông coi nồi bánh chưng, bánh tét đang sôi sùng sục, vừa nghĩ thôi cũng đủ thấy ấm lòng.
Thế nên, mỗi lần nhìn thấy chiếc bánh chưng xanh xếp đầy trên cửa hàng hay nghe thấy hương khói lan ra từ trong xóm nhỏ, thêm một lần người Việt hạnh phúc với hương Tết quê nhà.
|
Bánh chưng bánh tét mang Tết về. Ảnh: Mỹ Thuận Huỳnh |
Hương của bánh mứt
Những ngày gần đến Tết, các gian hàng bày bán bánh kẹo và mứt lại nhộn nhịp hơn nhiều lần. Người ra vào nườm nượp, tiếng chuyện trò dường như chẳng ngớt và mùi thơm của bánh mứt cứ thế đưa thẳng vào mũi. Vậy là thấy Tết đã gần kề.
Dù chẳng đói nhưng hễ nghe mùi vị bánh Tết, mứt Tết là nhiều người lại thấy cồn cào, muốn nếm thử ngay để gật gù tán thưởng những món ăn ngon đậm Tết Việt. Ô mai thanh, mứt gừng cay, mứt dừa bắt mắt, kẹo bánh ngọt thơm đều như quyện vào nhau, vun đầy cho ngày Tết thêm ý nghĩa.
|
Bánh mứt - thức quà Tết không thể thiế. Ảnh: Tuan Luko |
Hương của mực tàu trên phố ông đồ
Cứ mỗi độ xuân về, Tết ‘lấp ló’ ngoài ngõ, người Việt lại thích xúng xính tà áo dài mới dạo phố ông đồ xin chữ. Dẫu phố ông đồ bây giờ không còn vẹn nguyên như thời xưa nhưng vẫn thu hút nhiều người ghé thăm, để mùi mực tàu giấy đỏ vẫn còn lưu giữ mãi.
Chỉ cần thấy dáng ông đồ trầm tĩnh bên bút nghiên, tay mài mực tàu thơm rồi cẩn thận viết từng nét chữ, ta đã thấy Tết đang ghé ngay trước cửa.
|
Hương Tết có mùi mực tàu thoang thoảng. Ảnh: Hoàng Linh |
Hương của hoa cỏ mùa xuân
Tết đến, nhà nào cũng trưng vài chậu hoa ngoài sân và dăm bình trong nhà để ‘chơi Tết’. Không chỉ đào hồng ngoài Bắc hay mai vàng miền Nam, bức tranh hoa cỏ mùa xuân còn có hoa ly, cúc đại đóa, lay ơn, hồng đủ màu...
|
Hương sắc những màu hoa ngày Tết. Ảnh: Hau Nguyen |
Cứ lang thang qua chợ những ngày cuối năm là thấy ngay hương Tết nồng nàn đang lan tỏa từ hương sắc của các loài hoa. Tết hữu ý vun vén cho những màu hoa thêm đẹp, cho hương thêm thơm, cho lòng người thêm hạnh phúc.
Zing